Huỳnh Văn Nghệ, nhà thơ- chiến sĩ

Huỳnh Văn Nghệ (bí danh Hoàng Hồ) sinh ngày 2/1/1914 tại làng Tân Tịch, huyện Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa (nay là xã Thường Tân, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Ông không những là một nhà chỉ huy quân sự tài ba mà còn là một nhà báo, nhà thơ với nhiều tác phẩm khá nổi tiếng.

Nhiều người dân Nam Bộ yêu kính và trìu mến gọi ông là “Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ”.

Nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ

Tên tuổi ông được ghi trong sách Trí thức Sài Gòn – Gia Định, được đưa vào Từ điển danh nhân Việt Nam, Từ điển thành phố Sài Gòn – Hồ Chí Minh, được đặt tên cho trường học ở Tân Uyên, nơi vùng đất chiến khu Đ năm xưa và một số đường phố ở Bình Dương, Biên Hòa, TP HCM.

Huỳnh Văn Nghệ sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo nhưng giàu truyền thống chống giặc ngoại xâm. Cha ông là thầy dạy võ can trường, tuy bị quan lại ngăn cấm nhưng vẫn bí mật dạy võ cho thanh niên, bảo vệ người nghèo, chống áp bức bất công.

Là người thông minh học giỏi nên Huỳnh Văn Nghệ được nhận học bổng tại Trường trung học Petrus Ký Sài Gòn (nay là Trường THPT Lê Hồng Phong) và sớm giác ngộ, tham gia các hoạt động cách mạng.

Từ năm 1932, ông luôn tìm cách giúp đỡ, bênh vực người nghèo, chống giặc Pháp xâm lược và bọn tay sai. Huỳnh Văn Nghệ tích cực tìm đến với cách mạng và đã được tuyên truyền về Đảng Cộng sản Đông Dương, rồi giác ngộ và tham gia vào các hoạt động do Đảng lãnh đạo.

Những năm 1936-1939, ông tham gia phong trào Đông Dương đại hội ở Sở Xe lửa Sài Gòn. Năm 1940, tham gia khởi nghĩa Nam Kỳ. Cuộc khởi nghĩa thất bại, giặc Pháp điên cuồng đàn áp những người cộng sản, một số phải rút về rừng Tân Uyên hoạt động, ông lo việc tiếp tế đạn dược, thuốc men cho số đồng chí này.

Năm 1942, bị lộ, ông phải trốn sang Thái Lan và hoạt động trong phong trào Việt kiều yêu nước. Tại đây, ông tổ chức xuất bản tờ báo Hồn cố hương, kêu gọi kiều bào hướng về Tổ quốc, ủng hộ cách mạng.

Năm 1944, Huỳnh Văn Nghệ về nước, bắt liên lạc với cách mạng và được đồng chí Trần Văn Giàu, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ phân công lập căn cứ Đất Cuốc tại Tân Uyên, Biên Hòa, được kết nạp Đảng, lập Đoàn Cựu binh sĩ và tham gia Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, trực tiếp tham gia chỉ huy cướp chính quyền ở Biên Hòa. Tự tay ông đã bắt tên cò Phước, tỉnh trưởng Quý, tòa Nhan ở Biên Hòa, giải phóng tù chính trị bị chính quyền Nhật giam giữ.

Tại hội nghị Chợ Đệm, Ủy ban nhân dân Nam Bộ bổ nhiệm Huỳnh Văn Nghệ làm cố vấn Ủy ban kháng chiến miền Đông. Mặc dù Ủy ban này đã rút lui trước về Biên Hòa, Xuân Lộc cùng với nhiều đơn vị như Đệ nhị sư đoàn, Cộng hòa vệ binh, bộ đội Nam Long, nhưng khi giặc Pháp lấn chiếm ra các vùng ngoại vi Sài Gòn – Gia Định, ông đã ở lại tham gia chiến đấu tại các mặt trận Sài Gòn – Chợ Lớn, Thị Nghè, đường số 1 (từ Sài Gòn đi Biên Hòa), Băng Ky, Bình Lợi, Thủ Đức… chặn bước tiến của giặc về miền Đông Nam Bộ. Sau đó, ông tổ chức đốt Tòa bố, Sở cò, Bưu điện Biên Hòa, thu 23 khẩu súng trường, đem về Tân Uyên xây dựng lực lượng.

Tại đây, Huỳnh Văn Nghệ tổ chức xây dựng giải phóng quân Biên Hòa và trực tiếp làm chỉ huy trưởng. Căn cứ Tân Uyên được ông bố trí phòng ngự vững chắc, đã đảm nhiệm vai trò bảo đảm hậu cần cho lực lượng vũ trang của tỉnh và các tỉnh bạn theo lệnh của Khu trưởng Nguyễn Bình, đồng thời làm nhiệm vụ bảo vệ Khu bộ, tiếp liệu cho các công binh xưởng của Khu, tích cực tham gia xây dựng các cơ quan quân, dân, chính của tỉnh.

Dưới sự chỉ huy của Huỳnh Văn Nghệ, không bao lâu sau, Tân Uyên trở thành một trong những căn cứ kháng chiến vững mạnh nhất ở Nam Bộ.

Đầu năm 1946, quân Pháp liên tiếp mở các trận tiến công lớn vào chiến khu Tân Uyên – Lạc An (Chiến khu Đ). Ngày 2/1/1946, Huỳnh Văn Nghệ chỉ huy lực lượng chủ công tham gia trận phản công lớn đầu tiên của Nam Bộ do Khu tổ chức đánh vào thị xã Biên Hòa.

Sau khi tham gia trận Tân Uyên và chỉ huy mặt trận Tân Tịch – Lạc An (2/1946) giành thắng lợi, Huỳnh Văn Nghệ được Khu trưởng Nguyễn Bình chỉ định làm Chi đội trưởng Chi đội 10. Trên cương vị mới trong thời gian 1946-1947, ông đã chỉ huy các đơn vị chiến đấu bảo vệ nhân dân, bảo vệ Khu bộ, các công binh xưởng, phát động chiến tranh du kích, địch vận… góp phần tiêu hao sinh lực địch, mở đầu cho phong trào giao thông chiến ở Nam Bộ, phổ biến kỹ thuật đánh địa lôi điện.

Tháng 3/1948, Huỳnh Văn Nghệ nhận nhiệm vụ Khu bộ phó Khu 7, kiêm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 310.

Ngày 1/3/1948, với cương vị chỉ huy trưởng, ông tham gia trận La Ngà – trận giao thông chiến lớn nhất ở Nam Bộ kể từ ngày giặc Pháp tái chiếm nước ta. Sau trận này, Trung đoàn 310 được Bác Hồ khen thưởng Huân chương Chiến công hạng 2, Trung đoàn trưởng Huỳnh Văn Nghệ được Bác Hồ tặng thưởng một chiếc áo trấn thủ.

Tháng 7/1948, thi hành lệnh của Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ, trong hoàn cảnh hết sức nguy hiểm, Huỳnh Văn Nghệ một mình đến căn cứ Bình Xuyên, dùng lý lẽ và tình cảm thuyết phục được thủ lĩnh Bình Xuyên lúc bấy giờ là Lê Văn Viễn (Bảy Viễn) về dự hội nghị, giúp Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ giải quyết được “vấn đề Bình Xuyên”, rất gay go lúc bấy giờ.

Cùng thời gian này, ông được bổ nhiệm làm Khu trưởng Khu 7. Trên cương vị mới, ông đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc xây dựng căn cứ mới của Khu, thành lập bộ đội chủ lực Khu 7 (Bộ đội 303). Đặc biệt, ông nghiên cứu, tìm ra cách đánh tháp canh, giải quyết được sự bế tắc về chiến thuật ở Khu 7 lúc bấy giờ.

Năm 1950, sau khi sáp nhập Sài Gòn – Chợ Lớn vào Khu 7, ông giữ chức Phó tư lệnh Khu 7. Năm 1951, khi hai tỉnh Thủ Dầu Một – Biên Hòa sáp nhập, ông là Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, kiêm Tỉnh đội trưởng Thủ Biên, chỉ huy nhiều trận đánh lớn bảo vệ Bộ Tư lệnh Nam Bộ đóng ở Chiến khu Đ. Năm 1952, trong trận lụt “thế kỷ”, ông xông pha chỉ huy chống lụt ở Thủ Biên, bảo vệ được bộ đội và dân.

Sau thảm họa thiên tai đó, lợi dụng tình thế khó khăn của quân dân ta, địch huy động 11 tiểu đoàn tiến công vào Chiến khu Đ. Lực lượng của tỉnh chỉ có một tiểu đoàn nhưng dưới sự chỉ huy tài tình của Huỳnh Văn Nghệ đã anh dũng chiến đấu suốt 52 ngày đêm, tiêu diệt gần một tiểu đoàn địch, phá tan âm mưu của chúng gom dân và tiêu diệt lực lượng ta.

Tháng 5-1953, ông được cử ra miền Bắc học và ở lại công tác gần 12 năm, trải qua các chức vụ: Trưởng phòng Thể dục thể thao, Cục phó Cục Quân huấn, Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục phó Tổng cục Lâm nghiệp.

Năm 1965, ông được điều động trở về Nam Bộ, lần lượt giữ các chức vụ: Trưởng ban căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Phó bí thư Đảng ủy căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Phó ban Kinh tài Trung ương Cục miền Nam, Trưởng ban Lâm nghiệp Trung ương Cục miền Nam.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông là Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp miền Nam, Thứ trưởng Bộ Lâm nghiệp. Ngày 5/3/1977, ông mất tại Bệnh viện Thống Nhất sau thời gian lâm bệnh nặng, thọ 63 tuổi.

Huỳnh Văn Nghệ không chỉ là một nhà chỉ huy quân sự tài năng, kiên cường với cuộc đời hoạt động cách mạng oanh liệt, vẻ vang mà còn là một cây bút tràn đầy nhiệt huyết trong các hoạt động báo chí, văn hóa, văn nghệ, đặc biệt là ở lĩnh vực thơ ca. Qua các tác phẩm của ông, người đọc có thể hiểu thêm về quê hương, gia đình, cuộc đời binh nghiệp, văn nghiệp của ông, về cuộc chiến đấu gian khổ, trường kỳ, oanh liệt của nhân dân miền Đông Nam Bộ.

Có thể thấy từng bước đi, mỗi dấu ấn tâm hồn chân thực, xúc động của cuộc đời một nhà thơ – chiến sĩ qua những tác phẩm như: Quê hương rừng thẳm sông dài, Những ngày sóng gió, Anh chín Quỳ, Trận Mãng Xà, Sấu đỏ mũi, Tiếng hát trên sông Đồng Nai, Mất đồn Mỹ Lộc (văn), Mộng làm thơ, Đám ma nghèo, Trốn học, Tết quê người, Bốn mùa, Trả lời thư Lan, Bến cũ, Bà bán cau, Thú tội, Mộ bia, Lời chim, sông Đồng Nai, Bên bờ sông xanh, Mất Tân Uyên, Xuân chiến khu, Mẹ Nam con Bắc, Tiếng hát giữa rừng, Nhớ Bắc, Bà mẹ Việt Nam, Rừng nhớ người đi, Em bé liên lạc, Cái chết của anh Xiễng, Tình súng, Chiến khu Đ chống bão, Giữ bí mật, Hình ảnh Bác Hồ trong lòng Nam Bộ, Trở về, Rừng đẹp, Một trận chống càn… và những hồi ký đăng trên các báo Quân đội nhân dân, Tạp chí Văn nghệ quân đội, các bài viết cho Đài Tiếng nói Việt Nam,…

Các tác phẩm của ông, bên cạnh đề tài chiến đấu, là đề tài tình cảm Nam Bắc ruột thịt rất sâu nặng.

Từ năm 1937, anh thanh niên Huỳnh Văn Nghệ đã có những bài thơ sâu lắng tình cảm và nói lên chí hướng:

Đưa tay lên chỉ trời cao trong vắt
Hai ngôi sao trong chòm sao Nam, Bắc
… Muốn làm sao ta có sợi dây đàn
Đem giăng thẳng nối Nam Bắc
Chờ tiếng xôn xao trong ngày đã tắt
Ta trỗi lên khúc “hận ngàn thu”.

(Trăng lên)

Khi phác họa lại lịch sử quê hương mình, ông viết:

Có con sông cũng từ hướng bắc
Vượt núi rừng ghềnh thác
Tràn vào Nam cuộn cả bóng mây cao.

(Sông Đồng Nai)

Đó còn là bài thơ “Mẹ Nam con Bắc” (1953) kể về tình mẫu tử sâu nặng của một bà má miền Nam đã hành động dũng cảm, mưu trí để kẻ thù phải thả người con nuôi là anh lính miền Bắc.

Bài thơ “Hình ảnh Bác Hồ trong lòng Nam Bộ” (1960) nhắc lại những ký ức của nhà thơ về Bác Hồ trong kháng chiến chống thực dân Pháp, kể về một anh chiến sĩ bị thương đã lấy máu mình viết lên tường 5 chữ: “Thành phố Hồ Chí Minh”. Hình ảnh Bác Hồ gần gũi, với mỗi con người, được ông thể hiện sâu đậm trong thơ:

…Trong ba lô chiến sĩ
Trong cặp vở học trò
Trong bức tranh họa sĩ
Trong vần điệu nhà thơ.

Trước sự quả cảm, kiên cường chịu khó khăn của chiến sĩ trong hoàn cảnh kháng chiến còn nhiều gian khổ, khi phải cưa bỏ cái chân bị thương bằng cưa thợ mộc, ông đã viết:

Trở lên mình ngựa đi từng bước
Cúi đầu nén nỗi đau thương
Nhưng lửa căm hờn
Bỗng dựng cao đầu ngựa dậy
Vang trời ngựa hí
Chí phục thù cháy bỏng tay cương.

Đặc biệt, bài thơ “Nhớ Bắc” ông viết năm 1940 tại sân ga Sài Gòn với những câu thơ hào sảng chí khí, thấm đậm tình cảm của đồng bào, chiến sĩ miền Nam hướng về thủ đô Hà Nội trong những năm dài kháng chiến gian nan, một bài thơ còn đọng lại mãi trong tâm hồn nhiều thế hệ người dân, chiến sĩ, thi sĩ Việt Nam với những câu:

Ai về Bắc ta đi với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.

Một Huỳnh Văn Nghệ mưu lược, văn võ song toàn, xông pha trận mạc làm quân thù nghe danh bạt vía kinh hồn nhưng đồng chí, đồng bào, đồng đội luôn hướng về ông với sự ngưỡng mộ, cảm phục, và trìu mến gọi ông với cái tên thân thiết: anh Tám Nghệ.

Cuộc đời Huỳnh Văn Nghệ đã khắc họa trong lòng nhân dân Nam Bộ một hình ảnh tuyệt đẹp của – Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ.

Theo nguồn: Huỳnh Văn Nghệ, nhà thơ- chiến sĩ – Báo Công an Nhân dân điện tử (cand.com.vn)