Nguyễn Công Hoan – Bậc thầy về truyện ngắn châm biếm

     Là tác giả của trên 200 truyện ngắn và gần 30 truyện dài, truyện vừa với nghệ thuật đặc sắc và độc đáo, Nguyễn Công Hoan là một trong những ngọn cờ đầu của văn học hiện thực phê phán Việt Nam thời kỳ 1930- 1945.

     Những tác phẩm của ông mang đến cho độc giả cái nhìn sâu sắc, toàn diện và chân thực về bộ mặt cũng như bản chất của xã hội đương thời…

Nhà văn Nguyễn Công Hoan (1903-1977)

Nhà văn Nguyễn Công Hoan.

     Nguyễn Công Hoan sinh ngày 06 tháng 03 năm 1903, quê ở làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ông được sinh ra và trưởng thành trong một gia đình quan lại xuất thân nho học. Từ nhỏ Nguyễn Công Hoan đã được nghe và học thuộc rất nhiều câu thơ, câu đối, những giai thoại mang tính chất trào lộng, châm biếm, đả kích bọn tầng lớp quan lại tham lam, địa chủ cường hào, ác bá. Chính những thơ ca và giai thoại này đã làm ảnh hưởng sâu sắc tới lối viết của ông sau này.

    Một bậc thầy về truyện ngắn và nghệ thuật trào phúng

    Nguyễn Công Hoan viết văn từ rất sớm, từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường và ngay từ những ngày đầu cầm bút, ông đã xác định được hướng đi và phong cách viết. Ông có biệt tài về truyện ngắn trào phúng, ông giỏi phát hiện những tình huống mâu thuẫn đáng cười và có cách kể chuyện thật tự nhiên, có duyên, hấp dẫn với một ngôn ngữ sinh động.

     Nếu như Nam Cao nhìn thấy cuộc đời của con người chỉ là đang sống mòn, đang chết dần đi hoặc bị tha hóa; với Vũ Trọng Phụng, cuộc đời chỉ toàn sự vô nghĩa lý, thì đối với Nguyễn Công Hoan, đời là một sân khấu hài kịch. Xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX là giai đoạn của mọi thứ lố lăng, kệch cỡm, nhìn vào đâu cũng thấy sự giả dối. lừa bịp, những cái đáng cười, đáng chế giễu, thậm chí cười ra nước mắt…

    Trong hồi ký của mình, nhà văn Lê Minh, con gái Nguyễn Công Hoan đã chia sẻ: “Thời của ông, trong lúc một số nhà văn đang say sưa với chủ nghĩa lãng mạn, với những hư hư thực thực kiểu “Hồn bướm mơ tiên” thì ông lại dứt khoát lựa chọn một đường đi khác cho riêng mình”.

    Còn Giáo sư, Tiến sỹ văn học người Nga Niculin đã gọi ông là “bậc thầy về truyện ngắn châm biếm”. Với hàng trăm truyện ngắn trào phúng, mỗi câu chuyện là một cảnh đời, một số phận, ông đã vẽ lên bức tranh sinh động về xã hội thực dân nửa phong kiến tàn ác, đầy rẫy bất công, giả dối.

    Ông đả kích không thương tiếc bọn quan lại tham lam, bỉ ổi, chức cao nhưng ít tài đức, bọn địa chủ cường hào keo bẩn, ngu dốt, bọn tư sản vô lương tâm chỉ biết chạy theo đồng tiền và lối sống tư sản lố lăng, đồi bại… bằng một bút pháp trào lộng, khiến bạn đọc không thể không cười ra nước mắt. Nhưng ở chỗ sâu thẳm trái tim ông là lòng xót xa, thương cảm đối với những người dân nghèo bị cho là thấp cổ bé họng..

    Thế giới nhân vật trong các sáng tác của Nguyễn Công Hoan vô cùng đông đúc. Đó là những phu phen, thợ thuyền, dân quê, những địa chủ, lý dịch, cường hào; những nghị viên, dân biểu, quan lại; những con buôn, tư sản, chủ thầu; những giáo chức, nghệ nhân, viết văn, làm báo; những me tây, cô đầu, kép hát; những gái điếm, con sen, thằng nhỏ, lính cơ, thầy quyền, những bồi bếp, tây trắng, tây đen…

    Ông đã dày công khắc họa thế giới nhân vật đông đúc, đa dạng ấy khiến cho họ trở nên đặc sắc, sinh động, đầy sức sống. Sau mỗi một hành động của nhân vật, tiếng cười bật lên với nhiều cung bậc khác nhau. Đó là tiếng cười khoái trá, sảng khoái. Đó cũng là tiếng cười mỉa mai, châm biếm, đả kích, đầy chua xót. Đó còn là tiếng cười căm phẫn xã hội đồng tiền đưa đẩy con người vào những hoàn cảnh trớ trêu mà cái bi, cái hài xen lẫn hòa trộn.

    Danh tiếng của ông thật sự nổi bật trên văn đàn Việt Nam là một bậc thầy về truyện ngắn và nghệ thuật trào phúng khi tập truyện ngắn “Kép Tư Bền” ra đời. Tác phẩm đã gây một tiếng vang lớn và tên tuổi của ông nổi tiếng khắp Bắc Trung Nam, có 18 tờ báo đăng bài khen ngợi…

     Nguyễn Công Hoan viết nhiều trong những năm 1920 đến 1945, truyện của ông chiếm khối lượng lớn. “Bước đường cùng” là tác phẩm tiêu biểu nhất, có giá trị cao nhất của Nguyễn Công Hoan. Với “Bước đường cùng” lần đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam có một tác phẩm nói đến đời sống nông thôn Việt Nam một cách sâu sắc, vạch trần được một trong hai mâu thuẫn cơ bản của xã hội nước ta dưới thời thuộc Pháp là mâu thuẫn giữa nông dân và địa chủ phong kiến.

     Người nông dân trong “Bước đường cùng” không còn thụ động như người nông dân trong văn học Việt Nam ngày trước nữa. Đó là một hiện tượng rất mới trong văn học nước ta hồi bấy giờ. Chính quyền thực dân đã phải ra lệnh cấm lưu hành.

    Cùng thời điểm này ông cũng có nhiều các tác phẩm khác tiêu biểu như: “Cô làm công” (tiểu thuyết, 1936), “Lá ngọc cành vàng” (tiểu thuyết, 1934), “Cái thủ lợn” (tiểu thuyết, 1939), “Phành phạch” (truyện ngắn, 1939)… Từ sau năm 1954, ông cũng có nhiều truyện ngắn viết về cải cách ruộng đất và chiến sĩ cách mạng.

    Một thế đứng vững vàng trong văn mạch dân tộc

    Sau ngày hòa bình lập lại, Nguyễn Công Hoan công tác ở Hội Văn nghệ Việt Nam, làm cán bộ Nhà xuất bản văn nghệ. Khi Hội Nhà văn thành lập (1957), ông được bầu làm Chủ tịch Hội khóa đầu tiên và ủy viên Ban Thường vụ trong các khóa tiếp sau đó; đồng thời là ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam.

    Năm 1977, Nguyễn Công Hoan qua đời tại Hà Nội, ông thọ 75 tuổi. Qua hơn 50 năm cầm bút, sự nghiệp văn học của ông khá đồ sộ. Ông đã để lại cho đời một khối lượng tác phẩm với hàng trăm truyện ngắn, truyện dài và nhiều tiểu thuyết, bút ký, tiểu luận về ngôn ngữ văn học. Các tác phẩm của ông đã được tái bản nhiều lần và hiện được chọn lại trong bộ tuyển tập Nguyễn Công Hoan (3 tập, nhà xuất bản Văn học 1983 – 1986).

    Với tài năng và những cống hiến của mình cho văn học nước nhà, Nguyễn Công Hoan có một vị trí sang trọng trong lịch sử văn học Việt Nam; một thế đứng vững vàng trong văn mạch dân tộc. Tên tuổi của ông còn được ghi trong “Từ điển bách khoa toàn thư” của Liên Xô những năm 60 của thế kỷ 20 …

    Đến nay, có rất nhiều công trình nghiên cứu và bài viết về ông (kể cả của những người nước ngoài), khai thác, tìm hiểu nhiều góc cạnh, nhiều tầng vỉa trong khối di sản lớn mà ông để lại. Năm 1996, cùng với 14 nhà văn xuất sắc của nền văn học Việt Nam thế kỷ XX, ông đã vinh dự được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về Văn học nghệ thuật.

Thanh Hoa (TTXVN)

https://baotintuc.vn/nhan-vat-su-kien/nguyen-cong-hoan-bac-thay-ve-truyen-ngan-cham-biem-20170609144736269.htm