Vào một ngày cuối năm 2003, dưới tán lá cây bồ đề trong vườn nhà ông, dưới chân núi Văn Lỗi của làng Văn Hoàn (xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, cách TP Thanh Hóa chừng 50 km), bên chiếc chõng tre cũ kỹ, nhà thơ Hữu Loan đã kể cho tôi nghe về mối tình lãng mạn nhưng cũng hết sức bi thương của ông – mối tình đã làm nên bài thơ nổi tiếng màu tím hoa sim.
Hữu Loan sinh năm 1914, trong một gia đình tá điền. Không được đến trường, chỉ học bữa được bữa không tại nhà do người cha dạy dỗ. Bù lại, ông có tư chất rất thông minh. Người làng Văn Hoàn kể rằng vào khoảng năm 1938, Hữu Loan vác lều chõng ra Hà Nội đua tài. Số đỗ kỳ thi ấy thật hiếm hoi. Cùng đỗ với Hữu Loan còn có Nguyễn Đình Thi, Hồ Trọng Gin, Trịnh Văn Xuân, Đỗ Thiện… Năm 24 tuổi. Hữu Loan rời quê nhà lên TP Thanh Hóa dạy học. Lúc bấy giờ, ở TP Thanh Hóa có cửa hàng bán vải và bán sách của bà Tham Kỳ (tên thật là Đái Thị Ngọc Chất, vợ của ông Lê Đỗ Kỳ – kỹ sư canh nông, có thời làm Tổng Thanh tra canh nông Đông Dương, sau này là đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa). Hữu Loan thường lại xem và mua sách và trở thành gia sư cho người con trai cùng cô con gái yêu của gia đình bà là Lê Đỗ Thị Ninh, lúc ấy mới tám tuổi.
Hữu Loan kể: “Lần đầu tiên tôi tới nhà, bà Chất phải gọi mãi cô bé Ninh mới chịu ra khoanh tay chào thầy, miệng nói lí nhí: “Em chào thầy ạ!”. Chào xong cô bé bất ngờ mở to mắt nhìn thẳng vào tôi. Đôi mắt to, đen láy, tròn xoe như có ánh chớp ấy đã hằn sâu vào tâm trí tôi, theo tôi suốt cả cuộc đời. Thế là từ hôm ấy, tôi dạy em đọc, viết. Em là một cô bé thông minh, ít nói và mỗi lần mở miệng là giống y như một “bà cụ”. Có lần tôi kể chuyện này cho hai người anh của em nghe. Không ngờ câu đùa ấy đến tai em. Thế là em dỗi! Suốt một tuần liền, em nằm lì ở buồng trong, không chịu học hành. Trước đó, hằng ngày em vẫn chăm sóc tôi một cách rất thầm kín. Lúc thì đặt vào góc mâm chỗ tôi ngồi ăn một vài quả ớt đỏ au em vừa hái ở vườn, lúc thì quả chanh mọng nước… Những buổi trưa hè, khi tôi ngủ trưa, em lén lấy chiếc áo sơ mi trắng của tôi treo ở góc nhà đem ra giếng giặt”.
Một hôm, em nằng nặc đòi tôi đưa em lên khu rừng thông. Tôi sợ em lại dỗi nên đánh liều xin với ông bà Tổng Thanh tra cho đưa em lên núi chơi. Xe kéo chạy chừng một giờ mới tới được chân đồi. Em leo đồi nhanh như một con sóc. Tôi đuổi theo em đến đứt cả hơi. Lên tới đỉnh đồi, em ngồi xuống và bảo tôi: “Thầy ngồi xuống đi!”. Tôi ngồi xuống bên em. Chúng tôi cứ ngồi thế và chẳng nói gì. Bất chợt em nhìn tôi, rồi ngước mắt nhìn ra tít tận chân trời. Không hiểu lúc đó em nghĩ gì. Bỗng em hỏi tôi: “Thầy có thích ăn sim không?”. Tôi nhìn xuống sườn đồi: tím ngắt một màu sim. Em đứng lên và đi xuống sườn đồi. Tôi mệt quá và nằm thiếp đi trên thảm cỏ. Khi tỉnh dậy, tôi thấy em đã ngồi bên tôi với chiếc nón đầy ắp sim. Những quả sim đen nhánh, chín mọng. “Thầy ăn đi!”. Tôi cầm quả sim từ tay em đưa lên miệng. “Ngọt quá!”- tôi trầm trồ. Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân. Quả sim đối với tôi chẳng lạ lẫm gì nhưng thú thật chưa bao giờ tôi được ăn những quả sim ngọt đến thế. Cứ thế, chúng tôi ăn hết quả này tới quả khác. Tôi ngước nhìn em, em cười. Hai hàm răng em đỏ tím, đôi môi cũng đỏ tím, hai bên má thì tím đỏ: một màu… sim. Tôi cười phá lên, em cũng cười theo…
Cuối mùa đông năm ấy, tôi lên đường đi kháng chiến. Hôm tiễn tôi, em cứ theo mãi ra tận đầu làng và lặng lẽ đứng nhìn theo. Tôi đi… Lên đến bờ đê, nhìn xuống đầu làng, em vẫn đứng đó nhỏ bé và mong manh. Em giơ bàn tay nhỏ xíu như chiếc lá sim vẫy tôi. Tôi đi… Tôi quay đầu nhìn lại… Tôi lại đi và nhìn lại cho tới khi không còn nhìn thấy em nữa.
Những năm tháng ở chiến khu, thỉnh thoảng tôi có nhận được tin tức từ quê lên, tôi biết em vẫn khỏe và đã khôn lớn. Chín năm sau, tôi trở lại nhà… Về Nông Cống tìm em. Hôm gặp em ở đầu làng, tôi hỏi em, hỏi rất nhiều nhưng em không nói, chỉ bẽn lẽn lắc hoặc gật đầu. Em giờ đây không còn là cô học trò Ninh bướng bỉnh nữa rồi. Em đã 16 tuổi, đã là một cô gái xinh đẹp. Một tuần sau đó, chúng tôi kết hôn. Đám cưới thật đơn sơ:
“Tôi mặc đồ quân nhân
đôi giày đinh
bết bụi đất hành quân
nàng cười xinh xinh
bên anh chồng độc đáo”.
Khỏi phải nói chúng tôi hạnh phúc như thế nào. Hai tuần phép của tôi trôi đi nhanh quá. Hôm tiễn tôi lên đường, em vẫn đứng ở đầu làng, nơi tám năm về trước em đã đứng. Chỉ có điều giờ đây em không còn là cô bé Ninh nữa mà đã là người bạn đời yêu quý của tôi. Tôi đi, tôi lại quay đầu nhìn lại… Nếu như tám năm về trước tôi đi, tôi nhìn lại và chỉ cảm thấy một nỗi buồn man mác thì lần này tôi thực sự đau buồn. Đôi chân tôi như quỵ xuống… Em cũng như quỵ xuống…
Ba tháng sau, tôi nhận được tin dữ: Vợ tôi qua đời. Em chết thật thảm thương! Hôm đó là ngày 29-5 âm lịch năm 1948. Em đưa quần áo ra giặt ở sông Chuồng (thuộc ấp Thị Long, Nông Cống). Đang giặt em trượt chân. Con nước lớn đã cuốn em vào lòng nó, cướp đi của tôi người bạn đời tri kỷ, để lại cho tôi nỗi đau không gì có thể bù đắp nổi. Nỗi đau ấy, hơn 60 năm qua, vẫn nằm sâu thẳm trong trái tim tôi…
Nỗi đau ấy tôi phải giấu kín trong lòng. Tôi như một cái xác không hồn. Dường như nỗi đau càng bị kìm nén thì càng dữ dội hơn. May sao sau đó có đợt chỉnh huấn. Cấp trên bảo ai có tâm tư gì thì cứ nói ra, nói cho hết. Chỉ chờ có thế, cơn đau trong tôi được dịp bung ra. Chẳng cần phải suy nghĩ gì, những chuyện mộc mạc cứ trào ra:
“Nhà nàng có ba người anh đi bộ đội
Những em nàng
có em chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh…
Tôi về
không gặp nàng…”.
Thanh Hóa – Hà Nội
Cuối năm Mùi
Lê Thọ Bình (PLTP)
Theo nguồn: https://nld.com.vn/nguoi-cua-cong-chung/nha-tho-huu-loan-moi-tinh-mang-mau-tim-hoa-sim-93116.htm