Madam Khuê – “Trùm truyện ngắn”

                                                                                                                         Hồ Anh Thái

Bức chân dung thứ hai về Lê Minh Khuê, tôi viết ngày 8-7-2016. Ba tiếng đồng hồ ngồi chờ ở sân bay Bangkok, không mang theo máy tính xách tay nên nghĩ ra cách viết vào máy điện thoại iPhone, sau đó cóp và gửi email vào chính địa chỉ của mình, rồi lưu thành văn bản. Nếu mà kể lại thế, chắc Madam Khuê lại cười những kẻ quá ham hố với công nghệ thông tin.

Bút danh, biệt danh và danh xưng

Ở chỗ đồng nghiệp với nhau, chúng tôi gọi chị là Madam Khuê, nghe có vẻ rất mệnh phụ và đàn chị, rất “bà trùm”. Còn bút danh Lê Minh Khuê chính là tên khai sinh, không có Thị này Thị nọ đệm vào nên nhiều người tưởng đấy là một ông nhà văn. Quả thực, văn chị nhiều khi kiệm lời, tiết chế, trầm tĩnh như một giọng nam. Những truyện như Một đời, Bi kịch nhỏ, Sương hồng khiến người đọc rưng rưng xúc động mà không đi quá đà đến độ lạm dụng cảm xúc, không lâm ly cải lương.

Đầu thập kỷ 1970 tôi mới hơn mười tuổi, nhà đặt báo Văn Nghệ, tôi đã đọc những truyện ngắn của một tác giả tên là Vũ Thị Miền. Nơi bắt đầu của những bức tranh có cái tranh minh họa của họa sĩ Mai Long, tranh rất mềm mại nữ tính. Truyện ngắn ấy và những truyện khác đều nhẹ nhàng, mơ mộng, cũng nữ tính như bút danh. Mãi sau này tôi mới biết đấy là bút danh của Lê Minh Khuê thời kỳ mới cầm bút viết văn. Và cũng sau này mới biết thời ấy chị có lúc hoang mang vì tin đồn lan ra rằng con bé phóng viên báo Tiền Phong ấy không biết viết văn đâu, mấy kẻ Nhân Văn giấu mặt đã viết những truyện ấy và đội lốt trong cái bút danh quê mùa Vũ Thị Miền hoặc cái tên đàn ông Lê Minh Khuê.

Thời gian đã làm tan tác mọi đồn đại. Đồng nghiệp gọi chị là “cây truyện ngắn”, “trùm truyện ngắn”. Thứ nhất, vì chị hầu như chỉ viết truyện ngắn và truyện vừa. Thứ hai, vì nghệ thuật truyện ngắn là thứ mà Lê Minh Khuê đã “thành tinh”. Năm 1999, ở Liên hoan nhà văn quốc tế tại Sydney, nhà văn Úc gốc Hy Lạp Christos Tsiolkas nói với tôi: “Tôi chỉ viết tiểu thuyết mà chưa viết được truyện ngắn, vì truyện ngắn đòi hỏi những phẩm chất nghệ thuật cao”. 

Nghe anh nói vậy, tôi tức khắc nghĩ đến Lê Minh Khuê ở ta. Chị quả là đúng với cái biệt danh bà trùm truyện ngắn – The Queen of Short Story.

Ngợi ca sống chậm

Mãi đến gần đây ở Việt Nam mới dịch cuốn Ngợi ca sống chậm của Carl Honoré. Bản thân Lê Minh Khuê thì đã chủ trương sống chậm từ mấy chục năm trước. Có lẽ là khi đã thôi làm phóng viên chiến trường, đã hết chiến tranh, chị tự thấy không thể hùa theo lối sống vội vã vô lối của người Việt. Hối hả phóng xe trên đường đến mức có thể gây tai nạn, làm như có việc khẩn cấp lắm nhưng đến cơ quan chỉ để dềnh dàng uống nước chè, chuyện gẫu hoặc chơi với cái máy tính. Cũng thế, dềnh dàng đâu đấy để rồi lao như ma đuổi trên đường, đến rạp muộn gây lộn xộn làm phiền người khác, ngồi xuống rồi thì coi việc đến rạp không phải để xem mà để buôn chuyện bằng điện thoại. Tưởng là tranh thủ được nhiều mà hóa ra sống rất ít. 

Sống là chậm rãi hưởng từng giây phút, nghiền ngẫm từng giây phút. Có vẻ Madam Khuê đã chọn và chỉ hợp với lối sống này. Rất hiện sinh. Một thứ Existentianlism tinh thần hiện sinh, không phải ai cũng biết, biết cũng không dễ mà thực hành. Sống không theo đám đông, không theo thời trang thời thượng, nhưng văn chị thì hiện đại, từ ngôn ngữ, cấu trúc tác phẩm cho đến lối tư duy.

Hội Nhà văn tổ chức đi tham quan nơi này nơi khác, ít khi chị chịu đi. Bạn bè phóng xe máy và tự lái xe hơi vèo vèo, chị cứ đi bộ hoặc đi xe buýt. Đồng nghiệp đã chuyển sang viết bằng máy tính, chị vẫn nhẩn nha viết bằng bút. Người vẫn dùng bút viết tự cho là cái nghĩ được chuyển hóa từ tim từ óc một cách tuần tự, chậm rãi, như là uốn lưỡi đủ bảy lần rồi mới nói. Tỉ mỉ, kỹ càng, chuẩn xác. Thôi thì đấy là thói quen, chứ một khi làm chủ được cái máy tính thì văn cũng đâu thiếu những phẩm chất ấy.

Nhà văn Lê Minh Khuê

Còn chuyện ngại xê dịch? Thời tuổi trẻ của Lê Minh Khuê đã quá nhiều sự kiện. Mười sáu tuổi đi thanh niên xung phong, phải chịu nhiều bom đạn trên đường mòn Hồ Chí Minh. Cuộc sống chiến tranh khốc liệt đã được chị tái hiện qua mắt những thiếu nữ còn hồn nhiên mơ mộng trong truyện Những ngôi sao xa xôi. Truyện ngắn này đã được Wendy Martin chọn vào tuyển tập Nghệ thuật truyện ngắn (The Art of the Short Story, nhà xuất bản Houghton Mifflin) gồm cả những truyện ngắn kinh điển thế giới và của những tác giả đương đại.

Hết chiến tranh, hết luôn thời kỳ thanh niên xung phong và phóng viên chiến trường, Lê Minh Khuê bắt đầu chọn lối sống yên tĩnh, từ trong cái góc nhỏ bình yên mà quan sát một đời sống đua chen nhốn nháo hỗn tạp. Một thời với quá nhiều chuyến đi đã khiến sau này chị trở nên ngại đi. Đã quá đủ. Từ nhà đến cơ quan chỉ đi xe buýt, lên xe còn được các em sinh viên nhường ghế cho ngồi. Vậy là chứng tỏ hai điều. Một, sinh viên mình văn minh. Hai, mình đã đến tuổi để các em nhường ghế. Chị bảo đi xe buýt mới thông cảm với khả năng chịu đựng của người lái xe. Phải là thần kinh thép mới ngày nào cũng luồn lách giữa phố phường hỗn loạn như thế mà không nổi nóng, đưa được bao nhiêu con người đến nơi an toàn.

Làn gió chảy qua là tập truyện của Lê Minh Khuê, nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2016. Họa sĩ Kim Duẩn vẽ bìa đã để cho gió thổi man mác trên những đồ đạc vật dụng của một đời sống tiêu thụ: cái bàn, cái ghế, cái xe máy. Tôi nhìn phác thảo bìa và kêu lên trong thư điện tử: Madam Khuê không biết đi xe máy, nhưng bìa đúng với không khí truyện, cứ để yên cái xe máy trên bìa cho nó bụi. Nhà biên tập Hoàng Anh cũng bảo: Đúng rồi, cái xe máy để đấy rất hợp và ngầu.

Cái xe máy cứ đỏ chót ở đấy khác nào trêu ngươi bà tác giả rất dị ứng với văn hóa xe máy. Ba chúng tôi đắc ý như một đám “tiểu nhân” tranh thủ âm mưu chống phá được Madam Khuê.

Ngại cũng chẳng được

Ngại đi, nhưng Madam Khuê từng phải đi xa rất nhiều chuyến cùng tôi. Những liên hoan nhà văn và ra mắt sách ở Thụy Điển năm 1998 và 2003. Chuyến đi ra mắt sách ở gần hai mươi bang nước Mỹ năm 1995. Lúc ấy có ông nhà văn Mỹ bảo: Nhiều nhà văn Mỹ viết cả đời mà không được Thời báo New York nhắc đến một câu. Nói vậy là bởi khi ấy Thời báo New York, Thời báo Los Angeles, Ký sự San Francisco… có bài đánh giá cao tập truyện mới ra của Lê Minh Khuê, The Stars, the Earth, the River (Những ngôi sao, trái đất, dòng sông).

Bây giờ xem lại cái ảnh của New York Times năm 1995, hai chị em và nhà văn Mỹ Wayne Karlin đều còn trẻ, hăm mốt năm rồi còn gì. Sau những chuyến đi như thế, chị bảo, thôi chẳng đi nữa, ngại lắm rồi. Lại còn bảo bắt đầu sợ đi máy bay, bay qua cả đại dương xa xôi như vậy. A, chị đã giống ông Mao, nghe nói sinh thời ông ấy không chịu công du nước ngoài bằng máy bay, chỉ đường bộ và đường thủy mà thôi.

Năm 2008, Lê Minh Khuê được trao giải thưởng văn học quốc tế của Hàn Quốc mang tên văn hào Byeong-ju Lee. Ngày 7-3, Hội đồng giải thưởng từ Hàn Quốc gửi thông báo sang cho tôi. Phản ứng đầu tiên là tôi reo lên: Giờ thì ông Mao phải chấp nhận đi máy bay rồi.

Nhà văn Lê Minh Khuê giữa mùa thu Hàn Quốc

Madam Khuê là kiểu người ngại đủ thứ. Ngại phấn đấu, nếu như hiểu phấn đấu là dấn thân nỗ lực ganh đua. Hễ được gợi ý đề cử vào chức vụ này nọ, từ chối ngay. Tự biết là nhận thì sẽ phải vào guồng tranh đấu giành giật. Thôi xin, chỉ mong được bình yên. Ai muốn chơi trèo chơi trội trên cơ thì cứ để họ nghĩ là họ hơn. Bình thản như thế phải là người không tham lam, rất mực tự tin, tự biết giá trị của mình. Ngoài những việc mình coi là trọng thì chẳng có gì là trọng.

Nhìn ra mọi thói tật của người đời, nhìn sắc sảo quyết liệt và viết ra những truyện dữ dội nghiệt ngã như Anh lính Tony D, Cơn mưa cuối mùa, Thân phận cu li, Đồng đô la vĩ đại, Nhiệt đới gió mùa, Ráp Việt… nhưng trong đời thực thì nhường hết nhịn hết. Mấy ông ở cơ quan cái gì cũng nhặt nhạnh, không bỏ sót một quyền lợi nào, nhưng miệng thì phê bình chỉ trích từ thói hư tật xấu của người Việt cho đến cơ chế, Madam nhìn ra hết, nhưng nhìn một cách thấu hiểu cảm thông, không thất vọng vì chưa bao giờ đặt hy vọng.

Truyện ngắn Lê Minh Khuê bây giờ cũng thấu hiểu và cảm thông như vậy. Cái dữ dội sắc cạnh đã chìm xuống một tầng sâu. Nhưng người thích văn Lê Minh Khuê thì vẫn nhận ra cả nét cứng cáp mạnh mẽ sắc bén, cả cái dịu dàng trầm tĩnh cảm thông, phải đủ những nét ấy hợp thành, mới ra chất văn Lê Minh Minh Khuê hiện tại.

Sau khi về hưu, Madam Khuê dành thời gian cho việc viết lách và giảng dạy kinh nghiệm viết văn cho những sinh viên chọn nghề viết. Mấy chục năm làm nghề biên tập, chị đã chỉnh sửa cho hàng vạn bản thảo, kinh nghiệm ấy giờ trở nên hữu ích với lớp sinh viên đàn em đàn cháu. 

Ngay cả đồng nghiệp cũng gửi bản thảo nhờ chị đọc. Họ vẫn muốn có sự thẩm định của Madam Khuê.

8-7-2016

(Rút từ tập Họ trở thành nhân vật của tôi,

tái bản nhiều lần)