Nhà thơ Xuân Diệu đi làm tham tán thương chánh

      Nhà thơ Xuân Diệu đã từng nói: “Cơm áo không đùa với khách thơ”. Trong cuộc đời mình đã có những lúc ông phải tạm gác thơ văn sang một bên để lo chuyện cơm áo thường ngày.
      Đầu năm 1940, nhà thơ Xuân Diệu tạm biệt Hà Nội vào Mỹ Tho làm tham tán thương chánh. Trong cuốn “Hồi ký song đôi” nhà thơ Xuân Diệu viết: “Tôi đã đỗ tham tán tập sự ngành Đoan. Thoát dạy tư! Thoát những lo âu về cuộc sống hàng ngày”. Nhưng ông cũng chia sẻ: “Một bạn thân vừa trách tôi trong thư, những lời làm tôi sung sướng. Anh trách tôi sao lại đi làm, thiếu can đảm thì mới đi làm . Anh muốn tôi đừng bao giờ bỏ làm thi sĩ. Tôi sung sướng vì có một người nói thật, nói thẳng, họ nhắc cho tôi cái mệnh lớn của tôi”.
      Lý do để nhà thơ Xuân Diệu đi làm tham tán là có đồng lương lo cho thầy, cho má và em, để họ bớt đi cái lo tính, cái hèn mọn, cái vất vả của cuộc sống hàng ngày.
      Theo nhà thơ Huy Cận thì những năm tháng nhà thơ Xuân Diệu đi làm tham tán thương chánh là những giờ phút tủi cực, có thể nói là tủi nhục nữa. Thỉnh thoảng thằng chủ Sở đoan Soulage lại dọa đổi ông đi nơi khác, vì ông làm việc hơi tài tử, không vừa ý chủ người Tây. Còn nhà thơ Xuân Diệu thì lại không thiết tha với công việc của mình.
       Bởi vậy khi nhà thơ Huy Cận đậu kĩ sư canh nông và bắt đầu đi làm, có tiền lương thì nhà thơ Huy Cận mời nhà thơ Xuân Diệu về sống cùng ở Hà Nội. Đầu năm 1943, ông quay trở lại Hà Nội sống bằng nghề viết văn.
      Năm 1944 ông tham gia phong trào Việt Minh. Trong kháng chiến chống Pháp, Xuân Diệu tản cư lên chiến khu Việt Bắc, hoạt động văn nghệ cách mạng. Hòa bình lặp lại, ông về sống và làm việc tại Hà Nội cho đến khi mất, năm 1985.
Nguyễn Hằng