Vanvn- Ngô Thảo cho thấy một cách tiếp cận sáng tác của nhà văn mà chỉ có thể có khi nhà phê bình gần gũi và hiểu họ, tôn trọng sức lao động nghệ thuật của mỗi người để lẩy ra được cái thần thái từ văn chương và nhân cách nhà văn.
Rồi có một hôm nào đó cũng phải nhờ Ngô Thảo tháo gỡ những băn khoăn của tôi hơn ba mươi năm trước về việc “đang yên đang lành” bên tạp chí Văn nghệ Quân đội anh lại chuyển đi, xem có đúng như tôi nghĩ. Có thể là sức hút của những quầng sáng đèn trên sân khấu? Là gương mặt xinh tươi của các diễn viên? Là môi trường mới như một thử sức? Là sự chèo kéo của bạn bè?… Tôi không tin lắm vào cả lý do chính đáng – nếu có, là sang bên sân khấu, anh sẽ được đề bạt như sau này anh được giữ khá nhiều trọng trách của ngành! Khởi đầu cho vai trò công chức sau khi tốt nghiệp xuất sắc khoa Ngữ văn – Đại học Tổng hợp Hà Nội, anh được về một cơ quan nghiên cứu đầu ngành. Hơn hai mươi năm quân ngũ, anh cũng đã có hơn hai phần ba thời gian ở Văn nghệ Quân đội, nơi đó anh là biên tập viên chuyên ngành lý luận phê bình, cũng đang là một cây phê bình văn chương có thành tựu và đóng góp.
Vả chăng ham vui cũng là thêm một giả thiết có sức nặng?
Bởi, nói Ngô Thảo là một người ham vui, chắc nhiều người đồng quan điểm. Không kể những cuộc hẹn hò từ trước thì thường sau các cuộc họp bao giờ anh cũng mời nhiều bạn bè đi ăn trưa (đương nhiên là không thiếu bóng hồng). Anh quý mến nhiều người và cũng như anh nói về Thu Bồn: anh được nhiều người yêu/mến. Có lẽ người ta quý nhất ở Ngô Thảo là sự nhiệt thành, tận tâm đối với bạn bè và nghiêm túc trong công việc. Dù sao Văn nghệ Quân đội cũng khuôn phép hơn một cơ quan dân sự bình thường, huống chi vào thời điểm đó, quản lý tòa soạn lại là những vị trưởng lão từng tham gia trận mạc cả ngoài mặt trận lẫn chính trường.
Tôi nhớ thuở anh mới chuyển sang công tác ở Hội Nghệ sỹ sân khấu, dạo ấy có nhiều cuộc đưa tiễn đồng nghiệp ra đi: hoặc do tuổi cao, bệnh tật, hoặc gặp tai nạn chẳng lành. Quàn và viếng chủ yếu là ở trụ sở 51 Trần Hưng Đạo – một địa điểm đẹp và rộng, sang trọng vào loại nhất trong các cơ quan văn nghệ hồi bấy giờ. Đời sống lúc này rất khó khăn: chạy cho đủ các giấy tờ để gửi thi hài vào nhà đông lạnh rồi chở về, chuẩn bị hội trường cho tang lễ, lo các thủ tục cần thiết cho một đám tang, mà phần nhiều là đám tang của những người có đóng góp cho nền văn học nghệ thuật nước nhà, đòi hỏi phải tháo vát, thạo việc. Thời đó, khan hiếm và nhiêu khê mọi thứ, đi lại chủ yếu bằng xe đạp, lại chưa hề có khái niệm dịch vụ đám tang, vậy mà vào tay Ngô Thảo điều hành, mọi chuyện đâu vào đấy: chu tất, vẹn toàn. Bấy giờ, không ít người đã nửa đùa nửa thật: đứa nào chết trước Ngô Thảo thì sướng. Nói chuyện này thì cũng nên quay lại cái thời anh mới vào chiến trường: nhật ký ghi ngày 7.5.1969 trong Dĩ vãng phía trước kể lại một năm trước đó, tức năm 1968, sau một trận B52, phải khâm liệm và mai táng những đồng đội đã hy sinh, phần thì xúc động, phần thì do tờ điếu văn xin được chữ nghĩa lem nhem, người chính trị viên đại đội đã nhờ Ngô Thảo đọc giúp. Được nhờ vào phút chót, phát hiện ra là do viết sẵn nên nội dung hy sinh khác hẳn, anh đã “không thể để trong phút cuối những đồng chí nằm đây, phải nhận sự mô tả và tưởng niệm một cái chết không phải của mình” nên Ngô Thảo đã phải “vừa đọc vừa sửa cho đúng sự thật, vừa nói được những điều, vào phút đó, người còn sống cần phải nói”. Nhật ký chiến tranh cùng những bức thư gửi cho vợ con viết trên những chặng đường hành quân, giữa những trận chiến đấu được công bố trong Dĩ vãng phía trước và Thư chiến trường đã cho thấy được tính cách và con người Ngô Thảo. Từ những ngày còn ngồi trên ghế giảng đường, ra trường cũng là thời kỳ đất nước bước vào cuộc chiến tranh, lại vốn là con nhà nòi cách mạng, ý thức công dân của anh ngày một trưởng thành hơn; rồi chứng kiến những người đồng đội thân yêu phút chốc thành người thiên cổ với cái chết không toàn thây, Ngô Thảo càng ý thức hơn về nhân cách phải sống sao cho xứng đáng với những người đã hy sinh, về công việc trong tương lai nếu mình may mắn được sống trở về khi chiến tranh kết thúc.
Chính là vì ý thức đó mà nhật ký đời thường của anh ngoài tình cảm, nỗi nhớ thương vợ con như mọi con người bình thường là thấm đẫm một tình yêu thiên nhiên, yêu mến con người và lòng cảm phục sự chịu đựng, hy sinh của họ: từ những người đồng đội cùng đơn vị, những anh bộ đội gặp trên đường, đến cô thanh niên xung phong, từ những người dân bình thường nhường cửa nhà cho bộ đội nghỉ, đến những người dân Vân Kiều, Tà Ôi tham gia tải gạo, tải đạn, tải thương… Ngoài ra, những trang nhật ký đó còn đậm những suy nghĩ về lý tưởng, về hướng đi cuộc đời, có cả nỗi thất vọng thường tình khi những trang văn được viết trong kỳ vọng của người mới vào nghề gửi đi in báo lại rơi vào im lặng. Đọc Dĩ vãng phía trước hoặc Thư chiến trường người đọc thấy văn chương luôn đồng hành cùng Ngô Thảo mỗi khi anh cầm trong tay cây bút để ghi nhật ký hoặc thư về cho vợ con, qua mỗi mốc thời gian: có thể là ngày ra trường, là ngày mới đi làm với nhiều dự định, là ngày nhập ngũ. Chảy trong huyết quản của anh không chỉ là dòng máu cách mạng được truyền lại từ gia đình mà còn là tình yêu văn chương của một cựu sinh viên Tổng hợp văn: vẫn lãng mạn, mộng mơ ngay cả khi cận kề cái chết. Những ghi chép cụ thể trong nhật ký, thư từ với những sử liệu về chiến tranh và con người ở những vùng đất anh qua đã in đậm dấu ấn đó.
Từ chiến trường, Ngô Thảo được trở ra Bắc học ở Học viện Chính trị. Cũng năm ấy, năm 1971, học xong, anh được điều về tạp chí Văn nghệ Quân đội.
Nói cơ may đã đến với anh sẽ là không sai bởi những gì chưa làm được, anh sẽ được làm, những gì mà từ những trang nhật ký viết đầu đời quân ngũ hé lộ, giờ đây sẽ có đất mà phát triển. Môi trường tạp chí Văn nghệ Quân đội lúc bấy giờ thật sự là niềm mơ ước của những người trót yêu văn chương, những người ngấp nghé nghiệp văn ao ước đứa con tinh thần của mình được trình làng trên mặt báo, đi qua nhà số 4 không khỏi rụt rè ngắm nhìn và ngưỡng mộ. Về đấy, công việc mà anh đảm nhiệm là biên tập mảng bài lý luận phê bình; và cũng từ nơi đây, dưới trướng nhà phê bình Nhị Ca, bên đồng nghiệp Vương Trí Nhàn, tập sách đầu tay Từ cuộc đời chiến sỹ (1978) ra đời như một thành quả bước đầu đáng ghi nhận của cây bút phê bình văn học Ngô Thảo.
Ngô Thảo chủ yếu quan tâm đến sáng tác của những nhà văn quân đội viết về chiến tranh và người lính. Từ những ngày đầu, anh đã được phân công làm tư liệu chuẩn bị cho kỷ niệm 15 năm tạp chí được xuất bản rộng rãi, rồi viết bài giới thiệu các văn nghệ sỹ trong quân đội; đến khi tạp chí có chuyên mục Chuyện đời, chuyện nghề, thì ý thức “nhớ gì ghi nấy” dần hình thành và mảng tư liệu văn học cực kỳ quý giá trong nghiệp bút của Ngô Thảo góp phần làm nên diện mạo văn chương của anh. Tôi sẽ không đi sâu vào những bài viết cụ thể về các tác giả dù anh đã dựng khá kỳ công chân dung văn học của mỗi người đồng thời qua đó người đọc cũng hình dung ra một Ngô Thảo. Anh cặm cụi hết lòng vì Nguyễn Thi khi làm tiếp và nâng cao hơn những gì mà đàn anh Nhị Ca đang chưa kịp làm thì bạo bệnh rồi mất để có được một bộ Nguyễn Ngọc Tấn – Nguyễn Thi toàn tập. Cuộc đời Nguyễn Thi quá bi tráng cả về đời riêng và văn nghiệp, là cảm hứng cho anh và nhiều đồng nghiệp khác viết về ông (trong đó có tôi) qua những tư liệu đặc sắc này. Rồi Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải – hai phong cách văn chương đặc sắc mà văn nghiệp của họ đã được giới nghiên cứu phê bình với những tiếp cận khác nhau đều khẳng định và đánh giá cao. Những bài viết của Ngô Thảo qua những tư liệu có được trong những năm tháng gắn bó đã cùng giới nghiên cứu phê bình tiếp tục thể hiện một cách trọn vẹn hơn những đóng góp của hai ông vào văn học một giai đoạn đặc biệt: văn học trong và hậu chiến tranh. Đấy là hai nhà văn chỉn chu trong công việc, nói như Nguyễn Minh Châu là “suốt ngày cắm mặt trên trang giấy” và riêng với Nguyễn Khải thì ngoài nghiệp viết ông còn lo những công việc từ những chức sắc được giao. Tuy thật thân thiết yêu quý Nguyễn Minh Châu và Nguyễn Khải nhưng Nguyễn Minh Châu ốm và mất ngay trước thềm đổi mới không lâu và khi Nguyễn Khải chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh thì Ngô Thảo cũng chuyển sang hoạt động bên sân khấu. Còn với Thu Bồn thì Ngô Thảo gần gũi hơn vì Thu Bồn vốn là người quảng giao; ông vừa là bậc đàn anh về tuổi tác, văn nghiệp nhưng cũng vừa là người bạn để có thể bộc bạch, xuề xòa. Tập hợp những bài viết từ trước đến nay của Ngô Thảo về Nguyễn Thi, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu và Thu Bồn – những nhà văn đã thành những tượng đài của văn học chiến tranh, cùng một số trang nhật ký – tư liệu trong Bốn nhà văn nhà số 4, Ngô Thảo đã cho thấy cách tiếp cận và khai thác vấn đề của anh không đơn thuần chỉ là tác phẩm. Trong từng bài viết cụ thể, Ngô Thảo luôn đan cài giữa văn và người, giữa văn bản tác phẩm của nhà văn với những câu chuyện, những suy nghĩ, quan niệm… từ những nguồn tư liệu mà anh có được. Sáng tác của những cây bút vốn coi văn chương là nghiệp sống của mình cả trong từng đoạn đời, trong những tháng năm mà cuộc sống cá nhân, gia đình họ đầy bi kịch, thậm chí đang trong cuộc chiến đấu sinh tử với bệnh hiểm nghèo mà biết chắc mình thua, được ra đời trên những chuyến đi, giữa những vật vã về mưu sinh cũng như sự trăn trở cho hướng phát triển của văn học càng làm rõ hơn ý thức của người nghệ sỹ và trách nhiệm công dân của mỗi người, dưới ngòi bút của Ngô Thảo – cũng là một đồng đội thuộc thế hệ cận kề, vì thế, có dấu ấn và sức hấp dẫn riêng.
Đọc Ngô Thảo, tôi muốn dừng lâu hơn về những tư liệu nhà văn mà anh có được bởi đó là một phần quan trọng để hậu thế hiểu hơn con người nhà văn, hiểu hơn thời đại của họ vì không bao lâu nữa những dĩ vãng đó cần được minh bạch trước khi bị lớp bụi thời gian phủ lấp.
Sau đổi mới, nhiều người đã nói về những hạn chế của văn học viết trong chiến tranh và khá thống nhất khi phân tích những nguyên nhân khách quan. Nhìn thẳng và dám nói sự thật – điều mà một người chính trực không thể im lặng hay dĩ hòa vi quý thì Ngô Thảo là một trong số những người khởi nguyên. Câu chuyện về “nửa cái bánh mỳ vẫn là bánh mỳ nhưng một nửa sự thật đã là sự giả dối” mà Ngô Thảo đưa ra trong một hội thảo cách đây bốn mươi năm cho thấy anh đã nhận ra độ chênh giữa văn học và đời sống cũng như giữa cái được viết ra và những suy nghĩ của nhà văn. Sau này anh cắt nghĩa đó là do quy luật sống trong chiến tranh chi phối. Ở đây cần phân biệt sự khác nhau giữa những người viết hiểu vấn đề như họ viết, với các nhà văn nhận thức được sứ mạng của văn chương và trách nhiệm công dân là hai phạm trù khác nhau mà trong thời điểm Tổ quốc lâm nguy nhà văn đã thực thi trách nhiệm công dân khi buộc phải coi văn chương là vũ khí. Hết chiến tranh, đối mặt với sự thật về độ chênh giữa giá trị vĩnh hằng của văn chương với văn học thời gian qua trong đó bao gồm tác phẩm của mình, một số nhà văn có chức sắc, có thành tựu đã dũng cảm với những phát ngôn “lệch chuẩn” dù chỉ là ở những lần trà dư tửu hậu… Những điều mà Ngô Thảo ghi chép khi may mắn được hầu chuyện các nhà văn trong Bốn nhà văn nhà số 4, rộng ra, trong Dĩ vãng phía trước, là bằng chứng cho thấy được vấn đề này.
Ghi ở Hương Ngải (địa danh nơi VNQĐ sơ tán năm 1972) không chỉ là ghi chép về sinh hoạt đời thường của các nhà văn mà chính trong câu chuyện hàng ngày, những phát ngôn nghề nghiệp không bị rào chắn lại pha chút tự trào, trêu chọc nhau ấy cho thấy chân dung nhà văn được nhìn từ một phía khác ngoài văn bản tác phẩm. Chẳng hạn, một Nguyễn Khải mà thông minh, nhanh nhạy là điều được những đồng nghiệp cùng nhà số 4 thừa nhận công khai dù xưa nay người ta thường nói giới văn nghệ vốn vẫn “văn mình vợ người”. Nguyễn Minh Châu tuy thẳng thừng: “văn Nguyễn Khải đắt khách ở miền Bắc trong giai đoạn hiện nay nhưng rồi vào miền Nam sau này sẽ khó được người ta thích bởi đó là thứ thông minh của người nông dân, sự ma lanh, lọc lõi của anh cán bộ nông dân, của nông nghiệp ba sào chứ khó xúc động tầng lớp khác” nhưng vẫn lại thừa nhận: “ở cơ quan toàn những người sa đà như ta, có một trí tuệ tỉnh táo như thằng Khải quả là tốt thật”. Cũng con người đó bị đám đồng nghiệp bóc mẽ khi đồ rằng ông không có tình yêu với phụ nữ vì ông quá thông minh nên có thể đọc được ý nghĩ của người đứng trước mình… nhưng Nguyễn Khải đâu có phật lòng. Ông không những thừa nhận mà còn kể thêm câu chuyện đèo nhà văn Vũ Thị Thường bằng xe đạp về nhà bà khi trông thấy bà đang đứng chờ xe…
Điều đáng chú ý là trong ghi chép về những lần đàm đạo ấy Ngô Thảo có ghi cả những nhận định không thể nói không nghiêm túc về văn chương và thời cuộc của Nguyễn Khải như “bây giờ ta chưa có gì gọi là tiểu thuyết được cả” (dù trước đó ông đã có mấy đầu sách được ghi là tiểu thuyết) vì cái hay của tiểu thuyết là ở những triết lý xa rộng của nó mà điều đó thì chưa có trong tiểu thuyết của ta; còn “Lý luận đi xa đời sống, xa thực tiễn, nói những chuyện đâu đâu”. Sau khi cho những cảm nhận khá khắt khe về vấn đề đặt ra trong tư tưởng nghệ thuật và văn chương của tiểu thuyết Bão biển (Chu Văn) ông cho rằng “vì con người khủng hoảng lòng tin nên đó là kẽ hở cho tôn giáo tồn tại”. Ông chỉ ra việc chưa đồng nhất giữa nói – viết – nghĩ trong con người mà đó là nơi bắt nguồn của căn bệnh nói dối, nặng hay nhẹ đều có ở mọi người, kể cả bản thân ông. Cảnh báo khi chỉ ra cái hống hách, lộng hành của những người “không biết sợ” khi họ bị tha hóa bởi quyền lực, nhưng rồi chính Nguyễn Khải cũng “gan ruột” với Ngô Thảo:…Làm người có chức có quyền sướng lắm… Khi chưa được giao, anh còn làm điệu, làm bộ…nhưng khi đã làm rồi thì không thể nào bỏ nổi, bỏ đi không sống nổi. Thành ra, cậu thấy có ai tự nguyện rời bỏ chức vụ của mình đâu”. Đúng ông là người có khả năng bắt mạch, nhìn thấu “gan ruột” người khác mà suy cho cùng nhận xét đó của Nguyễn Khải nếu so ra thực tế đời sống, quả không hề sai. Và cũng về sau này khi chuyển vào sống ở Sài Gòn Nguyễn Khải chuyển dần sang vùng đất khác đồng thời tiếp tục trở lại đề tài tôn giáo mà yếu tố triết lý thường nổi lên như một đặc sắc của ông. Trong cuộc phỏng vấn cuối cùng với nhà văn – nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải, ông nói “Sau thống nhất, tôi gặp các nhân vật lạ, khác với nhân vật quen thuộc của tôi trước đây… Tôi muốn đi vào giới trí thức vì trí thức biết buồn cái buồn của người khác… Tôi thích những người quyền lực về tinh thần, chiến đấu đầy bi kịch cho dân chủ và tiến bộ xã hội… Loại người có thế giới tinh thần mạnh mẽ, muốn thay đổi, không muốn sống như cũ nữa. Tôi thích viết những cái chênh vênh lạc thời… Làm quan, làm chính trị mà tử tế đàng hoàng có đầu óc, nhân vật sẽ nói được nhiều lắm”. (Báo Tuổi trẻ ra 18.1.2008). Phỏng vấn này thực hiện trước khi Nguyễn Khải mất không lâu, cho thấy một cách nhất quán sự thông minh, sự nhanh nhạy trong cảm quan nghệ thuật của Nguyễn Khải. Rất tiếc là ông ra đi khi những dự định đó chưa thành.
Nguyễn Minh Châu cũng là nhà văn thân cận của Ngô Thảo. Anh theo dấu chân người lính Nguyễn Minh Châu từ những ngày đầu về cùng cơ quan cho đến những ngày Nguyễn Minh Châu trên giường bệnh chuẩn bị lên đường cho một chuyến đi xa. Nguyễn Minh Châu đã nhìn thấy ở Ngô Thảo sự tận tâm, thông hiểu nên trong những ngày cuối cùng của đời mình, ông trải lòng với Ngô Thảo nhiều vấn đề về văn chương, về thời cuộc, thậm chí cả ý muốn để Ngô Thảo cùng Nguyễn Trung Thu làm toàn tập cho mình. Trong các tư liệu của Ngô Thảo, Nguyễn Minh Châu mang vẻ quyết liệt, day dứt của một người thấy được những vấn đề đang đặt ra trong đời sống văn học khi cảm nhận được sự bất lực của mình trước quỹ thời gian đang mỗi ngày một hạn hẹp. Bài viết Sợ nhất nhà văn là có chất máu cá và “nhớ gì ghi nấy” trong Trò chuyện với Nguyễn Minh Châu là những tư liệu quý bổ sung vào Hãy đọc lời ai điếu cho một nền văn nghệ minh họa cùng một số trang rải rác trong Di cảo của ông cho thấy rõ hơn phẩm chất chiến sỹ trong con người nghệ sỹ Nguyễn Minh Châu.
Một nhà văn khác cũng cho ta hiểu hơn những quan niệm về thơ, những nhận xét về văn nghệ thời kháng chiến chống Pháp, cũng như lý luận phê bình văn học mà những tư liệu Ngô Thảo ghi được từ ông cho thấy cách nhìn của một lãnh đạo văn nghệ binh ở nhà số 4 thời đó (tuy ông không thuộc nhóm 4 người) được khảo sát. Người ấy là Vũ Cao – có thể coi như là nhà văn thứ năm (trong Trò chuyện với Vũ Cao – Dĩ vãng phía trước) mà với những ý nghĩ, nhận xét của mình ông đã cho thấy rõ hơn, ở một phía khác, bầu không khí của nhà số 4 sau những căng thẳng của việc đánh giá tập thơ Việt Bắc, vụ chống Nhân văn – Giai phẩm, cải cách ruộng đất, sau trải nghiệm của hòa bình rồi chiến tranh, những trải nghiệm từ sáng tác và phê bình theo phương pháp luận mácxít. Chẳng hạn, là bạn thân lâu năm, ông rất hiểu cái tạng và kiến văn của thi sĩ Hồng Nguyên nên khi biết bài Nhớ, rồi biết bài thơ đó được hậu thế tụng hô, ông có những suy nghĩ riêng. Theo ông Nhớ thể hiện “cái tài hoa, thông minh của một người ít học! Ít nhiều do tâm trạng của một lớp người thời bấy giờ, những anh trí thức, muốn hòa mình với quần chúng, phải tự nguyện xóa bỏ mình đi, họ tìm một cách nghĩ, cách nói mới giản dị, bình dân, mà nhận thức ấu trĩ họ cho là quần chúng hơn. Mọi người tự giác chối bỏ gốc gác không công nông của mình, nên mới có Nhớ, Bài ca vỡ đất…”. Ông nói điều này, trong nhật ký Ngô Thảo ghi là vào tháng 9.1974. Cũng Vũ Cao: ở nước ta có một điều rất nguy hiểm là không chú ý đúng mức vai trò văn nghệ sỹ. Trong xã hội, loại người đó không có vị trí gì. Tất nhiên không phải đòi hỏi đãi ngộ mà đặt đúng vị trí của chính họ. Hiện, nó lơ lửng, nửa vời, lời họ nói không có trọng lượng, và vì vậy, tác động xã hội của họ rất hạn chế. Một cách cư xử như thế thật là nguy hiểm” (8.5.1972). Nguyễn Tuân là một trường hợp được thảo bàn trong một buổi “tiệc” trà. Cũng ngay trong buổi trò chuyện đó, Nguyễn Minh Châu đã cho rằng: “đất nước mình không thiếu tài năng nhưng bị gò bó nhiều quá. Vì thế, làm cho văn học nghèo nàn”. (Vả chăng ý nghĩ đó xuất hiện rồi chín dần để đến khi được “cởi trói” ông viết Hãy đọc lời ai điếu cho một nền văn nghệ minh họa vào cuối năm 1987). Những văn nghệ binh lần ấy gần như đều cho rằng, từ khi văn nghệ Diên An vào, văn nghệ cứ loay hoay theo cái gọi là chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa mà cũng chẳng ai hiểu vấn đề đến đầu đến đũa để rồi kể từ sau Đại hội Văn nghệ Việt Bắc, nhà văn vẫn tiếp tục cuộc “tìm đường” cho ngòi bút. Câu chuyện Trần Dần xin ra Đảng và vụ Nhân văn – Giai phẩm được Vũ Cao kể lại cùng với những sáng tác văn chương ra đời ở chính những cây bút tài năng cho thấy đời sống văn nghệ những năm ấy có nhiều vấn đề mà hàng chục năm sau mới dần được giải mã phần nào.
Trở lại Bốn nhà văn nhà số 4, ngoài giá trị về mảng tư liệu ghi được từ hồi còn sinh hoạt ở nhà số 4, chiếu vào những trang viết của anh, Ngô Thảo cho thấy một cách tiếp cận sáng tác của nhà văn mà chỉ có thể có khi nhà phê bình gần gũi và hiểu họ, tôn trọng sức lao động nghệ thuật của mỗi người để lẩy ra được cái thần thái từ văn chương và nhân cách nhà văn. Ngoài Nguyễn Thi, Nguyễn Khải và Nguyễn Minh Châu mà chân dung văn học của các ông đã được Ngô Thảo (cùng giới phê bình) định hình từ khá lâu, một tập hợp mới trong tập sách và tư liệu về ông cho người đọc những cảm nhận đầy đủ hơn về Thu Bồn – người đi trước (tham gia cách mạng từ năm 12 tuổi) về sau (được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2017, về hưu năm 1988 với cấp bậc Trung tá) trong hàng những nhà văn quân đội cùng thời. Ngô Thảo đã cho thấy trong các tiểu luận của mình một Thu Bồn vạm vỡ hơn khi bên một gia tài không hề mỏng với nhiều thể loại là một tiểu sử đặc biệt nếu lần theo dấu chân tác phẩm cùng những chuyến đi của ông. Thu Bồn luôn xông xáo và có mặt trong những điểm nóng chiến tranh trên các chiến trường Khu 5, Tây Nguyên, Quảng Trị, chiến dịch Hồ Chí Minh, Campuchia và Biên giới phía Bắc suốt từ thời kháng chiến chống Pháp với tư cách một người lính. Ra khỏi chiến tranh với thương tích nặng nề, trái tim nhân hậu của ông vẫn đẫm chất nhân văn trong hành xử với bạn bè bất chấp hệ lụy cho bản thân và ngọn lửa nhiệt tình trong nghiệp viết chưa bao giờ nguội tắt. Hai người con sinh ra ở chiến trường khó nhọc lắm mang được ra Bắc thì một mất vì chất độc da cam, một bị tâm thần phân liệt. Có thêm vài đời vợ khác, ông không dám sinh thêm con vì biết chắc con mình sinh ra sẽ là những đứa trẻ không bình thường như hai người anh của chúng. So trong giới nhà văn tham gia chiến tranh, quả cuộc đời Thu Bồn mang nỗi đau hy hữu. Vậy mà ông vẫn âm thầm trong nỗi đau, dưới vẻ ngoài bình thường như mọi người, Thu Bồn vẫn đi, vẫn viết đều và rồi đột quỵ trong một lần nói chuyện về văn học. Dưới ngòi bút chân tình Ngô Thảo, một con người phóng túng Thu Bồn với tính cách mạnh mẽ đã hiện ra như một nghệ sỹ có tầm vóc trong bao bọc yêu thương của bạn bè và đồng nghiệp khi ông dám đi, dám sống và dám chịu.
Viết về những nhà văn mặc áo lính thuộc thế hệ chống Mỹ lứa đầu tiên với tất cả sự công phu, cẩn trọng, nâng niu Ngô Thảo đã cho thấy năng lực của một ngòi bút trưởng thành từ cuộc đời chiến sỹ của mình. Anh không làm mới bài viết bằng câu chữ mà bằng tư liệu, khéo kết hợp mối dây liên hệ giữa văn và người, giữa hiện thực đời sống và hiện thực trong tác phẩm. Thật tiếc là anh chuyển sang sân khấu đã khá lâu, dù văn học và sân khấu có những mối dây liên hệ chặt chẽ thì đấy vẫn là hai bộ môn nghệ thuật khác nhau nên thời gian đầu tư cho văn học chẳng còn là mấy, nhất là sáng tác và cuộc đời của bốn nhà văn ấy đã được định vị khá lâu. Nguyễn Thi, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Thu Bồn cùng nhiều nhà văn khác như Thanh Tịnh, Vũ Cao, Văn Phác, Từ Bích Hoàng, Xuân Thiều, Hữu Mai, Nguyễn Trọng Oánh, Nhị Ca, Nam Hà, Dũng Hà, Hải Hồ, Hồ Khải Đại, Nguyễn Chí Trung, Duy Khán, Mai Ngữ, Nguyễn Thị Như Trang… đã lần lượt giã biệt ngôi nhà số 4. Thế hệ 4X cùng Ngô Thảo đều đã vào tuổi xưa nay hiếm, nhưng liệu có ai sẽ công bố những ghi chép như kiểu Ngô Thảo để cho thấy rõ hơn sự sống động của đời sống văn nghệ binh từng thời bên trong vẻ ngoài trầm mặc của một trong số những ngôi nhà cổ đẹp nhất Thủ đô?
Chắc chắn những tư liệu kiểu đó sẽ làm cho hậu thế hiểu hơn, yêu quý và kính trọng hơn những nhà văn mặc áo lính với cây bút trong tay đã tham gia cuộc chiến tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như mọi công dân đích thực. Ở góc nhìn này đóng góp của Ngô Thảo rất cần được ghi nhận, nhất là ngày nay văn học phi hư cấu có vai trò quan trọng trong đời sống văn học mà Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.1975 – Giải thưởng Hội Nhà văn 2014 là một dẫn chứng sinh động.
***
Nhà văn Ngô Thảo sinh ngày 9.2.1941, quê quán tại xã Vĩnh Nam, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Ông là tác giả của nhiều đầu sách, bao gồm lý luận phê bình, biên soạn, ghi chép… Và ông đã đoạt các giải thưởng văn học như: Giải thưởng Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam năm 1995 với tác phẩm ”Như cuộc đời”; Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2002 với tác phẩm ”Văn học về người lính”; Giải thưởng Bộ Quốc phòng với tác phẩm: ”Dĩ vãng phía trước”; Giải thưởng Nhà nước về ”Văn hóa nghệ thuật” năm 2012… Bài viết “Ngô Thảo và những người muôn năm cũ nhà số 4” của Tôn Phương Lan đã khéo léo dựng nên chân dung nhà phê bình Ngô Thảo từ chuyện đời đến chuyện nghề – một ngòi bút trưởng thành từ cuộc đời chiến sỹ của mình, đặc biệt thông qua cách tiếp cận cẩn trọng, công phu về bốn nhà văn nhà số 4: Nguyễn Thi, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu và Thu Bồn.
TÔN PHƯƠNG LAN
Theo nguồn: https://vanvn.vn/ngo-thao-va-nhung-nguoi-muon-nam-cu-nha-so-4/