Bài thơ Dáng đứng Việt Nam của nhà thơ Lê Anh Xuân đã ca ngợi hùng khí của anh giải phóng quân khi đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968.
Bài thơ ấy đã truyền cảm hứng anh hùng cho rất nhiều thế hệ, nên nhiều bạn trẻ hôm nay muốn biết nguyên mẫu anh Bộ đội Cụ Hồ trong bài thơ của Lê Anh Xuân (Ca Lê Hiến) là ai?
Thì đây, cựu chiến binh Vũ Chí Thành, nguyên Trung đội phó Trung đội đại liên – Tiểu đoàn 16, tiết lộ: “Nguyên mẫu của người chiến sĩ trong bài thơ này là anh Nguyễn Công Mẹo, nguyên quán ở thôn Đồng Vinh 1, xã Đồng Tiến, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa và một chiến sĩ nữa mà anh em chứng kiến không biết tên”.
Theo ông Thành, sau trận đánh vào Tân Sơn Nhất, 2 đại đội đánh sâu vào sân bay chỉ vài người còn sống và đều bị thương nặng.
Từ nguyên mẫu người chiến sĩ Nguyễn Công Mẹo, khi hy sinh rồi vẫn đứng thẳng khiến quân thù khiếp sợ, nhà thơ Lê Anh Xuân đã viết nên bài thơ lẫm liệt này:
Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhứt
Nhưng Anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng
Và Anh chết trong khi đang đứng bắn
Máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng.
Chợt thấy Anh, giặc hốt hoảng xin hàng
Có thằng sụp xuống chân Anh tránh đạn
Bởi Anh chết rồi nhưng lòng dũng cảm
Vẫn đứng đàng hoàng nổ súng tiến công.
Tháng 12 năm 2024 này, kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, chúng ta không bao giờ quên những gương hy sinh của hàng triệu người lính có tên chung là Bộ đội Cụ Hồ trên khắp đất nước mình.
Bài thơ Dáng đứng Việt Nam của Lê Anh Xuân cũng bất tử cùng với anh Nguyễn Công Mẹo – nguyên mẫu của bài thơ, người lính khi đã hy sinh đã thành một tượng đài vì cái “dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ” ấy.
Bài thơ bi hùng của Lê Anh Xuân khiến người Việt Nam tự hào vì những người lính có tên tuổi hẳn hoi nhưng họ đã “khuất danh” để làm nên một Việt Nam lừng danh trên thế giới bởi lòng dũng cảm, đức hy sinh, và lý tưởng vì Độc lập, Tự do của Tổ quốc.
Hai đại đội đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất chỉ hai người còn sống và đều bị thương nặng, máu các anh đã “phun theo lửa đạn cầu vồng”. Những hình ảnh ấy đủ cho chúng ta hình dung cuộc chiến tranh chống Mỹ khốc liệt như thế nào.
Và không chỉ viết bài thơ Dáng đứng Việt Nam, trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968 ấy, nhà thơ Lê Anh Xuân đã hy sinh như một người lính. Anh nằm lại ở mảnh đất Long An, chỉ cách Sài Gòn 20 cây số.
Những dòng thơ của anh đã được anh bảo chứng bằng máu của mình, bằng cuộc đời đang ở tuổi thanh xuân của mình.
THANH THẢO/TNO
Theo nguồn: https://vanvn.vn/le-anh-xuan-bao-chung-bai-tho-bang-mau-minh/