Nhà văn Vũ Tú Nam thên thật là Vũ Tiến Nam, sinh ngày 5 tháng 10 năm 1929. Quê quán Vụ Bản, Nam Định. Ông là một trong những nhà văn sáng lập ra Hội Nhà văn Việt Nam. Ông từng giữ các chức vụ: Thư kí tòa soạn báo Văn học, Phó tổng biên tập báo Văn nghệ, Tổng thư kí Hội Nhà văn Việt Nam.
Ông đã xuất bản nhiều tác phẩm thơ truyện ngắn, bút ký. Đặc biệt ông là người sáng tác nhiều cho thiếu nhi và đã ghi dấu ấn sâu đậm trong mảng văn học này.
Lại nói về “người hiền trên phố Vạn Phúc”
Trần Vũ Long
Thật khó để bắt đầu cho một bài viết về ông. Dẫu gặp ông đã nhiều nhưng chưa một lần được trò chuyện. Thêm lẽ nữa, do thế hệ của tôi cách ông quá xa nên ít điều kiện để có thể tìm đọc những tác phẩm ông đã viết. Tuy nhiên có một tác phẩm của ông mà tôi đã từng được đọc, cũng lâu lắm rồi, khi tôi còn là một cậu bé. Đó là tập truyện thiếu nhi Cuộc phiêu lưu của văn ngan tướng công. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ những chi tiết về câu chuyện đó. Quả thực, hồi đó những truyện thiếu nhi như: Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài hay Cuộc phiêu lưu của văn ngan tướng công thực sự là những cuốn sách đã mê dụ lũ trẻ con chúng tôi. Câu chuyện kể về chuyến phiêu lưu đầy kì thú của một chú ngan với những tình tiết vui nhộn hài hước, vô cùng hồn nhiên. Qua câu chuyện đó tác giả đã chuyển đến các độc giả nhí những bài học làm người quý giá, nhẹ nhàng dễ tiếp cận với trẻ con. Ông đã lắng nghe mọi sự sống sinh sôi nảy nở, của hoa lá cỏ cây, của muôn loài đang tồn tại trên thế gian này và biến chúng thành nguyên liệu cho tác phẩm của mình. Ấy vậy mà hồi ấy ông cũng đã bị lên bờ xuống ruộng vì tập truyện thiếu nhi đó. Có người cho rằng tác giả có ý đồ, có sự ám chỉ điều này điều kia thông qua các loài vật. Đương nhiên rồi, tác phẩm văn học nào mà chẳng có “ý đồ”, mà chẳng có sự ẩn dụ. Mà cái “ý đồ” và sự ẩn dụ đó chính là những bài học làm người cho con trẻ mà nhà văn Vũ Tú Nam muốn gửi gắm. Khi những bài học làm người con trẻ cảm nhận được thì ắt người lớn cũng cảm nhận được. Dẫu là con trẻ hay người lớn khi đọc tác phẩm, thấy được mình trong đó cho dù tốt hay xấu, để rồi biết nhận chân giá trị của cái thiện cái mĩ, nghĩa là tác phẩm đã thành công. Chẳng phải đó là tính nhân văn của một tác phẩm văn học sao. Vậy mà nhiều người cứ gán ghép, suy diễn cho tác phẩm là có ý đồ nọ âm mưu kia, vậy chúng ta có còn coi đó là tác phẩm văn học nữa không. Âu cũng là tư duy của một thời đã qua, ít nhiều hạn chế sự phát triển đa dạng của văn học. Nói vậy không có nghĩa là thời bây giờ không còn những người cảm thụ văn học theo kiểu đó. Đức Phật từng nói, kẻ thù lớn nhất chính là mình. Nghĩa là cái tôi của anh quá lớn, sự tham sân si trong con người anh quá lớn, anh không dám nhìn ra mặt không tốt của mình, bởi luôn nghĩ rằng chỉ có anh mới là một giá trị, thì khó mà có thể tự sửa mình trên con đường hoàn thiện bản thân.
Nhà văn Vũ Tú Nam là một trong những người đã sáng lập ra Hội Nhà văn Việt Nam. Ông cũng từng là Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam. Tháng 7 năm 2015 này Đại hội Đại biểu toàn quôc lần thứ IX Hội Nhà Văn Việt Nam sẽ diễn ra tại Hà Nội. Tất cả những điều đó là lý do để tôi có được bài viết này. Cũng có thể xem như đó là sự tri ân đối với một bậc tiền bối trong làng văn. Cũng vì vậy mà tôi mới có cơ duyên được gặp và trò chuyện với ông.
Theo như lịch hẹn, tôi tìm đến nhà ông vào một buổi sáng mùa hè nóng nực. Ngôi nhà ông nằm trên phố Vạn Phúc, một con phố đẹp, nhỏ, nhưng xem ra nhộn nhịp với nhiều hàng quán. Tầng một ngôi nhà của ông là quán cà phê nhỏ nằm gọn dưới bóng mát của hai cây khế sai trĩu quả. Lúc đó tôi mới biết rằng mình đã từng đến đây uống cà phê và khá ấn tượng với không gian quán. Quán cà phê đó do con cháu ông mở từ nhiều năm nay. Những bậc cầu thang được rợp kín bởi tán cây khế xanh mướt đưa tôi lên tầng hai của ngôi nhà. Trong lúc ngồi chờ ông tại gian khách, tôi tranh thủ quan sát căn phòng nhỏ giản dị với tranh và sách cùng những đĩa nhạc. Nổi bật là bốn bức tranh của danh họa Bùi Xuân Phái, được treo trang trọng ở bốn mảng tường của căn phòng. Tôi thầm nghĩ, thế hệ các văn nghệ sĩ tài danh, những người đã có nhiều đóng góp cho nền văn học nghệ thuật nước nhà một thời đã ra đi gần hết nhưng các tác phẩm của họ, nhân cách của họ, những đóng góp của họ sẽ còn mãi, sẽ được những lớp cháu con gìn giữ, trân trọng, biết ơn. Và, tôi đang được ở trong ngôi nhà của một con người như vậy. Để có được một Hội Nhà văn Việt Nam hơn ngàn hội viên như ngày nay trước tiên phải kể đến những con người đã đặt nền móng cho nó từ những ngày đầu thành lập như nhà văn Vũ Tú Tú Nam và vợ ông, là nhà văn Thanh Hương. Những con người của cái thuở ban đầu đó nay chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.
Tôi cũng đã từng được nghe kể chuyện về gia đình ông, một gia đình gồm có ba thế hệ theo con đường nghệ thuật. Con trai ông là một họa sĩ của hãng phim truyện Việt Nam. Cháu nội ông là cô người mẫu nổi tiếng Vũ Hà Anh, ngoài ra còn tham gia lĩnh vực điện ảnh, ca hát, dẫn chương trình, mới đây cũng bắt đầu cầm bút viết văn. Cô tuyên bố chính ông bà nội là những người đã nuôi dưỡng tâm hồn mình, và có nhiều ảnh hưởng đến cô. Trong ngôi nhà ông tôi thấy hiện rõ hai không gian hoàn toàn khác biệt, hai thế giới đối lập. Dưới tầng một và sân vườn là không khí hàng quán ồn ào với đủ kiểu người. Nhưng, trên căn phòng tầng hai này lại là một không gian hoàn toàn khác. Bước qua bậc thềm kia, khép cánh cửa kính lại, ta sẽ được tận hưởng sự tĩnh tại với những nét thanh nhã giản dị của căn phòng. Tôi thầm nghĩ, với sự quan sát của nhà văn thì trong một ngôi nhà có hai không gian hoàn toàn khác biệt như thế có lẽ cũng sẽ tạo ra hai cảm xúc trái ngược trong từng thời điểm khác nhau, có cả sự phiền lòng và cả sự lý thú. Từ bàn uống nước của nhà văn tôi được nhìn thấy sự bình yên trên tán lá mướt mát bên ngoài khung kính cửa sổ, từng chùm khế lúc lỉu khiến ta liên tưởng đến một khu vườn tuổi thơ nào đó. Biết đâu đấy, chính từ khung cửa này đã là cảm hứng cho nhà văn của chúng tác sáng tác ra những vần thơ hay những câu chuyện dành cho thiếu nhi thật dễ thương.
Tôi đang bị cuốn theo những suy nghĩ, liên tưởng thì nhà văn Vũ Tú Nam đi từ trong nhà ra. Bước đi chậm rãi của nhà văn dường như có yếu hơn đôi chút. Dáng người lênh khênh đã hơi còng xuống. Ông nở một nụ cười hiền trên gương mặt phúc hậu. Vâng, cảm giác của tôi mỗi khi gặp ông bao giờ cũng gắn liền chữ hiền. Ngoài cái tên mà mọi người lấy từ tác phẩm của ông là văn ngan tướng công, thì cũng không ít người gọi ông là người hiền. Và đó cũng là lý do để tôi đặt tên cho bài viết này như trên. Bởi trước đây nhà thơ Nguyễn Trác đã từng viết về nhà thơ Vũ Tú Nam, và lấy tên bài là Người hiền trên phố Vạn Phúc. Cái tên bài báo đó gây ấn tượng với tôi, vì nó quá đúng với con người nhà văn Vũ Tú Nam, và tôi muốn nhắc lại trong bài viết của mình. Bằng cái cảm nhận ban đầu đó tôi hỏi ông: “Làm người hiền thì có sợ bị thiệt thòi không thưa bác?”. Ông nhìn tôi bằng ánh mắt đầy quan sát. Có lẽ trong đầu ông đang nghĩ rằng, tại sao lớp trẻ bây giờ luôn suy tính thiệt hơn vậy. Rồi ông lại mỉm cười: “Thế nào là thiệt hơn đây. Quan trọng là cái đức của mỗi người. Trước sau gì thì cuộc đời sẽ trả cho anh đúng như những gì anh đã sống”. Rồi ông lại nhìn thẳng vào mắt tôi, nói như nhắc nhở một đứa cháu: “Như trong kỉ yếu của Hội Nhà văn tôi đã từng nói: Tôi thường chú ý và tin vào điều tốt đẹp, điều thiện ở con người. Tôi quý sự trung thực và lòng nhân hậu”. Tôi giật mình cảm thấy như mình vừa nói một điều gì đó không phải. Và rôi, tôi thầm cảm ơn những con người, những tấm lòng như ông. Chính những tấm lòng như thế nhiều khi là cái neo để chúng ta giữ được lòng mình trước cuộc sống có quá nhiều cám dỗ và thách thức này. Thực ra, câu hỏi mà tôi vừa đặt ra cho ông cũng chính là câu hỏi mà tôi đã nhiều lần tự đặt ra cho mình. Trong cuộc sống với trăm nghìn dại khôn, với muôn vàn tính toán, nhiều khi ta không dám sống là chính mình, không dám trung thực với cuộc đời và trung thực với bản thân mình. Và có lẽ, đó là một trong những bất hạnh lớn nhất của con người và khó lòng để vượt qua nó.
Những năm gần đây nhà văn Vũ Tú Nam không còn sáng tác, nhưng thỉnh thoảng ông lại xuất hiện trên báo chí với những bài viết ngắn, quyết liệt, thẳng thắn, mang tính góp ý và phản biện cao. Ở cái tuổi gần đất xa trời, trải qua bao thăng trầm cuộc đời cũng như của đất nước, đã chứng kiến bao điều hay lẽ phải, qua nhiều can qua của sự tử tế, ông vẫn luôn giữ cho mình một lẽ sống: đó là trung thực và nhân hậu. Vậy thì có lý gì mà một nhà văn lại không dám nói những điều trung thực nhất, đấu tranh vì sự tốt đẹp cho cuộc đời này. Chỉ có sự dám sống và dám viết mới đem lại thành công đích thực cho nhà văn và đem lại sự tôn trọng của xã hội dành cho họ. Sau nhiều năm làm quan chức trong giới văn nghệ với nhiều cương vị ở nhiều cơ quan khác nhau, ông luôn muốn xóa bỏ và vượt qua những định kiến, chấp nhận những những tính cách và cả phong cách văn chương khác nhau miễn sao nó đem lại cho cuộc sống và văn chương những sắc thái mới để hướng tới cái thiện, hướng tới cái đẹp.
Thật hiếm có gia đình nào lại có ba anh em ruột đều là nhà văn như gia đình ông. Hai người anh của ông chính là nhà thơ Vũ Cao và nhà văn Vũ Ngọc Bình. Chính người anh trai cả, nhà thơ Vũ Cao, đã ảnh hưởng và hướng ông đến với con đường văn chương. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, ông tham gia quân ngũ và được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương, làm báo ở liên khu 5, rồi sau đó lại chuyển về làm phóng viên báo Quân đội Nhân dân. Sau này ông lại chuyển về Tạp chí Văn nghệ Quân đội, và trở thành một trong những biên tập viên đầu tiên của tạp chí. Ông là một trong gần 200 nhà văn đầu tiên tham gia thành lập Hội Nhà Văn Việt Nam và đã có mặt trong ban chấp hành Hội từ khóa I đến khóa IV. Trong những năm tham gia ban chấp hành hội nhà văn ông lần lượt trải qua các công tác như: Thư kí tòa soạn báo Văn học, Phó tổng biên tập báo Văn nghệ, Giám đốc Nhà xuất bản Tác phẩm mới, rồi làm Tổng thư kí Hội Nhà văn Việt Nam khóa IV. Nhà văn Vũ Tú Nam cũng từng được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa IX.
Chia tay với lão tiền bối trong làng văn, khép cánh cửa phòng ông, tôi bước xuống cầu thang để nhập vào một không gian khác biệt, và rồi hòa mình với dòng người đang cuộn chảy trên những con phố mà trong lòng mong ước sẽ được gặp nhiều người hiền như ông.