Nhà văn Nguyễn Minh Châu để lại cho đời một hệ thống tác phẩm đồ sộ gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện vừa, bút kí và tiểu luận với những trang viết thấm đẫm cảm hứng nhân văn và mối quan hoài da diết với con người, cuộc đời, thiên nhiên. Qua nhiều trang – chủ yếu là kí và ghi chép – độc giả cảm nhận được hình ảnh, hương vị xuân và tết cổ truyền dân tộc trong những hình hài khác nhau, hết sức sinh động và gợi nhớ tâm cảm của người cầm bút trước sự xoay vần của thiên nhiên qua bốn mùa.
Đọc Di cảo Nguyễn Minh Châu (Nxb Hà Nội, 2009), chúng ta có dịp nhớ lại không khí tết Hà Nội những năm cuối thập niên năm mươi của thế kỉ XX qua những đoạn văn ngắn trong phần thứ ba –Riêng tư của cuốn sách. Hà Nội những ngày tết năm 1957 là một đoạn ghi chép ngắn nhưng nói được nhiều điều, theo kiểu “ý tại ngôn ngoại” của thơ ca. Kể và tả cái không khí của thủ đô sau ngày giải phóng chưa lâu (10/10/1954), tác giả làm sống lại quang cảnh của một Hà Nội những năm đầu hòa bình với bao bộn bề, khó khăn và phức tạp. Nhưng vượt lên trên tất cả là niềm vui hồ hởi của cư dân Hà thành đón tết: “Mình đã dạo những phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Tràng Tiền, và những phố gì chưa thuộc hết lối. Chật ních những người. Hình như cả nước có chiếc xe đạp nào đều đem về đây hết. Mình cũng hòa trong cái dòng người sực mùi son phấn và muôn màu sắc ấy. (…) Những ngày cuối năm. Trưa chiều ngồi làm việc nghe tiếng còi tàu thét dài, những chuyến tàu chật ních người về quê ăn tết như những đàn chim về tổ khi mặt trời xuống”. Những dòng văn ấy cho thấy sự hòa nhập tức thời của người lính cách mạng với một vùng đất thiêng, nó khác hẳn cái tâm thế cũng của người lính trong Một lần tới thủ đô (1946) của Trần Đăng. (Khi đó, vào những ngày đầu sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, có bốn chiến sĩ từ chiến khu về Hà Nội dự một lớp tập huấn ngắn ngày, họ đi giữa một Hà Nội đầy ánh sáng và len dạ nhưng vẫn đi “theo lối đi rừng” và trong một tư thế thật đặc biệt – “mắt mở mà không trông, tai lắng mà không nghe”). Hình ảnh chiếc xe đạp trong bài kí của Nguyễn Minh Châu viết năm 1957 cho ta nhận biết một thời kì gian khổ, thiếu thốn nhưng cuộc sống tràn đầy tình người.
Cũng trong phần Riêng tư của Di cảo Nguyễn Minh Châu, một đoạn văn ngắn khác về tết được ghi cụ thể hơn: “Dù sao thì một năm mới cũng đã đến. Cho đến giờ gần sáu mươi tuổi mình vẫn không hiểu nổi hai chữ mùa xuân với cái phần nghĩa bóng của nó mà người ta phết lên cái từ này với đủ thứ tùy bút của thơ văn lãng mạn” (Bốn giờ sáng mồng một Tết năm Mèo, 1987). Không phải là nhà văn không háo hức đón tết cổ truyền, không phải là nhà văn không hiểu hết cái ý nghĩa sâu xa của hai chữ mùa xuân, mà thực ra – theo tôi – hình như đây là thời điểm có những khủng hoảng trong thể chất và tinh thần của Nguyễn Minh Châu (nên nhớ lại là tiểu luận Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa của nhà văn in trên báo Văn nghệ số 49 và 50 ra ngày 5/12/1987, đến tháng 3/1988 bác sĩ phát hiện nhà văn bị bệnh ung thư máu).
Nhà văn Nguyễn Minh Châu là người đắm đuối với văn chương, tất nhiên, nhưng cũng là người đắm đuối với gia đình. Đọc lại đoạn nhật kí sau của ông trong Di cảo sẽ thấy rõ điều đó: “1/1971. Doanh, em và các con! Sáng ngày mai, 23/1 anh về quê đây. Anh đi nhờ xe của Báo Quân đội, nhưng không mang xe đạp về được, nặng lắm. Không biết về nhà được không. Anh gửi lên chỗ em số phiếu, để em mua kẻo bỏ phí. Các thứ hàng tết ngày mai mới bắt đầu bán. Doanh ạ, mấy hôm nay không hiểu sao anh buồn quá. Giá có em cùng về thì vui. Anh về nhà rồi không biết xoay xở thế nào, nhất là thương các con ở ngoài này. Tất nhiên là có em rồi. Nhưng gia đình ngày tết thiếu anh. Anh tuy nghĩ vậy nhưng cũng cố về nhà tết này, mẹ không biết còn sống được không, em cũng thông cảm cho anh. Anh rất yêu mẹ và phải về, vì còn ông Hiền nữa. Tết này em cố gắng thu xếp cho các con nó ăn tết cho đầy đủ và vui thì anh mới yên tâm. Anh chúc em sang năm mới khỏe và Tâm My Mai học giỏi và ngoan nhé. TB: Anh gửi hai tờ phiếu quý I. Tết này anh Chinh đưa các cháu về ăn tết ở 800”. Năm 1971, đang trong thời bao cấp, tem phiếu. Một nhà văn tầm cỡ như Nguyễn Minh Châu mà cũng phải bận tâm vì chuyện tem phiếu thì đủ biết cuộc sống khó khăn đến nhường nào. Những dòng văn trên cho thấy tấm lòng của nhà văn nặng nợ với đời, với nhân dân nghèo khổ nói chung, với vợ con nói riêng. Nhưng vượt lên trên thiếu thốn, nhà văn bao giờ cũng là người mưu cầu niềm vui cho người khác.
Trong Di cảo Nguyễn Minh Châu, độc giả còn tìm thấy nhiều đoạn ghi chép khác của nhà văn về tết (các trang 87, 88, 90, 167…). Nhưng có lẽ tập trung và sâu đậm nhất tình cảm của nhà văn về tết cổ truyền dân tộc là truyện ngắn Chợ tết (viết tháng 11/1987, in trên tạp chí Văn nghệ Quân đội số 2/1988). Ai xa quê lâu ngày trở về quê vào dịp tết mới thấy hết cái cảm giác được đi chợ tết quê mộc mạc, sum vầy: “Quãng quá trưa, khi Định được lão Đất dắt đi dụi mả bố mẹ mình trở về thì cả khu chợ đã đông nghịt. Nhất là không khí của nó đã ra dáng một phiên chợ tết. Trên mảnh đất bom đạn và chiến tranh đã nhào nặn đến biến dạng, Định có dịp thấy tất cả những gì quen thuộc với Định từ nhỏ, chính Định cũng đã quên đi, thì nó vẫn còn đó. Định thích thú ngắm nghía những con lợn đất sơn đỏ, những chiếc kèn cũng bằng đất vắt hình con gà trống, những nhành hoa thờ với những bông hoa bằng giấy kim tuyến lỗ chỗ vết kim châm. Chen lấn giữa đám con nít bâu quanh một chiếc bàn, Định đứng xem một anh chàng đội mũ phớt tàng, mặt rỗ hoa đang vắt con giống. Từ một hàng những vắt bột nếp nhuộm màu ngũ sắc với một chiếc que tre, mười ngón tay cứ thoăn thoắt trong nháy mắt đã làm sống lại những Phàn Lê Hoa, những Quan Công… Bánh mướt, bánh xèo… Định la cà suốt một dãy bán miếng chín quen thuộc với Định từ bé. Định đi dưới giao thông hào, leo lên bờ hố bom. Các dãy hàng cá, hàng gạo, hàng vôi, hàng nồi đất. (…) Một cái gì bao quanh Định, một không khí luôn luôn bao bọc Định, đấy là sự quen thuộc, một nếp sống quen thuộc đã có từ lâu đời và chả có gì bị phá vỡ đang phô diễn trong phiên chợ tết ban đầu khiến Định say mê và rưng rưng cảm động”.
Cảm thức về mùa xuân, về tết đậm đà nhất trong bút kí Nghĩ lúc giao thừa (Nguyễn Minh Châu toàn tập, tập 4, Nxb Văn học, 2001). Bút kí này nhà văn viết ngày 3/1/1984 với sự chiêm nghiệm lẽ đời và quy luật của tạo hoá: “Mỗi lần tiễn một năm cũ và đón một năm mới về, nghe những người chung quanh nồng nhiệt và thành tâm chúc tụng nhau, tôi cứ nghĩ một cách đầy ngỡ ngàng lẫn sung sướng rằng: Không có gì cũ kĩ như một lời chúc nhau đầu năm, nhưng cũng không có gì hân hoan, mới mẻ và tinh khiết như một lời chúc nhau đầu năm. Đó là niềm lạc quan lẫn hi vọng khắc khoải, bất diệt của con người ta vào những điều tốt đẹp – những điều vẫn hằng thiết tha mong ước lẫn cho nhau – như những cánh én mùa xuân ở ngoài đời không bao giờ mất. (…) Tôi vẫn nhớ khi nhỏ còn ở nhà, mỗi đêm ba mươi tết, mẹ tôi thường nhìn ra ngoài trời, bằng cái nhìn mang phép biện chứng của một người “nhà quê” của người: Đêm ba mươi năm nào thật tối trời là năm ấy mẹ tôi lại thật yên tâm và vui mừng khấp khởi trong lòng, vì lẽ sang năm sẽ được mùa”. Chữ “giao thừa” mà nhà văn Nguyễn Minh Châu dùng còn mang một ý nghĩa khác – sự chuyển giao của hai thời kì đời sống. Vì thế mà ông coi ngày 1/5/1975 cũng là một “giao thừa” trong đời sống của cả dân tộc Việt Nam: “Tôi không thể nào quên được cái đêm mồng 1 tháng 5 năm 1975, đúng một ngày sau khi quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn, cả Hà Nội đổ về phía Bờ Hồ dự đốt pháo hoa mừng đại thắng. Khi những đốm pháo hoa vừa tắt chỉ còn để lại giữa vòm trời sáng trong trên nóc Tháp Rùa những dải khói trắng, thì từ bốn phía Bờ Hồ, các nam nữ thanh niên ồn ào tản đi dạo các đường phố đông đúc của ngày hội, riêng chỉ có những cặp vợ chồng cán bộ và bộ đội ở vào lứa tuổi bốn, năm mươi, mà cuộc đời riêng đã gắn chặt vào số phận đất nước, là vẫn ngồi lại. Họ ngồi đến quá nửa đêm mà vẫn cứ muốn ngồi lại mãi. Đêm ấy mới thật là đêm giao thừa có ý nghĩa nhất đời họ”. Rồi nhà văn trở lại với ý nghĩa đích thực của “giao thừa” truyền thống, đó là giờ khắc chuyển từ năm cũ sang năm mới theo quy luật của tạo hoá, trong một nỗi niềm hân hoan, vui sướng cùng nhân dân của mình: “Giao thừa đã điểm! Khoảnh khắc thời gian tách ra làm đôi, lòng mỗi con người Việt Nam đang tìm đến nhau để sum họp, trong khói pháo và hương trầm ngào ngạt trước bàn thờ tổ tiên, lòng chúng ta sao mà bồn chồn, nao nức, rộn ràng đến khó tả”.
Một năm cũ qua đi, một năm mới lại đến, tấm lòng của nhà văn Nguyễn Minh Châu với đời, với người, với tạo hoá thật đằm thắm, sâu sắc qua những trang văn tản mạn về thời gian viết nhưng lại cô đặc nỗi niềm về xuân, tết.
Bùi Việt Thắng