“𝐵𝑎 𝑐ℎ𝑜̂𝑛 𝑠𝑎̂𝑢 𝑡𝑟𝑜𝑛𝑔 𝑙𝑜̀𝑛𝑔 đ𝑎̂́𝑡
𝐾𝑦̉ 𝑛𝑖𝑒̣̂𝑚 đ𝑎𝑢 𝑏𝑢𝑜̂̀𝑛 𝑐𝑢𝑜̣̂𝑐 𝑐ℎ𝑖𝑒̂́𝑛 đ𝑎̂́𝑢 𝑐𝑢̉𝑎 𝑏𝑎”
(Nhà thơ Thu Bồn)
Đây là 2 câu thơ nhà thơ Thu Bồn viết cho người con trai đầu Hà Thảo Nguyên mất năm 16 tuổi vì di chứng chất độc màu da cam. Là tác giả của những tác phẩm nổi tiếng như: “Bài thơ chim Chơ Rao”, “Chớp trắng”, “Vùng pháo sáng”, “Dưới tro”…Nhưng cuộc đời của nhà thơ Thu Bồn cũng có những nốt buồn không thể gọi tên bắt nguồn từ 2 chữ “chiến tranh”.
Nhà thơ Thu Bồn tên thật là Hà Đức Trọng, sinh năm 1935 tại huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông vào bộ đội từ năm 14 tuổi và là thiếu sinh quân ở một đơn vị chiến đấu. Suốt những năm chiến tranh ông là phóng viên chiến trường “Liên khu V” đi khắp các mặt trận ác liệt nhất thời đó. Sau này, ông về công tác ở “Tạp chí Văn nghệ quân đội”, từng là Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam khóa IV, ủy viên Ban chấp hành Hội Văn nghệ Trung Trung bộ. Nhà thơ Thu Bồn viết thành công cả thơ và tiểu thuyết, ngoài bút danh Thu Bồn là tên dòng sông quê hương, ông còn có bút danh Hà Đức Trọng, Bờ Lốc. Ông từng được trao giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu, giải thưởng văn học quốc tế Lotus của Hội Nhà văn Á Phi, giải thưởng Báo Hà Nội mới, giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật, năm 2017.
Năm 1965, giữa rừng sâu chiến trường khu 5 nhà thơ Thu Bồn kết hôn với bà Đỗ Thị Thanh Thu, người con gái ông đã thầm yêu từ thời thanh niên. Năm 1966, anh Hà Thảo Nguyên ra đời. Từ khi sinh ra chân tay đã khòng khèo, gia đình nhà thơ Thu Bồn nghĩ đơn thuần là bị suy dinh dưỡng, bác sĩ phải bẻ gẫy chân để bó bột lại cho bình thường. Năm 1968, nhà thơ Thu Bồn bị thương khi tham gia Tổng tấn công Mậu Thân vào Đà Nẵng, trở về căn cứ lúc này vợ ông mang bầu người con thứ 2. Năm 1969, đơn vị đã tổ chức cho vợ chồng nhà thơ Thu Bồn ra Bắc vừa để công tác và chữa bệnh cho con. Để ra Bắc được, vợ chồng nhà thơ phải đi bộ, ông dùng chiếc ba lô đục thủng 2 bên để hai chân của con ra ngoài. Ông mang theo vợ và cõng con đi bộ suốt ba tháng theo dãy Trường Sơn để ra Bắc. Tuy nhiên chỉ mới đi đến làng Ho – Quảng Bình, vợ ông sinh người con thứ hai, được đặt tên là Hà Băng Ngàn. Bao tình yêu và hi vọng lại một lần nữa đến với vợ chồng ông. Nhưng thật không may, năm 1982 người con đầu của ông đã mất khi mới mười sáu tuổi mang trong mình căn bệnh máu trắng là di chứng của chất độc màu da cam. Người con thứ hai của ông lớn lên cũng bị ảnh hưởng của chất độc màu da cam. Có thể thấy chất độc màu da cam đã để lại nhiều tổn thương sâu sắc đời sống và tâm hồn của nhà thơ.
Hiện nay, ở tầng ba trưng bày của Bảo tàng Văn học Việt Nam đã tái hiện lại hình ảnh vô cùng cảm động của nhà thơ Thu Bồn đang cõng anh Hà Thảo Nguyên vượt đường Trường Sơn khói lửa để ra Bắc. Đây cũng là sự tri ân gửi tới nhà thơ Thu Bồn, đồng thời cũng giúp công chúng hiểu thêm những câu chuyện về đời sống phía sau của nhà văn, nhà thơ trước mỗi tác phẩm để lại cho đời.
Chu Hòa