Nhà báo Trần Đức với nhà văn Triệu Bôn và vụ trộm lạ đời

Nhà văn Triệu Bôn đi về miền cát bụi trước, nhưng còn kịp dặn vợ: “Sau này anh ra đi, mình chẳng có gì ngoài sách, em nhớ biếu anh Trần Đức những quyển sách nhé. Anh ấy đọc tinh tường lắm. Nhớ đấy”…

Vào khoảng những năm 1989, 1990, khi đó nhà báo Trần Đức đương nhiệm Tổng biên tập Báo An ninh Thủ đô, còn nhà văn Triệu Bôn là Tổng biên tập Tạp chí Du lịch Việt Nam. Một lần, nhà văn Triệu Bôn tìm đến tòa soạn Báo An ninh Thủ đô cầu cứu anh Trần Đức một việc rất hệ trọng. Sau cuộc điện thoại hẹn, nhà văn Triệu Bôn đến tận tòa soạn thì Trần Đức vẫn đang cắm cúi duyệt bài:

– Chào thủ trưởng, có việc gì quan trọng không mà cậu lo lắng thế.

– Có đấy anh. Em vào việc chính ngay đây. Nhà em vừa bị kẻ trộm chui vào, nó dỡ 4 viên gạch trên cửa sổ ra, vào nhà. Có một điều em lấy làm lạ, khi kẻ trộm chui ra không lấy của em một thứ gì.

Trần Đức bật cười ha hả. Có vẻ anh không lạ gì gia cảnh của Triệu Bôn lúc bấy giờ. Anh hỏi:

– Triệu Bôn vẫn ở 19 Hàng Buồm, cơ quan của Hội Văn nghệ Hà Nội chứ gì? Thế kẻ trộm vào nhà mà Triệu Bôn không trao vào tay cho nó quyển sổ đỏ, hay sổ gạo đấy chứ.

Triệu Bôn phân trần:

– Em đang ở nhờ có 8 mét vuông của Hội Văn nghệ Hà Nội, nhà chỉ có cái máy chữ và cái tivi đen trắng, tủ giả không khóa, lục lọi xong mà xem ra kẻ trộm không thèm lấy một thứ gì. Anh bảo em không lạ sao được.

– Hay nhỉ, sao không mất thứ gì mà cậu lo lắng cho hại tâm can. Cậu à, có thể đấy là trộm quen. Chắc nó “rình” thấy cậu hay đi nước ngoài nhiều lần nên sẽ nghĩ cậu có của nả để dành, định đánh một mẻ to vớ bẫm. Không ngờ vào đến nhà lục lọi chỉ thấy giấy và giấy, chữ và chữ… chắc thằng kẻ trộm này nó thất vọng lắm đấy.

– Vâng, chắc chắn là thất vọng. Em mới vá lại 4 viên gạch. May mà cái máy chữ của em nó không lấy đi, không thì chết em, bằng như chặt cụt tay chân em. Em biết lấy gì mà viết?

Nhà báo Trần Đức

Trần Đức cười bảo nhà văn Triệu Bôn:

– Cậu cứ để yên ắng ít hôm xem sao, có thể đó là một tay trộm cùng ngõ, nó vào thám thính xem sao. Nhưng cậu yên tâm đi, phải yên tâm thì mới viết được, nó  không khoắng cái tivi đen trắng là may rồi.

Lần ấy Triệu Bôn ra về yên lòng hơn vì có anh Trần Đức trấn an. Triệu Bôn bảo với vợ:

“Tối nay anh ra hàng cháo lòng chị Oanh làm bát cháo, nghe ngóng xem sao”.

Tối ấy Triệu Bôn uống chén rượu, lại làm quen với một cậu trùm đầu gấu, hắn  từng là anh hùng “hảo hớn” ở chợ Bắc Qua một thời. Cậu Lăng có có đặc điểm bàn tay trái có bốn ngón. Tò mò không hiểu sao hai bàn tay cậu ấy chỉ có 9 ngón, song Triệu Bôn chỉ quan sát nhưng không hỏi gì.

Rượu vào, chén thù chén tạc, cậu Lăng hỏi Triệu Bôn:

– Kể ra nhà văn các bác nghe danh cứ lầm tưởng oách lắm, mà xem ra nhà bác cũng  rách  nhể, đi nước ngoài không kiếm được tý bổng lộc nào hở bác?

Triệu Bôn đáp lại:

– Nhà tớ đi công tác chỉ làm khổ cho vợ tớ thôi, còn phải ra phố Hàng Buồm mua quà cáp bỏ tiền túi ra khao bạn đấy. Cậu không hiểu được đâu, đi Tây mà còn khổ hơn ở nhà.

Cậu Lăng dò hỏi:

– Có lần em thấy bác vác về hai cái va li to đùng kia mà. Có hàng Liên Xô quạt tai voi không mà nhà bác chỉ có mỗi cái quạt con cóc  35 nghìn.

– Ôi giời, hai cái vali to đùng ngất ngưởng ấy là người ta gửi tớ mang hộ, vì tớ không có gì để mang, đi tay không nên họ mới gửi. Nửa tiếng sau, cả quà cáp và va li trả hết. Vợ tớ chắc còn buồn hơn tớ, có lần tớ cũng lăn tăn đấy, vì vừa lạ nước lạ cái, ngơ ngác, vừa không có tiền nên không mua quà cho vợ con.

– Thế  bác không có tiền đi đường sao?

– Được vài trăm rúp đi Nga, một trăm đô đi Hung, tớ toàn đi thực tế để viết, lúc về vợ tớ không có quà và con tớ cũng không có cả bộ quần áo mới ấy chứ.

– Nhà văn các bác hay nhỉ.

– Hay gì mà hay. May mà vợ tớ nó không giận. Kể cũng áy náy thật nhưng biết làm sao. Nhưng này, hỏi thật nhé, cậu ở phố này có đàn em nào nhờ cậu nói cho một  tiếng đừng khua khoắng nhà tớ nhé.

– Ôi bố yên tâm đi, nhà bố rách nát thế tụi nó vào làm gì cho mệt.

Lần này thì Triệu Bôn biết ai vào nhà mình rồi.

Hôm sau, có dịp công tác sang nhà máy Diêm bên cầu Đuống, ngồi cùng xe với nhà báo Trần Đức, Triệu Bôn lại tếu táo:

– Chủ nhật này vợ chồng em xuống chơi nhà anh, anh cho bọn em ăn chực bánh cuốn Thanh Trì nhé.

Nhà báo Trần Đức vui vẻ:

– Tôi chờ cả hai ông bà đấy.

Nhà văn Triệu Bôn làm việc với một nữ nhà báo nước ngoài”.

Chủ nhật khi xuống nhà Trần Đức, vào làng Thanh Trì hỏi thăm, ai cũng biết tên nhà báo Đức làm ở Báo An ninh Thủ đô. Anh Đức đang ngồi trên cái thuyền sắt hái rau muống dưới ao. Anh lên bờ rồi hồ hởi mời vợ chồng Triệu Bôn vào nhà.

Anh đã để phần bánh cuốn và chả quế cho hai vợ chồng Triệu Bôn ăn, anh bảo: “Ngồi nhìn các cậu ăn là mình sướng lắm rồi. Mình sợ bánh cuốn”. Rồi anh trải lòng: “Ngày trước khi vợ tớ còn sống, tớ đi làm Báo An ninh Thủ đô, vợ tớ hàng ngày vẫn chạy chợ bán bánh cuốn.

Cũng có lần bị công an tóm cho vào đồn, vợ tớ chẳng nói một câu gì, đến tối về nhà hỏi bọn trẻ con mẹ đâu? mới hay vợ bị bắt cả gánh bánh cuốn, để đến tối cả gánh đổ đi cho lợn. Khổ thế, mà về nhà vợ cũng không phàn nàn gì. Mãi sau này cậu bạn lính công an nói với tôi, giá chị nhà nói với em một tiếng là vợ của anh Đức, Tổng biên tập Báo An ninh Thủ đô thì bọn em thả ngay. Có biết đâu chị lại là vợ anh, khổ thế, nhiệm vụ dẹp hè, dẹp phố bọn em phải ra quân anh ạ”.

Những miếng bánh cuốn cứ ngậm mãi trong miệng Triệu Bôn, bột bánh mát lạnh, trong  đục, anh chậm nuốt vì nghĩ thế sự diễn ra với những cảnh áo ngắn vá vai… Trần Đức bảo: “Mình nhờ vợ nuôi con, vợ cáng đáng gia đình, chứ mình có giúp gì được vợ con đâu. Vô tích sự trong mọi nỗi lo toan cơm áo ở nhà, mọi việc nhà cửa con cái đành giao cho vợ tất. Bây giờ mình được an ủi lớn nhất là con cái trưởng thành, hiếu thảo, nên mình có ra đi mai này thì cũng yên lòng được rồi”.

Nhớ cái đận sang nhà máy Diêm Thống Nhất, ngồi trên xe, nhà văn Triệu Bôn bảo anh Trần Đức:

– Cuộc đời chả nói trước được điều gì, nếu em gặp vận hạn có khi phải nhờ cái quỹ  “Bầu ơi thương lấy bí cùng” của báo anh cũng nên.

Ấy thế câu nói đùa hóa thật, Triệu Bôn bị tai biến mạch máu não, sau đó liệt nửa người. Một buổi sáng, vợ Triệu Bôn đang lẩn mẩn với những đồng tiền lẻ góp lại mua mấy chai đạm  truyền cho chồng thì anh Nguyến Quốc Toán, ở  Báo An ninh Thủ  đô đến,  đem theo một cọc tiền (những đồng tiền 200 đồng) bấy giờ để giúp nhà văn Triệu Bôn mua thuốc cấp cứu. Phải mất ba năm sau đó Triệu Bôn mới lại tập đi, tập nói, anh đã viết cái chuyện “Gió lay cửa Phật” để rồi ước ao viết về chân dung nhà báo Trần Đức với những ám ảnh trắng đen “sấp ngửa” trong thơ Trần Đức, nhưng Triệu Bôn đã bỏ lỡ cơ hội mất rồi.

Nhà văn Triệu Bôn đi về miền cát bụi trước, nhưng còn kịp dặn vợ: “Sau này anh ra đi, mình chẳng có gì ngoài sách, em nhớ biếu anh Trần Đức những quyển sách nhé. Anh ấy đọc tinh tường lắm. Nhớ đấy”.

Rồi có đận Triệu Bôn thấy nhà thơ Phùng Quán ốm. Triệu Bôn in thơ cho anh Phùng Quán trên Tạp chí Du lịch, anh còn lấy thêm hai bài thơ của Phùng Quán, gửi anh Trần Đức để in thêm trên tờ báo anh Đức làm Tổng biên tập, may ra có thêm vài chục bạc cho anh Quán mua thuốc. In thơ, in báo xong, Triệu Bôn đi lấy báo và mang nhuận bút đến tận nhà cho anh Phùng Quán.

Ở tòa soạn, Triệu Bôn lại gặp cảnh anh Trần Đức đưa tiền cho nhà thơ Tạ Vũ và bảo rằng: “Tiền này cậu cầm lấy để uống rượu, và có tiền để đi xích lô về nhà”. Hình như Trần Đức không chỉ thấu hiểu cảnh thiếu thốn của kẻ sỹ mà anh coi việc chia sẻ với đồng nghiệp, nghệ sĩ như là bổn phận của anh, như một công việc bình thường hằng ngày anh biết mình phải làm và làm thật tốt. Nhưng với tính cách của anh, giúp ai xong thì anh quên ngay. Trần Đức là thế.

Năm tháng trôi qua vùn vụt, có thể mọi chuyện xưa đi vào quên lãng. Nhưng những cách xử thế ấm áp, sự tinh tế đầy trách nhiệm với bạn bè của anh Trần Đức, tôi vẫn chưa quên, chỉ mạn phép anh ghi chép lại những  kỷ niệm nhỏ bé, câu chuyện của  hai vị tổng biên tập báo của một thời xa ngái để thấy giữa họ là một tình bạn, tình đồng nghiệp ấm áp!

Hoàng Việt Thắng
https://cand.com.vn/Tu-lieu-van-hoa/Nha-bao-Tran-Duc-voi-nha-van-Trieu-Bon-va-vu-trom-la-doi-i408385/