Ngô Ngọc Bội – Nhà văn chuyên biệt của đồng quê

Nhà văn Ngô Ngọc Bội bị tật run tay, chữ viết khó nói là đẹp nhưng đều tăm tắp; khi viết trên giấy có dòng kẻ 5 hào 2 một thếp hay trên giấy gram đều ngay hàng thẳng lối. Dù rằng, ở những trang văn mập mẩy của mình, đôi khi Ngô Ngọc Bội thật bay bổng và khi đó, tinh thần lãng mạn của trang văn đến Tự lực văn đoàn cũng phải phát thèm. Ấy là khi anh cán bộ phong trào đạp xe từ Hà Nội về vùng ngập lũ thăm nhân tình với bịch bồ kết treo ở ghi đông; anh ta có thể bị nước lũ cuốn trôi, nhưng mái tóc như mây như suối của nàng phải được thơm bồ kết. Mà chẳng cứ một mái tóc như mây như suối của nàng, các mái tóc của bạn nàng cũng phải được thơm lây – sự tinh khôn của anh nông dân đã mách nước rằng, mối tình của anh của ả sẽ êm thấm hơn nếu anh ta khéo dân vận. Vâng, cái giống học trò yêu ai thì chỉ biết có người ấy, chi tiết văn học nông thôn nằm khuất nẻo ở đâu đấy, như cái duyên cô thôn nữ nằm ở chỗ dường như không biết phơi bầy. Hẳn không ai có thể quên được chi tiết bà vợ cứ nhất mực không chịu vận bộ quần áo mới ông chồng sắm cho. Một đời lam lũ váy đụp áo vá quen rồi, nay tự dưng quần quần áo áo, bà không mặc, vì ngượng. Tác giả không cắt nghĩa, không chui vào bụng nhân vật để nói năng, diễn giải gì. Nhưng đến đêm ông chồng lần sờ thấy sột soạt, hỏi “mặc rồi à”. Thật là áo gấm đi đêm, nhưng người đàn bà nông dân thì phải thế, ắt thế. Chồng chăm chút từ khi chặt tre đan lồng nhốt lợn mang bán, sắm sửa cho mình; miệng vẫn chối đây đẩy không thèm mặc vì ngượng và ngượng thật, nhưng đêm nằm bên chồng thì mặc vào, mặc chứ, để chồng hưởng cái mới mẻ như thanh tân thơm thảo của mình, khốn khổ, cả đời bên vợ váy đụp hôi hám chấy rận rồi còn gì. Một chi tiết nông thôn khác của ông: Chỉ vì ông bố chồng không chịu cho cái mâm đồng rách mà khi có cơ hội, cô con dâu đã nhảy thách lên đấu tố, mà không đấu cái tội không cho cái mâm đồng ấy, mà bịa tạc theo sự “giác ngộ” của Đội, toàn tội tầy đình tuy cái niềm phẫn uất càng tố điêu càng ngùn ngụt bốc lửa kia là rất thật có duyên do từ cái mâm oan nghiệt nọ.

Văn học nông thôn không phải ở những lời lẽ bắt chước nông dân dở ngô dở ngọng, đọc nó, những kẻ con em nông dân như tôi luôn cảm thấy bị lăng mạ. Mẹ tôi là nông dân chay. Ngày 30 tháng Tư năm 1975, tôi hoan hỷ phát cuồng, sau nghĩ ra cách chia vui với bạn bè bằng cách đánh điện tín chúc mừng ngày toàn thắng. Đi bưu điện về, tôi còn sướng bèn khoe với mẹ. Mẹ tôi chép miệng rồi diễu cợt con trai: “Ôi dào, nằm ngửa đấm với ấy mà!” Đấy mới là trí tuệ nông dân. Tôi đoán rằng Ngô Ngọc Bội nhuần thấm trí tuệ nông dân nên văn ông mập mẩy, chất phác mà thăm thẳm.

Tôi không chắc lắm mấy mươi năm qua văn học nông thôn ta có làm được nhiều hơn thời Hiện thực phê phán và Tự lực văn đoàn đã làm; nhưng tôi biết chắc Ngô Ngọc Bội là nhà văn ở trong số các nhà văn hàng đầu viết về nông dân Việt Nam. Hơn nữa, ông là nhà văn hai lần chuyên biệt: Nếu viết ký hay truyện ngắn, ông chỉ in trên báo Văn nghệ và suốt đời chỉ viết về nông dân.

Trên cái nền tù túng, lạc hậu với rất nhiều ràng buộc của lề thói thôn quê, các nhân vật trí thức của Tự lực hay áp lên đó những khát vọng thay đổi của chính mình nhưng chung quy, họ cũng thường bất lực mà bỏ đi thoát ly, vứt lại nơi điền trang cô thôn nữ xinh đẹp của họ chót đã bị ươm mầm lãng mạn mặc dù thân phận thì vẫn còn nguyên cái tù túng và ràng buộc lề thói cũ. Còn các tác giả của Chị Dậu, Anh Pha phát hiện ra cái khoảnh khắc bộc phát muốn giải thoát của chính mình khi nông dân bị dồn đến bước đường cùng, dù rằng nó chưa tới được đường sáng. Bù lại phần thiếu hụt về hình tượng nghệ thuật lực lưỡng, Ngô Ngọc Bội có rất nhiều những chi tiết nông dân mà qua toàn bộ văn nghiệp của ông, nó hiện lên một diện mạo nông dân và nông thôn: Cái ác trong cải cách ruộng đất, cái khôn lỏi và mẹo vặt trong va đập với cái mới trong đời sống chính trị nông thôn; cả cái lo âu trước sự bế tắc để nó liều lĩnh khoán chui, nhặt nhạnh hay dụi dọ. Ngô Ngọc Bội khác rất xa các nhà văn ta tự nguyện về nông thôn nằm vùng, coi nông thôn là quê hương sáng tác và sau đó thì những tiểu thuyết hoành tráng ra đời nhưng đó là những cuốn sách chỉ có dáng dấp nông thôn, cả lời ăn tiếng nói của các nhân vật cũng chỉ là sự bắt chước mà thôi, họ bắt chước cán bộ nói rồi đến lượt mình, nhà văn bắt chước họ. Lời các nhân vật nói cứ giả khượt và cứng đơ đơ.

Có thể nói, chỉ khi về với nông thôn, Ngô Ngọc Bội mới trở nên tự tin đắm hết mình vào nông thôn – nhiều khi là đắm mình theo nghĩa đen. Ông hiểu tường tận từng chân tơ kẽ tóc, hiểu cái người nông dân không nói ra. Khoảng mười năm từ khi về Hà Nội, Ngô Ngọc Bội hầu như chỉ viết ký. Hồi ấy tôi hay đùa gọi ông là thầy ký nhật trình. Ông cũng có viết văn, nhưng thời gian dành cho văn không nhiều hơn thậm chí chỉ một việc ông âm thầm điều tra về thân phận cây cọ của quê mình. Nó bị bóc lột, bị lừa dối, bị cư xử tàn nhẫn đến xác xơ, đến sắp mất giống. Tôi đã được ông cho đọc bản điều tra ấy, nó từng được gửi lên đồng chí Trường Chinh và như tôi được biết, tuy nó không trực tiếp tác động đến chính sách công, nhưng nó là một đóng góp tâm huyết, trong hàng ngàn những thực tiễn cay đắng của đời sống, đã góp phần thay đổi tư duy ở tầm vĩ mô.

 Đây cũng là điều sẽ cắt nghĩa rất rõ vì sao, ngay từ đầu năm 1981, khi Chỉ thị 100 còn đang phôi thai, Ngô Ngọc Bội lại đã hăm hở cho đăng cái bút ký làm lay động lòng người có tên là Nỗi riêng khép mở. Tại sao lại là Nỗi riêng khép mở mặc dù đó là thiên ký sự về việc công? Vì đó là tâm huyết cả đời nhà văn về đất nước này, nó còn nhiều lắm, chỉ khe khẽ mở thôi nó đã là như thế đấy.

Còn tôi muốn nói, Ngô Ngọc Bội, ngoài cái thiên bẩm mạnh mẽ, ông còn một phông văn hoá vững vàng học hỏi và tích tụ từ chính trí tuệ dân gian.

Ngô Ngọc Bội là người tiên khởi về vấn đề dòng họ, tinh thần bè phái phe giáp trong nội bộ ở tiểu thuyết Lá non, hình như xuất bản năm 1978, hơn mười năm trước cái Mảnh đất lắm người nhiều ma xuất hiện. Tôi không biết vì sao cuốn tiểu thuyết rất quan trọng này, được phanh phui với giọng của người trong cuộc, nhiều chỗ khá gay gắt nhưng lại có cái tên hiền lành là Lá non. Còn sự im lặng của giới phê bình và dư luận bạn đọc thì tôi hiểu được; đó là thời kỳ im lặng là vàng.

Lá non cắt nghĩa vì sao Ngô Ngọc Bội vồ vập với đổi mới trong tư cách người biên tập, khi ông giữ cửa mảng văn xuôi của báo Văn nghệ thời kỳ đầu đổi mới.

Có một nét trong tính cách của Ngô Ngọc Bội mà tôi chú ý học hỏi mà không được, đó là không chịu giao đãi, không bao giờ mất thì giờ với các nhà văn nổi tiếng, cảnh giả và khụng khiệng. Ông không coi thường họ, có lẽ tai tôi chỉ nghe ông chê ai đó viết về nông thôn – một thứ nông thôn giả cầy, chứ chưa hề nghe ông chê nhà văn nói chung. Nhưng việc họ họ làm, giấy họ họ viết, đường ai nấy đi, Ngô Ngọc Bội nhất quyết đi con đường riêng của mình.

Nhà thơ Trần Ninh Hồ hay có tính hài hước, giọng tưng tửng và không mấy khi thán phục ai nhưng bỗng một ngày kia đã phải thốt lên: “Văn chương có thời có thể sẽ không còn lại một mảy may, nhưng Ngô Ngọc Bội thì còn mãi với khía cạnh có ích của văn chương.” Nhân thể xin nói luôn: Cùng với Trưởng ban Văn Trần Ninh Hồ, Trưởng ban Văn Ngô Ngọc Bội đã góp phần hình thành truyện ngắn hiện thực XHCN đồng thời Đổi mới thành công thể loại chủ lực –làm nên thương hiệu Văn nghệ. Tôi không biết chắc ông hay nhà văn Kim Lân đã đặt bút hiệu cho Phạm Thị Hoài từ tên thật Phạm Hoài Nam của bà dù ông có nói là ông, nhưng biết chắc, những truyện ngắn lạ lùng của Hoài đã in lần đầu trên Văn nghệ với do Ngô Ngọc Bội biên tập. Lại còn lạ điều này nữa: Ông viết chất phác, chằn chặn mà lại thích được giọng văn hoa mỹ một cách uyên bác của Phạm Thị Hoài. Cũng chính ông đưa in truyện Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp, khi đó, giữa năm 1988, báo Văn nghệ lâm vào bước ngoặt hiểm nghèo: Giấy trong kế hoạch in bị hết, Hội Nhà văn Việt Nam đã ký quyết định đưa Tổng biên tập mới, thay Q. Tổng biên tập Đào Vũ. Người mới chưa về, người cũ đi công tác Tây nguyên; bản thảo Tướng về hưu đi nhà in chỉ với một chữ ký Bội gạch chéo dưới ở góc trên bên trái. Đó là chưa kể, năm 1984, khi thuyết phục Q. Tổng biên tập Đào Vũ in Khách ở quê ra của Nguyễn Minh Châu, ông đã nói: “Nó (chỉ tác giả truyện) là đại tá, lương cao hơn ông; nó là cán bộ cốt cán của nền văn học cách mạng. Tức là trách nhiệm của nó trước Đảng, trước văn học cao hơn trách nhiệm của cả ông lẫn tôi cộng lại. Ông sợ gì?” Và thế là, một trong những truyện ngắn hay với đẳng cấp cao đã được ngả vào lòng bạn đọc. Sau Tướng về hưu, còn hàng loạt truyện nữa không thể nói là không hay: Bà chúa đồng điền của Đoàn Ngọc Hà, Bước qua lời nguyền của Tạ Duy Anh, Người đàn bà ám ảnh của Đức Hậu và Người bạn ấy xuống tầu ở ga xép của Văn Chinh…

 Tôi không biết Ngô Ngọc Bội bị bệnh run tay từ khi nào, chứ hồi bé ông là người có hoa tay. Sinh năm 1928, năm 1945 ông mới 17 tuổi đã vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh để huyện Cẩm Khê cho đấu giá lấy tiền nhân Tuần lễ vàng. Tôi nhớ mãi lần đầu gặp gỡ. Đó là một buổi chiều mùa đông năm 1967, tôi được mời ra họp cộng tác viên của Ty Văn hoá phối hợp với Liên hiệp Phụ nữ tỉnh do bà Nhung làm Chủ tịch để viết về phong trào Phụ nữ ba đảm đang. Từ Thanh Sơn tôi ra Cẩm Khê, chưa ai đến nên nằm chợp mắt một lúc. Đang ngon giấc thì có ai đập đập vào chân tôi, giật mình nhỏm dậy thì thấy một người đàn ông trung niên, ăn mặc lối cán bộ, hơi quê quê đang cười cười với mình. Ông hỏi tên tôi, rồi tự giới thiệu:

– Mình là Bội!

Tôi hiểu ngay đấy là Ngô Ngọc Bội nhưng vẫn chưa thôi sửng sốt trước đôi mắt sáng, rất sáng của ông. Hơn 50 năm qua, tôi vẫn chưa thể quên cảm giác đôi mắt sáng thân thiện, vừa thiên lương vừa tinh khôn nhưng vẫn dành cho người đối thoại sự trân trọng vồn vã. Kỷ niệm ấy cắt nghĩa toàn bộ sự nghiệp biên tập viên của Ngô Ngọc Bội, như là người sinh ra chỉ chuyên viết về nông dân nông thôn, học hành không nhiều, nhưng như một ông Phêrô gác cửa thiên đàng văn học, ông đã mở cửa để làm nên vệt sáng của sao chổi văn xuôi gần hai thập kỷ trên báo Văn nghệ. Ấy là thiên lương vậy.

Trong văn Ngô Ngọc Bội không có phong tục, không có những câu nôm na và những nhân vật ngốc nghếch khờ dại như những nhà văn nông nổi tưởng tượng; văn ông chứa đựng những bí mật thăm thẳm của tâm lý nông dân, nó không bao giờ được nói trắng phớ ra, nó là bộ quần áo mới của người đàn bà nọ.

Pautovsky qua nhân vật Morzat gọi hành vi ăn trộm thìa đĩa bạc của người đầu bếp già (bị mù) để chữa chạy cho người tình là chiến công của tình yêu chứ không phải là tội lỗi. Học hỏi người, tôi muốn gọi hành vi mặc quần áo mới mà ngủ với chồng của bà nông dân kia là bài ca bất tuyệt về tình yêu mà con người may mắn có được và giai điệu của bài ca thì thần tình, rất thần tình!

Bây giờ, khi đã gần chẵn 90 tuổi, ông còn mắc thêm chứng alzheimer. Năm ngoái bà mất, chúng tôi lên chia sẻ cùng ông và tang quyến. Ông chẳng nhận ra ai, ngoài anh con trai Ngô Xuân Bắc; ông hỏi, đến làm gì mà đông thế. Về để mình chợp mắt lúc còn phải làm việc. Nghe kể, tôi chỉ còn biết ứa nước mắt…

Văn Chinh

Theo nguồn:http://www.lethieunhon.vn/2018/05/ngo-ngoc-boi-nha-van-chuyen-biet-cua.html