Giải thưởng Nobel cho các lĩnh vực kinh tế, khoa học, văn chương được lập ra năm 1901 theo di chúc của Alfred Nobel (1833 – 1896), nhà khoa học kỹ thuật và nhà triệu phú người Thụy Điển. Trong 120 năm qua, riêng Nobel văn chương đã được trao 114 giải cho 118 người tính từ người đầu tiên là nhà thơ Pháp Sully Prudhomme (1901) đến người mới nhất là nhà văn Tanzania Abdulrazak Gurnah (2021). Đến nay giải Nobel hàng năm vẫn được coi là giải thưởng hàng đầu, danh giá nhất trên thế giới.
Ở Việt Nam đã có một nhà văn không chỉ mơ mà còn muốn được giải Nobel văn chương. Và ông đã nói rõ ra điều ấy. Đó là Nam Cao (1915 – 1951). Trong truyện ngắn “Đời thừa” (đăng báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy số 490, 4/12/1943) ông đã để cho nhân vật văn sĩ Hộ nói lên điều mình muốn.
Hộ như là một phiên bản của chính Nam Cao trong tư cách nhà văn: “Lòng hắn đẹp. Đầu hắn mang một hoài bão lớn. Hắn khinh những lo lắng tủn mụn về vật chất. Hắn chỉ lo vun trồng cho cái tài của hắn mỗi ngày một thêm nảy nở. Hắn đọc, ngẫm nghĩ, tìm tòi, nhận xét và suy tưởng không biết chán. Đối với hắn lúc ấy, nghệ thuật là tất cả; ngoài nghệ thuật không còn gì đáng quan tâm nữa. Hắn băn khoăn nghĩ đến một tác phẩm nó sẽ làm mờ hết các tác phẩm khác cùng ra một thời…”
Nhưng rồi khi vướng vào gia đình vợ con cơm áo ghì sát đất, Hộ đã phải viết vội vàng một thứ văn đọc xong là quên. “Khốn nạn, khốn nạn thay cho hắn! Bởi vì hắn chính là một thằng khốn nạn! Hắn chính là một kẻ bất lương! Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật đê tiện. Chao ôi! Hắn viết những gì? Toàn những cái vô vị, nhạt phèo, gợi những tình cảm rất nhẹ, rất nông, diễn một vài ý rất thông thường quấy loãng trong một thứ văn bằng phẳng và quá ư dễ dãi. Hắn chẳng đem một chút mới lạ gì đến văn chương. Thế nghĩa là hắn là một kẻ vô ích, một người thừa. Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có…”
Cho đến một bữa. Hộ tình cờ gặp mấy bạn văn và nghe được cái tin cuốn “Đường về” của một người trong nhóm sắp được dịch ra tiếng Anh với bản quyền tác giả ba nghìn đồng. Thế là cái ước vọng làm văn chương đích thực, cao đẹp lại bùng lên trong Hộ.
“Và chỉ độ nửa giờ sau, Mão và Trung đã thấy Hộ đỏ tai, giộng một cái vỏ chai bia xuống mặt bàn:
-CUỐN “ĐƯỜNG VỀ” CHỈ CÓ GIÁ TRỊ ĐỊA PHƯƠNG THÔI, CÁC ANH HIỂU KHÔNG? NGƯỜI TA DỊCH NÓ VÌ MUỐN BIẾT PHONG TỤC CỦA MỌI NƠI. NÓ CHỈ TẢ ĐƯỢC CÁI BỀ NGOÀI CỦA XÃ HỘI. TÔI CHO LÀ XOÀNG LẮM! MỘT TÁC PHẨM THẬT GIÁ TRỊ, PHẢI VƯỢT LÊN BÊN TRÊN TẤT CẢ CÁC BỜ CÕI VÀ GIỚI HẠN, PHẢI LÀ MỘT TÁC PHẨM CHUNG CHO LOÀI NGƯỜI. NÓ PHẢI CHỨA ĐỰNG ĐƯỢC MỘT CÁI GÌ LỚN LAO, MẠNH MẼ, VỪA ĐAU ĐỚN, LẠI VỪA PHẤN KHỞI. NÓ CA TỤNG LÒNG THƯƠNG, TÌNH BÁC ÁI, SỰ CÔNG BÌNH… NÓ LÀM CHO NGƯỜI GẦN NGƯỜI HƠN. NHƯ THẾ MỚI THẬT LÀ MỘT TÁC PHẨM HAY, CÁC ANH CÓ HIỂU KHÔNG? TÔI CHƯA THẤT VỌNG ĐÂU? RỒI CÁC ANH XEM… CẢ MỘT ĐỜI TÔI, TÔI SẼ CHỈ VIẾT MỘT QUYỂN THÔI, NHƯNG CUỐN ẤY SẼ ĂN GIẢI NOBEL VÀ DỊCH RA ĐỦ MỌI THỨ TIẾNG TRÊN HOÀN CẦU!” (Chữ to do tôi nhấn mạnh.)
Nam Cao đã ngã xuống ở tuổi 36 vì đạn bắn khi văn tài đang ở độ cao và độ chín. Quyển sách ông muốn viết để ăn giải Nobel cho thế giới biết văn chương Việt đã không thành hiện thực. Nhưng ý nghĩ của văn sĩ Hộ nói thay cho Nam Cao tôi coi là lời di chúc văn chương của nhà văn để lại cho hậu thế.
Tôi đưa lại ước muốn giải Nobel của Nam Cao như một cách trả lời câu hỏi bao giờ văn chương Việt vươn được tới tầm cao này mà nhiều bạn đã hỏi tôi cứ mỗi dịp trao giải Nobel hàng năm.
Phạm Xuân Nguyên