MỖI NGÀY MỘT LÊ LỰU

Nhà văn Lê Lựu là ông anh mình. Một người anh lớn, có khoảng gần 3 năm rất gắn bó, là khi mình mới từ Thái Bình lên Hà Nội. Mình thì không có nhà để về còn Lê Lựu thì có nhà nhưng lại… không muốn về, anh em vạ vật, lang thang với nhau. Những câu chuyện mình viết là nhờ 3 năm sống cùng Lê Lựu. Đây là tình cảm anh em, chan hòa và quý trọng. Các bài viết này được rút ra từ cuốn bản thảo: “Lê Lựu, sự thật và giai thoại” do chính Lê Lựu “hiệu đính” nên hoàn toàn yên tâm. Lê Lựu – Giai thoại và sự thật Lời nói đầu – Trong văn đàn Việt Nam, hiếm có nhà văn nào nhiều giai thoại như Lê Lựu. Người ta có thể kể hàng giờ, thậm chí nhiều giờ về đời sống “khác lạ” của anh với rất nhiều mục đích khác nhau. Có thể để từ đó hiểu thêm về thế giới tâm hồn của một thế hệ tác giả văn chương, có thể để rút ra những bài học về đối nhân xử thế, về thế thái nhân tình nhưng cũng nhiều khi chỉ là để giải trí lúc trà dư, tửu hậu. Từ cuối năm 1997, tôi lên Hà Nội với quyết tâm nhảy vào con đường văn chương, báo chí. Đó là những năm tháng rất gian nan đối với tôi. Nghề nghiệp không có. Tiền bạc không. Nhà ở cũng không… Chính vì những cái “không” đó mà tôi có dịp gần gũi, gắn bó với Lê Lựu. Và anh nhiều khi cũng là chỗ dựa tinh thần cho tôi những tháng ngày gian khó ấy. Những câu chuyện về Lê Lựu, tôi vừa được nghe từ các bạn bè, đồng nghiệp của anh, vừa sưu tầm qua sách báo và từ chính những câu chuyện anh kể hoặc trực tiếp chứng kiến những việc anh làm. Vậy những điều nghe được đâu là sự thật và đâu chỉ là giai thoại? Nếu có, nó có độ chính xác đến bao nhiêu phần trăm? Xin được giới thiệu với bạn đọc một phần của mảnh đời vốn nhiều gian truân, nhiều khuất lấp, nhiều vinh quang nhưng cũng không ít những giọt nước mắt xung quanh số phận cay đắng của nhà văn Lê Lựu – anh cu Sài của phủ Khoái. 1- Ngón chân, đầu ruồi và khuôn mặt mơ hồ, bí ẩn Với gần 40 năm cầm bút, hàng chục đầu sách và hàng trăm bài báo, cứ ngỡ với vị Đại tá này, niềm say mê vô tận phải là ngồi bên những giá sách khổng lồ, đàm luận chuyện cao siêu hay dự các cuộc hội thảo đao to búa lớn. Thế nhưng có lẽ ít ai biết, điều say mê lớn nhất của Lê Lựu lại là… đánh tá lả (một kiểu chơi bài tú lơ khơ). Lê Lựu sẵn sàng từ chối một buổi toạ đàm, một cuộc giao lưu, thậm chí bỏ cả một cuộc họp nếu anh cảm thấy nhạt nhẽo để đi đánh tá lả. Thế nhưng Lê Lựu đánh rất thấp và thua là… chủ yếu. Tất nhiên, thua được ở đây cũng rất khiêm tốn. Người thắng cuộc cả một ngày chủ nhật không đủ chiêu đãi một bữa bia hơi hay một chầu tiết canh lòng lợn. Thậm chí chỉ là bữa bún đậu phụ, mắm tôm. Bất cứ một gã khờ nào cũng có thể đánh thắng Lê Lựu vì anh có bộ mặt như cái khay hàng xén, bày ra hết những gì mình có nên rất dễ đọc “vị” bài anh. Mỗi khi chia bài xong, Lê Lựu thường cẩn thận xếp thật gọn gẽ, bàn tay khum khum che lưng quân bài, đưa sát bộ bài lên mặt và hồi hộp hé ra từng phần lá bài. Khi quan sát “tổng thể” xong, Lê Lựu vội gập bài lại và lần này thì tỉ mẩn xếp các “cạ” vào nhau với một động tác vừa mơ hồ vừa bí ẩn. Thế nhưng cứ nhìn vào mặt Lê Lựu là có thể đọc vanh vách bài anh. Nếu bài có một “phỏm”, mặt Lê Lựu tươi roi rói, đôi mắt hấp ha hấp háy và đương nhiên “phỏm” bao giờ cũng được gấp gọn ghẽ ở góc bên trái. Nếu bài hai “phỏm”, mặt Lê Lựu hớn hở, hai bên mép giần giật và ẩn chứa một niềm hy vọng không thể che dấu. Còn nếu bài chưa có “phỏm”, mặt Lê Lựu dài thượt ra một cách thảm hại. Anh hết xoè bài ra lại gập bài vào. Mỗi lần chờ “ù”, cái chân phải của Lê Lựu thường giât giật, đầu ngón chân cái ngọ nguậy như một con ruồi. Khi đó, Lê Lựu thường có bộ mặt rất “kịch” và thỉnh thoảng lại lấy tay huých huých vào người ngồi trên cánh: “Đánh cho tao ăn quân đi mày. Đánh cho tao ăn quân đi mày”. Khi “ù”, mặt Lê Lựu nở như ngô rang bằng nồi áp suất. Từ mắt, môi cho đến những sợi tóc lưa thưa trên cái đầu hói cũng rung lên. “Ù rồi đây này, ù rồi đây này. Tôi ù rồi đây này…”. Qủa thật mỗi lần nhớ về khuôn mặt anh lúc ấy, tôi thường nghĩ đến vẻ rạng ngời của tổng thống Hoa Kỳ ngày trúng cử.

Bùi Hoàng Tám