Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã trút hơi thở cuối cùng vào hồi 16h30 ngày 20 tháng 3 năm 2021 tại nhà riêng ở Hà Nội, sau hơn một năm lâm trọng bệnh, nằm liệt giường, chịu cảnh sống thực vật. Cuộc ra đi ấy, xét theo nghĩa nào đó, là giải thoát cho ông khỏi sự đày ải cùm trói của khối nợ đời nghiệt ngã. Là được “nhẹ bồng cái kiếp nhân sinh”. Thế nhưng, với một nhân vật như Nguyễn Huy Thiệp, một nhà văn nồng danh khét tiếng được nhiều độc giả hâm mộ, và cũng không ít người rất lấy làm vinh dự nếu có quen biết hoặc có đôi ba lần được gặp gỡ thù tạc, thì cuộc ra đi ấy tất sẽ làm trào lên một làn sóng kêu thương, ca ngợi, trên báo chí và trên mạng xã hội. Sự việc diễn ra đúng như vậy. Bạn bè và độc giả yêu mến Nguyễn Huy Thiệp nồng nhiệt thể hiện nỗi buồn đau, thương xót ông, thương tiếc cho văn chương Việt Nam đã mất đi một tác giả lớn – có người nói lớn nhất sau năm 1975, có người nói lớn nhất trong nửa cuối thế kỷ XX, thậm chí có người hào phóng xếp ông là nhà văn lớn nhất thế kỷ XX – và lo ngại về một “khoảng trống không sao bù đắp được” cho văn đàn sau khi Nguyễn Huy Thiệp qua đời.
Tôi không có gì để phản đối tình cảm nồng nhiệt thể hiện qua những tiếng kêu thương và những lời ca ngợi này. Thậm chí, rất có thể bản thân tôi sẽ bị cuốn theo, vì tôi cũng là người đọc và yêu mến tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từ lâu, nhất là những truyện ngắn. Nhưng tôi muốn bình tĩnh ngồi xuống và nhìn lại một lượt về văn nghiệp Nguyễn Huy Thiệp, nhìn về vị thế và những tác động của văn nghiệp ấy trên văn đàn Việt Nam trong khoảng gần 40 năm nay, nghĩa là kể từ khi Nguyễn Huy Thiệp “trình chánh giữa làng văn”. Tôi thấy gì? Tôi thấy rằng Nguyễn Huy Thiệp chỉ thực sự viết và thực sự viết được những tác phẩm có giá trị đóng đinh vào văn học sử Việt Nam trong khoảng mười năm đầu của nghiệp viết. Nghĩa là bắt đầu vào quãng 1987, 1988, khép lại vào quãng 1997, 1998, và tất cả đều là truyện ngắn. Những truyện ngắn đầu tiên của ông đăng trên tuần báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam: “Tướng về hưu”, “Không có vua”, “Muối của rừng”, “Kiếm sắc”, “Vàng lửa”, “Phẩm tiết” v.v… đã giống như những cú nổ lớn giữa văn giới, khiến cho người ta, cả người đọc lẫn các nhà văn và các nhà phê bình, thoạt tiên phải hoa mắt, chóng mặt, ù tai, rồi ngay sau đấy thì nhanh chóng phân đôi chiến tuyến để còn hăng hái lao vào nhau tranh luận chí tử. Trong lúc ấy thì Nguyễn Huy Thiệp vẫn viết: “Những bài học nông thôn”, “Huyền thoại phố phường”, “Con gái thủy thần”, “Những người thợ xẻ”, “Thương cả cho đời bạc”, “Những ngọn gió Hua Tát” v.v… để lại tiếp tục đổ thêm dầu vào những cuộc tranh luận bừng bừng nộ khí. Trong khoảng mười năm ấy, một vài nhà xuất bản đã kịp gom một số truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp để in thành sách và phát hành trên thị trường. Nhưng cú gom mang tính chất quyết định, theo tôi, là cú gom của Nhà sách Đông Tây do dịch giả trứ danh Đoàn Tử Huyến điều hành: Tuyển tập truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp có tên “Như những ngọn gió” mà ông Đoàn Tử Huyến làm năm 1999 – “tái bản có bổ sung” từ tập “Như những ngọn gió” của Nhà xuất bản Văn Học in năm 1995 – gồm 30 truyện, hoàn toàn có thể xem như một tổng kết văn nghiệp của Nguyễn Huy Thiệp. Tôi khẳng định như vậy vì đó là những truyện ngắn xuất sắc nhất. Và sau đấy, cho đến tận bây giờ, dù chỗ này chỗ kia vẫn in các tập truyện ngắn mang tên này hay tên khác của Nguyễn Huy Thiệp, về cơ bản chúng vẫn không nằm ngoài số 30 truyện của tập “Như những ngọn gió” in năm 1999. Chúng chỉ đảo vị trí, đổi cách sắp xếp mà thôi. Sự thêm vào là rất không đáng kể. Vì đơn giản là Nguyễn Huy Thiệp đã không viết được thêm truyện nào đến tầm như 30 truyện ngắn nói trên nữa.
Nhưng ngoài truyện ngắn, Nguyễn Huy Thiệp còn làm thơ, viết kịch, viết tiểu thuyết. Có điều tất cả những sản phẩm đó – trừ những “bài ca” mà ông hay đưa vào trong các truyện ngắn của mình – chỉ cho thấy rằng chúng là loại sản phẩm mà vì những lý do nào đấy, ông đã làm trái tay, thậm chí đã đẻ vội, và bản thân ông cũng không có cách gì mang “uy vọng truyện ngắn” ra để bảo lãnh được cho chúng về mặt chất lượng. (Nhiều độc giả đã bày tỏ sự thất vọng lớn lao sau khi đọc các tiểu thuyết “Tiểu Long Nữ”, “Tuổi hai mươi yêu dấu”, hay “Gạ tình lấy điểm”. Họ bảo rằng các tiểu thuyết ấy không phải tác phẩm do nhà văn Nguyễn Huy Thiệp mà họ hằng yêu mến viết ra, rằng đó là một Nguyễn Huy Thiệp khác, một Thiệp… fake). Tóm lại, Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn của thể loại truyện ngắn. Bằng truyện ngắn, chỉ trong khoảng mười năm – cứ tạm cho dài rộng hơn là đến hết thế kỷ XX – Nguyễn Huy Thiệp đã tự mình làm thành một tượng đài của văn chương Việt Nam đương đại, bất chấp những tranh luận dường như không hồi kết trong văn giới. Và sau đấy là… hết, là cả một khoảng trống. Nói như vậy để thấy, cái “khoảng trống không sao bù đắp được” cho văn đàn Việt Nam, cái khoảng trống mang tên Nguyễn Huy Thiệp mà dư luận đang lớn tiếng kêu thương ấy, nếu có, thì không phải chờ đến bây giờ, khi nhà văn qua đời mới xuất lộ, mà nó đã há miệng từ hơn 20 năm trước, khi bút lực Nguyễn Huy Thiệp cơ hồ không còn chút sức rướn nào.
Dù sao đi chăng nữa, nhìn lại, văn nghiệp của Nguyễn Huy Thiệp vẫn là một văn nghiệp thành công, thậm chí đại thành công. Khó có thể tưởng tượng rằng chỉ thực sự viết trong khoảng mười năm, với khoảng gần 50 truyện ngắn cả thảy – truyện ngắn, chứ không phải tiểu thuyết – mà Nguyễn Huy Thiệp đã giữ vị thế một trong số rất ít nhà văn tạo ra bước ngoặt cho văn chương Việt Nam sau năm 1975. Nhiều nhà nghiên cứu phê bình văn học Việt Nam hiện đại, đương đại nói chung và là chuyên gia về văn chương Nguyễn Huy Thiệp nói riêng, đã bàn rất cụ thể về phương diện này. Lã Nguyên (La Khắc Hòa) chẳng hạn. Trong tiểu luận “Nguyễn Huy Thiệp và bước ngoặt của văn học Việt Nam sau 1975” – in trong sách “Phê bình ký hiệu học, đọc văn như là hành trình tái thiết ngôn ngữ” (NXB Phụ Nữ, 2018) – Lã Nguyên đã phân tích và chứng minh một cách thuyết phục, rằng phải đến các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, văn học Việt Nam mới diễn ra sự chuyển đổi ngôn ngữ không gian: Từ không gian nhà binh sang không gian sinh hoạt, từ không gian huyền thoại sang không gian truyện kể; và rằng sự chuyển đổi ấy đã đưa sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp tiến sát tới ngôn ngữ hậu hiện đại. Cho thật dễ hiểu thì, xét về mặt hiệu quả tác động trên người đọc vào thời điểm mà chúng xuất hiện lần đầu tiên, những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp quả thật giống như những cú nổ lớn giữa văn giới, như tôi đã nói ở trên. Chúng khiến cho người ta phải choáng váng. Vì nói chung, kinh nghiệm đọc của phần đông độc giả Việt Nam lúc ấy không hề có sự chuẩn bị để tiếp nhận thứ văn chương rất đỗi mới mẻ và lạ lùng này. Nó mang tất cả mọi đối lập ở trong mình, trong hình hài tiếng Việt: Thánh thần và ma quỷ, cao cả và thô tục, tinh tuyền và sống sượng, an nhiên và cuồng loạn, lãng mạn trữ tình và trào tiếu giải thiêng… Thứ văn chương ấy không đem lại cho người đọc sự yên tâm như họ vốn có và muốn có, bởi vì nó không khẳng định cái gì là chân lý. Ngược lại, nó đặt toàn bộ thế giới tinh thần của họ vào trong một tình trạng bấp bênh và đầy bất an trước sự sụp đổ có thể đến mà không báo trước của tất cả những giá trị tưởng như vô cùng vững chắc: Quyền lực, danh dự, tri thức, lẽ phải, tình yêu, tình thương, trách nhiệm v.v… Thứ văn chương ấy cùng lúc thực hiện nhiều tác động đến độc giả: Nó mổ xẻ, tra vấn, chọc tức, truy bức, kích thích, mời mọc, vẫy gọi… Có lẽ chính vì thế nên truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp thường được tiếp nhận ở hai đầu cực, hoặc là được yêu hoặc là bị ghét, chứ ít khi phải chịu cảnh hững hờ lờ lững để rồi nhanh chóng chìm xuống đáy ao quên lãng. Có thể nói, nó luôn là thứ văn chương của sự bổ đôi dư luận. Nhìn ở phương diện này thì tôi buộc phải nghĩ đến một nghịch lý, mà cũng là thuận lý: Không phải lúc được công chúng tung hô khen ngợi nồng nhiệt, mà chính khi phải chịu đòn roi nghiệt ngã nhất từ những ngự sử văn chương thuộc phái chuyên chính hằm hằm thì mới là khi truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp khẳng định được sự thành công của nó một cách thuyết phục nhất.
Nhưng đó là câu chuyện của quãng thời gian từ 1987 đến 1997, 1998. Sau đấy, trong bầu sinh quyển của sự tiếp nhận văn chương nghệ thuật nói chung ngày một dân chủ và cởi mở hơn, truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp – nhất là 30 truyện ngắn xuất sắc trong tập “Như những ngọn gió” in năm 1999 – đã mặc nhiên được coi như một di sản đáng giá của văn chương Việt Nam thời kỳ đổi mới. Chúng liên tục được tái bản, được dịch ra nhiều thứ tiếng, và được giới thiệu ở nhiều nước trên thế giới, qua các hội chợ sách và các liên hoan nhà văn quốc tế. Tuy nhiên, đó cũng là lúc bắt đầu thời điểm mà “khoảng trống mang tên Nguyễn Huy Thiệp” dần há miệng, như đã nói ở trên. Điều đáng chú ý là từ năm 2000 đến đầu năm 2021, khi Nguyễn Huy Thiệp qua đời, ông ở vào độ tuổi 50 – 70, độ tuổi được coi là vàng mười với một người viết văn, cả về thể lực, cả về tinh thần, cả về sự tích lũy kinh nghiệm sống và kinh nghiệm sáng tác. Vậy thì điều gì đã xảy ra thế nhỉ?
Để thử góp phần trả lời câu hỏi này, và cũng là để khép lại bài viết, tôi sẽ dẫn lại một đoạn mà nhà văn Thuận kể trên facebook cá nhân của chị vào tối ngày 20 tháng 3 năm 2021, vài giờ sau khi Nguyễn Huy Thiệp qua đời, về cuộc gặp giữa chị với Nguyễn Huy Thiệp, vào mùa thu năm 2017, tại Hà Nội: “Tôi cố hết sức để không bật ra nỗi thắc mắc bấy lâu: “Hồi này anh có viết gì không?”, nhưng sự nhạy cảm của một nhà văn vẫn khiến anh nhận ra điều đó, rồi anh tự nói: “Bây giờ anh chỉ muốn làm một người chồng tốt, một người cha tốt, một người ông tốt”. Câu tâm sự này của anh khiến tôi ngỡ ngàng tột bậc, nó khắc sâu trong trí nhớ của tôi và vẫn hiện ra mỗi khi tôi nghĩ về anh. Vâng, anh Thiệp là nhà văn Việt mà tôi nghĩ về nhiều nhất. Với tất cả sự ngưỡng mộ và thương tiếc. Thương tiếc một tài năng lớn giữa những luẩn quẩn khó hiểu của đời thường, một “người bay không có chân trời” như Trần Dần năm nào từng khóc”.
“Những luẩn quẩn khó hiểu của đời thường” phải chăng là yếu tố can dự có sức nặng đến mức khiến đời viết, viết thực sự, của Nguyễn Huy Thiệp ngắn đến thế? Và văn nghiệp của ông, xét về quy mô, cũng chỉ khiêm tốn đến thế?
Hoài Nam