Giáo sư Hoàng Châu Ký vĩnh viễn ra đi ở tuổi 87 hồi 13 giờ ngày 31 tháng 01 năm 2008. Nhân ngày giỗ thứ 11 của ông, xin viết đôi dòng tưởng nhớ
Một nhà khoa học, bạn ông trong ngành sân khấu đã từng nói về ông:
“Giáo sư Hoàng Châu Ký luôn gắn tên mình với hai chữ đầu tiên: Tổng thư ký đầu tiên của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, hiệu trưởng đầu tiên của Trường Nghệ thuật sân khấu, viện trưởng đầu tiên của Viện Nghiên cứu sân khấu…”. Nhưng ở gần ông nhiều năm, tôi còn biết ông còn nhiều cái đầu tiên khác nữa: Là một trong những người được phong hàm giáo sư đầu tiên của Bộ Văn hóa, là chủ tịch và bí thư đầu tiên của UBND kháng chiến các huyện Quế Sơn, Phước Sơn sau Cách mạng Tháng Tám, là tác giả các công trình nghiên cứu đầu tiên có quy mô toàn diện về nghệ thuật tuồng như “Sơ khảo lịch sử tuồng”, “Nghệ thuật biên kịch tuồng” và “Nghệ thuật biểu diễn tuồng”. Ông cũng là người đầu tiên chuyển thể vở “Nghêu, Sò, Ốc, Hến” sang thể loại sân khấu tuồng, sưu tầm, chỉnh lý các vở “Ngọn lửa Hồng Sơn”, “San Hậu”… Ngoài ra còn phải kể đến ông như một trong những học giả Quảng Nam tham gia biên soạn các công trình nghiên cứu về nghệ thuật tuồng trong “Tổng tập Văn học Việt Nam”, “Tự điển Bách khoa Việt Nam”… Khi TP Đà Nẵng thành lập Hội Khoa học Lịch sử, dù tuổi cao sức yếu, ông vẫn được mời làm chủ tịch đầu tiên của hội này!
Giáo sư Hoàng Châu Ký
Đối với tôi, ông cũng là người thầy đầu tiên dạy cho những kiến thức cơ bản về sân khấu từ khi tôi được gần ông và cũng là người lớn tuổi bậc cha chú gọi thân mật là “bạn trẻ cùng nghề cầm bút” mỗi khi ông ký tặng những tác phẩm của mình… Từ đầu những năm 1980, khi được ở gần ông, tôi mới thấy sức làm việc của một nhà nghiên cứu văn hóa tầm cỡ: Đêm nào ông cũng chong đèn viết rất khuya và tinh mơ đã thấy ông dậy luyện võ rồi chăm sóc cây trước hiên nhà. Nhưng ông lại là người rất gần gũi với mọi giới, gặp ai ông cũng thăm hỏi tận tình. Những đứa trẻ ở xóm thường rất thích vì hay được ông cho kẹo, đùa vui và có khi bắt chước ông bạnh miệng, trợn mắt “làm ông kẹ” để dọa những đứa trẻ cùng tuổi…
Giáo sư Hoàng Châu Ký có cách kể chuyện hóm hỉnh và một trí nhớ rất tuyệt. Khi truyền đạt cho những người trẻ tuổi hơn những vấn đề về nghề, ông thường dùng từ ngữ, các dẫn dụ rất giản dị, sống động nên ai cũng cảm thấy dễ hiểu và gần gũi… Nhiều câu chuyện sống động của các văn nghệ sĩ Khu 5 trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp ở phía Tây Quảng Nam được ông kể nhiều lần với chúng tôi, sau này là những tư liệu quý. Đó là chuyện tình của các nhà thơ tiền chiến, chuyện hớt tóc của cố nhà văn Nguyễn Văn Xuân, chuyện mở quán bán hàng của Khương Hữu Dụng… thời ấy rất lãng mạn và thú vị.
Nhưng ông cũng là người rất nghiêm khắc trong chuyện văn chương hay trong công việc nói chung. Câu chữ của ông, kể cả trong các đối thoại của các vở tuồng hay trong những trang nghiên cứu luôn chắt lọc, có khi một chữ ông dùng cũng được ông sửa đi sửa lại nhiều lần. Đặc biệt, ông rất coi trọng việc nghiên cứu văn học tuồng trong văn học sử Việt Nam, bởi nếu không, “thì không những thiệt thòi cho bộ phận văn học này mà còn là một thiếu sót đối với một mảng lớn của văn học miền Nam trước đây!”, như lời ông từng nói. Tất cả những điều ấy đối với những người cầm bút đi sau đều là các bài học quý giá.
Vì coi tôi là người thân trong họ tộc nên Tết nào ông cũng viết tặng cho câu đối bằng Hán tự. Ông không chỉ giỏi chữ Hán mà còn viết rất đẹp. Ông dịch nghĩa Việt ra mặt sau và bỏ vào phong bao mang đến tặng với tình cảm chân thành khiến người nhận càng cảm động. Nhưng đó là trên quan hệ cá nhân, còn hiểu về những đóng góp của ông một cách khái quát nhất cho văn học nghệ thuật nước nhà, câu nói sau đây của nhà thơ Huy Cận nhân dịp mừng thọ ông là rất xác đáng: “Hoàng Châu Ký có hai tác phẩm lớn, một là toàn bộ công trình của anh đối với tuồng; hai là sản sinh ra nhà thơ Ý Nhi”.
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG
https://nld.com.vn/van-nghe/hoi-uc-nho-thay-tuong-hoang-chau-ky-20190112201921466.htm