Ma Văn Kháng “Ngược dòng nước lũ”

Hồ Anh Thái –

 

Ngày cuốn tiểu thuyết mới ra, Ma Văn Kháng đưa tôi một phong bì dày dán kín: “Về nhà hẵng mở”. Tôi cũng giống anh ở điểm này, không muốn người ta mở sách mình ra giữa đám đông. Chưa kịp đọc xong Ngược dòng nước lũ đã có mấy người bạn văn đánh tín hiệu trên điện thoại: “Cuốn tiểu thuyết đáng chú ý nhất năm 1999”, “Vừa thú vị vừa có nhiều điều đáng bàn lại”…

Đọc hết 560 trang sách, tôi gặp lại Ma Văn Kháng. Quả là có nhiều điều cần nói đi nói lại. Đây là chuyện tình giữa Khiêm, một nhà văn, là tổng biên tập một cơ quan xuất bản, với Hoan, người yêu văn chương, nhân viên sửa bản in thử cùng cơ quan. Giông tố trút xuống đầu họ khi Khiêm trở thành nạn nhân của thói độc đoán thiển cận của thủ trưởng ngành, thói a dua xu thời và phản trắc của những người vừa mới đây còn là bạn bè chiến hữu. Tai họa đã xé họ ra xa nhau: bên này là Khiêm, bị đình chỉ công tác mà chẳng rõ ra là một vụ cách chức, tác phẩm bị tiêu hủy một cách thô bạo, rồi bao nhiêu ghềnh thác cận kề cái chết. Bên kia là Hoan, bị đẩy vào những thăng trầm không thể lường trước, có lúc sa vào cả một đường dây buôn thuốc phiện từ miền ngược về xuôi. Nhưng rồi họ đã theo dấu nhau mà tìm được nhau, như theo dấu lông ngỗng mà tìm trong chuyện Mỵ Châu – Trọng Thủy ngày xưa…

– Anh kể lại cái cổ tích tìm theo dấu lông ngỗng, để sau này Hoan đã lần theo dấu những tác phẩm của Khiêm, dù được ký bút danh khác, mà biết anh vẫn sống, vẫn lên tiếng ở đâu đó trong cuộc đời này. Anh còn dẫn những điển tích Judas phản chủ để vận vào thói xu nịnh, cơ hội và phản phúc trong một đám công chức. Rồi những ngụ ngôn như mèo mẹ phải ăn thịt con để không phải nhìn thấy kẻ thù ăn thịt con mình… Những điển tích đã được gài cắm cẩn thận, khi được huy động đã chuyển tải được những gửi gắm của tác giả từ trong chiều sâu suy tư ra đến những biến động bên ngoài, trong một không gian mở rộng giàu chiều kích. Nếu không có sự dụng công tài hoa ấy, cuốn sách chắc là sẽ khó đọc với những chuyện tranh giành đấu đá đầy tính công chức.

– Tôi bắt đầu viết Ngược dòng nước lũ từ 1991-1992. Ban đầu nó bắt nguồn từ sự bức xúc trước những gì xảy ra cận kề, thậm chí là có liên quan đến mình. Nhưng càng viết, càng có thêm thời gian lùi xa mà ngắm nghía suy ngẫm, thì càng mở rộng ra đến tầm ý nghĩa xã hội.

– Nhưng tôi nghe xì xào rằng trong Ngược dòng nước lũ Ma Văn Kháng kể chuyện mình và những người xung quanh. Thực ra thì Khiêm là nhân vật hư cấu, là tổng hợp của nhiều số phận ngoài đời. Cứ suy diễn đây là tự truyện để nói rằng anh có một hoàn cảnh gia đình như vậy, những người cộng sự và đồng nghiệp như vậy tức là thô thiển hóa cách hiểu một tác phẩm văn học hư cấu. Tuy nhiên đôi ba chi tiết đây đó vẫn gây cảm tưởng có thật…

– Trong khi tôi lại rất sợ cái quan niệm một thời về chủ nghĩa hiện thực thô sơ, và về cái gọi là phải đi mới có được thực tế.

– Thế là anh đã nhìn ra cái thật quá trong văn xuôi của ta. Thật quá mà đâu phải đã đến gần hiện thực. Tôi vẫn thèm được đọc những tác phẩm của sức tưởng tượng phi thường, tạo dựng được những tình huống khác lạ, những cảm xúc mê đắm, những nhân vật không chịu mặc đồng phục… Trở lại với Ngược dòng nước lũ, khi Ma Văn Kháng đưa được Hoan lên đến vùng trồng thuốc phiện, bôn ba dọc ngang trong một đường dây ngầm, thì sức tưởng tượng bay bổng phơi phới đã truyền hứng thú cho người đọc. Chỉ tiếc là anh đã vội vàng và hơi đơn giản khi giải thoát cho nhân vật này. Cũng như thế, chi tiết Liệu, từng là một người đánh xe ngựa, nay được lệnh dùng xe ngựa chở sách đi tiêu hủy, anh ta bèn mang xe mang ngựa ra tập dượt cho quen lại. Chi tiết này vốn đã hay và lạ, sao tác giả không đẩy lên một bước nữa, cho cỗ xe đi như mộng du trong thành phố ban đêm, như một cỗ xe ma ấy, đừng quá rạch ròi thật hay không thật ở chỗ này?

– Ừ nhỉ, cỗ xe ấy còn là một cái xe đám ma, tôi đã có gài sẵn.

– Vẫn là cỗ xe ngựa. Anh đã chuẩn bị kỹ cho hình ảnh cỗ xe đầy ấn tượng này, nhưng đã buông mất nó và làm cho cuốn tiểu thuyết kết thúc trong hụt hẫng. Cái xe chở sách bị kẹt trong một hàng dài những xe bị ùn tắc trên đường, do phía trước có tai nạn giao thông. Tác giả đã chuẩn bị kỹ lưỡng, đã vờn dứ nhiều với cỗ xe ngựa, người đọc linh cảm một cái kết như sự trả giá bi thảm: một chiếc xe tải đâm nát cỗ xe ngựa, số sách đang bị đem đi hủy trong bưng bít bấy giờ tung tóe ra giữa đường, giữa thanh thiên bạch nhật… Không phải tôi tưởng tượng ra cảnh này đâu nhé, lô gích của những gì Ma Văn Kháng đã gieo phải dẫn đến vụ gặt này, chỉ có điều anh đã không gặt. Trực tiếp biên tập cho cuốn sách này đang được dịch ra tiếng Anh, dù có thế nào, tôi vẫn đòi anh cho một cái kết đại loại như thế, chứ không lặng lẽ như trong bản đã phát hành.

*

*    *

Vào khoảng năm 1982, tiểu thuyết Mưa mùa hạ của Ma Văn Kháng gây tranh luận sôi nổi trên báo chí. Tôi vốn dị ứng với đám đông, hễ cái gì đám đông đổ xô đi tìm đọc tìm xem thì tôi tránh. Mãi ba năm sau, đang là lính nghĩa vụ, tiện có cuốn sách, tôi mới đọc và thêm hiểu cái lý của đám đông. Ngay sau đó, tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn làm tôi thực sự say mê và tôi đã viết những dòng sớm sủa. Gần đây khi sách tái bản, Ma Văn Kháng lại ký tặng: “Để nhớ lúc đó Hồ Anh Thái còn rất trẻ đã viết bài đầu tiên giới thiệu cuốn sách này trên báo”. Đến bây giờ tôi vẫn giữ ý kiến rằng đây là cuốn tiểu thuyết hay nhất của Ma Văn Kháng, mặc dù anh còn tiếp tục gây sóng gió ồn ào trên văn đàn vào năm 1990 với cuốn Đám cưới không có giấy giá thú. Nhân nhắc đến tên sách này, lại nhớ khoảng những năm 1996-1998 có một bộ phim truyện mang tên Hôn nhân không giá thú, chả liên quan gì đến tác phẩm của Ma Văn Kháng, thế mà biên kịch và đạo diễn kiện tụng nhau phải xử mãi, chẳng ai kiện cái tội lấy tên truyện của Ma Văn Kháng giữa ban ngày như thế.

Ít ra là chỉ với tiểu thuyết, Ma Văn Kháng đóng góp được mấy nhân vật: chị Lý (Mùa lá rụng trong vườn), kiểu đàn bà thị dân đầy chất tiểu thương, miệng lưỡi hoạt, đưa đẩy uyển chuyển, thực dụng sành sỏi mà ngây thơ nông cạn, đanh đá bốc đồng mà cũng có lúc chín chắn muốn phục thiện. Ngôn ngữ linh hoạt đầy màu sắc của nhân vật này khiến người ta liên tưởng đến một người bạn của Ma Văn Kháng, một con người đã ám vào nhiều nhân vật phụ nữ sau này của anh trong các truyện ngắn Vòng quay cổ điển, Những người đàn bà… đặc biệt đậm đặc trong nhân vật Hoan ở Ngược dòng nước lũ.

Một kiểu nhân vật khác cũng coi như của riêng Ma Văn Kháng là cái Tý Ngọ trong truyện ngắn cùng tên và cái Tý Hợi trong Ngược dòng nước lũ. Đây là kiểu người tưởng nhỏ nhoi vô nghĩa mà mang chứa đầy đủ bản năng nhỏ nhen để tồn tại.

Ma Văn Kháng để tâm đào xới tâm lý một loại người khác và cũng có hiệu quả: loại người “thô sơ đơn giản”, nhìn nhận cái tốt cái xấu theo sơ đồ sẵn có, khuôn mẫu và đơn giản. Đó là ông sĩ quan về hưu Đông (Mùa lá rụng trong vườn), ông công chức Chánh (Mưa mùa hạ) và một loạt công chức kỳ nhông như Quanh, Liệu (Ngược dòng nước lũ) – Ma Văn Kháng viết: “Con người thô sơ giản lược nhiều khi lại vô tình tác hại hơn một kẻ phức tạp, lắm mưu mô”.

Đang nói chuyện về cuốn Ngược dòng nước lũ, Ma Văn Kháng bảo:

– Đây là cuốn tiểu thuyết cuối cùng. Từ nay tôi chỉ viết truyện ngắn. Viết tiểu thuyết mệt lắm.

Không thể nói trước như thế được. Đành rằng có nhiều thành tựu truyện ngắn, nhưng anh còn là một cây bút tiểu thuyết vững vàng, còn hứa hẹn đi trọn một vệt hoàn chỉnh tay nghề tiểu thuyết. Không bỏ được đâu mà, rồi đến lúc không phải anh dựng tiểu thuyết dậy mà chính tiểu thuyết sẽ dựng anh dậy cho xem.

*

*    *

– Tôi vừa đọc bản thảo cuốn hồi ký mới của nhà văn Tô Hoài: Chiều chiều. Cát bụi chân ai đã hay, nhưng cuốn Chiều chiều xem ra đời hơn, cảm xúc rưng rưng trên từng trang về chuyện cũ, rưng rưng mà giọng kể vẫn giữ được trầm tĩnh. Ông kể chuyện mình, chuyện người, chuyện đời, kể hết cả cái hay cái dở của mình, giọng điềm nhiên như thể thời thế ấy tất nhiên tôi phải vậy anh phải vậy… Rồi mới nghĩ tại sao Ma Văn Kháng không viết hồi ký, chắc hẳn còn nhiều điều thú vị mà anh chưa trút được vào tiểu thuyết? Chẳng hơn để người ta đoán già đoán non rằng ông Luận (Mùa lá rụng trong vườn), ông Nam (Trăng soi sân nhỏ), ông Khiêm (Ngược dòng nước lũ) là Ma Văn Kháng, mà thực tình không hẳn như vậy?

– Tôi thao thức mất một đêm sau khi anh nói chuyện viết hồi ký. Nhưng ông Tô Hoài đã có được một cái giọng. Mình muốn viết được cũng phải tìm ra một cái giọng.

Thì anh cứ tìm đi, người đọc đã bắt đầu chờ đợi rồi đấy. Những nhà văn thế hệ anh đã rải rác đây đó những khúc tự sự, nhưng chưa hẳn là hồi ký, trong khi người đọc muốn biết đích xác, chẳng hạn cái ông Đinh Trọng Đoàn người làng Kim Liên, Hà Nội đã thành nhà văn Ma Văn Kháng khởi bút ở Lao Cai như thế nào?

– Thực ra cái tên Ma Văn Kháng đã có từ lâu, trước khi tôi dùng làm bút danh viết văn. Kháng là bí danh thiếu sinh quân thời chống Pháp, mỗi người có một cái bí danh theo kiểu Kháng, Chiến, Trường, Kỳ. Từ năm 1954, tôi được điều lên Lao Cai dạy học, tham gia thu thuế, đi tiễu phỉ. Tôi đi thu thuế với một anh cán bộ huyện tên là Ma Văn Nho, quê gốc ở Yên Bái (vùng này cũng có một dòng họ Ma khá đông của người Kinh, chứ không phải là người miền núi như nhiều người vẫn nhầm). Có những lần tôi bị ốm, anh Nho tiêm thuốc, trèo đèo lội suối cõng tôi đi. Rồi chúng tôi kết nghĩa anh em, tôi lấy họ Ma của anh ghép vào với tên mình, thành Ma Văn Kháng.

Từ dạy học, Ma Văn Kháng chuyển sang làm thư ký cho bí thư tỉnh ủy, rồi phụ trách báo Lao Cai. “Chả bao giờ tôi nghĩ sẽ viết về Hà Nội, dù quê quán của mình là đấy. Hai mươi hai năm ở miền núi, hầu như đã tuyệt vọng được chuyển vùng về xuôi”. Mãi đến năm 1976, vợ chồng con cái mới bồng bế nhau về lại quê hương. Nhà cửa chật hẹp, mấy năm trời cả gia đình tối đến trải chăn chiếu ngủ nhờ trong phòng làm việc. Sau này anh có căn hộ trên gác cao Thành Công, rồi đổi đời một lượt xuống đất về khu Ngọc Khánh, khi ấy còn lầy bùn đất đỏ và hoang vắng xung quanh. Nhiều lần tôi đến chơi, thấy anh chị kẽo kẹt đòn gánh vào xin nước trong làng Ngọc Khánh, chỗ đài truyền hình bây giờ.

Những năm về lại thủ đô gian truân là bắt đầu thời kỳ bút lực dồi dào nhất. Hơn hai chục tập tiểu thuyết và truyện ngắn nối nhau từ bấy đến nay. Ma Văn Kháng hầu như có thể ngồi ghi chép, phác thảo và viết ở những nơi tưởng như không thể viết được. Lúc nào cũng nhấp nhổm, bứt rứt, sôi sùng sục lên vì những điều chướng tai gai mắt xung quanh. Thế nào sau đó cái sôi sùng sục ấy cũng sẽ trút vào một truyện ngắn hoặc tiểu thuyết. Anh viết Mưa mùa hạ, lũ mối đục khoét thân đê từ bên trong được miêu tả sinh động như một xã hội loài người, có phân công, tổ chức, sinh sống, yêu đương – cảnh mối rụng cánh giao hoan “chàng xông vào nàng, nàng xô tới chàng, chàng cắn hộ nàng, nàng dứt hộ chàng, vật lộn một hồi gay gắt, cả hai mới bỏ được đôi cánh”, từ tính vật được chuyển sang tính người, đúng hơn là một lũ mối-người “chúng sống với những nguồn làm giàu ghê gớm và với những cảm hứng mê sảng, tăm tối, không giới hạn. Kỳ thực chúng chỉ là những con mối đục khoét thân đê, cũng mù lòa và sống trong tăm tối như thế nhưng lại tưởng mình là những kẻ ngự trị thế gian này”.

Một đồng nghiệp bảo: “Ma Văn Kháng là cái anh ở miền núi quá lâu, nay lên tỉnh, thấy cái gì gai mắt cũng hô hoán lên, toàn những điều người ta biết cả rồi”. Ông “biết cả rồi” vài chục năm qua không viết được gì đáng kể, còn cái ông đùng đùng như cháy nhà thì lúc nào như cũng đầy cảm hứng. Nhưng mà cảm hứng phê phán mỗi ngày một mạnh hơn cảm hứng trữ tình. Tập Trăng soi sân nhỏ bắt đầu triệu chứng, rồi trở nên đậm đặc ở Ngược dòng nước lũ. Dường như tập hợp đầy đủ mọi thói tật nhỏ nhen đố kỵ, mọi mưu chước công chức hành chính ở đây. Trong mạch cảm xúc bốc nóng, nhân vật của Ma Văn Kháng trượt theo kiểu tốt-thật tốt, xấu-thật xấu, sắc nhọn nhưng bẹt phẳng như lưỡi dao. Văn chương cũng bị đẩy theo cảm hứng phê phán mà rậm hơn, xổng xểnh lan man hơn.

– Tôi thả tự do cho cảm xúc để có những trang như là ngẫu bút, nếu cần luận thì buông ra luận…

– Đây không phải là tiểu thuyết luận đề. Anh để ý mà xem, tiểu thuyết của Milan Kundera tưởng lan man lỏng lẻo mà kết cấu xoáy trôn ốc cao dần lên, rộng dần ra. Viết theo kiểu này, nếu không chắc tay sẽ sa vào cấu trúc theo kiểu đập tràn, cùng một lúc tràn sang, từ cao xuống thấp.

Những trang hay nhất trong Ngược dòng nước lũ đều là trữ tình: Khiêm đi về trung du giữa mùa lũ, Hoan đi lên miền ngược đến vùng còn trồng thuốc phiện… Anh cứ tách được nhân vật ra khỏi cái không khí văn phòng ám đầy thịnh nộ thì bản thân anh như cũng linh hoạt phơi phới cả lên. Ở những mảng này, thấy lại được Ma Văn Kháng của một cuốn tiểu thuyết hay – Mùa lá rụng trong vườn.

Nhưng một khi không có cơn phẫn nộ chính đáng thì lấy đâu ra mồi cho mỗi tác phẩm của Ma Văn Kháng? Bạn bè đùa rằng ở cuốn sách nào anh cũng phải lôi ra cho được ít nhất một kẻ thù để đánh. Tôi nhân đó mà rằng có bao nhiêu kẻ thù anh lôi ra đánh bằng hết trong Ngược dòng nước lũ rồi, từ nay lấy đâu ra kẻ thù nữa mà viết? “Kẻ thù” đây là cái xấu muôn đời trên thế gian, con người cũng muôn đời trút vào đó những đòn đánh của sự phẫn nộ. Chỉ có điều cần thêm chút lý trí của sự phẫn nộ thì Ngược dòng nước lũ sẽ là cuốn Ma Văn Kháng nhất trong hành trang văn học của anh cho đến nay.

Cũng chẳng lo Ma Văn Kháng không còn gì để viết. Cái con người ngoài lạnh mà trong sôi sùng sục như tôi vôi ấy chả bao giờ thiếu cái gì để “đánh”.

*

*    *

Ma Văn Kháng vội nghĩ rằng anh không còn kham nổi việc huy động tổng lực để viết tiểu thuyết. Thế mà đầu năm 2009, anh cho in Một mình một ngựa. Rồi năm 2011 cho ra đời liền hai cuốn tiểu thuyết Bóng đêmBến bờ – anh giải thích: đọc lại sổ tay ghi chép, thấy có hai vụ án được ghi lại tỉ mỉ, lại nhân tiện sức khỏe cho phép, thế là ngồi một mạch, chuyển nó thành tiểu thuyết.

Một mình một ngựa là cuốn tiểu thuyết mang tính tự truyện, một lát cắt trong quãng đời ở Lao Cai, khi Ma Văn Kháng làm thư ký riêng cho bí thư tỉnh ủy. Trước đó, tôi vừa mới đọc lại những bộ tiểu thuyết sử thi dày dặn như Đồng bạc trắng hoa xòe, Vùng biên ải của Ma Văn Kháng. Người ta có cảm tưởng không còn gì ở vùng núi Hoàng Liên Sơn, Tây Bắc, mà Ma Văn Kháng chưa chạm đến. Có thể xem đó như bộ cẩm nang thu gọn về tập tục, cảnh sắc, tâm tính, của một vùng núi. Và nhà văn cũng là một người ghi biên niên sử công phu, cần mẫn. Ở khía cạnh nhà văn, Ma Văn Kháng cũng là người có riêng một vùng đất thật đặc sắc, một giọng văn độc đáo và một tư duy tiểu thuyết bền chắc theo kiểu truyền thống.

Một nhà văn như vậy thường được mong đợi sẽ viết hồi ký. Ông hãy kể đi, về việc sau khi miền Bắc được hòa bình năm 1954, ông lên Lao Cai dạy học; rồi làm thư ký cho bí thư tỉnh ủy; rồi chuyển sang làm báo… Hai mươi hai năm sau mới chuyển về Hà Nội là quê gốc, ông hãy kể về những năm tháng làm tổng biên tập, phó giám đốc nhà xuất bản Lao Động, huy động tinh thần, bản lĩnh và năng lực để làm “bà đỡ” cho những tác phẩm của đồng nghiệp. Những năm tháng làm việc tận tâm và chu đáo ở cương vị ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam. Ông hãy kể những kỷ niệm với bạn bè, với đồng nghiệp viết văn. Và hãy kể thêm những chi tiết thú vị về lai lịch cái bút danh Ma Văn Kháng (tên thật là Đinh Trọng Đoàn), rồi lá thư bất ngờ của một dòng họ Ma ở miền Trung mời ông về nhận họ…

Thì đây, Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương, tập hồi ký của Ma Văn Kháng đã hoàn thành, nhà xuất bản Hội Nhà văn 2009. Khá đầy đủ trong ấy – một cuộc đời nhiều sự kiện, nhiều nếm trải. Từ số phận một cá thể, soi chiếu qua lịch sử, người đọc có thể hình dung ra một thời đại. Những trang hồi ký về Tây Bắc thật gợi, khiến người đọc dễ liên tưởng và nhớ lại những trang văn tiểu thuyết biên niên của anh. Đặc biệt khi ôn lại những kỷ niệm với học trò vùng biên, với đồng nghiệp ngành giáo dục và đồng nghiệp viết văn, với bạn bè… ở Ma Văn Kháng nổi lên một tâm trạng như là “mọi việc đã qua rồi” và hình như ai cũng đẹp cũng tốt, nếu chưa thì cũng có cái lý của người ta. Anh hối hả liệt kê ra những cái tên tác giả, nhiều và hơi tham như sợ bỏ sót, như sợ bị trách bỏ quên người này người khác. Điều này anh đã một lần làm trong tiểu thuyết Ngược dòng nước lũ: những cái tên tác giả đương đại được anh cố gắng điểm danh. Chu đáo mấy cũng sơ suất, sao có thể vừa lòng được tất cả? Nhưng Ma Văn Kháng có cách nghĩ riêng: “Với các đồng nghiệp và bạn bè tôi chỉ muốn dừng lại ở những kỷ niệm tốt đẹp về nhau thôi. Ở đời, ai mà toàn vẹn. Những ấn tượng xấu về nhau xin để nó ở ngoài trang sách và để thời gian phôi pha đi. Vả chăng con người là một thực thể đa tạp và biến động. Đã biết thế nào mà vội kết luận về nhau. Mỗi người là một hoàn cảnh với những vui buồn, sung sướng đớn đau riêng, nếu không sẻ chia thì cũng phải thể tất”.

Nhưng không phải lúc nào Ma Văn Kháng cũng dĩ hòa vi quý như ấn tượng chung toát ra từ cuốn hồi ký. Những khi phải đứng ra bảo vệ tác phẩm của bạn bè, của chính mình, anh là người cương trực, bản lĩnh và có cái cốt cách cao ngạo cần thiết của một người cầm bút. Nhu bên ngoài nhưng là thép tôi rừng rực bên trong. Sự phẫn nộ của lý trí cũng có lúc bộc lộ và nhận được chia sẻ. Người yêu văn anh chắc sẽ bị hút vào chuyện anh kể xung quanh việc ra đời của những cuốn Mưa mùa hạ, Mùa lá rụng trong vườn, Ngày đẹp trời, Heo may gió lộng, Trăng soi sân nhỏ… và sách của những nhà văn đương đại khác.

Mười năm trước đó, năm 1999, đọc bản thảo hồi ký Chiều chiều của nhà văn Tô Hoài, tôi mong có ngày được đọc hồi ký của một số nhà văn lớp trước. Lúc ấy, Ma Văn Kháng bảo viết hồi ký cũng phải có một cái giọng riêng. Nghe như một lời thoái thác. Việc viết tiểu thuyết đã quá bận rộn, hoạt động xã hội cũng lấy mất nhiều thời gian, rồi sức khỏe không phải lúc nào cũng bảo đảm để ngồi viết… Nhưng rồi Ma Văn Kháng đã viết được. Cũng chẳng phải tìm giọng, vẫn là cái giọng văn đặc sắc mà người đọc đã quen biết ấy thôi.

Trong hồi ký của Ma Văn Kháng, tôi nhớ câu chuyện anh kể về con đường từ Yên Bái lên Lao Cai năm 1954. Chàng trai mười tám tuổi mới đi học ở Trung Quốc về, tình nguyện lên miền núi dạy học. Vai đeo ba lô với cây đàn ghita, Ma Văn Kháng cùng một nhóm giáo viên trẻ phải cuốc bộ quãng đường 150 km. Lúc ấy từ Yên Bái lên Lao Cai chưa có đường bộ, chỉ có con đường sắt nhưng đã bị bóc hết ray và tà vẹt khi tiêu thổ kháng chiến. Năm chàng trai đi bộ qua mấy ngày tết, cứ theo con đường sắt trơ đá ấy mà đi. Từ một thầy giáo trẻ lên miền núi dần dần đã hun đúc nên một nhà văn hàng đầu trong thế hệ 70-80 tuổi hiện nay. Từ chỗ chưa có đường thì nay con đường đã hình thành. Từ giờ trở đi, mỗi khi lên Sa Pa, đi qua quãng đường ấy, chắc là tôi không thể quên câu chuyện này của Ma Văn Kháng.

Hà Nội, 1999-2010

(Rút từ tập Họ trở thành nhân vật của tôi,

tái bản nhiều lần)