Tôi sinh ra ở Hà Nội vào mùa đông năm 1946. Toàn quốc kháng chiến, cha tôi lên đường vào bộ đội. Gia đình tôi tản cư về Hải Dương quê cũ. Năm 1948, cha tôi có chuyến công tác về Hải Dương, gặp mẹ con tôi, ra đời bài thơ “Chiều mưa đường số 5” và có chụp 2 bức ảnh tôi với ông nội. Đấy là lần trở về duy nhất của cha tôi.
2 năm sau cha tôi hy sinh trong chiến dịch Biên giới ở Cao Bằng. Bộ đội về Thanh Hóa báo tin, rồi dẫn đường cho gia đình tôi lên an toàn khu Định Hóa, Thái Nguyên, sau về chân đèo Khế, Đại Từ. Thỉnh thoảng các bác Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng tới thăm ông bà và mẹ con tôi, thấy gọi mẹ tôi là “chị Thâm Tâm”. Mẹ bảo tôi là bố con hy sinh rồi, tôi biết tôi là đứa bé mồ côi, cha tên là Thâm Tâm, nhà tôi cũng không có ảnh của cha. Tôi nghĩ chắc cha cũng giống như bác Nguyên Hồng,…
Ngày giải phóng Điện Biên, có chú bộ đội giải tù hàng binh Pháp về qua đèo Khế, dừng chân nghỉ uống nước tại quán nhà tôi. Rồi tình cờ, chú ấy là chiến sĩ cùng ở đơn vị với cha tôi, khi biết mẹ tôi là “chị Thâm Tâm” mới mở ví lấy ra chiếc ảnh chân dung cha tôi trao lại cho mẹ tôi. Mẹ tôi về Hà Nội chụp lại và giờ đây là chiếc ảnh phóng to trên ban thờ cha tôi. Vậy là tôi biết mặt cha. Lên 8 tuổi, tôi mới biết cha tên là Nguyễn Tuấn Trình, là người làm thơ, làm báo với bút danh Thâm Tâm.
Năm 1955, gia đình tôi trở về Hà Nội. Mấy năm sau có cán bộ tìm đến nhà tôi trao bằng Tổ Quốc ghi công Liệt sĩ Nguyễn Tuấn Trình, mấy cái huân chương. Tôi đã đi học và hiểu biết hơn. Mẹ tôi cho tôi xem những di vật của cha, giấy báo tử, và 6 bức ảnh đám tang cha tôi mà bộ đội mang về cho mẹ tôi từ hồi ở Thanh Hóa. Thế là tôi biết thêm về cha mình. Về sau, mẹ tôi và bác tôi còn kể rằng cha tôi ngày trước có làm thơ, viết truyện đăng trên một số tờ báo, rồi còn vẽ tranh bán ở Bờ Hồ, lấy các bút danh Tuấn Trình, Trăm Năm, Trái Tim, Thanh Giám,… và Thâm Tâm.
Năm 1960 có người mang đến cho mẹ tôi một cuốn sách, cuốn Hợp tuyển văn học Việt Nam 1945-1960, trong đó có bài thơ “Chiều mưa đường số 5”. Đấy là tác phẩm duy nhất của cha tôi mà tôi biết. Lên học cấp 3, tôi thấy có thầy dạy văn nhắc tới một bài thơ của cha tôi, bài “Tống biệt hành”, một số bạn nữ trong lớp có lưu truyền bài thơ chép tay nhan đề “Hai sắc hoa Ti gôn” của nữ sĩ T.T.Kh. nghe nói là người yêu của Thâm Tâm ngày xưa.
Mẹ tôi rất ít kể về cha tôi, nhưng hay dẫn tôi đến nhà các bác Lê Liêm, Lê Thu Trà,… bảo là bạn của cha tôi. Các chú Mai Văn Mạc, Hoàng Mười, ông Xuân Thủy,.. cũng thường đến thăm gia đình tôi. Năm học lớp 10, tôi được giải nhì học sinh giỏi văn thành phố, giải cao nhất học sinh giỏi toán toàn miền Bắc, và được phần thưởng của Bác Hồ, mẹ tôi lại dẫn tôi đi thăm các bác. Mẹ tôi muốn các chú, các bác ấy thấy tôi lớn lên ngoan ngoãn, chịu khó học hành, thế là mẹ tôi yên lòng.
Năm 1964, tôi vào học Đại học Bách Khoa. Thi xong học kỳ 1, sắp Tết. Một hôm tôi thấy Lớp trưởng báo tôi lên Văn phòng Khoa có việc. Ở đó, người ta trao cho tôi quyết định cử tôi đi học chuyển tiếp sinh ở Trung Quốc, tôi mang quyết định về nhà mới thấy người ký là ông Hoàng Xuân Tùy, tôi nhớ trong giấy báo tử cha tôi cũng là ông Hoàng Xuân Tùy ký. Ngày bé ở Thái Nguyên, các bác báo cho tôi đi học ở Khu học xá Trung Quốc, sau lại chuyển cho đi CHDC Đức, nhưng ông tôi nhất quyết không cho đi, vì sợ nước Đức ở xa quá, nhỡ cháu làm sao thì không gặp được nữa. Phải chăng các bác ở trên vẫn nhớ tới tôi, con trai duy nhất của Thâm Tâm.
Tôi tốt nghiệp đại học và đi làm. Nhà tôi có cái radio Vạn Tường vỏ gỗ để nghe đài, có lần thấy bắt được sóng đài Sài Gòn, tôi nghe những bài hát của vài nhạc sĩ trong Nam, và một lần thấy ai đó ngâm thơ “Tống biệt hành”. Có lúc khó nghe quá, tôi vặn to lên, mẹ tôi bảo “Không được nghe đài địch”, tôi liền tắt ngay. Tôi hỏi mẹ: “Sao họ lại ngâm thơ của bố?” Mẹ tôi mới kể rằng ngày trước cha tôi với mấy người bạn văn thơ rất thân nhau, gọi là nhóm Ngũ hổ, gồm Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Thâm Tâm, Nguyễn Bính, Trần Huyền Trân. Sau Cách mạng và kháng chiến, ông Đinh Hùng vào Nam, phụ trách chương trình văn nghệ đài Sài Gòn, trong ấy họ vẫn đọc thơ Tống biệt hành, Hai sắc hoa Ti gôn. Sau 1975, bạn bè miền Nam và đồng nghiệp của tôi vào công tác Sài Gòn có gửi cho mẹ con tôi mấy cuốn tạp chí cũ viết về Thâm Tâm, Tống biệt hành và T.T.Kh. và cuốn tiểu thuyết “Thuốc mê”.
Năm 1988, anh Mã Giang Lân đã cất công sưu tầm, biên tập và xuất bản cuốn Thơ Thâm Tâm (NXB Văn học) tuyển được 16 bài thơ in trên Tiểu thuyết thứ bảy, 2 bài “Chiều mưa đường số 5” và “Căm thù” sáng tác sau Cách mạng và bài Hai sắc hoa Ti gôn trong phần Phụ lục. Anh đã mang cuốn Thơ Thâm Tâm tới tặng mẹ con tôi. Vậy là tôi được biết thêm khá nhiều tác phẩm thơ của cha tôi.
Sau thời kỳ đổi mới, trên báo có khá nhiều bài viết về Thâm Tâm và thơ Thâm Tâm. Ông Hoài Việt nhiều lần đến nhà tôi tìm hiểu thêm về Thâm Tâm để viết mấy cuốn sách về Thâm Tâm, Nguyễn Bính, T.T.Kh.,, Ông còn dẫn tôi đến gặp bác Thanh Châu, Ngọc Giao, Hồng Tranh,… và được nghe kể rất nhiều về cha tôi, về hai sắc hoa Ti gôn, về nhóm Áo bào gốc liễu,…
Năm 1990, Báo Quân đội Nhân dân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập, tôi được mời đến dự, đọc bài thơ Tống biệt hành, gặp chú Vũ Cao, Vũ Tú Nam, và rất nhiều nhà văn nhà thơ quân đội. Về sau tôi có nhiều dịp tới thăm chú Vũ Cao và hầu chuyện. Có lần chú nhìn tôi rất lâu và bảo chú có cảm tưởng đang gặp lại cha tôi, nghĩa là tôi có nhiều nét giống bố.
Năm 1995, trong một dịp Họp mặt cựu hoc sinh trường Bưởi ở cơ quan tôi, ông viện trưởng giới thiệu tôi là người giúp đỡ tổ chức buổi họp mặt, là con Thâm Tâm, tôi mới được gặp các bác Bùi Hạnh Cẩn, Văn Cao, Đặng Vũ Hiệp… Các bác hỏi thăm mẹ tôi, kể nhiều chuyện cũ về cha tôi và từ đấy, tôi nhiều lần được trò chuyện cùng các bác. Bác Đặng Vũ Hiệp lại bảo tôi đến nhà chú Lê Hai để xin mấy tấm ảnh cha tôi và đồng đội Cục Tuyên huấn và báo Vệ quốc quân. Vậy là tôi có thêm mấy tấm ảnh có mặt cha tôi.
Năm 1999, sau những bài viết của bác Trúc Kỳ và chú Vũ Cao về Thâm Tâm, các anh chị Hội Văn học Nghệ thuật Cao Bằng tiến hành việc tìm mộ Thâm Tâm. Anh Hoàng Quảng Uyên, Y Phương, bác Vương Hùng, Thanh Châu, … đã góp rất nhiều công sức, và chính nhờ 6 tấm ảnh đám tang đã tìm thấy ngôi mộ cũ ở Pò Noa, Phi Hải, Quảng Uyên, Cao Bằng. Năm 2000, VTV đã làm phim “Nhớ Thâm Tâm” kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Biên giới, tôi mới có dịp về thăm quê Hải Dương, được gặp lại mấy cụ bạn học ngày xưa của cha tôi. Các cụ đều bảo tôi giống bố. Vợ chồng tôi đã lên Cao Bằng, cùng đoàn làm phim, được viếng mộ cha và xin một nắm đất Pò Noa về đặt trên ban thờ.
Cha tôi là mấy tấm ảnh, là Tổ quốc ghi công Liệt sĩ, là thư ký tòa soạn Báo Vệ quốc quân trong hồi ký của bác Trúc Kỳ, là những di vật mẹ tôi còn giữ cùng những bức thư cha gửi về đã vàng ố và nhòa nước mắt. Cha tôi là nhà thơ với 18 bài thơ trong cuốn “Thơ Thâm Tâm”. Thế thôi.
Thế rồi một cú điện thoại của anh Văn Giá đã khởi đầu cho những năm tháng vội vã tôi đi tìm hình bóng cha mình. Anh Văn Giá điện cho tôi, tự giới thiệu và thông báo đã cùng với chị Nguyễn Thanh Hương phát hiện một số truyện ngắn của Thâm Tâm được lưu giữ tại Thư viện Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh dưới dạng microfilm, đã chụp ảnh nguyên bản từ những tấm film chất lượng kém rồi tiến hành đánh máy lại. Cuốn “Thâm Tâm truyện ngắn” gồm hơn 30 truyện đã đăng trên tờ Tiểu thuyết thứ bảy rải rác suốt từ năm 1941 đến 1944, đã được biên tập và xuất bản năm 1999. Anh Khang, Giám đốc Thư viện Quốc gia cũng gửi cho tôi danh mục các tác phẩm của Thâm Tâm có tại Thư viện Quốc gia, trong đó có một số truyện vừa, truyện thiếu nhi, mấy tác phẩm truyện ký, thơ, kịch sáng tác sau Cách mạng.
Công việc bận rộn, tôi dự định thu xếp thời gian tới Thư viện xin đọc các tác phẩm của cha mình, và có thể xin chụp lại, nhưng chưa làm được. Thật may những năm gần đây có Internet và mạng xã hội, các anh chị Ngô Thảo, Ngô Vĩnh Bình, Lưu Khánh Thơ, Lại Nguyên Ân,… đã mách bảo, động viên tôi tìm đến các cơ sở dữ liệu số hóa của Thư viện Quốc gia Việt Nam và Thư viện Quốc gia Pháp, để tìm kiếm các tác phẩm của Thâm Tâm. Tìm được các tác phẩm của cha mình, vợ chồng tôi lại tiến hành nhận dạng từ bản ảnh sang bản text, được các nhà xuất bản giúp đỡ biên tập và xuất bản Truyện ngắn Thâm Tâm, Truyện vừa Thâm Tâm, các truyện cổ tích, truyện dành cho thiếu nhi, tiểu thuyết, kịch,…
Và tôi đã thấy hình bóng cha khi còn là cậu bé được bà tôi chèo thuyền đưa đi học mùa lụt Hải Dương năm nào trong truyện “Cái tổ chim”, là chàng trai với đốm ánh thuốc lá đang đi cùng một ánh thuốc nữa xa dần, khuất dần trong đêm, đi về phía thay đổi cuộc đời, “lên đường” vì khát vọng tự do, độc lập trong truyện “Ánh thuốc lé trong bóng tối”, là cha tôi ngồi viết trong đêm, bên ngọn đèn dầu như hình minh họa bài thơ “Viết đêm” trên tờ Tiểu thuyết thứ bảy với hai câu thơ cuối :” Hoa đèn không hiểu lòng trang giấy / Soi mãi trên bàn cái vắng teo”, như một lời nhắn nhủ cho con cháu tìm về.
Ngày Hội nhà văn Việt Nam tổ chức ra mắt các tác phẩm mới sưu tầm của Thâm Tâm, tôi gặp hai chị em Kim Đính, Kim Bằng con bác Trần Huyền Trân, vợ chồng tôi tới thăm nhà và thắp hương tưởng nhớ bác. Rồi từ đấy, chúng tôi gặp Nguyễn Bính Hồng Cầu, con bác Nguyễn Bính, chia sẻ những kỷ niệm về các cụ tam anh “Áo bào gốc liễu”. Cũng từ đấy, tôi tìm được các số báo của Tuần báo Bắc Hà, Tân Việt Văn đoàn, những bức tranh vẽ bìa, những minh họa của họa sĩ Tuấn Trình, thơ và truyện của Tuấn Trình, Trái Tim, Thanh Giám, Trăm Năm, T.G.Kh., từ trước khi xuất hiện nữ sĩ T.T.Kh.
Cũng vì những phát hiện này, tôi quay lại Thư viện Quốc gia tìm kiếm các số báo Tân Việt Văn đoàn, Tuần báo Bắc Hà, và những tư liệu, tác phẩm của Tuấn Trình, Thâm Tâm sáng tác sau Cách mạng như “Lá cờ máu”, “Một người thợ”, “Mùa xuân mới”, “Miền Nam Chiến đấu diễn ca”, “Ngày đắc thắng”.
Mấy năm qua, con rể tôi Trần Thanh Tùng đã bỏ rất nhiều công sức và tiền bạc, tìm kiếm, liên hệ và mua được rất nhiều bản gốc các số Tiểu thuyết thứ bảy từ năm 1935 đến 1945, các truyện vừa của Thâm Tâm đăng trên Truyền bá,… Công việc này có sự giúp đỡ rất quan trọng của các nhà sưu tầm trong ngoài nước. Từ các bản gốc này, gia đình đã sưu tầm được thêm nhiều tác phẩm của cha tôi.
Cho tới nay, gia đình đã sưu tầm được 120 truyện ngắn in trong Tân Việt văn đoàn, Tuần báo Bắc Hà, Tiểu thuyết thứ bảy, Báo Quốc hội, NXB Văn hóa Cứu quốc, NXB Vệ quốc quân từ 1936 đến 1948, 28 truyện vừa in trên Truyền bá Phổ thông bán nguyệt san từ 1940 đến 1944, 2 tiểu thuyết Thuốc mê, Nỗi ân hận dài, Tân Dân xuất bản, 38 vở kịch, 50 bài thơ và 2 tập Miền Nam chiến đấu diễn ca, từ 1935 đến 1948, Hàng chục tranh vẽ bìa cho Tuần báo Bắc Hà, minh họa cho Tân Việt Văn đoàn và Tiểu thuyết thứ bảy từ 1935 đến 1944.
Ở nhà bác Trần Huyền Trân, trên bàn viết của bác ngày xưa, tôi thấy 3 cái chén. Anh Kim Bằng bảo mỗi khi rót rượu thắp hương bác đều rót thêm 2 chén nữa cho Nguyễn Bính và Thâm Tâm. Anh Bằng lại cất công tìm mua và mang đến chai rượu COINTREAU 1849, là loại rượu ngày xưa ba nhà thơ Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính, Thâm Tâm thường cùng uống với nhau để thắp hương cho cha tôi. Tình bạn tam anh, tình cảm quý mến, sự mách bảo động viên và giúp đỡ của các bác các chú, các anh chị đã giúp tôi tìm thấy khuôn mặt, hình bóng cha cùng với bao người muôn năm cũ.
Năm 2004, Hải Dương có phố Nguyễn Tuấn Trình. Năm 2023, Hà Nội đặt tên phố Thâm Tâm.
“Người đi ừ nhỉ người đi thực
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu cay”.
Cha tôi ra đi năm 1946. Người đi từ đấy đã không về!
Ôi, một chữ thà!
“Hơi rượu cay” tôi đã được uống với các chú, các bác, bạn bè xưa của cha tôi, hơi rượu đã bay đi, bay vào khoảng trời tươi sáng hôm nay, chỉ để nhớ về “Ngoài phố mưa bay xuân bốc rượu/Tấc lòng mong mỏi cháy tê tê” ngày ấy.
“Hạt bụi” nào làm cay mắt chị, mắt em, mắt bạn bè đồng đội của cha tôi, cũng đã theo những dòng nước mắt trôi đi mãi, trôi vào lòng thương nhớ của bao người.
Nhưng vẫn còn “chiếc lá”, chiếc lá của người mẹ Hải Dương đã bay từ đường số 5, bay về Hà Nội, quấn quýt bên những chiếc lá thân thiết, bên bạn văn, bạn thơ, bạn rượu, để bật lên khát vọng lên đường, bay đi nữa, bay mãi tới bản nhỏ Pò Noa, Phi Hải, Cao Bằng thì rơi xuống. Anh Nguyễn Đức Mậu bảo rằng “Hơn bốn mươi năm, cây mục đá mềm/ Xương thịt con người lẫn vào cỏ dại”. Bác Trần Huyền Trân viết: “Mùa xuân đã biếc trên mồ/Rừng xanh thác đổ… Bây giờ biển xanh/Ở đâu đã nát xương anh/Gió lùa cửa mộ tâm tình nằm trơ/Xuân về lên thịt da xưa/Anh đem hoa đến muôn nhà là đây”. Vâng, chiếc lá ấy đã mục lâu rồi, để trên gò Pò Noa ấy giờ xanh mướt một màu non tơ của cây cối lúc sang xuân.
Tôi đã đi tìm và đã thấy bóng hình cha thật rõ nét, thật thân thuộc qua những con chữ, những tác phẩm, những câu chuyện của cha và về cha, qua những chiếc lá mướt xanh trên phố Nguyễn Tuấn Trình, trên phố Thâm Tâm và ở bản Pò Noa, Phi Hải xa xôi mà thật gần.
Cha tôi đã trở về!
Nguyễn Tuấn Khoa