Nhà văn Đào Thắng trong tôi

Nhà văn Đào Thắng sinh năm 1946 tại Bình Lục, Hà Nam. Từng là lính pháo binh ở tuyến lửa khu Bốn, mặt trận đường 9, Quảng Trị, hiện ông là Trưởng ban Văn học chuyên đề Hội Nhà văn Việt Nam.

Nhà văn Đào Thắng có các tác phẩm chính: “Điểm cao thành phố” (tiểu thuyết, 1982), “Nước mắt” (tiểu thuyết, 1991); “Dòng sông mía” (tiểu thuyết, 2004), “Huyền thoại Truông Bồn” (tiểu thuyết, 2018) và nhiều tác phẩm khác.

Ông từng đoạt Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2017.

Tôi quen nhà văn Đào Thắng hơi muộn, nhưng tên tuổi ông thì tôi đã biết từ lâu. Ấn tượng nhất về ông là khi tôi đang làm mỏ ở Tuyên Quang, nghe nhà văn Trịnh Thanh Phong, tác giả tiểu thuyết nổi tiếng “Ma Làng” hay kể cho tôi nghe những kỷ niệm về Đào Thắng. Lúc bấy giờ Đào Thắng đang làm Chánh Văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam; ông là con rể nhà văn nổi tiếng Nguyễn Đình Thi.

Nhà văn Đào Thắng và nhà thơ Lê Tuấn Lộc trên Nông trường Chè Mộc Châu năm 2013

Thế rồi duyên số làm sao, khi thành lập Ban Văn học chuyên đề, tôi về làm việc cùng nhà văn Đào Thắng. Tôi hay kể chuyện về người đẹp Tuyên Quang làm Đào Thắng cũng lây cái tình yêu của tôi với xứ Tuyên. Rồi chúng tôi thân nhau lúc nào không hay, đi đâu Đào Thắng cũng hay kéo tôi đi. Đi các trại, ông hay cử tôi làm Phó đoàn thường trực cho ông.

Nhà văn Đào Thắng chênh tuổi tôi không nhiều nhưng sự dày dặn về văn chương của ông làm tôi rất nể trọng. Văn chương là một nhẽ nhưng nhân cách của Đào Thắng là thứ làm cho tôi và nhiều bạn bè yêu quý ông. Cuộc đời của Đào Thắng, tôi không dám đánh giá hết được, nhưng tôi cảm nhận Đào Thắng có những đức tính của một người cán bộ, một người bạn văn mà tôi mến phục.

Đào Thắng không có nhiều tiểu thuyết nhưng những cuốn ông viết đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn đọc.

Ấn tượng nhất trong tôi có lẽ là tiểu thuyết “Dòng sông Mía”, cuốn tiểu thuyết đầy chất hồi tưởng và kỷ niệm quê nhà non nước Hà Nam. Ông viết về quê ông mà như viết về quê tôi vậy. Quê tôi có dòng sông, có những con thuyền và có những lò kéo mật, những mùa đông giá lạnh. Tiếng trục kẽo kẹt, tiếng trâu thở phì phò đêm đông giáp Tết cũng chính là tuổi thơ của tôi ở Xứ Thanh xa xưa. Tôi thấy lại ông nội tôi, những năm tuổi thơ, tôi được đi chặt mía kéo mật với ông nội. Tôi thích chặt mía và ngủ cả đêm mùa đông với ông nội tôi ở lò kéo mật.

Trưa hè, lũ trẻ kéo nhau ra sông tắm, thi nhau lặn xuống nước sâu để nhìn trộm con gái tắm. Thế nhưng, nước sông mùa lũ đục ngầu. Tôi ngoi đầu lên làm bọn con gái sợ quá hét ầm cả mặt nước và chúng nó té nước lên mặt tôi, làm tôi tối mặt tối mũi. Về nhà, mắt tôi đỏ ngầu, bị mẹ ra roi đánh cho một trận. Bây giờ nghĩ lại, xấu hổ quá. Đào Thắng nói hộ tôi những năm tháng tuổi thơ của tôi đã đi về đâu…

Nhà thơ Anh Chi, cùng học khóa 1 Trường Viết văn Nguyễn Du với Đào Thắng có lần nói với tôi: “Những nhà văn mặc áo lính mà viết về nhân dân rất hay, trong đó có Đào Thắng. Tác phẩm tiêu biểu nhất của ông viết về nhân dân là “Dòng sông Mía””.

Nguyễn Du từng viết: “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”. Câu ấy ứng vào Đào Thắng. Lúc sinh thời, thi thoảng ngồi với tôi, nhà thơ Lê Đình Cánh vẫn hay bảo: “Lê Tuấn Lộc và Đào Thắng làm được nhiều việc mà không biết quảng bá mình. Ban Văn học Chuyên đề xứng đáng được tặng bằng khen của Hội Nhà văn, Đào Thắng phải được Chiến sĩ Thi đua toàn quốc”.

Lần khác gặp tôi, chuyện trò loanh quanh mãi, khi chia tay, Lê Đình Cánh lại bảo tôi: “Các ông phải đề nghị với nhà thơ Hữu Thỉnh đi, tặng Bằng khen cho Ban Văn học Chuyên đề, tặng danh hiệu Chiến sĩ Thi đua toàn quốc cho Đào Thắng”. Tôi và Đào Thắng chỉ lặng lẽ cười và thấy hạnh phúc vì công việc thầm lặng của mình cũng đã được bạn bè cảm nhận.

Quảng giao là nét đẹp trong tính cách của Đào Thắng. Đào Thắng tốt với bạn nên có nhiều bạn ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Ông có một ông bạn thân đồng hương là nhà thơ Nguyễn Hoa. Những lúc vui buồn, vắng khách văn qua chơi, tôi vẫn thấy Nguyễn Hoa hay ngồi phòng Đào Thắng hàng giờ nhưng không nói gì, chỉ ngồi bên nhau cho ấm thêm căn phòng vắng lặng.

Nguyễn Hoa ít nói và rất mô phạm. Thơ Nguyễn Hoa ngắn và súc tích. Còn Đào Thắng là dân viết tiểu thuyết. Dân văn xuôi dài dòng văn tự mà lại hay lý sự con cà con kê. Dân làm thơ thì nói ngắn và im lặng là sở thích. Hai người bạn thân, Đào Thắng và Nguyễn Hoa, hai thái cực mà lại gần nhau.

Nhà văn Đào Thắng, trưởng đoàn đi thực tế Tây Bắc năm 2014, (người đứng thứ 6 từ trái qua phải).

Đào Thắng hầu như suốt ngày ở Văn phòng Hội Nhà văn. Những bài viết dở dang, những quan hệ bạn bè cần chắp mối, ông như dành cho cuối giờ làm việc để hoàn thành nốt. Phòng làm việc của ông, bạn bè kéo đến đông hàng ngày làm cho ông không có thời gian để sáng tác. Nhưng ông không bao giờ nói với bạn văn một câu đại loại: Mình đang bận tý, xin lỗi, như là ông sợ bạn mình tự ái. Tôi rút ra một điều, mối quan hệ bạn bè là một tài sản quí mà không dễ gì ai cũng có được.

Hai nhiệm kỳ Hội Nhà văn khóa 8 và khóa 9, tổ chức các trại đi các địa phương, thành công được là công lớn của Đào Thắng: Đi Thanh Hóa Nghi Sơn năm 2013, viết về Hải Dương năm 2014, Điện Biên Phủ 2014, Hưng Yên năm 2016, các trại viết về biên giới ở Lào Cai 2015 vv… Mỗi chuyến đi thực tế với Đào Thắng tôi nhận ra, ông đều có mục đích rộng, mà trong đó tìm tác giả và các nhân tố mới để kết nạp hội viên mới là điều đầu tiên Đào Thắng quan tâm: Sau chuyến đi Hải Dương, Điện Biên, Hưng Yên, Hội Nhà văn Việt Nam có thêm hội viên mới, trong đó có nhà thơ người dân tộc Hà Nhì…

Đào Thắng là nhà văn có danh tiếng. Thế nhưng quan điểm sống của ông, gia đình là quan trọng nhất. Một hôm ông ốm nặng, tôi đến thăm thấy trước tôi đã có một cô gái xinh xắn đến thăm. Tôi hỏi chị Như, vợ ông: Ai  đấy. Chị Như ghé vào tai tôi, nói nhỏ: Người yêu cũ đấy. Thì ra chị Như vẫn rất lịch sự tiếp bạn gái của ông Thắng mà không hề ầm ĩ lên. Giỏi! Chả biết có phải người yêu cũ không hay chỉ là bạn bè bình thường, nhưng ứng xử của chị Như làm tôi nể trọng.

Đào Thắng và chị Như sống với nhau rất thành thực. Mỗi khi có chuyện gì trong gia đình, vui buồn, ông đều kể với tôi.  Khi Đào Thắng đã kém mắt, hàng ngày chị Như phải đèo chồng đi làm bằng xe máy. Sáu ngày trong tuần như một, ngày nào cũng thế, tôi đến Ban là đã thấy chị Như ngồi ở Ban Văn học Chuyên đề Hội Nhà văn Việt Nam. Nhà văn, mấy người được như Đào Thắng, vợ hiền yêu thương chiều chuộng chồng hết mực. Chị Như, con gái nhà văn Nguyễn Đình Thi nổi tiếng trên văn đàn Việt Nam thế kỷ XX, nhưng chị chả bao giờ khoe khoang mình là con nhà dòng tộc gì cả. Người đàn bà ấy cứ như một xe ôm tận tụy chở chồng đi làm ngày hai buổi đều đều.

Khi nhà văn Đào Thắng đến dự 49 ngày mất Nguyễn Trọng Tạo, cháu Phương bám theo bố cho đến khi ông ăn cỗ xong, ngồi trên xe máy cháu mới yên tâm. Phương bảo, cháu sợ bố ngã. Ngoài 70 tuổi, nhiều nhà văn phải tự lo lấy mình, nhưng may cho Đào Thắng là ông còn có vợ con quan tâm yêu thương hết mực.

Một gia đình như anh Đào Thắng và chị Như, thật hạnh phúc. Mỗi khi ngồi ăn cơm với vợ tôi, tôi hay nói về gia đình nhà văn Đào Thắng như một mẫu hình của sự an bình thành đạt. Nhà văn, cũng là một con người bình thường, nhưng quan tâm đến nhau để có một gia đình êm ấm, không dễ mấy ai.

Lê Tuấn Lộc
Theo nguồn:https://cand.com.vn/Tu-lieu-van-hoa/Nha-van-Dao-Thang-trong-toi-i568305/