Nhà thơ, nhà văn hóa Dân tộc Nông Quốc Chấn sinh ngày 18/11/1923 tại Bản Nà Cọt, xã Châu Khê, Bằng Đức, Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn. Thủa nhỏ có tên là Nông Văn Đăm, tên khai sinh là Nông Văn Quỳnh. Từ năm 1944 có tên là Nông Quốc Chấn. Vùng quê Nông Quốc Chấn nay thuộc xã Cốc Đán, là vựa lúa của huyện Ngân Sơn. Cha ông là một nhà nho nổi tiếng. Hồi nhỏ ông học trường làng rồi trường tỉnh. Học chữ nho với Đồ Hậu (nhà thơ Hoàng Đức Hậu). Học chương trình Pháp Việt do người anh trai tổ chức học tại nhà. Ông tham gia các hoạt động xã hội của làng xã từ năm 18 tuổi.
Nông Quốc Chấn sớm tham gia hoạt động cách mạng, tham gia công tác ở địa phương từ cuối năm 1941, là bí thư hội Thanh niên Cứu quốc, Chủ tịch Việt Minh xã. Trên cương vị này tháng 5 năm 1945 ông đã tổ chức đón tiếp “Bộ đội ông Cụ” (đoàn cán bộ cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu hành quân từ Pác Bó về Tân Trào nghỉ lại một ngày đêm ở Cốc Đán). Với lòng yêu thơ, có năng khiếu thơ và có chữ, Nông Quốc Chấn viết bài thơ Bộ đội ông Cụ bằng tiếng Tày, tự dịch ra tiếng Việt: “Bộ đội đã đến kia/ A lúi, những người là người/ Đeo súng ngắn, súng dài, súng dóp/ Hoan hô! Hoan hô!”. Nhà văn Tô Hoài đã có cảm nhận về bài thơ: “Lời thơ hồn nhiên như những câu chuyện bà con người Dao, người Tày ở Phja Bjoóc (Núi Hoa) đã kể cho chúng tôi nghe những đêm giá rét quanh bếp lửa, mà mỗi câu, mỗi chữ dẫn đến một khám phá” (Khi nghe gió thổi qua Phja Bjoóc). Đó là một bài thơ hay, khởi đầu cho một sự nghiệp thơ lẫy lừng của nhà thơ dân tộc Tày. Cuối năm 1945, Nông Quốc Chấn thoát ly gia đình đi hoạt động cách mạng, mở lớp huấn luyện chính trị, tổ chức đội tuyên truyền xung phong, thành lập căn cứ địa mới, là chính trị viên đại đội Châu Ngân Sơn. Năm 1946 ông là Trưởng ty Thông tin Bắc Kạn, trúng cử đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh rồi về Hà Nội học lớp chính trị do ban thường vụ trung ương Đảng mở. Năm 1949, trong chiến dịch giải phóng quê hương ông có bài thơ nổi tiếng Dọn về làng (Toọn mà bản), bài thơ đoạt giải nhì cuộc thi thơ tại đại hội liên hoan thanh niên thế giới lần thứ hai ở Beclin mà ông là đại biểu chính thức. (Sau này bài Dọn về làng được chọn vào Sách giáo khoa Ngữ Văn 12 năm 2007). Ông là đại biểu quốc hội khóa II -Năm 1957 ông sáng tác bài thơ dài Tiếng ca người Việt Bắc trong dịp thành lập khu tự trị Việt Bắc với những câu thơ hào sảng, tươi mới và lung linh: “Em ơi! Việt Bắc đẹp giàu/ Núi rừng trùng điệp muôn màu cỏ hoa/ Trên Phia Dạ mây mù buông chướng/ Dưới đất kia sắt, quặng, bạc, vàng/ Đi thuyền Ba Bể dọc ngang/ Xem người đánh cá, xem nàng hái ngô”.
Từ năm 1958 đến năm 1964, Nông Quốc Chấn là Ủy viên Đảng bộ khu tự trị Việt Bắc, Chủ tịch hội văn nghệ Việt Bắc, Giám đốc Sở Văn hóa Việt Bắc, Chủ nhiệm nhà xuất bản Việt Bắc. Ông vẫn viết thơ đều, có nhiều tác phẩm hay được dịch, in ở Liên Xô, Pháp, Bun ga ri, Hung ga ri, Trung Quốc, Mông Cổ… Năm 1970, ông về Hà Nội nhận nhiệm vụ Thứ trưởng Bộ Văn hóa (Trước đó Nông Quốc Chấn từng được cử về làm hiệu trưởng trường đại học Sư phạm Việt Bắc; rồi kiêm nhiệm Hiệu trưởng trường Đại học Viết Văn Nguyễn Du, rồi hiệu trưởng trường đại học Văn hóa Hà Nội).
Nhà thơ Nông Quốc Chấn là người quản lý văn hóa nhiều cống hiến. Ông đã được tặng thưởng: Huân chương Độc lập, Huân chương kháng chiến, Huân chương lao động… (Tất cả đều là hạng nhất). Được Chính phủ nhiều nước khen, tặng huân chương, huy chương. Năm 2000 ông là nhà thơ người dân tộc thiểu số đầu tiên và duy nhất cho đến ngày hôm nay được Chủ tịch nước trao giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật.
Nhìn lại một chặng đường, một đời người trong tiến trình lịch sử dân tộc, nhà thơ, nhà văn hóa Nông Quốc Chấn đều có những thành tựu để đời. Về thơ ông đã xuất bản hơn mười tập, trong đó có những tập tiêu biểu như Tiếng ca người Việt Bắc, Người Phja Bjoóc, Đèo Gió, Bước chân Pác Bó, Dòng thác, Suối và Biển… Thơ Nông Quốc Chấn viết ra từ những quen thuộc thành kỷ niệm thiết tha. Những kỷ niệm long lanh ngọc ngà từ thủa nào đã hiện lên trong từng lời thơ, câu thơ, bài thơ. Cuộc sống lớn lao và những ngày dung dị đã bồi đắp nên thơ ông.
Nông Quốc Chấn có sự kết nối, ảnh hưởng của thơ Tày xưa, từ các truyện thơ Nam Kim – Thị Đan, bài thơ dài Khảm Hải, những Tục ngữ, Ca dao Tày, từ thơ Đồ Hậu… nhưng đã cách tân, bước vào quỹ đạo hiện đại của nền thơ Việt Nam. Đặc sắc thơ Nông Quốc Chấn là cảm nhận, những phát hiện Hốt Kiến: Bỗng nhiên nhìn thấy, nhận ra. Điều này thấy rõ trong nhiều bài thơ, câu thơ: “Khi nghe gió thổi qua Phja Bjoóc/ Em biết mùa thu đã hết rồi”. “Bộ đội đã đến kia/ A lúi những người là người…” Và câu thơ rất thần thái theo lối riêng của nhà thơ:
Người đi vòng quả đất
Người về mở cửa hang
Mở muôn ngàn con mắt
Đón cờ đỏ sao vàng!.
Thật giản dị, “thô sơ”, gần gũi mà cũng rất hiện đại bởi tứ thơ lạ: Mở cửa hang – Mới lạ, độc đáo làm sao! Bài thơ dài Bài thơ Pác Bó, nhà thơ Nông Quốc Chấn viết theo thể thơ 5 chữ sẽ là một bài thơ vào loại thường thường bậc trung nếu không có tứ thơ Mở cửa hang và khổ thơ xuất sắc dẫn ở trên. Đó là cách cảm, cách nghĩ riêng có của nhà thơ mà không dễ dàng nhận ra ngay được.
Nông Quốc Chấn (và cả nhà thơ Bàn Tài Đoàn nữa) là nhà thơ dân tộc có nhiều bài thơ hay viết về Bác Hồ. Đó là cái duyên và sau hết là tình thơ của nhà thơ với lãnh tụ. Nông Quốc Chấn đã nhiều lần gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lần thứ nhất năm 1945, khi ông mới 22 tuổi: “Có cụ già chân đất/ Mặc bộ quần áo Nùng/ Tay cầm cây gậy mây rừng/ Miệng ngậm một điếu Can không khói/ Bộ râu dài vừa trắng vừa đen/ Chân tay nhanh nhẹn như thanh niên”. Lần thứ hai là vào tháng 9/1950. Bác Hồ từ An toàn khu Tuyên Quang lên Cao Bằng chỉ huy chiến dịch Biên giới. “Năm 1950, chúng tôi được theo Bác đi chiến dịch, khi đó Bác còn đang ở bên bờ sông Đáy. Đường đi phải qua Đèo De, Điềm Mạc… Đến bến phà Bắc Kạn thì nghỉ lại… Sáng 4 giờ Bác đã dậy xuống sông tắm. Bác cho mời đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn (Đồng chí Nông Quốc Chấn) và Chủ tịch tỉnh (ông Phùng – Trước cách mạng là Tri phủ Hòa An – Cao Bằng) đến. Bác làm việc và dặn dò anh Chấn các công việc lãnh đạo…” – (Lời kể của đồng chí Võ Viết Định, tức Chu Phương Vương – Đội trưởng đội bảo vệ Bác Hồ đi chiến dịch Biên giới – Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh)… Rồi những lần gặp Bác ở Thái Nguyên, tại “Ngôi nhà sàn” ở Hà Nội và lần cuối cùng là bên linh cữu Người ngày tiễn đưa Bác vào thế giới Người hiền… Nông Quốc Chấn nói rất giản dị, chân tình: “Viết về Bác, có nhiều nhà thơ viết rất hay như nhà thơ Tố Hữu, nhà thơ Xuân Diệu, nhà thơ Chế Lan Viên, nhà thơ Hải Như… Mình là người dân tộc, không thể viết như các nhà thơ người Kinh, mình phải viết theo cách nghĩ, cách cảm của riêng mình”. “Viết theo cách nghĩ, cách cảm của mình” đó là suy nghĩ để “hướng” thơ mình tới tứ thơ lạ “Bác về mở cửa hang” làm nên thần thái của Bài thơ Pác Bó.
Nhà thơ Nông Quốc Chấn là nhà thơ Tày nên thơ ông phần nhiều là thơ Tày và ông tự dịch ra tiếng Việt (In song ngữ Tày – Việt) và cả việc dịch ngược từ tiếng Việt ra tiếng Tày. Ở lĩnh vực này ông thực sự là bậc cao siêu, cao thủ, bởi ông nắm rất vững ngôn ngữ Tày, ngôn ngữ Việt (và cả Nôm Tày, Hán Nôm) nên thơ ông dịch đảm bảo sát ý thơ Tày mà vẫn Thơ. Đó là những tuyệt chiêu mà ông đã thể hiện từ rất sớm. Năm 1948, lúc ông mới 25 tuổi, khi làm báo Cứu quốc trên đỉnh Phja Bjoóc với các nhà văn Tô Hoài (Nông Văn Tư); Nam Cao (Ma Văn Hữu). Ông đã dịch bài thơ Khu ba tặng quà Việt Bắc của Nam Cao – Ma Văn Hữu, thể thơ lục bát: “Đường xa thì thật là xa/ Yêu nhau trân trọng gửi quà tặng nhau/ Miền Xuôi miền ngược là đâu/ Ngược xuôi khăng khít như trầu với vôi”. Nông Quốc Chấn dịch ra tiếng Tày (thể song thất) “Tàng quây lẻ chăn quây Cạ lại/ Điếp căn phác cúa cái tặng căn/ Tứ pù pài táng lăng tổng quảng/ Pù đông tứn nhá cáng nhá đin”. Dịch như thế chỉ có ngả mũ thán phục.
Ở một lĩnh vực khác Nông Quốc Chấn là nhà Văn hóa dân tộc, nhà quản lý Văn hóa tài năng. Nhiệt tâm và nhiều thành tựu. Ông để lại nhiều tác phẩm lý luận, phê bình văn học như Đường ta đi, Một vườn hoa nhiều hương sắc, Chặng đường mới, Một ngôi nhà sàn Hà Nội… Trong các tác phẩm này ông luôn để tâm đến luận đề Đa dạng trong thống nhất khi nói về Văn hóa – Văn nghệ các dân tộc trong đại gia đình 54 dân tộc của Tổ quốc Việt Nam yêu quý. Ông hướng hoạt động Văn hóa, Văn nghệ dân tộc trên con đường đổi mới với vẻ khiêm nhường “Có hoa mừng hoa, có nụ mừng nụ” rất được các nhà hoạt động Văn hóa – Văn nghệ chấp nhận và mến phục. Ông đã trải qua nhiều cương vị lãnh đạo Văn hóa – Văn nghệ từ khi còn rất trẻ đến khi về hưu. Miệt mài và đắm say.
Rồi ông nghỉ việc, nhưng nghiệp văn – thơ vẫn theo ông không hề dứt. Những đóng góp của ông cho sự phát triển Văn hóa – Văn nghệ các dân tộc quả thực là rất lớn, rất đáng trân trọng, nể phục. Thoạt đầu ông cùng những người bạn văn nghệ của ông ở Hà Nội như Vi Hồng Nhân, Phạm Tịnh, Vi Hoa, Bích Việt, Nông Thị Bích Kim, Hoàng Tuấn Cư lập ra nhóm Hương Rừng (Một câu lạc bộ văn – thơ – nhạc) để gìn giữ hồn dân tộc, hồn quê hương. Những sáng tác và hoạt động văn hóa nghệ thuật của câu lạc bộ rất có hiệu quả là cơ sở, là niềm tin để ông lập nên Hội Văn học – Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, trụ sở đóng tại một ngôi nhà nhỏ ở phố Chợ Ngô Sĩ Liên, sau đó chuyển về khu đô thị Bắc Linh Đàm và bây giờ “định cư” tại số 66 Đường Nguyễn Văn Huyên. Hội Văn học – Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam là một liên hiệp nhỏ trong một liên hiệp lớn: Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Ghi nhớ mãi người gây dựng, nhà sáng lập đầu tiên: Nhà thơ, Nhà văn hóa dân tộc Nông Quốc Chấn.
Ở Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam ông sống giản dị, thanh bạch, ấm áp. Ông tập hợp quanh mình những người làm công tác văn nghệ tài năng, tâm huyết. Ông thân quí vẻ nuông chiều nhà thơ người dân tộc Giáy Lò Ngân Sủn; quí mến tài năng các nhà thơ Y Phương, Dương Thuấn, Mai Liễu, Pờ Sảo Mìn, Cao Duy Sơn, Nông Thị Ngọc Hòa, Inrasara… Và hướng những tài năng này giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, góp những bông hoa đẹp trong vườn hoa Văn nghệ Việt Nam nhiều hương sắc. Ông cũng rất quý trọng và giúp đỡ nhà thơ người Dao Bàn Tài Đoàn. Tình bạn thắm thiết, nhiều ân nghĩa của hai ông như lời thơ, nhà thơ Bàn Tài Đoàn viết: “Đoàn với Chấn và Chấn với Đoàn/ Hai người tình bạn nặng ngàn cân/ Người ở xa nhau cách sông núi/ Tấm lòng thì ở cạnh luôn gần”. Nông Quốc Chấn cũng là người bạn dịch thơ Bàn Tài Đoàn ra tiếng Việt hay và thành công vì chữ Nôm Tày và chữ Nôm Dao giống nhau, chỉ khác phát âm mà thôi.
Người Bác Hồ nay không
còn nữa
Hình Bác Hồ vẫn trong tim ta
Ban ngày Bác cùng mặt trời chiếu
Ban đêm lửa Bác sáng mọi nhà.
Là bản dịch của nhà thơ Nông Quốc Chấn bài thơ tiếng Dao Ông Hồ Siếu Choi mùi miền toàng của nhà thơ Bàn Tài Đoàn…
Giờ cả Bàn Tài Đoàn, Nông Quốc Chấn đã đi xa, và nhà thơ Nông Quốc Chấn đang bước tới tuổi một trăm. Tản mạn, nhớ quên về hình ảnh con người của nhà thơ, nhà văn hóa Nông Quốc Chấn – Một nhân cách, một tài năng lớn có nhiều cống hiến cho đời. Xin ghi lại đôi dòng để tưởng nhớ ông bước tới kỷ niệm một trăm năm ngày sinh, dẫu biết rằng những tưởng nhớ, ghi ơn là không bao giờ đủ, không bao giờ là hết…
Hoàng Quảng Uyên
Nguồn Văn nghệ số 46/2023