Là một nhà văn thành công với mảng đề tài người lính và chiến tranh cách mạng, hơn 40 năm cầm bút, Nguyễn Bảo đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng bạn đọc yêu văn học nước nhà với hàng chục tác phẩm như: Biển đêm (1982), Người ở thượng nguồn (1983), Những cuộc tình đã đi qua (1989), Khoảng sáng không mất (1992), Những người sẽ vào thành phố (1996), Thượng Đức (2005) (sách tái bản lần thứ ba) và gần đây nhất là tiểu thuyết “Đỉnh máu“, được đông đảo bạn đọc đón nhận rất nhiệt tình.

Xuất thân từ người lính…
Ngay từ thời kỳ còn cầm súng chiến đấu cho đến khi làm công tác quản lý một cơ quan báo chí trong quân đội, Đại tá, nhà văn Nguyễn Bảo, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội luôn trăn trở và theo đuổi đề tài chiến tranh cách mạng và người lính. Bởi ông đã từng tham chiến ngoài mặt trận trong những năm tháng chống Mỹ ác liệt (7 năm tại mặt trận Khu 5, Quảng Nam) nên đã có sự tích lũy kinh nghiệm để đưa đến cho bạn đọc những tác phẩm mang tính chân thực về quá khứ hào hùng của nhân dân ta.
Năm 1971, sau khi tốt nghiệp khoa Văn, trường Đại học Tổng hợp, Nguyễn Bảo được phân công vào mặt trận Khu 5 chiến đấu. Với tấm lòng sục sôi, quyết tâm của tuổi trẻ và mong ước được phục vụ Tổ quốc để giữ gìn độc lập dân tộc, chàng thanh niên Nguyễn Bảo luôn sống và chiến đấu hết mình vì đồng đội, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Cũng chính từ mặt trận bom đạn ác liệt ấy đã thôi thúc ông cầm bút ghi lại những trận đánh, những khoảnh khắc oanh liệt của đồng đội khi đối mặt với kẻ thù và cho ra đời những tác phẩm, những bài viết nóng hổi từ mặt trận cho các báo và tạp chí trong lực lượng vũ trang. Khởi đầu là những bài thơ gắn liền với cuộc chiến đấu trên chiến trường và sau đó một năm, những tập truyện ngắn cũng đã xuất hiện được giới văn nghệ sĩ và bạn đọc trân trọng, đánh giá cao.
Là một người lính trực tiếp cầm súng chiến đấu tại chiến trường, được tham gia nhiều trận đánh ác liệt hay những lúc ẩn náu bí mật cùng đồng đội và những khi nghỉ ngơi, thư giãn… tất cả luôn là nguồn tư liệu sinh động, phong phú cho Nguyễn Bảo trong suốt chặng đường hơn 40 năm cầm bút. Và rất nhiều những trận đánh ác liệt đã đi vào tâm trí, theo suốt cuộc đời của nhà văn như: Trận đánh Núi Vòng (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) – một trận đánh mở đầu cho đoàn quân thần tốc tiến vào giải phóng Sài Gòn; trận đánh ở Thượng Đức – chiến dịch đánh vào quận lỵ như một tuyến trinh sát chiến lược của quân đội ta để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975…
Quá trình sống, đi và chiến đấu cho đến khi chiến tranh kết thúc (1971-1975) đã giúp nhà văn tích lũy được “vốn” tư liệu và kinh nghiệm quý báu cho sự nghiệp sáng tác của ông từ đó đến nay. Nhà văn Nguyễn Bảo chia sẻ: “Là nhà văn mặc áo lính nên việc tôi viết về đề tài chiến tranh, người lính là điều đương nhiên. Tôi phải làm vậy để “trả nợ cuộc sống”, với đồng đội và vì tôi là một trong những người may mắn được làm lính Cụ Hồ, may mắn có được những trải nghiệm từ trong chiến tranh. Với chiến tranh, với đời lính, rõ ràng là tôi có nhiều trải nghiệm. Mà với người cầm bút, viết từ những trải nghiệm của chính mình thì bao giờ cũng có nhiều thuận lợi hơn…”.
Phải có trách nhiệm với đồng đội…
Cũng theo nhà văn Nguyễn Bảo: “Thời gian đi và sống của mình rất nhiều, song cái đọng lại cùng sự thôi thúc mạnh mẽ nhất đó là người lính trong chiến tranh. Bởi, mỗi người lính sống qua một trận đánh giá trị tương đương với sống mười năm trong thời bình và những ngày tháng đó đã phải trả cái giá quá đắt; phải đánh đổi bằng xương, bằng máu… Đối với chiến tranh, giữa sự sống và cái chết mong manh đến nhường nào và để đổi được nền độc lập của dân tộc đã có biết bao nhiều người lính phải đổi bằng xương, bằng máu của mình – đó là một sự thật nghiệt ngã…”.
Nhà văn Nguyễn Bảo quan niệm: “Để sáng tác về đề tài chiến tranh và người lính, điều quan trọng nhất đối với mỗi nhà văn cần có hai yếu tố: “Tài năng” và “vốn sống”. Muốn thu hút được người đọc tìm đến tác phẩm của mình, đòi hỏi ở mỗi nhà văn phải có “tầm” và viết một cách trung thực, dành sự đầu tư thỏa đáng, công tâm cho đứa con tinh thần của mình”.
Ông còn cho rằng: “Là người sáng tác văn học phải luôn hướng tới việc đổi mới về nội dung cũng như hình thức dựa trên cơ sở của vốn sống và sự tích lũy mới đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của người đọc…”. Trên thực tế, ông đã tự làm mới ngòi bút của mình bằng tiểu thuyết tiêu biểu “Thượng Đức” hay mới đây là tiểu thuyết “Đỉnh máu”. Ở đó, phần lớn các nhân vật ngụy quân, ngụy quyền và cán bộ, chỉ huy, chiến sĩ trong tác phẩm đều được nhà văn để nguyên danh tính với những điểm mạnh, điểm yếu thật sự của mỗi người.
Khi viết về kẻ thù, ông cho rằng không đề cao, cũng không được hạ thấp chúng, mà phải tái tạo lại chính nó… Viết cho đúng sự thật về kẻ thù cũng là cách tôn vinh chiến thắng của chúng ta. Trong tác phẩm “Thượng Đức”, hầu như tất cả các cán bộ cấp Sư đoàn trở lên đều được tác giả để nguyên tên tuổi và cả những công lao đóng góp, những sai lầm khuyết điểm, những thói quen, tật xấu… Tất cả đều được tác giả dựng lên một cách chân thực. Chính vì vậy, đây là cuốn tiểu thuyết mà Nguyễn Bảo tâm đắc nhất, bởi nó mang trọn vẹn suy nghĩ trăn trở và tâm huyết của ông đem đến cho người đọc.
Đại tá, nhà văn Nguyễn Bảo (tên thật là Nguyễn Ngọc Bảo), tốt nghiệp khoa Văn, trường Đại học Tổng hợp năm 1971; nguyên Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Đến nay, ông đã xuất bản hơn 10 đầu sách và được trao các giải thưởng: Văn học 5 năm của Bộ Quốc phòng (1994 – 1999 và 1999 – 2004); Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam; Giải thưởng Văn học nghệ thuật Đất Quảng lần thứ nhất cho tiểu thuyết “Thượng Đức“…
Năm 2012, ông tiếp tục cho ra mắt bạn đọc cuốn “Đỉnh máu” do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành và được công chúng đón nhận một cách nồng nhiệt. Nhà văn chia sẻ: “Tôi tham gia chiến dịch Thượng Đức năm 1974 mà mãi tới gần 40 năm sau, tôi mới bắt tay viết “Thượng Đức”, đủ biết những sự kiện, những con người và sự khốc liệt của các trận đánh ở đây đeo bám tôi biết chừng nào. Có thể coi “Đỉnh máu” như là một phần tiếp theo của Thượng Đức, không thể nào khác. Bởi lẽ, chiến sự diễn ra trong cùng một vùng đất. Ta tiêu diệt địch ở Thượng Đức, sau đó Sư đoàn dù đánh chiếm cao điểm 1062 hòng tái chiếm Thượng Đức…
Tuy nhiên, tiểu thuyết “Đỉnh máu” lại hoàn toàn độc lập, riêng biệt, về cấu trúc, bố cục và sự xuất hiện các nhân vật để tránh không lặp lại mình. Ở tiểu thuyết “Đỉnh máu“, tôi chọn một cách viết hoàn toàn khác: Đa dạng và phức tạp hơn. Ngoài ra về nội dung, đúng với tinh thần tôi đã lĩnh hội được ở những người tham gia cuộc chiến trên điểm cao 1062 dai dẳng và máu lửa hơn ở “Thượng Đức“. Tôi không dám mơ dựng lại cuộc chiến bằng bộ tiểu thuyết tầm cỡ. Nhưng tôi vẫn còn nhiều dự định viết về chiến tranh cách mạng, người lính và tôi cho rằng, không chỉ ở riêng bản thân tôi mà cả với nền văn học Việt Nam hiện đại thì đây sẽ là một đề tài không bao giờ ngưng nghỉ… Và mỗi nhà văn nói riêng cần phải có trách nhiệm với đồng đội với Tổ quốc”.
Cùng thời với nhà văn Nguyễn Bảo, mỗi nhà văn đều là một người lính và phần lớn các tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính đều được viết bởi những nhà văn – chiến sĩ. Nguyễn Bảo luôn tin rằng, chiến tranh đã, đang và vẫn là một đề tài sống động đối với những người cầm bút ở mọi thế hệ. Và đề tài này sẽ luôn hấp dẫn với những người viết trẻ khi muốn dấn thân và có thể họ viết rất hay đem đến cho người đọc những tác phẩm hay, có giá trị và mang tính giáo dục cao cho thế hệ mai sau.
NGÔ XUÂN LỘC
Báo Biên Phòng