Những năm 80, tôi thân với vợ chồng nhạc sĩ Nghiêm Bá Hồng. Nhà của họ là địa điểm gặp gỡ của nhiều tao nhân mặc khách, trong đó có nhà thơ Bế Kiến Quốc. Tôi gọi Bế Kiến Quốc là anh xưng em, vì tên anh tôi đã nghe nói đến từ trước đó nhiều, sừng sững trong làng văn thơ, cứ nghĩ anh tuổi phải nhiều, mãi sau này tôi mới biết anh chỉ hơn tôi một tuổi.
Khi gặp anh Quốc ở chỗ đó, nghe anh Quốc đọc thơ của anh hay nói chuyện văn chương thi phú, tôi thường im lặng lắng nghe, khâm phục và ngưỡng mộ. Tôi bỗng hiểu vì sao người đàn bà nhan sắc, cô giáo Đỗ Bạch Mai, cũng là nữ nhà thơ, lại yêu say đắm người đàn ông này đến thế (quả thực nhiều khi tôi cứ nghĩ, người ta chỉ có thể yêu nhau một thời gian nào đó thôi, vợ chồng thì vài năm đầu mặn nồng, sau đó là cái nghĩa với nhau chứ làm sao có thể say đắm dài lâu cho được). Nhưng khi biết nhiều thơ Bế Kiến Quốc thì tôi nghĩ tình yêu đó của Đỗ Bạch Mai với chồng đã được nuôi dưỡng bằng những câu thế này:
Xe chạy. Em đi. Buồn ở lại
Gió ngừng rung bóng cây. Và mây
Ngừng trôi. Chiều tới. Rồi đêm tới
Mưa tới… Em đi đã một ngày.
Nhưng nếu Bế Kiến Quốc chỉ có những bài thơ như vậy thì tôi cũng chỉ coi anh là một người có năng khiếu thơ và làm thơ tán gái (vợ) thì không khó lắm, bởi khi yêu người ta thăng hoa một cách chính họ cũng không ngờ. Nhưng Bế Kiến Quốc còn nhiều thơ khác: Những rung động của anh về thiên nhiên, về đất nước, về số phận, cuộc đời… đã khiến cho thơ anh có đẳng cấp trong làng thơ Việt. Một bài thơ khác, chữ tình đã có hàm nghĩa lớn hơn rất nhiều, vợ cũng cảm động, mà cuộc đời cũng thấy được chia sẻ:
Tình yêu rót trời xanh vào mắt tôi
Và đánh thức trong tôi những suối nguồn trong mát
Bàn chân tôi cảm ơn mặt đất
Trên con đường tình yêu đưa tôi đi.
…
Tôi đã hiểu những gì là có thể
Trong không gian và trong thời gian…
Trở lại với sinh hoạt văn chương ở nhà Nghiêm Bá Hồng. Những cuộc gặp như thế thời gian trôi rất nhanh vì hết tranh luận này đến tranh luận khác, thú vị vô cùng. Hồi đó, xuất bản sách là chuyện rất khó khăn, giấy ít, mực hiếm, và hiếm hơn nữa là những đôi mắt xanh…
Đời sống thiếu thốn mọi bề, sách báo xuống hàng thứ yếu sau lương thực, thực phẩm. Nhưng người làm văn chương thì vẫn như bao giờ: Nhiệt huyết, ý chí ngùn ngụt, nhu cầu nói, nghe, đọc, thổ lộ, xuất bản rất lớn, nên thi nhân “xuất bản miệng”. Những cuộc đàm đạo ở những nơi như nhà Nghiêm Bá Hồng sẽ còn được nhiều người nhớ đến.
Vợ nhạc sĩ Nghiêm Bá Hồng là người đàn bà đảm và nhanh, lại rộng rãi tấm lòng, chị là người đôn đáo lo lắng chăm sóc cho chồng và thi nhân thi bá, những người mê mải “chuyện không đâu” và thường không biết đói bụng là gì. Cứ đến bữa là tôi nhấp nhỏm đứng lên chợ búa, bếp núc cùng chị. Khách ăn ngồi chật nhà, nhưng anh Quốc ít khi ngồi lại, nếu có, cũng chỉ thuốc lào vặt, uống ngụm rượu nấu bằng sắn. Có thể vì anh là người nói hay nhất đám, nên mọi người để anh phần nói. Anh nói nhiều và hay, quên ăn.
Tôi còn nhớ mãi lần anh đọc bài thơ “Cuối rễ đầu cành”, một bài thơ nhiều triết lý.
Lần đó, giữa chừng, anh có việc trở lại Hà Tây, nhóm còn lại nói rằng: “Cha này nhiều đàn bà mê lắm, không đếm xuể… Vợ hắn có biết không, biết, nhưng Mai là người biết cư xử, phần vì giữ đạo đức cô giáo, phần vì yêu chồng hết mực, đôi khi buồn nhớ chồng lắm, nghi ngờ lắm thì mới thổ lộ đôi lời, còn đâu lặn vào thơ…”. Khi ấy, tôi chưa gặp Đỗ Bạch Mai, nghe đàn ông họ nói thế, nể chị quá… thấy chị xứng đáng là người được phần những bài thơ tài hoa của chồng. Như:
Hôm nay anh đợi thu về
Gió heo may
Khắp bốn bề heo may
Lá xao xác giữa ngàn cây
Chiều êm ái một màu mây dịu lành
Đất trời hồi hộp cùng anh
Có em về nữa là thành mùa thu…
(Đợi thu về)
Ở đây, tôi nghe nói hình như Bế Kiến Quốc là dòng dõi Nguyễn Trãi, nhưng vì vụ án Lệ Chi Viên nên các cụ trong dòng tộc phải đổi sang họ Bế để tránh bị họa tru di tam tộc. Anh người Nam Định, tốt nghiệp khoa Ngữ văn – Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1970.
Trong giới văn chương, có khá nhiều chuyện vùi đạp lẫn nhau, tranh giành ngôi thứ, danh tiếng, còn chuyện nâng đỡ nhau, sửa giúp nhau một từ, một chữ một câu để biến một bài trung bình lên thành xuất sắc, nhờ đó có thể đưa nhau lên một đẳng cấp khác là chuyện hiếm. Nhưng Bế Kiến Quốc ở trong số những người vì nhau, vì cái đẹp của văn học…
Tôi còn nhớ câu chuyện của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, một trong tình bạn giữa bốn người: Bế Kiến Quốc, Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Việt Chiến và Thành Chương. Chiến bảo, đời Chiến, ngoài tri ân công lao phụ mẫu sinh thành, Chiến có một tri ân sâu sắc với Bế Kiến Quốc… nhờ phát hiện của Bế Kiến Quốc mà thơ Nguyễn Việt Chiến lần đầu được xuất hiện trên mặt báo Văn nghệ. (đôi khi, nếu không được phát hiện, tài năng thơ có thể thui chột, người thơ sẽ rẽ sang ngả khác của sự nghiệp, cuộc đời).
Tôi, văn xuôi, cũng được Bế Kiến Quốc sửa cho một chữ, chữ ấy rất đắt, tôi ghi nhớ không bao giờ có thể quên. Hồi 1991, báo Văn nghệ mở cuộc thi truyện ngắn, tôi gửi “Kẻ nô tỳ đeo trang sức”, truyện có hàm ý: Bọn trọc phú không văn hóa nhưng chúng thích làm sang, chúng cưới và đeo trang sức cho vợ bằng lời lẽ dành cho kẻ nô tỳ…
Anh Quốc trong Ban Giám khảo, anh nhắn tôi đến và nói: “Sẽ đăng (hồi đó được đăng là khó lắm), nhưng nên sửa một chữ, tùy bạn. Tôi hỏi: “Em chưa nghĩ ra chữ nào”. Anh Quốc nói, nếu là mình, mình sẽ sửa “Kẻ nô tỳ được trang sức”. Tôi reo lên. Ôi, tuyệt. Chữ “được” lột tả thần thái câu chuyện và có sức nặng hơn rất nhiều…
Hồi đó, nhiều truyện hay, truyện của tôi chỉ lọt vào chung khảo, tôi đã vui lắm rồi, vả lại, giải không phải là đích đến, không giải, tôi vẫn tri ân anh Quốc…
Biên tập thì tận tình, làm báo thì say đắm như làm thơ, vậy là rất mệt. Anh Quốc vượt mệt bằng thuốc lá, ăn ít, làm nhiều, nghĩ nhiều nên sức khỏe rất ảnh hưởng. Rồi anh ốm. Tôi và nhà thơ Nguyễn Bảo Chân đến thăm anh ở Bệnh viện Hữu Nghị, trông anh gầy yếu, xanh xao nhưng anh bảo anh chẳng sao đâu, vài ngày điều trị là xong thôi mà. Rồi anh mất vào hồi 6h50′ ngày 25-6-2002. Thơ của anh có một số bài được phổ nhạc “Anh thương binh trên đồng lúa Bình Minh”, “Thu tới”, “Trồng cây” và nhiều bài khác… Đặc biệt là bài “Điệu lý qua cầu”, nhạc Trần Tiến với lượng người nghe đông đảo suốt nhiều năm ròng.
Bài thơ anh Quốc viết tặng cho bạn thơ ở Nam Bộ hồi anh đi công tác biệt phái ở TP Hồ Chí Minh. Cộng hưởng với tài năng âm nhạc của Trần Tiến, bài thơ thành bài hát nổi tiếng, nhưng anh Tiến không đề tên tác giả lời là Bế Kiến Quốc. Có hai người biết chuyện đó đã lên tiếng, một là nhà thơ Trần Quốc Toàn, người mà Bế Kiến Quốc rất thân hồi ở TP Hồ Chí Minh, một nữa là người được tặng, nhà thơ Thu Nguyệt.
Nghe nói nhạc sĩ Trần Tiến có thanh minh rằng thơ đó không tặng cho Đỗ Bạch Mai nên anh muốn giữ bí mật cho Bế Kiến Quốc… Nhưng, tình yêu lớn luôn đồng thời là một tình bạn lớn, Thu Nguyệt thấy vậy đã gọi điện chia sẻ với Đỗ Bạch Mai về những bài thơ được tặng, đồng thời trao tất cả những gì của anh Quốc lại cho Đỗ Bạch Mai. Còn Đỗ Bạch Mai cũng nghĩ rằng, chuyện nhà thơ và nàng thơ cùng với trí tưởng tượng của sáng tạo luôn là điều có thể xảy ra trong cuộc sống…
Anh Quốc mất rồi, họ càng thương nhau hơn, nhớ về anh với những gì anh đã để lại cho đời và cho mỗi người… Đỗ Bạch Mai gọi điện nói chuyện với nhạc sĩ Trần Tiến gần đây, anh Tiến hứa sẽ đề tên Bế Kiến Quốc trên tác phẩm cùng tên “Ngẫu hứng Lý qua cầu” (Điệu lý qua cầu).
*
Trong tôi, Bế Kiến Quốc là một nhà thơ có tài, sống cuộc đời giản dị, chân thành. Ngoài thơ ca, Bế Kiến Quốc có nhiều đóng góp trong lĩnh vực báo chí, văn xuôi và phê bình. Một người có kiến văn sắc sảo và là người tâm đắc gây dựng một số tờ báo văn học mang dấu ấn của mình.
Trong văn chương, anh là người nghiêm túc từng câu chữ, nhưng trong cuộc sống anh lại có khả năng trào lộng, mỗi khi anh đùa, người nghe cười nghiêng ngả. Anh tên Quốc, vợ anh tên Mai, anh đặt tên tục cho các con là Xẻng (Bế Đỗ Minh Văn), Thuổng (Bế Đỗ Thái Văn), thành bộ tứ Cuốc, Mai, Xẻng, Thuổng…
Cuốn sổ tay của ai đó được chúng tôi chuyền tay nhau đọc năm nào, có “Những dòng sông” của Bế Kiến Quốc vẫn còn thấp thoáng đâu đó trong ký ức tôi: “Sinh ra ở đâu mà ai cũng anh hùng /Tất cả trả lời: sinh bên một dòng sông…”. Anh làm bài thơ này khi anh còn là sinh viên khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội…
Trần Thị Trường
Theo nguồn: https://cand.com.vn/Tu-lieu-van-hoa/Nha-tho-Be-Kien-Quoc-Da-tai-va-cung-da-tinh-i431700/