Ngay sau các truyện ngắn “Cô lái đò Sông Ninh” và “Con trâu bạc” được giải thưởng, Chu Văn bắt tay vào viết tiểu thuyết “Bão biển”. Trong tiểu thuyết có nhiều tình tiết, nhân vật lấy từ nguyên mẫu ở địa phương các tỉnh đồng bằng ven biển, các tỉnh có đồng bào theo đạo Công giáo toàn tòng và những tư liệu được khai thác từ các vụ án, các vụ lộn xộn do bọn phản động nằm vùng gây ra. Thế là to chuyện rồi…
Sau chín năm kháng chiến gian khổ quyết liệt, kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng, cán bộ chiến sĩ ta phải lao vào cuộc đấu tranh với kẻ địch mới xảo quyệt và gian nan không kém. Nhưng năm ấy, Chu Văn được điều về Ty Văn hóa Nam Định và ngay từ ngày đầu tiên về vùng Bùi Chu – một xứ theo đạo Công giáo toàn tòng. Tại đây, bọn phản động từng theo Pháp cướp phá đồng bào nay lại lợi dụng chính sách tự do tín ngưỡng của ta, mặc áo thầy tu len lỏi trong các xóm làng, trong đồng bào để tuyên truyền lôi kéo đồng bào bỏ quê vào Nam: “Chúa không ở với Việt Minh, Chúa đã vào Nam, ta phải theo Chúa thôi”. Nhiều gia đình ở Giao Thủy, ở Hải Hậu… bỏ cả nhà cửa, trâu bò, ruộng vườn làm theo lời bọn chúng.
Vận động đồng bào không nghe theo lời kẻ xấu, ở lại xây dựng quê hương bị chiến tranh tàn phá là một việc không dễ. Đồng bào ta hồi đó phần nhiều trình độ văn hóa thấp, lại mê tín nên dễ bị bọn chúng lợi dụng. Chu Văn và các đồng chí của mình đã phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của nhân dân và đề xuất với cấp trên phương pháp tuyên truyền kết hợp với thực tiễn cuộc sống để đồng bào hiểu rõ và làm thất bại âm mưu địch bằng nghệ thuật khéo léo. Qua công tác dân vận, cấp trên thấy rõ năng lực của Chu Văn và ông được đưa về làm Trưởng Ty Văn hóa Nam Định. Đối với Chu Văn, đợt công tác trước đó quý giá vô cùng. Nó giúp ông có dịp được thâm nhập thực tế và tích lũy vốn sống phong phú về xã hội Công giáo nước ta để sau này viết nên tiểu thuyết “Bão biển” – một tác phẩm viết về Công giáo độc đáo ở nước ta và trên thế giới.
Những năm 1959, 1960, người ta thấy ông Trưởng Ty Văn hóa thường hay lui tới Hội Đền Trần và Hội Phủ Dầy. Có khi ông ngồi hàng giờ nghe các ông cung văn hát, xem các bà hầu bóng lên đồng, có khi ông còn chuyện trò với họ khá vui vẻ. Thế rồi đến năm 1962, Hội diễn Sân khấu toàn quốc lần đầu tiên ở thị xã Hà Đông, người ta thấy Đoàn Văn công Nam Định mở màn bằng tiết mục khá lạ mắt và độc đáo: màn hát chầu văn “Nam Định quê tôi” – mười cô tố nữ đầu chít khăn nhung áo dài mớ ba, mớ bảy lướt trên sân khấu như những nàng tiên trong tiếng đàn nguyệt réo rắt, lúc khoan lúc nhặt, lúc dồn dập như nước chảy mưa tuôn cùng với giọng hát trong vắt đượm đà thanh thoát như bay trong không gian của Kim Liên và mười cô gái:
Hỡi cô thắt dải lưng xanh
Có về Nam Định với anh thì về
Dạt dào gió lượn ven đê
Đồng xanh hương cốm cây che rợp làng…
Cả nhà hát như đắm chìm trong câu hát, ngất ngây với điệu hát chầu văn mới lạ, quyến rũ lạ thường mà trước đây chỉ được dành cho các ông hoàng bà chúa ở các giá hầu bóng lên đồng. Khi màn hát múa kết thúc, đèn nhà hát bừng sáng khán giả mới bừng tỉnh và tiếng vỗ tay rộ lên tưởng như không dứt. Tốp ca nữ phải ra chào tới lần thứ ba mới thôi. Kết thúc Hội diễn, Đoàn Nam Định được tặng Huy chương Vàng cho vở diễn chính và một Huy chương Vàng đặc cách cho tiết mục hát chầu văn.
Huy chương Vàng cho hát chầu văn! Chính Chu Văn cũng không ngờ. Trước đó mới hai tuần, một ông cán bộ tuyên huấn còn gặp ông đe rằng: “Các anh có biết không, hát chầu văn là mê tín dị đoan. Mà các anh đưa lên sân khấu là tuyên truyền không công cho mê tín dị đoan”. Nhưng ông Trưởng ban Tuyên huấn, vốn là cán bộ cùng công tác với ông ở Liên khu Ba thì nói kiểu nước đôi: “Thôi được, cứ mang đi, xem ý kiến Bộ Văn hóa thế nào. Cùng lắm là ta ngồi lại kiểm điểm nhau”.
Trước đó, dư luận đã bàn tán lùm xùm về tiết mục này. Kẻ chê, người khen không biết tin ai. Bây giờ mọi việc đã xong, ông còn được đích thân Bộ trưởng bắt tay chúc mừng: “Tiết mục hát văn của các anh tốt lắm. Sau này dùng để tuyên truyền dễ đi vào lòng người đấy. Nhưng lời ca phải viết bay bướm hơn”.
Chính từ gợi ý của Bộ trưởng lúc ấy mà sau này ông đã viết lời cho nhiều ca khúc hát văn – chứ không gọi chầu văn nữa – cho nghệ sĩ Kim Liên, Thế Tuyền và các cô gái Nam Định (sau này là Nam Hà) hát trên sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam những năm chống Mỹ. Những ca khúc hát văn đã góp phần không nhỏ vào việc động viên khích lệ các chiến sĩ ta ở mặt trận. Sản phẩm hát văn của Nam Hà và tác giả Kim Mã, Thạch Mã – bút danh khác của Chu Văn – có từ khi đó. Đặc biệt lúc sinh thời, Bác Hồ đã xem hát văn của Nam Hà nhiều lần và riêng nghệ sĩ Kim Liên, trước khi lên đường sang Pháp biểu diễn năm 1968, đã được Bác cho gọi vào hát văn và ngâm thơ cho Bác nghe.
Ngay sau các truyện ngắn “Cô lái đò Sông Ninh” và “Con trâu bạc” được giải thưởng, Chu Văn bắt tay vào viết tiểu thuyết “Bão biển”. Truyện kể về cuộc sống của đồng bào Công giáo vùng ven biển đồng bằng Bắc Bộ với những khó khăn phức tạp trong cuộc đấu tranh giữa một bên là những người dân bình thường, những thanh niên trong chế độ mới có tư tưởng tiến bộ, những cán bộ của Đảng từ kháng chiến trở về muốn xây dựng cuộc sống mới no ấm và tốt đẹp hơn với một bên là những kẻ từng làm tay sai cho Pháp, chuyên đi cướp phá đồng bào, những kẻ phản động đội lốt thầy tu, những người nhẹ dạ đi theo bọn chúng nhằm chống đường lối cách mạng của Đảng và công cuộc lao động của nhân dân. Những cơn bão từ biển không dữ dội bằng những cơn bão trong lòng xã hội đầy cam go một mất một còn để đi đến một chân lý, thắng lợi thuộc về những người lao động chân chính. Trong tiểu thuyết có nhiều tình tiết, nhân vật lấy từ nguyên mẫu ở địa phương các tỉnh đồng bằng ven biển, các tỉnh có đồng bào theo đạo Công giáo toàn tòng và những tư liệu được khai thác từ các vụ án, các vụ lộn xộn do bọn phản động nằm vùng gây ra. Thế là to chuyện rồi. Một vị lãnh đạo ở tỉnh nọ viết thư tay cho người cầm sang:
“Gửi đồng chí Chu Văn
Tôi nghe cán bộ xì xào bàn tán là đồng chí đang viết cái gì đó ở tỉnh ta. Tôi yêu cầu đồng chí bố trí thời gian sang báo cáo”.
Chu Văn lập tức lật mặt sau lá thư trả lời:
“Kính gửi đồng chí L.T
Nếu là việc cơ quan tôi xin sang báo cáo với đồng chí, còn đây là việc riêng, đồng chí thông cảm, tôi không thể nói trước được. Chu Văn”.
Ít lâu sau tiểu thuyết “Bão biển” được Nhà xuất bản Văn học ấn hành. Trước đó, nó phải qua bao nhiêu cửa ải duyệt di duyệt lại từng câu từng chữ rất thận trọng, vì đây là đề tài nhạy cảm, đụng chạm đến tôn giáo mà các nhà văn thường né tránh. Còn nhớ khi nhà văn Nguyễn Khải viết truyện “Xung đột”, ông cũng kể chuyện một xứ đạo ở huyện Nghĩa Hưng và thực tế đã có kẻ đe dọa khiến hàng chục năm trời, Nguyễn Khải không dám bước chân về xứ ấy. Sau hơn ba mươi năm tình hình đã đổi khác, người Công giáo đã nhận thức đúng đắn giữa đạo và đời, nhà văn Nguyễn Khải mới về thăm lại xứ đạo năm xưa. “Bão biển” ngay từ lúc mới ra đời đã làm xôn xao dư luận. Họ cho rằng đây là một trong những cuốn sách viết về xã hội Công giáo ở nước ta sâu sắc, tỉ mỉ, cẩn trọng, có lý có tình nhất từ trước tới nay. Từ các nhà văn, các nhà hoạt động xã hội, các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào theo đạo Thiên chúa đã đón đọc rất nhiệt tình. Họ nhận thấy rõ ràng các nhân vật trong truyện như họ vẫn gặp thường ngày, cảnh làng xóm, đi lễ nhà thờ chiều chiều, cảnh sinh hoạt của các vị chức sắc trong xóm đạo, ngoài đời không khác là mấy. Có những điều mà phải khi đọc sách họ mới biết. Có vị linh mục sau khi đọc sách đã viết thư cho tác giả, ngỏ lời cảm ơn. Mấy năm sau, Chu Văn ra ứng cử đại biểu Quốc hội chính ở nơi này và ông đã trúng cử với số phiếu cao nhất.
Sau “Bão biển” Chu Văn còn viết nhiều tiểu thuyết và truyện ngắn nữa, nhưng đáng kể hơn cả là những “chuyện cũ viết lại”. Cũ mà không cũ. Chuyện kể về những việc đã qua, những người đã mất nhưng tình tiết lại như đang ở đâu đây quanh ta. Một ông voi dù đã trở về hoang dã dũng mãnh vẫn giữ tính kỷ luật như thời trong quân ngũ của vua Quang Trung (Ông quận vênh); một ông quan thanh liêm không tham vàng cho dù sống trong nghèo khó (Bông hoa thượng uyển); một kẻ ăn trộm vô học chuyên đào tường khoét ngạch muốn hiển vinh nhờ đứa con đánh tráo không thành (Con nhà dòng)… Chu Văn muốn mượn chuyện xưa để phê phán một số kẻ đang lợi dụng chức quyền nhũng nhiễu của dân của nước. Những truyện như thế này gây không ít phiền phức cho ông.
Khi tổ chức quyết định điều Chu Văn đi chiến trường, ông vui vẻ chấp hành. Ông vào chiến trường hơn một năm, cùng ăn ở, cùng chiến đấu, cùng chịu đựng thiếu thốn gian khổ với các chiến sĩ. Ông trở về với mấy quyển sổ ghi chép dày đặc những chuyện chiến tranh, những vui buồn của người lính đối mặt với bom đạn kẻ thù và bệnh sốt rét rừng đi theo ông gần một năm sau mới dứt. Chuyến đi thực tế và những ghi chép ấy sau này đã trở thành tư liệu quý giá vô cùng cho các tác phẩm của ông.
Những năm cuối đời, ông sống thanh thản với gia đình. Hàng ngày, công việc làm ông bận rộn nhất là tiếp khách – những người thân, những chiến sĩ năm xưa ở mặt trận cùng với ông, có cả các vị linh mục và những con chiên ngoan đạo ngày trước ông từng gặp. Họ mang đến cho ông khi thì gói trà Thái Nguyên, khi thì hộp sữa cân đường, có lúc cả chục trứng gà nhà…Họ biết ông sống chẳng sung túc bằng ai.
Ông cho rằng như thế là hạnh phúc.
LƯƠNG ĐỨC VINH/ CAND
Theo nguồn: https://vanvn.vn/nha-van-chu-van-ran-roi-cung-bao-bien-2/