Nhà thơ Chế Lan Viên trong “Bài tựa tập thơ Phù sa quê mẹ” đã từng viết rằng : “… Đọc một bài thơ, một quyển thơ cảm giác khác xa với khi đứng trước một đời thơ. À, thế ra anh Viễn Phương đã từng hoạt động công khai hợp pháp ở Sài Gòn, làm thơ, viết kịch ở đó… À, thế ra anh đã qua nhiều nhà lao của giặc… những năm dữ dội nhất, anh ở vùng dữ dội nhất là đất thép Củ Chi! (nhờ ở vùng này, Viễn Phương sáng tác được nhiều bài văn xuôi rất xuất sắc, theo tôi, anh cũng là một trong những cây bút văn xuôi tiêu biểu của miền Nam, tiếc rằng các nhà phê bình nghĩ anh là nhà thơ, nên không chú ý điểm ấy). Một đời thơ mấy chục năm trời đang ở trước mặt tôi! Viễn Phương còn lâu mới già như tôi, nhưng anh đâu còn trẻ nữa. Nhưng mừng thay cho anh, đã thoát quy luật khắc nghiệt ấy. Từ hòa bình lại đây, tôi thấy anh khởi sắc ra, mà vẫn là mình: “Hàng trăm em bé ngồi trên đất/ Tóc khét, lưng trần, da nám đen/ Con của đất ngồi trên mặt đất/ Tháp Mười xa bát ngát hương sen/ Không một mùi thơm trên mái tóc/ Chỉ nghe vị mặn của mồ hôi/ Xuyến vàng chuỗi ngọc đều xa lạ/ Lấp lánh trời đêm mắt sáng ngời”. Tôi xem đây như tuyên ngôn về thi pháp, thi pháp của anh. Của một người tiến lên trước mà vẫn không quên phía đàng sau …”. (Chế Lan Viên – Viên Tĩnh Viên 3-7-1988).
Nhà văn Tô Hoài, người đã từng sống bằng “cánh đồng chữ nghĩa”, khi đọc những trang viết của nhà thơ Viễn Phương, ông hạ bút rằng: “Tôi đã đọc các bài trong Quê hương địa đạo từ khi đăng rải rác trên báo đến lần in thứ nhất. Và tôi được nhìn thấy địa đạo Củ Chi vì đã đôi ba lần đến tham quan, có khi ăn cơm nằm võng trưa ở vườn trên xóm đất cát pha còn hoang tàn. Nhưng phải đọc Viễn Phương mới biết thấm thía những “mưa nấm mối”, “Ông địa đạo”, “Hoa trong đất”, “Những ngày sống trong hố bom đìa”… Cái giọng kể cười ra nước mắt, cứ tỉnh khô như không mà có, rất Ba Phi, mà nhận ra cái triết lý sống đã tồn tại, đã chiến thắng của người Việt Nam ở một miền đất trải liền hơn ba mươi năm chiến tranh. Có lần Viễn Phương bảo tôi: “Không phải tôi dũng cảm, cũng không phải tôi nhát sợ, bạo hay hèn cũng chẳng được, mà ở trong lòng đất đã quen rồi”. Câu nói nhẹ nhàng, ôi chao, đã quen, làm thế nào mà quen được quanh năm ròng rã, xe tăng, bom mìn, ngày đêm giội xuống đầu. Cái quen ấy chính là cái quyết tâm của con người. Ai bây giờ đến tham quan vùng địa đạo Củ Chi đều được giới thiệu người và tài liệu, vị trí, lịch sử chiến trường, nhưng hãy còn thiếu trong tay một quyển Quê hương địa đạo, một cuốn sách hướng dẫn sự tích tình cảm con người trong tình huống tuyệt vời kiêu hùng. Như Viễn Phương đã viết: “Có bao giờ các bạn đã thấy hết được chiều sâu địa đạo Củ Chi khi các bạn chưa nhìn thấy nụ cười trong sáng vô cùng của những người tuổi thanh niên đã từ giã cõi đời này trong những con đường địa đạo Củ Chi” (Tô Hoài – Văn nghệ Quân đội, tháng 7-1995).
Còn nhà thơ Nguyễn Xuân Nam – nhà thơ có nhiều dấu ấn trên văn đàn thi ca Việt Nam cũng từng có nhận xét thật chí lí, chí tình rằng: “Có những người may mắn sinh ra như chỉ để làm thơ. Thơ là việc chính của đời họ. Ở Viễn Phương có khác. Tuy thơ là niềm say mê, nhưng hầu hết thì giờ anh phải dồn vào công tác chính trị, tư tưởng, tổ chức, và phải cầm súng chiến đấu thực sự với quân thù. Và lúc nào anh cũng ở vào hoàn cảnh đặc biệt: lúc phải hoạt động bí mật trong lòng địch, lúc phải sống trong tù, và từ năm 1962 cho đến mùa Xuân Đại thắng 1975, anh sống ở nơi cuộc chiến đấu hết sức ác liệt, tưởng như con người không thể nào sống được.
Nhớ về Viễn Phương – nhà thơ của chiến trường, tù ngục, nhà thơ của đời, ông Mai Văn Tạo đã giúp ta hiểu thêm một phần nào về nhà thơ Viễn Phương, về một nhà thơ đã từng được gọi với những cái tên, nào là “Ngôi sao hừng đông”, “Nhà thơ thời bom đạn”, nhà thơ “Sống làm gió giữa trời giông bão/ Chết long lanh một ánh sao buồn” thì cho rằng : “…Thơ Viễn Phương dễ nhớ, giàu cảm xúc, nhưng không bi lụy, cường điệu nỗi đau. Thơ Viễn Phương lung linh hình bóng người phụ nữ miền Nam và Mẹ. Ấn tượng nhiều mặt về người mẹ rất đậm đà, thắm thiết. Anh viết rất nhiều bài thơ về Mẹ.
Người mẹ dưới gầm cầu, những người phụ nữ trong các đề lao, người nữ chiến sĩ hy sinh trong ngọn lửa, những nữ học sinh Sài Gòn – Chợ Lớn “xuống đường” trong những ngày “bão tố đô thành”, người vợ chiến đấu trong nội thành, chồng ở chiến khu, người mẹ đào hầm nuôi giấu cán bộ, bà mẹ đưa đường các anh bộ đội – bà mẹ ấy nói những lời rất thật, như dặn dò, như lời thề quyết tử: “Để má cầm đuốc đi trước, gặp giặc má chúc ngọn đuốc xuống, các con ở sau biết mà tránh. Nếu chúng bắn má chết, tức là chúng báo động các con” (Lời má Sáu). Thơ Viễn Phương nền nã, thì thầm, man mác, bâng khuâng, day dứt, không gút mắc, cầu kỳ, kênh kiệu, khoa ngôn. Hình ảnh nào trong đời sống anh cũng tìm thấy chất thơ. Không đợi đến “Tiếng tù và trong sương đêm”, “Hoa lục bình trôi man mác tím, bông lau bát ngát nắng chiều” hay “Chòm xanh điên điển nhuộm vàng mặt nước”… Một mái lá khô hanh trong rừng vắng anh cũng đưa vào đấy cái thực, cái hư, rất thơ mà thực, rất thực mà thơ (Mai Văn Tạo – Viễn Phương, nhà thơ chiến trường, tù ngục, nhà thơ của đời, 5-1998)…
Trong ký ức của bạn đọc, của giới văn nghệ sĩ, nhà thơ Viễn Phương mãi mãi “Bay trong hào quang vô lượng/Dịu dàng ngôi sao hừng đông” (Ngôi sao hừng đông).
Nguyễn Viết Chính
Theo nguồn:https://baodaklak.vn/channel/3522/201512/nha-tho-vien-phuong-trong-ky-uc-cua-gioi-van-nghe-si-2419413/