Mùa xuân với sắc vàng lộng lẫy của hoa mai, sắc hồng thắm rạng của hoa đào luôn gợi cho con người ý niệm về thời gian, sự sống và tình yêu. Điều đó đã để lại dấu ấn đậm nét trong nhiều sáng tác thi ca, nhạc, họa… với những gam màu thanh xuân, tha thiết, du dương chạm vào tâm hồn của bao thế hệ. Trên đường thơ mỗi thi sĩ có những cảm nhận rất riêng về mùa xuân, nhưng có lẽ Nguyễn Bính là một trong những thi sĩ khá nặng nợ với mùa xuân. Có thể nói, bên cạnh được mệnh danh là thi sĩ “chân quê” ông còn được biết đến như là người thi sĩ của mùa xuân, luôn trìu mến ngợi ca cái đẹp, cái tình của miền Xuân…
Nguyễn Bính cất tiếng khóc chào đời vào một ngày cuối năm Mậu Ngọ (1918), khi người người đang nô nức đón xuân. Ông rời thế gian cũng vào một ngày chớm Xuân (20.01.1966 – tức ngày 30 Tết, năm Ất Tỵ). Duyên nợ với mùa xuân không chỉ gắn với đường đời mà quyện chặt vào hồn thơ, nghiệp thơ của thi sĩ họ Nguyễn. Ngược dòng về lịch sử thi ca, ta gặp không ít những bài thơ Xuân trữ tình đặc sắc của Mãn Giác Thiền Sư, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du…
Cùng thời Nguyễn Bính có không ít tên tuổi của phong trào Thơ Mới như Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Anh Thơ, Bàng Bá Lân, Đoàn Văn Cừ… đều có thơ hay viết về mùa Xuân, đọng lại trong dòng chảy thời gian vô vàn thanh sắc, ấn tượng. Nhưng với Nguyễn Bính, mùa xuân đã được thể hiện với những cảm xúc rất riêng mà khi đọc và chìm đắm suy tư trong thơ của thi sĩ họ Nguyễn sẽ dễ dàng nhận ra cái chất riêng ấy.
Chế Lan Viên viết về mùa xuân, nhưng lại đầy hờ hững: “Tôi có chờ đâu có đợi đâu! / Mang chi Xuân đến gợi thêm sầu”. Tác giả “Điêu tàn” cứ muốn chống lại cái trật tự và quy luật muôn đời tự nhiên: “Ai đâu trở lại mùa thu trước/ Nhặt lấy cho tôi những lá vàng? / Với những hoa tươi muôn cánh rã/ Về đây đem chắn nẻo xuân sang!”
Ngược lại, mùa xuân luôn được Nguyễn Bính chào đón một cách nồng nhiệt: “Mùa xuân – mùa xuân rồi/ Giờ đây chín vạn bông trời nở”. Những tiếng reo lên ở câu thơ đã nói lên tất cả tình cảm đợi chờ của thi sĩ đối với nàng xuân. Có lẽ mùa xuân, tình xuân đã cho ông một niềm cảm hứng lẫn thi hứng bất tận. Có bao nhiêu cảnh xuân, tình xuân trong cuộc đời thì có bao nhiêu cảnh tình ấy trong thơ Nguyễn Bính với những: “Mưa xuân”, “Tiếng trống đêm xuân”, “Hội xuân”, “Nhạc xuân”, “Vườn xuân”, “Xuân về”, “Xuân tha hương” …với bao khắc khoải, nôn nao lẫn sự trầm tư, lắng đọng theo mỗi nhịp khắc xuân về.
Nguyễn Bính mang ngọn lửa ấm mùa Xuân trở lại chốn nhân gian tha thiết: “Đã thấy xuân về với gió đông/ Với trên màu má gái chưa chồng. / Bên hiên hàng xóm, cô hàng xóm/ Ngước mắt nhìn giời, đôi mắt trong” (Xuân về)
“Xuân đến tình tôi nao nức quá/ Như người giai tế tối tân hôn/ Và say sưa quá cho nên đã/ Đánh đổ trời xuân xuống suối hồn” (Vườn xuân) Mùa xuân giao hòa cùng trời đất, thổi nhựa sống phập phồng, thanh tân nơi tâm hồn tươi mới của bao cô thôn nữ đến tuổi muốn yêu:
“Em là con gái trong khung cửi
Dệt lụa quanh năm với mẹ già
Lòng trẻ còn như cây lụa trắng
Mẹ già chưa bán, chợ đằng xa”
(Mưa xuân, 1936)
Xuân về… Lời ngỏ vào “Mưa xuân” thật nhẹ nhàng, tha thiết. Có ai từng sống ở Nam Định- xứ khoa bảng, quê hương của tác giả… có lẽ mới cảm được cái không khí ngày hát hội tuồng chèo, cùng cái e ấp, bẽn lẽn của những cô gái quê trông chờ được trẩy hội:
“Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng rơi đầy
Hội chèo làng Đặng đi qua ngõ
Mẹ bảo: thôn Đoài hát tối nay”
Chất liệu dân gian luôn là điểm cốt yếu kiến tạo nên không gian, ngữ cảnh trữ tình và hồn thơ thi sĩ của Nguyễn Bính. Thế rồi trong cái nôn nao của buổi hội hát về làng, lại ẩn chứa, khắc họa nên bao lớp ẩn tình.
“Chờ mãi anh sang chẳng thấy sang
Thế mà hôm chèo hát bên làng
Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn
Để cả mùa xuân cũng bẽ bàng”
Thơ Nguyễn Bính mang nét thơ cổ điển mà cảm xúc lại chân phương, dễ rung động mủi lòng, thương cảm. Tiếng trống hội chèo giáp Tết đầu xuân góp như tiếng giục háo hức, hối hả, nao nao trong lòng của những đôi trẻ chân quê phải lòng nhau – luôn khắc khoải trông chờ được gặp nhau, để tâm sự gửi trao, để hẹn thề đính ước…
“Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay
Hoa xoan đã nát dưới chân giày
Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ
Mẹ bảo: “Mùa xuân đã cạn ngày”
Trong vườn thơ xuân Nguyễn Bính, có bao tình cảm lứa đôi của những “nàng xuân” và những “chàng xuân” với những câu chuyện tình có khi bỏ ngỏ, dở dang lại có khi đầy nên thơ, hứa hẹn… Tất cả đều ý nhị, đăt trong những bối cảnh truyền thống và không gian văn hóa đậm chất dân gian.
“Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày
Bây giờ em mới gặp anh đây?
Bao giờ hội Đặng đi qua ngõ
Để mẹ em rằng: Hát tối nay?”
Câu hỏi tu từ như lời nhắc nhở hay một sự thấu hiểu, đồng cảm? Thoáng chút thấu cảm ngậm ngùi, nhưng vẫn như một nét tâm tình để ngỏ…
Niềm trăn trở của một tâm hồn tha thiết yêu đời, yêu người luôn chất chứa trong từng dòng thơ xuân- nơi thời gian tuần hoàn trở về với mạch nguồn sự sống. Như lời nhắn hỏi nhưng cũng đầy chất vấn, tự sự trong tác phẩm “Tháng ba”:
“Xuân đã sang rồi em có hay?
Tình xuân chan chứa, ý xuân đầy
Kinh kỳ bụi quá! Xuân không đến
Sao chẳng về đây? Chẳng ở đây
“Kinh kỳ bụi quá! Xuân không đến” … Phải chăng “bụi” lòng người giữa chốn đua chen, danh lợi xô bồ nên đã chẳng còn cảm thấy cái tình xuân, hơi ấm ngày xuân còn trọn vẹn, đong đầy. Câu thơ ấy như một sự chất vấn lương tâm, một câu thơ đắt giá của thi sĩ Nguyễn Bính.
Trong thơ xuân Nguyễn Bính cái cũ và mới luôn song hành. Thi nhân phấn chấn, hân hoan đón chào xuân sang dù luôn nuôi giấc mộng hoài cổ nhớ quê nhà. Tâm thức của
Nguyễn Bính vẫn luôn nặng tình nặng nghĩa với cội nguồn. Có cách tân phương thức sáng tác nhưng chưa bao giờ thi sĩ “đánh mất mình”. Nguyễn Bính luôn kỳ vọng về một ngày được trở về với mùa xuân cố hương, với nỗi sầu nhớ luôn vương mang:
“…Em thường cầu nguyện thường van vái
Một sớm thanh bình mặt đại dương
Bao giờ em được về quê cũ
Dâng chị bài thơ xuân – cố – hương”
(Xuân vẫn tha hương)
Nguyễn Bính đã ra đi nhiều năm, nhưng đến nay đọc những vần thơ của ông, ta như được trở lại với những ngày xưa cũ, với những phiên chợ Tết, những lễ hội đình làng, với ánh nắng vàng trải nhẹ nơi đồng nội… Bao nét đẹp đặc trưng nơi làng quê Việt đã kết tinh nên hồn thơ ông. Hoài Thanh gọi là “Hồn xưa đất nước” ấy- đã đi vào thơ Nguyễn Bính, để rồi sống cùng mạch chảy của thời gian…
TRẦN QUANG KHANH