Có thể chị Dương Thị Xuân Quý hy sinh vì “thiếu kinh nghiệm chiến trường”. Nhưng nếu chị cứ ở mãi trên căn cứ để nuôi gà như ai đó thì biết đến bao giờ mới có “kinh nghiệm” đây? Chị lại viết văn xuôi, chứ không phải làm thơ để “không cần đi thực tế” mà vẫn làm được (?). Riêng chuyện làm thơ mà không cần xuống chiến trường thì tôi có thể đính chính, vì tôi là người làm thơ và cũng đã từng xuống những “vùng sâu, rất sâu” ở chiến trường Nam bộ, may mà không chết…
Nhà văn Dương Thị Xuân Quý hy sinh đúng ngày 8 tháng 3 năm 1969.
Tôi đã đọc Nhật ký Đặng Thùy Trâm. Bây giờ là Nhật ký Dương Thị Xuân Quý. Một người là bác sĩ, một người là nhà văn. Họ đều ra đi từ Hà Nội, đều chiến đấu ở chiến trường khu Năm, đều ngã xuống vào năm 28 tuổi. Chỉ có khác, khi hy sinh, chị Trâm vẫn chưa lập gia đình, còn chị Quý đã là người mẹ:
“Lòng tôi chợt quặn đau
Mắt tôi mờ bóng khói
Ngoảnh nhìn về phía sau
Con vẫn như đang gọi”
(thơ chị Quý Bài thơ tặng con)
Cả chị Trâm và chị Quý, khi vượt Trường Sơn vào chiến trường họ đều ra đi với quyết tâm cao nhất, với khát vọng đẹp nhất. Nhưng chị Quý ra đi với nỗi đau thầm lặng của một người mẹ mà chị chỉ biết thổ lộ qua những trang nhật ký. Bởi có quá ít người mẹ phải đi chiến trường trong hoàn cảnh như chị Quý: chồng đã đi chiến trường trước mình, con thì còn quá bé dại, phải gửi nhờ bà ngoại nuôi nấng.
Cái gì đã thôi thúc chị Quý ra đi trong hoàn cảnh ấy? Đó chính là một khát vọng lớn về văn học. Không thể viết về chiến tranh nếu chưa thực sự nếm trải chiến tranh. Mà với đất nước ta những năm tháng ấy, hiện thực lớn nhất là chiến tranh, số phận lớn nhất là chiến tranh. Chiến trường không chỉ thử thách, mà còn là nơi đào luyện những văn tài. Là một nhà văn trẻ, chị Quý khao khát viết những trang văn có sức nặng thực sự về nhân dân mình, đất nước mình. Có 7 năm là phóng viên báo Phụ Nữ, chị Quý đã có không ít bài báo, những truyện ngắn và bút ký được dư luận chú ý, trong đó có những tác phẩm viết từ tuyến lửa khu Bốn. Nhưng với chị, như thế vẫn là chưa đủ. Chị khao khát đi chiến trường, để thực sự tắm mình vào cuộc chiến đấu, để mỗi tác phẩm mình viết sẽ là mỗi thôi thúc từ nội tâm, mỗi từng trải, mỗi trang trải cùng nhân dân và đồng đội ở tại những nơi ác liệt nhất của cuộc chiến. Mang một lời nguyện thề trong lặng lẽ với con, với chồng, với chính mình, chị Quý đã lên đường vào chiến trường.
Có thể nói, nếu nhật ký của chị Trâm cho ta hình dung về cuộc chiến đấu mà chiến trường không chỉ trên địa bàn Đức Phổ (Quảng Ngãi) mà còn trong nội tâm một nữ trí thức trẻ giàu xúc cảm đầy nghị lực nhưng cũng có những phút rất yếu đuối như mọi người phụ nữ bình thường khác, thì nhật ký chị Quý lại cho ta thấy những giằng xé trong tâm hồn giữa một người mẹ và một nhà văn nhiều khi khốc liệt như thế nào. Dù là một phụ nữ, một nhà văn cực kỳ kiên nghị, nhưng chị Quý còn là một người mẹ trẻ vô cùng thương con phải rời bỏ đứa con chưa đầy 2 năm tuổi của mình: “Ôi thương Ly vô hạn. Cứ nghĩ vậy là mình lại khóc. Khổ thân con quá. Đời con có cái mốc thật kỳ lạ. Đẻ ra vừa biết cười là bom đạn. Vừa biết cười lên tiếng là xa bố, vừa nhú răng là sơ tán. Vừa biết gọi mẹ là xa mẹ và vừa biết nói hai tiếng thì nói “Đi Nam” (trích Nhật ký ngày 15.12.1968). Những đoạn viết về con trong Nhật ký đọc lên thật khó ai cầm lòng. Đau ruột lắm! Nó như một theme nhạc nhấn đi nhấn lại day dứt suốt quyển nhật ký này.
Những hy sinh của cả gia đình chị Quý, từ vợ chồng chị tới bé Ly là khó nói hết. Đó là một gia đình văn học đầy số phận mà mỗi thành viên đều có thể là nhân vật của tiểu thuyết. Như tình cờ mà tôi chú ý tới chi tiết này trong Nhật ký: “Bếp đặt dưới một tảng đá nghiêng để tránh mưa. Trạm cho mỗi chị hai thanh củi to. Lấy dao găm chẻ ra. Mình phải đốt cả một cuốn Hòa Vang của Nguyễn Khải mới dóm được bếp vì củi tươi quá”. Tôi không muốn bình luận gì thêm về chi tiết này, chỉ thầm nghĩ: phải chăng, vì không muốn tác phẩm của mình có số phận “nhẹ nhàng” như thế mà chị Quý đã tình nguyện đi chiến trường, tình nguyện biến chính cuộc đời mình thành ngọn lửa.
Những ai từng sống ở chiến trường đều hiểu lời khuyên của một nhà văn có nhiều năm kinh nghiệm chiến trường như Nguyên Ngọc: “Được đi đồng bằng chuyến đầu, chị Quý lao xuống vùng sâu, rất sâu. Kinh nghiệm cho tôi biết những anh em mới vào chiến trường dễ hy sinh, và thường hy sinh ngay trên đường đi khi chưa kịp tới điểm công tác”. Nhưng chị Quý lại khác, với một “nhà thơ lãnh đạo” ở Văn nghệ khu hồi đó mà chị đã kịch liệt phê phán: “Chỉ có chuyện ông L bảo (với mình) là làm thơ không cần đi thực tế thì hơi tiếc. Bữa trước mình nói với ông Điểu (Phan Huỳnh Điểu) và Thảo (Cao Duy Thảo). Ông Điểu đưa ra chi bộ bảo là không biết ai nói. Ông L chối. Hôm qua Thảo nêu ra. Mình đành phải vạch thẳng. Đại hội chi bộ kỳ này sẽ nêu lại vì nó sai cơ bản về quan điểm, nhất là ông L vốn có dư luận là sợ ác liệt, ngại đi thực tế. Thế nào ông L cũng căm mình lắm”.
Có thể chị Dương Thị Xuân Quý hy sinh vì “thiếu kinh nghiệm chiến trường”. Nhưng nếu chị cứ ở mãi trên căn cứ để nuôi gà như ai đó thì biết đến bao giờ mới có “kinh nghiệm” đây? Chị lại viết văn xuôi, chứ không phải làm thơ để “không cần đi thực tế” mà vẫn làm được (?). Riêng chuyện làm thơ mà không cần xuống chiến trường thì tôi có thể đính chính, vì tôi là người làm thơ và cũng đã từng xuống những “vùng sâu, rất sâu” ở chiến trường Nam bộ, may mà không chết. Thực ra thì làm thơ lại cần áp sát chiến trường hơn cả viết văn xuôi cơ đấy! Để lấy “không khí”, nhiều khi nhà thơ rất cần xáp vô những nơi ác liệt nhất. Tôi đã đọc nhiều trang Nhật ký của chị Quý như đọc những trang thơ, những trang thơ – văn xuôi. Biết đâu, nếu còn sống và khi đã trải qua những ác liệt nhất ở chiến trường, chị Quý chẳng lại làm thơ? Và không chừng, thơ chị lúc đó còn hay hơn cả thơ của chồng chị?
Có một chi tiết về nhà văn này mà tôi rất thương, rất chia sẻ: chị Quý rất thích bói Kiều. “Còn tao, Nhàn ạ, hôm nọ tao bói Kiều cho tao gặp đoạn này: “Vì ai ngăn đón gió đông/ Thiệt lòng khi ở, đau lòng khi đi/ Trùng phùng, dù họa, có khi/Thân này thôi thế còn gì mà mong/ Đã sinh ra số long đong/ Còn mong lấy kiếp má hồng được sao”… Tao viết thư cho ông Quốc ở Quảng Đà, ông ấy cáu và cấm tao không được lẩn thẩn bói Kiều nữa. Buồn cười” (trích thư chị Quý gửi Phan Thị Thanh Nhàn). Tôi không hiểu anh Bùi Minh Quốc nghĩ thế nào, chứ đoạn thơ Kiều này theo tôi, đã tiên đoán hoàn toàn chính xác cả tiền vận và hậu vận của chị Quý. Tôi không muốn nói thêm gì, vì phần đời sau khi chị Quý hy sinh, mọi người đều đã biết.
Nhớ năm trước, trong một Hội đồng chuyên ngành xét giải thưởng, khi tên chị Quý được nêu lên, có thành viên là “nhà nghiên cứu lý luận” hoành tráng đã nói: chị Quý là liệt sĩ, đúng rồi, nhưng tác phẩm chị ấy còn mỏng (?!). Tôi không hiểu ở đây người ta tính “mỏng, dày” theo kiểu nào, nhưng với tôi, mỗi dòng Nhật ký của nhà văn – liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý nặng tựa Thái Sơn. Bởi nó đã chạm tới nỗi đau, tới chiều sâu thẳm của số phận con người trong chiến tranh. Kẻ thù đã chặn đứng những dòng chữ sắp viết của chị. Bây giờ, đừng dùng những kiểu đo đếm thô lậu để xét những dòng chữ còn lại của chị Quý. Xin cho bình an vĩnh cửu trên linh hồn chị!
Vâng, chị Dương Thị Xuân Quý đã hy sinh đúng ngày 8 tháng 3 – ngày Phụ nữ toàn thế giới. Có một nhà văn nữ Việt Nam đã hy sinh đúng vào ngày Quốc tế Phụ nữ ấy. Hy sinh cho đất nước. Và hy sinh để thể hiện khí phách của người phụ nữ Việt Nam.
THANH THẢO
Theo nguồn: https://vanvn.vn/nha-van-duong-thi-xuan-quy-chi-hy-sinh-dung-ngay-8-thang-3/