Nguyễn Bính “thi sĩ của thương yêu”

Một nhà thơ xứ Thanh nói với tôi khi gặp nhau ở Hà Nội sau ngày nhà thơ Nguyễn Bính được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học năm 2001: “Nếu phải chọn ra mười nhà thơ Việt Nam xuất sắc của thế kỷ XX, tôi cầm chắc trong đó có Nguyễn Bính”.

Tôi bắt tay anh, cảm nhận chân tình của một người yêu quý Nguyễn Bính dù ông đã đi xa trên ba mươi năm kể từ ngày 21/1/1966, tại nhà lương y Tân Thanh một người yêu thơ ông ở xã Công Lý, huyện Lý Nhân, gần nơi Ty Văn hoá Nam Hà sơ tán những năm đầu chống chiến tranh phá hoại của Mỹ.

Tôi mang ý kiến của người bạn thơ xứ Thanh về Thành Nam nói với các bạn văn chương Nam Định. Mấy anh em thơ đều cho như thế là phải. Nhà thơ “Chân quê” tỉnh Nam đã “vinh quy”! Trước đó, thơ Nguyễn Bính đã “nằm lòng” trong sự mến mộ của bạn đọc Trung Nam Bắc, của người Việt tha hương các chân trời viễn xứ từ những năm ba mươi thế kỷ trước đến bây giờ.

Bốn mươi chín tuổi đời, hơn ba mươi năm cầm bút, Nguyễn Bính đã để lại  22 thi phẩm, trong đó có 14 tập thơ, 8 truyện thơ; 5 tác phẩm kịch bản sân khấu, gồm 2 kịch bản chèo, 3 vở kịch thơ (vở “Bóng giai nhân” phác thảo ban đầu của nhà thơ Yến Lan) và các tác phẩm văn xuôi gồm truyện ngắn, tiểu thuyết đã xuất bản. Một năng lực sáng tạo đáng kính nể.

Giờ đây quê hương Vụ Bản, xã Cộng Hoà, thôn Thiện Vịnh nơi sinh thành dưỡng dục Nguyễn Bính đã thành  một địa chỉ văn học, du khách gần xa đi về. Nơi đây, Nguyễn Bính cất tiếng chào đời vào mùa xuân, mùa lễ hội Thánh Mẫu Phủ Dầy năm Mậu Ngọ, 1918, trong một gia đình nền nếp, thân phụ là một nhà Nho. Gia phong còn đó trong bài thơ Con nhà Nho cũ: “Nhà ta coi chữ hơn vàng/ Coi tài hơn cả giàu sang trên đời”…

Nguyễn Bính mồ côi mẹ khi mới ba tháng tuổi, một thiệt thòi của tuổi thơ khó có gì bù đắp. Việc học hành của ông được uỷ thác cho người bác ruột bên mẹ, cụ Bùi Trình Khiêm, một nhà Nho yêu nước ở Vân Tập dạy bảo. Nguyễn Bính học chữ Nho, chữ Quốc ngữ ở đây. Còn tiếng Pháp chắc là ông phải học với người anh ruột là nhà giáo Nguyễn Mạnh Phác – nhà viết kịch Trúc Đường (1911-1983), dạy học ở Hà Đông. Nguyễn Bính sáng dạ, ông nhập tâm chữ nghĩa, kinh sách, văn học, lịch sử… Ông thừa hưởng những nét văn hoá tinh tuý ở vùng quê văn hiến Thiên Bản – Vụ Bản, nơi giáng sinh Bà Chúa thi sĩ Liễu Hạnh, nơi sinh ra quan Trạng tài hoa Lương Thế Vinh.

Mười ba tuổi đoạt giải Nhất cuộc thi ứng tác thơ – ca từ, cậu thiếu niên Nguyễn Bính đã giúp cánh con trai làng Thiện Vịnh thắng cuộc thi diễn xướng, đối đáp tại hội xuân Phủ Dày. Người ta đã kiệu cậu lên mà rước trên vai dọc con đường cỏ non mơn mởn, giữa cờ quạt phơi phới bên dải núi Tiên Hương. Nguồn mạch văn hoá – văn học dân tộc nuôi dưỡng thi tài Nguyễn Bính. Là nhà thơ của Phong trào Thơ Mới (1932-1945), Nguyễn Bính đọc sách và nhớ sách, tự học thêm, làm giàu vốn kiến văn của mình khi văn học Việt Nam bước sang một thời kỳ mới.

Trở thành nhà thơ chuyên nghiệp sau khi nhận giải thưởng thơ của Tự Lực văn đoàn năm 1937, chỉ trong khoảng năm, sáu năm, thơ Nguyễn Bính đã được đón nhận nồng hậu ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn… Cố hoạ sĩ Nguyệt Hồ (1905-1992), một người bạn vong niên “đồng điệu” của Nguyễn Bính từ thời cùng làm báo trước năm 1945 ở Hà Nội nhớ lại: “Có một điều lạ là Nguyễn Bính nổi tiếng rất nhanh và nổi như cồn! Thơ anh xuất hiện, đi đến đâu, khắp thành thị, thôn quê, một thị trấn rừng biên giới hay một bến đò hẻo lánh xa xăm, người ta đều nỉ non, thánh thót đọc thơ Nguyễn Bính. Bà ru cháu, mẹ ru con bằng thơ Nguyễn Bính… Nguyễn Bính có một bộ mặt thơ riêng sau này nhiều người bắt chước gần như một trường phái. Ai làm theo kiểu đó người ta nhận ra ngay: Lại bắt chước thơ Nguyễn Bính rồi! Bộ mặt thơ riêng ấy là cái chất đượm tình quê mùa, chất dân tộc Việt Nam ta”. (Nguyệt Hồ-Lời bạt Giai thoại Nguyễn Bính -1991).

Tài ứng đối, năng lực thi ca và bản lĩnh văn chương, Nguyễn Bính trong “trường văn trận bút” khi cộng tác, giao lưu với các vị cựu học, tân học: Trúc Khê, Thế Lữ, Nguyễn Vỹ, Lê Tràng Kiều… với các đồng nghiệp văn chương: Tô Hoài, Thâm Tâm, Trần Huyền Trân, Vũ Hoàng Chương, Yến Lan, Đông Hồ, Mộng Tuyết… mà không “hụt hơi”, không “lạc nẻo”. Phải tự tin như thế nào một thi sĩ “chân quê” như ông mới có những cuộc “đi thực tế” suốt chiều dài đất nước, một thi nhân chỉ sống bằng nhuận bút, sự ưu ái của bè bạn và những người mến mộ thơ mình. Nguyễn Bính kỳ tài, dù phải nếm trải những thiệt thòi cay đắng, những lỡ dở, phũ phàng của cái thời buổi “coi đồng bạc to hơn núi”, thói đời và tình người với bao nhiêu ngán ngẩm nơi phồn hoa gió bụi kinh thành: “Nhất kiêng đừng lấy chồng thi sĩ/ Nghèo lắm con ơi, bạc lắm con”. Dù mấy phen cầm lòng bước lên bục diễn thuyết, viết kịch rồi đóng kịch lấy tiền để độ nhật, để xoay lấy một tấm vé cho chuyến tàu chở một người “giời bắt làm thi sĩ” trên đường thiên lý “hành phương Nam”, nhất quyết không bỏ cuộc. Lạ một điều là trong hoàn cảnh lữ thứ tha hương như thế, Nguyễn Bính đã có những thi phẩm để đời dù phải đáp ứng tức thì những đòi hỏi của các ông chủ bút, các Mạnh Thường Quân và bạn đọc nơi ông đến rồi đi. Ví như chùm thơ ông viết ở Huế: “Xóm Ngự Viên”, “Giời mưa ở Huế” cùng với “Người con gái ở lầu hoa”, khi đứng vào tuyển tập thơ viết về Huế trước năm 1945 tập “Bài thơ thôn Vĩ” (Sông Hương – 1987), với 50 thi tài danh tiếng của đất nước, thơ Nguyễn Bính với hai bài thất ngôn trường thiên độc vận đặc sắc, xứng đáng đứng hàng đầu trong tuyển tập này. Nhà phê bình văn học Hoài Thanh (1909-1982) trong cuốn “Thi nhân Việt Nam” đã có một nhận xét xác đáng: “Thơ Nguyễn Bính là hồn xưa đất nước”.

Gia tài thi ca Nguyễn Bính thật đầy đặn là thơ tình. Cái tình thôn quê trong trẻo “Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông/ Một người chín nhớ mười mong một người”, cái tình ngây thơ tuổi học trò “Đội đầu chung một lá sen tơ”, cái tình trong mộng “Có một nghìn đêm tôi chiêm bao”, ước vọng hạnh phúc lứa đôi không thành “Từ ngày Nhi bỏ nơi làng cũ/ Mộng ngát duyên lành cũng bỏ tôi”. Thơ tình Nguyễn Bính có cả mối đồng cảm tâm tình nơi thôn dã, những cảm thương nhân ái đối với những thân phận goá bụa, đơn côi, từ bà lão xóm Tây đến anh lái đò nghèo, từ chị Trúc “Lỡ bước sang ngang” đến cô gái Hà Thành trinh trắng bạc mệnh… Những gương mặt nhân hậu lầm lụi trong đám bụi mù nhân thế thời vong quốc “Gái chính chuyên kia đứng vệ đường”, khuất lấp trong không gian cách trở, quạnh quẽ nghìn đời “Nhà em xa cách quá chừng/ Em van anh đấy, anh đừng thương em”; những cuộc biệt ly chồng nam vợ bắc trên sân ga đổ bóng “Buồn ở đâu hơn ở chốn này?”Thơ Nguyễn Bính có cả những giãi bày, chia sẻ về gia đình, về quê hương thời nước mất nhà tan với bao nhiêu ngậm ngùi thương nhớ.

Nguyễn Bính là một trong những nhà thơ có ý thức làm mới câu thơ lục bát từ những năm Ba mươi thế kỷ trước. Đây lời thương bên giàn trầu ngõ quê:“Em nghe họ nói mong manh/ Hình như họ biết chúng mình với nhau”. Kia cảnh dọc ngang sông nước trùng trùng: “Anh đi đó, anh về đâu/ Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm”…

Nguyễn Bính dịch thơ chữ Hán sang thơ lục bát cũng thật đáng nể. Ví như hai câu trong bài tứ tuyệt “Ước khách” (Khách hẹn) của Triệu Sư Tú, đời Tống, Trung Quốc: “Hữu ước bất lai qua dạ bán/ Nhàn xao kỳ tử lạc đăng hoa”, Nguyễn Bính dịch: “Nửa đêm cái hẹn qua rồi/ Quân cờ gõ nhảm làm rơi hoa đèn” thật là cao tay. Ở thể thơ Đường luật chặt chẽ về niêm luật, Nguyễn Bính vẫn thăng hoa với đủ cả các phẩm chất đăng đối, tề chỉnh: “Em vốn đường dài thân ngựa lẻ/  Chị thì sông cái chiếc đò nan/ Quê người đứng ngắm mây lưu lạc/ Bến cũ nằm nghe sóng lỡ làng/ Quản bao khấp khểnh mà ngao ngán/ Dù một lênh đênh cũng bẽ bàng”…(Xuân lại tha hương)

Ngọn bút trữ tình Nguyễn Bính có lúc còn “Thảo lên giời mấy nét nhanh” để gửi cho người mình yêu bức “ngọc thư” độc đáo: “Xe ngựa chiều nay ngập thị thành/  Chiều nay nàng bắt được giời xanh/ Đọc xong bảy chữ thì thương lắm: Vạn lý tương tư, vũ trụ tình”- (Bảy chữ)

Trước đó chừng một thế kỷ, một nhà thơ châu Âu cũng có thao tác “viết thư tình lên giời” gần giống Nguyễn Bính. Đó là Heinrich Heine (1797-1856), nhà thơ vĩ đại nước Đức, trong tập “Biển bắc”, ông viết: “Anh sẽ nhổ cây thông nào cao lớn nhất Na Uy/ Nhúng vào miệng hoả diệm sơn bùng chảy/ Anh viết câu thơ sáng rực lên trời: “Anh yêu em! Hỡi em! An-nét!”…”

Trong bài thơ “Một trời quan tái” sáng tác ở Lạng Sơn năm 1940, Nguyễn Bính có một dòng tự bạch “Tôi là thi sĩ của thương yêu”. Ngẫm lại thật đúng. Là thi sĩ khát khao, trân trọng tình người, Nguyễn Bính thành người đồng điệu của nhiều văn nghệ sĩ chân chính ở các chân trời nghệ thuật từ xưa đến nay, những người suốt đời phấn đấu vì tình thương yêu đồng loại, tình yêu nhân dân đất nước, sống và viết với ước vọng nhân văn cao cả ấy.

Nguyễn Bính không màng thứ danh lợi “vinh thân phì gia” khom lưng uốn gối. Bước qua những lời mời gọi trọng vọng và cả lời hăm doạ từ đám quan chức Sài Gòn theo Pháp, đầu năm 1947, Nguyễn Bính đến tới chiến khu Đồng Tháp Mười, tham gia kháng chiến, đồng cam cộng khổ với cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Tây. Thơ ông chuyển sang một thời kỳ mới: phục vụ cuộc kháng chiến anh dũng quyết chiến quyết thắng của quân và dân Nam Bộ. Thơ Nguyễn Bính trên tờ Lá Lúa xuất bản ở chiến khu, có bài trở thành ca khúc nổi tiếng (Tiểu đoàn 307 – Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc). Những sáng tác kịp thời của ông được in qua những chế bản bằng đất, bằng bột, litô… được chuyền tay nhau, nhanh chóng thâm nhập quần chúng ở Nam Bộ: “Thư gửi về Cha”, “Đồng Tháp Mười”, “Mẹ”, “Chung một lời thề”… Nguyễn Bính trải qua công tác ở Hội Văn hoá Cứu quốc tỉnh Rạch Giá, phó chủ nhiệm tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Rạch Giá, cán bộ cơ quan Văn nghệ khu Tám. Ông thành “rể quý” của phương Nam.

Năm 1954, Nguyễn Bính tập kết ra Bắc. Thơ Nguyễn Bính tiếp tục hành trình mới trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Ông về nhận công tác ở Hội Nhà văn Việt Nam. Rồi Nguyễn Bính làm báo, ông thay anh cả Trúc Đường chủ trương tờ Trăm hoa bộ mới. Do không đáp ứng được yêu cầu của báo chí thời điểm ấy, toà soạn đóng cửa. Năm 1958, Nguyễn Bính trở về Nam Định sinh sống và tiếp tục sáng tác. Rồi ông nhận công tác tại Ty Văn hoá tỉnh Nam Định. Là cán bộ của Phòng Sáng tác, nhà thơ Nguyễn Bính “đã góp công vào sự trưởng thành của phong trào văn nghệ quê hương”. Các cây bút trẻ ở Nam Định được ông hướng dẫn, khuyến khích từ những trao đổi công việc viết văn làm thơ, sau này, có những người là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Trở về Nam Định, sức sáng tạo của Nguyễn Bính như được “hồi xuân”. Cùng với các sáng tác thơ trữ tình, trong đó có những bài để đời: “Chiều Thu”, “Đêm sao sáng”, “Trở về quê cũ”, “Tháng ba”… là hai trường ca “Làng tôi”, “Xây nhà máy”… truyện thơ “Tiếng trống đêm xuân”, “Bức thư nhà”… Cũng trong thời kỳ này, Nguyễn Bính viết hai vở chèo “Cô Son”, “Người lái đò sông Vị “ bộc lộ tình cảm thiết tha đối với nghệ thuật sân khấu dân tộc.

Về Nam Định, Nguyễn Bính gặp lại hai người bạn cũ: Nguyệt Hồ, Trần Văn Khuê – những người trân trọng tình bằng hữu với nhà thơ góp phần vun đắp cho ông có một mái ấm gia đình sau những chia ly, cách trở. Gia đình ông cùng chia sẻ những khó khăn thiếu thốn với nhân dân thành Nam những năm tháng thắt lưng buộc bụng gian khổ thời chiến. Ông cũng có thêm những đồng nghiệp biết trân trọng tài năng văn chương như nhà viết kịch Hồng Vũ, nhà văn Chu Văn cùng những người yêu mến ông nơi nhiệm sở, chốn dân phố, nơi chòm xóm sơ tán ruộng lúa kề bãi dâu “Chồng ở Nhân Nghĩa, vợ Nhân Hậu”.

Hai mươi năm sau ngày ông đi xa, “Tuyển tập Nguyễn Bính” do Hội Văn học nghệ thuật Hà Nam Ninh, Nhà xuất bản Văn học liên kết ấn hành với sự góp công của các nhà sưu tầm – tuyển chọn: Quang Huy – Vũ Quốc Ái – Kim Ngọc Diệu – Đỗ Đình Thọ. Sách đã in với số lượng hàng vạn bản đáp ứng yêu cầu bạn đọc gần xa, làm nên một “hiện tượng xuất bản” lúc bấy giờ. Năm 1998, kỷ niệm 80 năm sinh ông, tuyển tập thơ “Thi sĩ của thương yêu”, Hội Văn học Nghệ thuật Nam Định xuất bản, tuyển chọn những bài thơ của các nhà thơ, các hội viên bộ môn Thơ viết về Nguyễn Bính cùng các thi phẩm đặc sắc của ông. Năm 2008, kỷ niệm 90 năm sinh ông, Hội Văn học Nghệ thuật Nam Định xuất bản ấn phẩm “Thi sĩ Nguyễn Bính hồn thơ Việt”, tập hợp 16 bài viết của các tác giả nghiên cứu phê bình, tôn vinh sự nghiệp thi ca của Nguyễn Bính. Cùng thời điểm ấy, một con đường tại thành phố Nam Định được mang tên nhà thơ quê hương. Tại miền thượng huyện Vụ Bản, xã Hiển Khánh, trường Trung học phổ thông Nguyễn Bính nhiều năm qua vẫn duy trì nền nếp “dạy tốt, học tốt”. Thơ Nguyễn Bính trong tiếng trống “Tựu trường san sát chân thon”, nhiều trang sổ tay văn học của các bạn trẻ thời hội nhập chép thơ Nguyễn Bính.

Cứ nghĩ nếu giờ đây Nguyễn Bính còn, chúng ta sẽ được thấy một “đại lão thi sĩ” đầu râu tóc bạc một trăm tuổi trời để con cháu nội ngoại xúm xít chúc mừng… Nhưng Nguyễn Bính như người đẹp thuở xưa “Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu”. Ông mất vì bệnh phổi đột ngột tái phát. Trước ngày đi xa, tại nơi sơ tán, thôn Đức Bản Nội, xã Nhân Nghĩa, huyện Lý Nhân, trong ngôi nhà lợp lá mía, trên chiếc bàn kê tạm bên ô cửa sổ xuề xòa những dáng cau thanh, luống quýt vàng, giàn trầu không rủ bóng, ông đã kịp gửi lại “Bài thơ quê hương” chứa chan tình yêu quê hương đất nước. Ông cũng gửi lại bài thơ “tập Kiều” tuyệt bút “Kính gửi cụ Nguyễn Du và Truyện Kiều” nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh đại thi hào Nguyễn Du: “Thương vui bởi tại lòng này/Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời/ Lòng thơ lai láng bồi hồi/ Tưởng người nên lại thấy người về đây”.

Trước thềm xuân mới, Nguyễn Bính cũng lại “về đây” với “Nguyễn Bính toàn tập” do nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu, trưởng nữ của gia đình sưu tầm và biên soạn – Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam ấn hành, kỷ niệm 100 năm ngày sinh thi nhân (1918-2018).

Để kết bài viết này, tôi xin mượn bài thơ của kiến trúc sư Vũ Minh Am ở Nam Định, cảm tác tháng Giêng, năm Mậu Dần, 1998, in trong tập “Thi sĩ của thương yêu”. Bài thơ hay tờ hoa tiên báo trước niềm vui:    Trạng nguyên “Bút nghiên lều chõng… ôi thôi!/  Thảo nhanh bảy chữ lên giời thiên thanh/ Chân quê nộp quyển thơ tình/Trạng nguyên áo vải một mình vinh quy”.

PHẠM TRỌNG THANH

Theo nguồn: http://vannghe.ninhbinh.gov.vn/nghien-cuu/nguyen-binh-thi-si-cua-thuong-yeu-200.html