Nhà văn, dịch giả Ông Văn Tùng: Lão khờ

Mặc dù tự nhận mình như vậy nhưng nhà văn, dịch giả Ông Văn Tùng  không hẳn vậy. Bên ngoài, ông có nhiều nét ngơ ngác nghệ sĩ; còn bên trong, ông là một người uyên thâm, sâu sắc. Tất cả được bộc lộ qua con người ông, quá trình sáng tác và dịch thuật lâu dài, bền bỉ của ông. Cho nên, không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ Trương Trung Phát – một người từng trải, hiểu biết, đã trên 70 tuổi, luôn coi Ông Văn Tùng là thầy và luôn thường trực trong lòng ý nghĩ: Tôi học ở thầy Tùng cái “nghĩa ở chữ”.

Nhà văn, dịch giả Ông Văn Tùng

Trước 1954, Ông Văn Tùng là học sinh của Trường cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng. Đến năm 1954, ông là lưu học sinh của Khu học xá Quảng Tây (Trung Quốc), cùng thời với các tên tuổi Phan Văn Các, Lương Duy Thứ, Nguyễn Khắc Phi…Khu học xá này do cụ Võ Thuần Nho (em cụ Võ Nguyên Giáp) đảm nhiệm vai trò giám đốc. Đầu những năm 60, Ông Văn Tùng được cử đi học ở khoa văn Đại học Sư phạm.

Ông bảo: “Hồi ấy, vì Sư phạm và Tổng hợp “bất phân” nên sinh viên của hai trường này đều học chung với nhau cả. Khi ra trường, tôi trở thành giáo viên cấp 3 trôi dạt ở nhiều địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Hà Tây…

Nói theo cách nói thời bao cấp, tôi là người trong biên chế từ rất sớm, nếu nhìn về tương lai là rất “chắc chân” và “yên tâm công tác lâu dài”. Mà một khi “có biên chế” tức là có nghề nghiệp, thu nhập ổn định, có chế độ tem phiếu và là mong ước của nhiều người thời bấy giờ. Nhưng phiền muộn và rắc rối là ở chỗ: Vào thời điểm ấy, tôi rất yêu văn chương, quan tâm đến văn chương, đã bắt đầu có máu sáng tác trong người và bắt đầu cầm bút viết văn.

Cũng chính vì nguyên do này mà tôi thấy rất chán sự gò bó của khuôn phép, của sự trường quy và chán nghề  gõ đầu trẻ. Có một ngày, tôi đi đến một quyết định rất nhanh và dứt khoát: Bỏ nghề, bỏ nhiệm sở, ra Hà Nội, chấp nhận một cuộc sống khác và tìm cách thay đổi cuộc đời theo sở thích và sự lựa chọn cá nhân”.

Khi tôi bảo: “Vậy, ông là người yêu tự do rồi, lại yêu tự do từ rất sớm” thì Ông Văn Tùng bổ sung thêm: “Và phiêu lưu nữa chứ. Mà người yêu tự do nào lại không có máu phiêu lưu? Ban đầu, khi mới ra Hà Nội, tôi cũng hoang mang lắm. Thứ nhất, không biết hành nghề gì để tồn tại. Thứ hai, không có ai để nương tựa.

Thứ ba, không có một chỗ ở ổn định để “chui ra chui vào”. Tóm lại là về đại thể: Tôi không có chỗ để bám vào. Mặc dù không có ai “đưa đường chỉ lối” nhưng cũng rất tự nhiên thôi, tôi chọn nghề bán sách và cho thuê sách để mưu sinh. Theo tôi, nghề này tuy là nghề vất vả, nghề nhặt từng đồng và cứ ráo mồ hôi là hết tiền luôn, nhưng cũng không cần lưng vốn nhiều và cũng không phải tính toán gì nhiều”.

Ông bảo: “Giang sơn có thể thay đổi nhưng bản tính thì khó dời lắm, như trúc có thể đốt cháy nhưng không bẻ cong được cái dóng thẳng của nó, ngọc có thể đập vỡ nhưng không thể thay đổi được cái sắc trắng của nó”.

Khi chưa đâu vào đâu, Ông Văn Tùng đã sớm phải trả giá đau đớn: Vợ ông ly dị ông vì không thể chịu nổi cuộc sống bấp bênh của một người chồng mà theo bà là khó hiểu và kỳ quặc. Bản thân bà cho rằng: “Đang yên đang lành, đường phong quang không đi, lại “đốc chứng” chui vào bụi rậm như thế bao giờ! Thật chẳng có ai như ông ấy!”.

Nhưng rồi, như được bù lại sau một sự mất mát to lớn ấy, Ông Văn Tùng được một người mê sách cho ở nhờ, cho dù chỗ tá túc tạm thời chỉ là một túp lều nhỏ dựng tạm trên một mảnh đất còn khá ư là hoang vu bên đê La Thành. Ông nói: “Đời sống còn tạm bợ, lại đang ở cảnh “gà trống nuôi con”, có người thương mình như thế, ra tay cứu vớt mình như thế, cũng là hiếm hoi, may mắn lắm rồi!

Để có một chỗ tạm gọi là “an cư”, sau đó, tôi đổi cho  “ân nhân” của mình một cái phích và một cái bếp dầu lấy 100m2 đất dựng nhà tạm. Tôi có một mảnh đất để cắm dùi từ đấy. Cuộc đời có lắm khi cũng như người ra trận, đánh trận ấy chứ. Có khi bị “đặt vào nơi đất chết” mà  lại “sống”.

***

Chấp nhận sống cuộc đời tuy vất vả nhưng tự do, Ông Văn Tùng lao vào viết văn, dịch sách như một sự thôi thúc tự thân và như để làm thỏa cái mong ước lẫn sự lựa chọn của mình từ rất sớm.

Ông viết tiểu thuyết, viết truyện ngắn, dịch, biên soạn sách và có lúc, nổi hứng lên viết cả tản văn, phê bình, khảo cứu với số lượng rất đáng kể và lần lượt cho xuất bản đều đều. Đó là các tiểu thuyết: “Khát vọng đau đớn”, “Pháp trường trắng”, “Biệt thự phù du”, “Gót đỏ quyền lực”, “Những kẻ lắm tiền”, “Cuộc tìm kiếm vô vọng”… Đó là các tập truyện ngắn: “Tiếng chim kêu lúc nửa đêm”, “Bóng sao“… Đó là cuốn sách biên soạn: “Từ điển thành ngữ Hán – Việt”. Đó là các tiểu thuyết dịch, sách dịch: “Thiên vọng”, “Khổng Tử truyện”, “Hoàng cực kinh thế”, “Mai Hoa dịch số”.

Nhà văn Ông Văn Tùng
Nhà văn, dịch giả Ông Văn Tùng

Trong số này có nhiều cuốn được tái bản nhiều lần. Có lần, ông còn ghé sang thi ca và dịch thơ của nhà thơ, nhà soạn kịch, nhà sử học Trung Quốc Quách Mạt Nhược. Ông bảo: “Ở mảng viết, tôi thường chọn những đề tài hóc búa. Tôi chỉ quan tâm đến nỗi đau của con người, thân phận của con người qua các thời kỳ. Còn ở mảng dịch, tôi thường thích “húc đầu” vào những cuốn sách như “húc đầu” vào những bức tường để tạo ra thử thách cho mình”.

Ông bảo: “Trong “Trước tác đẳng thân”, Khổng Tử dạy: “Quân tử hòa nhi bất đồng/ Tiểu nhân đồng nhi bất hòa”, phàm là người làm văn chương cũng nên có quan niệm như vậy. Thêm nữa, một khi đã là kẻ sĩ rất cần gìn giữ phẩm giá và nên đề cao tính tư tưởng. Một khi tác phẩm không có tư tưởng thì cũng giống như ta đang xây một ngôi nhà trên một nền móng yếu hoặc xây một ngôi nhà trên cát vậy. Và hơn ai hết, kẻ sĩ rất thích được đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”.

Ông Văn Tùng là người tâm huyết với văn chương, luôn đề cao văn chương. Ông cho rằng, văn chương có khi chính là sự vượt thoát văn chương. Ông chống lại cái sự viết “quá nghề” trong văn chương. Ông thích những giá trị tinh thần tuyệt đối của văn chương.

Bởi vậy mà ông có suy nghĩ về nhà văn thật sâu sắc, thấm thía và khác người: “Được viết, viết hết tâm can của mình, đối với tôi, không có hạnh phúc nào lớn hơn. Văn chương là nỗi khát vọng triền miên, là tình yêu độc tôn và cao cả, là hoàn toàn cho đi. Vì vậy trong sáng tạo văn chương, những cái gọi là thao tác cần thiết như sắp đặt, bố cục, xảo thuật… rất dễ đánh mất văn chương. Khi không còn ý thức là văn chương mới là văn chương vậy”.

Nhiều năm gắn bó với nghề, chữ nghĩa đã không phụ ông. Từ năm 1991 đến 1995, tâm sức của ông đã được đánh giá bằng những thành quả cụ thể: Giải B văn học dịch Hội Nhà văn, Giải B cuộc thi sáng tác văn học trẻ do NXB Thanh niên và Hội Nhà văn phối hợp tổ chức, Giải 3 cuộc thi Cúp Tú Lệ của Đài phát thanh Bắc Kinh… Riêng ở thể loại nhàn đàm, ông đã có lần được Báo Văn nghệ trao tặng thưởng trong năm.

***

Một chiều cách nay không lâu, theo chân nhà thơ Trương Trung Phát, tôi đã đến thăm ông theo lối đi tắt. Từ phố Khâm Thiên, hết rẽ ngang rẽ dọc, cuối cùng tôi cũng đến được nhà ông.

Ông tâm sự: ” So với ngày tôi mới đến đây, mọi sự đã thay đổi một trời một vực rồi. Ở đây nhiều năm, tôi biết mà! Nhà tôi giờ đã kiên cố, không còn tạm bợ như thuở nào nữa. Các con tôi đều đã phương trưởng. Tôi vấn tiếp tục “mai danh ẩn tích” theo kiểu của mình và vẫn tiếp tục nghiền ngẫm cái sự “học làm người” như hồi tôi còn ít tuổi. Tôi sinh năm 1936, tuổi Bính Ngọ, 81 – 82 tuổi rồi còn gì. Nhiều năm rồi, tôi vẫn kiên nhẫn như thế! Thỉnh thoảng vẫn có người ghé thăm tôi và thỉnh thoảng vẫn có người của nhà xuất bản gửi sách tái bản và nhuận bút cho tôi đấy. Tôi coi đây là niềm vui và hạnh phúc của tuổi già”.

Nhà văn Đặng Huy Giang (Tác giả bài viết)

Có một chuyện mà không nhà văn nào đi dự Đại hội đại biểu nhà văn nhiệm kỳ 2015 – 2020 không biết. Thậm chí có nhiều người còn giật mình nghĩ: Đã có “sự cố”, có khi là “sự cố nghiêm trọng” xảy ra. Có người nghĩ đã đến lúc phải gọi bộ phận cấp cứu nhập cuộc. Ấy là việc mọi người gần như cùng lúc, cùng hướng về một hàng ghế, nơi có một người “tuổi cao, tóc bạc…” bỗng dưng lăn đùng ra…ghế.

Rồi sự băn khoăn, lo lắng ấy của nhiều người cũng tiêu tan nhanh chóng. Nhiều người thở phào nhẹ nhõm khi hay: Chẳng qua là vì mệt nên người ấy mới chuyển từ tư thế ngồi sang tư thế nằm. Người ấy là nhà văn, dịch giả Ông Văn Tùng.

Khi chuyện đã trở về trạng thái bình thường, “Lão khờ” Ông Văn Tùng mới nói thật hồn nhiên với vẻ mặt ngơ ngác đáng yêu: “Có gì đâu! Chẳng qua là tại tôi mệt thôi mà! Xin lỗi! Rất thành thật xin lỗi! Cảm ơn mọi người đã quan tâm!”.

ĐẶNG HUY GIANG

Theo nguồn: https://vanvn.vn/nha-van-dich-gia-ong-van-tung-lao-kho/