Khu lưu niệm nhà thơ TÚ MỠ nằm giữa mảnh đất riêng của gia đình với hơn 1.000m2 ở địa chỉ 1236, phố đường Láng – Hà Nội, bao gồm: nhà lưu niệm và khu mộ của vợ chồng nhà thơ.
Năm 1935, kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện đã thiết kế và xây dựng theo kiểu nhà “ánh sáng” của nhóm “Tự lực văn đoàn”. Ngôi nhà có kiến trúc một tầng lợp ngói, một buồng hai gian vừa dài vừa rộng, bốn phía là hàng hiên, nền được lát gạch Bát Tràng, trước nhà là vườn hoa, sau nhà trồng đủ loại cây trái.
Theo ông Hồ Quốc Cường (con trai út nhà thơ kể lại) và qua tư liệu sách báo: Vào những năm 1930, đây là nơi gặp gỡ của các nhà văn, nhà thơ tên tuổi và nhà nghiên cứu văn học. Đặc biệt, đây cũng là nơi tập trung, hội họp của các văn nghệ sỹ tham gia nhóm “Tự lực văn đoàn”. Các buổi gặp mặt thường kéo dài một ngày, có những nhà văn từ xa thì đến từ hôm trước như nhà thơ Đồ Phồn từ Hải Phòng lên. Nội dung của các buổi gặp mặt thường là đọc những bài thơ mới, bình thơ, họa thơ, ngâm thơ, làm thơ và bình luận về tình hình văn học của đất nước. Đây thật sự là một “chiếu thơ” độc đáo có một không hai của thời văn học lãng mạn.
Năm 1945, toàn quốc kháng chiến bùng nổ, nhà thơ Tú Mỡ và gia đình rời ngôi nhà xinh đẹp của mình lên chiến khu. Nay đây mai đó, tá túc sống nhờ sự đùm bọc của nhân dân chờ ngày thắng lợi. Trở về, được sự giúp đỡ của họ hàng, bạn bè, ông và gia đình đã kiên trì phôi phục lại ngôi nhà như cũ. “Chiếu thơ” lại được trải ra, với sự có mặt của nhiều nhà văn lớn như: Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Huy Cận, Xuân Diệu…Thời kỳ này, đây cũng là địa chỉ của câu lạc bộ thơ “Trào phúng” và ông là một trong những người đứng đầu.
Năm 1976, trước khi về nơi cực lạc với bà Tú, ông đã để lại bản di chúc cho con cháu; phải yêu thương, đoàn kết cùng nhau gìn giữ khu nhà làm nơi thờ cúng tổ tiên, xum họp và làm nơi lưu niệm cho sự nghiệp văn chương của nhà thơ. Sinh thời, ông thường nhắc nhở con cháu “Đây mới thực sự là nhà của ta”.
Thực hiện nguyện ước của ông “về nơi cực lạc lại tôi với bà”, năm 1995 con cháu nhà thơ Tú Mỡ đã xây dựng tại đây một khu lăng mộ, hỏa táng hài cốt, đưa vong linh ông bà về đây an nghỉ. Lăng mộ mang hình dáng ngôi nhà, mộc mạc như bản chất con người ông, uy linh nằm giữa một vườn cây cảnh rợp bóng mát, bốn mùa có hoa nở rực rỡ, ngào ngạt hương thơm…Đây có thể coi là một cảnh “tiên bồng” giữa đô thị náo nhiệt.
Nhà thơ Tú Mỡ đã đi xa nơi trần thế, nhưng ngôi nhà lưu niệm và khu lăng mộ của ông vẫn được con cháu gìn giữ và chăm sóc. Ngôi nhà vẫn luôn rộng cửa đón nhiều nhà văn, nhà thơ, thầy trò nhiều trường học trên địa bàn Thủ đô đến tham quan và nghiên cứu.
Tuy nhiên, điều đáng tiếc là năm 2015, 2 dự án xây dựng “Mở rộng ngã tư Cầu Giấy” và “Tuyến đường sắt trên không” đã giải tỏa 1/3 diện tích khu đất và nhà lưu niệm nhà thơ Tú Mỡ đã không còn nữa. Là người nhiều lần đến khu lưu niệm từ năm 2007, tôi cảm thấy vô cũng xót xa và tiếc nuối khi mất đi một công trình văn hóa, văn học đẹp giữa lòng Thủ đô.
Chu Hoà