Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ: Một đời tận hiến cho điện ảnh

Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ – “đại thụ” của nền Điện ảnh Việt Nam vừa rời xa cõi tạm ở tuổi 90. Tác giả kịch bản của những bộ phim nổi tiếng như “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Em bé Hà Nội”, “Mối tình đầu”, “Thành phố lúc rạng đông”… Ra đi nhưng gia tài điện ảnh đồ sộ cùng tấm gương lao động miệt mài, nghiêm cẩn trọn đời của ông thực sự là niềm tự hào, không chỉ của những người làm điện ảnh.

Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ sinh năm 1932 tại xã Tân Hồng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Cụ thân sinh ra ông là nhà nho Hoàng Tích Phụng, từng làm Tri phủ Huấn học và tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Quê hương Kinh Bắc giàu truyền thống văn hóa cùng nền tảng gia đình với người cha nghiêm khắc và mang tư duy tiến bộ, ham học hỏi đã góp phần hun đúc nên một gia đình nức tiếng nhiều văn sĩ, trí thức.

Người anh cả của ông là nhà báo Hoàng Tích Chu, thuộc thế hệ trí thức hàng đầu trong việc cách tân báo chí Việt Nam đầu thế kỷ XX. Người anh thứ 2 là họa sĩ Hoàng Tích Chù, một bậc thầy về tranh sơn mài. Người anh thứ ba là nhà viết kịch Hoàng Tích Linh, một trong những nhà văn dự Đại hội thành lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957 và tham gia Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa I. Ông còn có 1 người anh là bác sĩ cao cấp Hoàng Tích Tộ.

Điều đặc biệt trong gia đình này là cả 2 anh em (nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ và họa sĩ Hoàng Tích Chù) đều được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật cho những đóng góp to lớn ở lĩnh vực này.

Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật cho cụm tác phẩm gồm 6 kịch bản phim truyện và phim tài liệu.

Cậu bé Hoàng Tích Chỉ có một tuổi thơ cơ cực, vất vả khi sớm phải chịu cảnh mồ côi cha, mẹ. Nhưng có lẽ, chính nghịch cảnh đó đã rèn luyện bản lĩnh tự lập, ý chí vươn lên trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Năm 1945, khi mới 13 tuổi, Hoàng Tích Chỉ đã sớm giác ngộ cách mạng, trở thành trinh sát ở Ty Liêm phóng (Sở Công an) Bắc Giang. Mười sáu tuổi, Hoàng Tích Chỉ trở thành Đội trưởng Đội Điệp báo.

Như sau này ông chia sẻ, bản thân đã được rèn giũa tính kỷ luật, sự khiêm nhường cũng như được nhận sự ấm áp trong cái nôi tình nghĩa của đồng đội, đồng bào từ những tháng ngày công tác đầu tiên ấy. Những đức tính, suy nghĩ đó là phương châm để ông làm việc, ứng xử trong mọi công việc, ở bất kỳ cương vị nào sau này. Chính vì thế, những người từng có điều kiện làm việc, tiếp xúc với nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ đều có chung nhận định ông là người khiêm nhường, tận tâm, nhiệt huyết với công việc và luôn giúp đỡ, động viên với thế hệ sau này.

Hòa bình lập lại năm 1954, ông chuyển về làm Trưởng phòng Văn nghệ của Ty Văn hóa tỉnh Bắc Giang và đến năm 1961, ông trở thành học viên lớp Biên kịch khóa đầu tiên của Trường Điện ảnh Việt Nam. Đây được coi là bước ngoặt lớn trong cuộc đời ông. Tốt nghiệp, ông về làm Trưởng phòng Biên kịch rồi Xưởng trưởng Xưởng Phim I của Xí nghiệp Phim truyện Việt Nam (sau là Hãng Phim truyện Việt Nam). Bắt đầu cho một hành trình dài, trọn vẹn đam mê và đầy thành tựu với điện ảnh.

Có thể nói, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ là tên tuổi lẫy lừng của Điện ảnh Việt Nam. Sự nghiệp của ông ghi dấu bằng những bộ phim kinh điển, đầy niềm tự hào với nhiều giải thưởng trong và ngoài nước.

Tiêu biểu trong số đó như “Biển gọi” (Bông sen Bạc LHP Việt Nam lần thứ I, 1970), “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” (Bông sen bạc LHP Việt Nam lần thứ II, 1973), “Em bé Hà Nội” (Bông sen Vàng LHP Việt Nam lần thứ III, 1975, Giải đặc biệt của BGK tại LHP quốc tế Matxcova – 1975), “Mắt bão” (1972), “Tọa độ chết” (1985), “Mối tình đầu” (Bông sen bạc LHP Việt Nam lần thứ V, 1980, Giải Chiếc thuyền Bạc LHP Hiện thực mới tại Ý – 1981), “Thành phố lúc rạng đông” (Giải Bồ câu vàng đặc biệt, LHP Leipzig – CHDC Đức), “SBC – Săn bắt cướp: Người đàn bà bị săn đuổi” (1990), “Bông hoa rừng Sác” (1995)…

Ông là tác giả viết kịch bản phim đầu tiên và duy nhất cho đến nay của Việt Nam được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt V (năm 2012) với cụm công trình gồm 6 kịch bản phim truyện và phim tài liệu: “Trên vĩ tuyến 17”, “Biển gọi”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Em bé Hà Nội”, “Mối tình đầu” và “Thành phố lúc rạng đông”. Cho đến thời điểm này, chưa có tác giả kịch bản nào vượt qua được ông về khối lượng tác phẩm đồ sộ, kết quả của sức sáng tạo mãnh liệt, đáng nể phục.

Những bộ phim mà ông chắp bút viết kịch bản nhận được sự yêu mến của nhiều thế hệ khán giả bởi luôn đầy ắp chất liệu hiện thực. Thậm chí, có những bộ phim mang đậm tính lịch sử, trở thành đại diện tiêu biểu phản ánh đời sống nhân dân trong một giai đoạn lịch sử cụ thể. Những trang kịch bản của ông đều là kết quả của những chuyến đi lăn lộn lấy tài liệu, ngay cả trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh khốc liệt và gian khổ. Nhiều nhân vật trong tác phẩm của ông được xây dựng từ những nguyên mẫu ở những nơi ông đã đến, quan sát và trải nghiệm, trò chuyện.

Giờ đây, những người làm điện ảnh vẫn nhắc nhớ câu chuyện ông và đạo diễn, NSND Hải Ninh đã 5 năm liền đạp xe đi về không biết bao lần đến “chảo lửa” Vĩnh Linh để lấy tư liệu viết kịch bản, làm phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”. Cứ đêm đi, ngày nghỉ để tránh bom. Khi giặc Mỹ ném bom Hà Nội năm 1972, ông sơ tán các con về Chùa Thầy còn mình cùng vợ bám trụ thành phố. Kịch bản “Em bé Hà Nội” ra đời ngay giữa những ngày Hà Nội oằn mình trong trận chiến lịch sử ấy. Hay đúng ngày 30/4/1975, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ cùng các nghệ sĩ Xưởng Phim truyện Việt Nam theo đoàn quân giải phóng có mặt tại Dinh Độc Lập để gấp rút hoàn thành bộ phim tài liệu “Thành phố lúc rạng đông”.

Những ngày này, trên nhiều trang báo có hình ảnh trang bản thảo kịch bản phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” do ông viết tay. Những trang giấy đã ố vàng màu thời gian nhưng là minh chứng cho sự lao động nghiêm cẩn, hết mình.

Poster phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”.

Với kịch bản phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, sau khi viết xong, ông còn vào giới tuyến đọc và nghe phản hồi từ các lực lượng: bộ đội, vũ trang để hoàn thiện kịch bản. Đi để quan sát, ghi chép những câu chuyện cuộc đời rồi cô đọng, súc tích thành những câu chuyện phim, nhân vật điển hình. Những nhân vật của ông thấm đẫm chất đời mà lại mang tính biểu tượng rất cao. Một chị Dịu đằm thắm, dịu hiền nhưng mạnh mẽ trước kẻ thù trong “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”. Cô bé Hà Nội trong trẻo, hồn nhiên giữa hiện thực khốc liệt của chiến tranh…

Nhắc tới sự nghiệp của biên kịch Hoàng Tích Chỉ là nhắc “cặp bài trùng” biên kịch Hoàng Tích Chỉ – đạo diễn Hải Ninh. Hai cây đại thụ của điện ảnh Việt đã cùng nhau làm nên những tác phẩm xuất sắc cho nền điện ảnh nước nhà. Mặc dù, theo đạo diễn, NSND Thanh Vân, con trai của đạo diễn, NSND Hải Ninh thì hai người tính cách khác nhau. Nếu như đạo diễn Hải Ninh sôi nổi, hay nói thì biên kịch Hoàng Tích Chỉ rủ rỉ, trầm tính.

Sinh thời, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ cũng ví khoảng thời gian cộng tác làm việc giữa ông và đạo diễn Hải Ninh như một “cuộc hôn nhân” trong công việc: “Chúng tôi rất khác nhau nhưng lại hợp nhau. Chúng tôi hiểu ý nhau như đôi bạn, mình xúc động trước điều gì thì bạn cũng vậy”. Nhưng có lẽ, mối duyên của hai nghệ sĩ tài năng ấy, ngoài sự tương đồng về tri thức và cảm xúc là cùng tình yêu lớn lao dành cho điện ảnh. Những bộ phim được thực hiện bởi bộ đôi Hoàng Tích Chỉ – Hải Ninh luôn phản ánh kịp thời, chân thực những sự kiện lớn và chứa đựng tính điển hình của tâm hồn và khí chất con người Việt Nam trong những giai đoạn lịch sử cụ thể.

Cả cuộc đời nhà viết kịch Hoàng Tích Chỉ luôn đắm đuối với nghệ thuật thứ 7 dù ở vai trò tác giả kịch bản hay sau này là Giám đốc đầu tiên của Hãng Phim truyện I. Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, ông là một trong những nghệ sĩ, nhà quản lý đi đầu với tư duy nhập cuộc thị trường điện ảnh rất nhanh.

Lịch sử Hãng Phim ghi nhận ông là một người sẵn sàng dấn thân vào những thử thách mới. Kết quả của tâm huyết ấy là những bộ phim tiêu biểu như “Người đàn bà bị săn đuổi”, “Dòng sông hoa trắng”, “Săn bắt cướp”, “Bông hoa rừng Sác”… Đó là những bộ phim nghệ thuật nhưng có sức hút khán giả rất lớn. Điều hạnh phúc mà nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ để lại cho cuộc đời ngoài gia tài điện ảnh đồ sộ là sự kính yêu của đồng nghiệp và gia đình ấm êm với những người con luôn ngưỡng mộ, không ngừng học tập tấm gương về sự lao động nghệ thuật nghiêm túc, bền bỉ của cha mình.

TUẤN PHONG/VNCA

Theo nguồn: https://vanvn.vn/nha-bien-kich-hoang-tich-chi-mot-doi-tan-hien-cho-dien-anh/