Hy sinh ở tuổi chẵn 40, ngót một nửa số lượng sáng tác của Nguyễn Thi còn ở dạng bản thảo, cùng với rất nhiều sổ tay ghi chép. Những ghi chép trong đó có phần chỉ có giá trị tư liệu nằm trong mấy chục sổ tay; có phần là nhật ký, hoặc thư từ.
Phần ghi chép trước 1954, có khá nhiều, trong đó đã được công bố là chùm Nhật ký 1953-1955, ông gửi lại cho Thủ trưởng là Thanh Tịnh trước khi vào Nam, năm 1962, giúp soi sáng một ít góc khuất của đời riêng, với người vợ trước là Bình Trang. Phần ghi chép sau 1962 chiếm hơn một trong 4 tập của Toàn tập, trong đó có chùm 25 bức thư gửi người vợ sau, ở miền Bắc là Nguyễn Thị Xuân và con trai là Nguyễn Thi. Như vậy là để đến với một tập hợp đầy đủ của Nguyễn Thi cần một thời gian ngót 20 năm sau khi qua đời, và 10 năm sau ngày đất nước được giải phóng. Một thời gian không ngắn. Thế nhưng vẫn cần đến một thời gian như thế mới có thể tạm kết thúc một công việc không chỉ để tôn vinh và nhớ ơn một nhà văn – liệt sĩ, mà còn để nói lên một điều gì thật cảm động và thiêng liêng trong chiều sâu tiềm ẩn không để phát lộ, và rất có thể chẳng bao giờ được phát lộ, của một nền văn học viết về chiến tranh trong và sau chiến tranh ở Việt Nam thế kỷ XX. Một công việc được tiến hành bởi các đồng đội ở chiến trường, gồm rất nhiều chiến sĩ vô danh đã cùng ông chiến đấu mà không hề biết ông là ai; và nhiều đồng nghiệp thân quý khác như Nguyễn Trọng Oánh – người đã sưu tập cất giữ các loại bản thảo, sổ tay rồi tìm cách gửi dân ra Bắc theo con đường an toàn nhất. Và tất nhiên có người ở hậu phương, như nhà phê bình Nhị Ca trong cuốn sách viết sớm nhất về một tác gia đương đại: Gương mặt còn lại: Nguyễn Thi (Tác phẩm mới; 1983). Nhưng rồi do trọng bệnh, không qua khỏi, công việc Nhị ca còn bỏ dở lại được nhà phê bình Ngô Thảo tiếp tục trên hơn 10 năm tiếp theo, với rất nhiều công phu và tâm huyết mới đến được Toàn tập gồm 4 tập, hơn 2000 trang, trong đó tác phẩm hoàn chỉnh chỉ chiếm hơn một nửa.
Qua Nhật ký và Ghi chép thấy hiện lên thật trung thực và rõ nét con người Nguyễn Thi, tác phẩm Nguyễn Thi. Nó là bộ phận cần thiết, không thể thiếu, để soi sáng thêm những trang văn đã viết xong như Người mẹ cầm súng, Chuyện xóm tôi hoặc còn bỏ dở như Ở xã Trung Nghĩa, Sen trong đồng. Nó còn giúp soi tỏ cả những góc khuất của đời riêng, với những u uẩn, hoặc bi kịch, do hoàn cảnh, hoặc do quan hệ sống của con người Nguyễn Thi – quả không bằng an và phẳng lặng trong đường đời và số phận…
Con của người mẹ kế. Bố mất khi 9 tuổi. Tuổi thơ từng có lúc theo mẹ vào nhà tù. Vì mưu sinh, phải làm một gánh hát vào Sài Gòn, ở với một người anh cùng cha khác mẹ. Năm 1945 lạc gia đình, rồi gia nhập quân đội. Làm công tác chính trị, tuyên huấn, văn nghệ trong quân đội. Có được nhận Giải ba trong Giải thưởng văn nghệ Cửu Long Giang, nhưng chưa là một cây bút tên tuổi. Năm 1954 cưới vợ là một cô gái Sài Gòn, ra bưng biền tên là Bình Trang, rồi tập kết ra Bắc, để lại ở miền Nam đứa con gái có tên là Trang Thu. Tám năm ở miền Bắc, trong đại gia đình Văn nghệ quân đội ở 4 Lý Nam Đế, và từ đấy bút danh Nguyễn Ngọc Tấn mới thật là một cái tên quen bên cạnh những Hữu Mai, Nguyễn Khải, Hồ Phương, Nguyên Ngọc, Xuân Thiều, Trúc Hà để cùng góp phần làm nên một mùa văn chương in dấu thời điểm “xuân 61” “đỉnh cao muôn trượng” (Tố Hữu), với những Mùa lạc, Rẻo cao, Biển xa, Cỏ non trong văn, bên những Ánh sáng và phù sa, Riêng chung, Trời mỗi ngày lại sáng, Bài thơ cuộc đời trong thơ, ghi lại cái duyên đầu gặp gỡ rưng rưng đến say người của Tổ quốc và Chủ nghĩa xã hội.
Tám năm, trong niềm vui xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Nguyễn Ngọc Tấn vẫn không nguôi thương nhớ và ngóng vọng về Nam – nơi ông có một gia đình nhỏ, với người vợ mới cưới và đứa con gái đầu lòng mà ông chưa hề biết mặt. Thế nhưng cái tổ ấm ấy đã không còn giữ được. Và truyện ngắn Im lặng (Văn nghệ quân đội số 12-1957) như một hồi quang của nỗi niềm riêng ấy. Trong thiên truyện đầy ám ảnh của bóng tối và giông bão, của day dứt và vật lộn nội tâm này, người vợ ở miền Nam đã không thể yên ổn chờ chồng. “Im lặng” – đúng như tên truyện, ghi nhận sự chống trả quyết liệt trong im lặng của người vợ – để bảo vệ cách mạng và bảo vệ tình yêu. Thế nhưng trước bạo lực và mọi âm mưu nham hiểm của đối phương, người vợ, trong yếu đuối và thế cô, đã không thể giữ được những gì cần giữ. Điều kỳ lạ, và cũng có thể là dễ hiểu trong sự gắn nối của những nghịch lý, bên cạnh và tiếp nối Im lặng, lại là những trang đằm thắm và đầy chất thơ về tình đồng đội, tình yêu, tình quê hương và niềm vui lao động, nơi hai tập truyện có tên là Trăng sáng và Đôi bạn. Cùng ra đời vào lúc này. Con người rồi đây sẽ cho ta những trang tuyệt vời về cảnh và người của đồng bằng sông Cửu Long, của Bến Tre, Mỹ Tho và Long An, cũng là người đã từng viết rất hay về quê hương miền Bắc trên dọc dài quốc lộ miền Trung trong một chuyến có chính tên là Quê hương: “Xe hơi đưa tôi vào quãng đường râm mát. Những cái gì thuộc về quê hương lại nối tiếp hiện ra: vài cái lá bánh rơi ngoài cửa, có lẽ ngôi nhà ấy vừa có người mẹ về chợ; trên một cái cầu ao, một em bé chừng bảy tám tuổi đang tắm đã biết kéo quần lên che kín ngực, sự thẹn thùng sớm sủa về giới tính rất thân thuộc của quê ta; xa xa một vuông phản lau nhau toàn trẻ con đang ngồi ăn cỗ dưới bóng mát của một cái rạp dài: đám cưới hay đám giỗ? Gánh cỗ của cô gái nào đó đang dở rửa chân dưới bến còn để ở chân cầu”.
Hẳn phải có một thôi thúc ghê gớm lắm mới khiến cho Nguyễn Ngọc Tấn quyết liệt đến thế trong nguyện vọng trở về Nam, như cách Nguyên Ngọc kể lại trong hồi ký Chiến trường – Sống và viết của ông. Và có phải là một sắp xếp của số phận không, lần này trở về Nam, Nguyễn Ngọc Tấn đã để lại ở hậu phương miền Bắc người vợ thứ hai, cũng vừa mới sinh một đứa con, có cái tên rồi sẽ là bút danh mới của ông xuất hiện ba năm sau: Nguyễn Thi. Một con gái ở phía Nam, một con trai ở miền Bắc, trong hai lần xây dựng gia đình; cả hai con – đứa lớn người cha chưa từng biết mặt, đứa bé phải chia tay khi mới được dăm tháng tuổi. Có lẽ vì thế chăng, Nguyễn Ngọc Tấn, rồi Nguyễn Thi đã gửi vào cả hai miền đất nước một tình yêu thương sâu thẳm và bền chắc tưởng khó có ai sánh được. Bởi tình thương ấy, nỗi nhớ ấy, niềm khao khát gặp gỡ và đoàn tụ ấy, trong gắn nối giữa riêng và chung, giữa gia đình và đất nước ông đã dồn đến cùng, rồi dồn hết vào tất cả những trang viết của mình.
Người cha đã hy sinh mà chưa từng có hạnh phúc và trách nhiệm làm cha. Người chiến sĩ đã ngã xuống ở tiền tiêu khi hành trình đến ngày đại thắng phải còn thêm bảy năm nữa! Mọi lời bình ở đây đều là bất lực, bởi làm sao mà nói hết được nỗi xót xa cho những “dang dở” của một con người có thể nói là xứng đáng nhất, xứng đáng đứng ở hàng đầu trong quân đội quân chiến thắng của giới văn nghệ vào ngày vinh quang của dân tộc.
Sáu năm vào nửa nước phía Nam, trong dữ dội và khốc liệt của chiến trường Nam Bộ và vùng ven Sài Gòn, Nguyễn Thi đã liên tục đi và viết. Và đi là để viết. Viết dưới mưa bom và pháo bầy. Viết trong các cuộc chống càn. Viết giữa hai trận đánh… Là người lính, với sứ mệnh được trao là viết, Nguyễn Thi đã có đủ cả hai tư thế, để đồng thời làm cả hai việc; nhưng khao khát lớn nhất của ông là làm sao có thể tranh thủ mà viết, để viết cho được. Và viết, là viết cho đất nước, cho nhân dân. Cho bà con, cô bác, cả miền Bắc và miền Nam nơi đâu cũng ruột ra, thân thiết đối với ông. Cho chính người thân của ông. Và cho cả những ước nguyện sâu xa của chính mình. Và viết gì? Ở mục tiêu cao nhất và thiêng liêng nhất, đó là viết về chiến công của nhân dân; về bản lĩnh và khí phách của nhân dân; về tâm hồn và trí tuệ, nỗi đau và niềm tin của nhân dân… Với hai vũ khí: cây súng và cây bút, Nguyễn Thi đã tuyệt đối và trọn vẹn làm tròn trách nhiệm của mình, ở những trang viết, nó là mục đích cuối cùng của một người viết văn trong ý nghĩa chân chính của từ này.
Sáu năm vào chiến trường, chỉ có khoảng trên dưới dăm năm viết, tất cả những gì Nguyễn Thi đã chuyển được lên trang giấy, kể cả những bản thảo còn dang dở, đều có thể minh chứng cho sức mạnh kỳ diệu của ngôn từ – ngôn từ Nguyễn Thi. Một ngôn từ thật là giàu có, là biến hóa, là linh hoạt và còn là kỳ diệu nữa, trước yêu cầu dựng một kỳ đài hùng vĩ về nhân dân Việt Nam trong chiến đấu và nhất định sẽ chiến thắng. Với một khẩu súng, ai đó, kể cả Nguyễn Thi, có thể giết một hoặc nhiều tên địch. Với những trang giấy, Nguyễn Thi đã làm thức dậy nguồn sức mạnh tinh thần của một và nhiều thế hệ; và lưu lại cho hậu thế một bức tranh cực kỳ sắc nét và thấm đẫm tình người về đồng bào miền Nam, về nhân dân Việt Nam trong một cuộc chiến dữ dội và khốc liệt vào bậc nhất của lịch sử dân tộc, trong nửa sau thế kỷ XX.
Phong Lê
Nguồn Văn nghệ số 28/2023