Đó là nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, tác giả của những áng văn thơ nổi tiếng về những dòng sông như “Ai đã đặt tên cho dòng sông”. 13 năm sống trên giường bệnh, phải di chuyển bằng xe lăn là 13 năm ông nhớ thương những dòng sông, như ông nói: “Những dòng sông luôn mang lại cảm xúc sáng tác cho tôi, đã nuôi dưỡng tâm hồn văn học tôi từ nhỏ cho đến bây giờ và mãi mãi sau này”.
Hoài niệm Hương Giang
Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh ra và lớn lên tại Huế nên từ nhỏ ông đã gắn bó với dòng Hương Giang. “Ngoài những giờ lên lớp, mỗi ngày tôi đều tắm sông cùng với nhóm bạn học, ngày nào không ra sông lại thấy hụt hẫng như thiếu một điều gì đó”, nhà văn kể lại. Ông nói rằng chính sông Hương đã nuôi mạch máu văn chương trong con người ông, giúp những mạch máu ấy lan toả và sống mãi cho đến hôm nay: “Những kỷ niệm thời ấu thơ như những đêm nghe ca Huế dù đã cách nay hơn nửa thế kỷ nhưng tôi vẫn không quên. Ngày đó những đêm ca Huế không sân khấu đèn màu, không micro, người nghe ngồi bệt dưới nền đất để thưởng thức âm nhạc… Những kỷ niệm dung dị đó đã ám ảnh suốt những năm tháng tôi xa sông Hương sau này, để bài ký đầu tiên trong cuộc đời sáng tác của tôi là con sông quê hương”, nhà văn tâm sự.
“Ai đã đặt tên cho dòng sông”, “Sử thi buồn”… và rất nhiều sáng tác khác của Hoàng Phủ Ngọc Tường đều có dấu ấn của sông Hương thơ mộng. Xa Huế, nhà văn nhớ nhất dòng sông. Vậy nên dù ông và gia đình đã nhiều lần vì công việc phải chuyển ra Hà Nội sinh sống, hoặc vào Thành phố Hồ Chí Minh nhận công tác, nhưng cuối cùng nhà văn đều bỏ lại cảnh phố thị tấp nập, đưa vợ con về Huế chỉ vì không chịu nổi nỗi nhớ sông Hương.
Hoàng Phủ Ngọc Tường ví sông Hương như một cô gái di-gan, tức thiếu nữ mang trên mình vẻ đẹp dịu dàng pha chút hoang sơ, man dại của núi rừng, nhưng lại có lúc hiền hòa như một thiếu nữ hiền thục. “Giúp tâm hồn thi sĩ, nghệ sĩ yên tĩnh, là bối cảnh sống để suy nghĩ và viết về cuộc sống một cách sâu sắc nhất”, ông nói.
Những dòng sông ám ảnh đời sáng tác
Hoàng Phủ Ngọc Tường kể lại, trước khi mắc bệnh phải chịu ngồi xe lăn, ông đã có hàng chục năm rong ruổi khắp những vùng đất từ Bắc chí Nam. Nhà văn có một trải nghiệm: “Dòng sông là nơi mang nhiều yếu tố văn hoá của con người, vùng đất ở những nơi sông chảy qua”, nên đi tới đâu ông cũng đặc biệt quan tâm đến những dòng sông. Nhà văn đã từng có nhiều lúc đứng lặng hàng giờ trên bờ đê sông Hồng mà so sánh rằng “Sông Hồng như một mạch máu lớn nuôi sống Thủ đô. Nước sông theo kênh mương toả đi khắp nơi như mạch máu chảy dọc cơ thể người”.
Ông lão ngồi xe lăn này cũng là người đã từng đi dọc dòng sông Cửu Long đoạn chảy qua Việt Nam dài chừng 250 km. Dòng Cửu Long cuồn cuộn chảy, phóng khoáng và dân dã như tính tình hồn hậu của người miền Tây. “Bữa cuối cùng về tới Cà Mau khi trời đã chập tối, người dân xung quanh đến mời về nhà nghỉ lại, còn đồng chí Chủ tịch ủy ban xã thì mua nguyên xô rượu về đãi khách. Dòng sông không chỉ dân dã nồng hậu như thế, mà còn có những khoảng lặng, như một chiều đến ngã ba sông, tôi bắt gặp hình ảnh người mẹ vừa cho con bú vừa bán hàng trên chợ nổi giữa vùng sông nước mênh mông. Lúc đó thấy cảm giác rưng rưng trong lòng, mà sau này những hình tượng ấy đã là chất liệu, đã phảng phất trong nhiều bài ký khác của tôi”, Hoàng Phủ Ngọc Tường nhớ lại.
Hoàng Phủ Ngọc Tường tự nhận mình có duyên nợ với những dòng sông. Trong lần về quê nội Quảng Trị, nhà văn rung động trước cảnh người mẹ chèo đò đưa quân sang sông Bến Hải. “Khi tôi hỏi, mẹ nói rằng con mẹ đã hy sinh trên dòng sông này nên mẹ căm thù lũ giặc cướp nước, mẹ thề sẽ chèo đò đưa bộ đội cho đến khi không còn sức để giữ tay chèo được nữa. Chính cảm xúc của bà mẹ anh hùng khiến tôi kính trọng đã là đề tài của nhiều tác phẩm tôi viết sau này”, nhà văn nói.
Niềm vui sống nhờ những dòng sông trong ký ức
Mùa hè 1998, nhà văn bị tai biến sau một đêm thức khuya, khi được đưa đến cấp cứu tại bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán sẽ có khả năng ông bị liệt tay, chân. Nhiều người lúc đó nghĩ rằng ông sẽ suy sụp, buồn chán mà bỏ bút giấy. Tuy nhiên chính Hoàng Phủ Ngọc Tường đã khiến mọi người phải thán phục trước nghị lực phi thường của mình: “Lúc đó tôi chỉ lo mình không đủ thời gian để viết hết những gì đã ấp ủ bấy lâu nay, bao nhiêu công việc dang dở còn chờ mình phải hoàn thành sao dễ dàng gục ngã như vậy được”, nhà văn bộc bạch.
Tay bị liệt không thể cầm bút nên ông suy nghĩ rồi đọc cho vợ ghi ra giấy hoặc đánh trực tiếp lên máy vi tính. Sau đó ông chăm chú nghe lại từng chữ một và chỉnh sửa từng câu. Đã 13 năm 2 tháng kể từ ngày ngã bệnh đến nay, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã cho xuất bản hàng trăm trang sách bằng cách viết văn như thế. Những tác phẩm như “Huế- di tích và con người”, “Rượu hồng đào chưa uống đã say”… là thành quả của ông trong suốt thời gian dài lao động trên giường bệnh. Ông nói: “Không thể đi đây, đi đó được nữa nên chỉ còn cách nhớ lại những kỉ niệm, kể lại những câu chuyện mà mình từng chứng kiến trong những năm tháng rong ruổi dọc đất nước, dọc những dòng sông”.
Hoàng Phủ Ngọc Tường nhẩm tính, ông đã từng gặp hầu hết những dòng sống chảy trên đất mẹ Việt Nam. Từ sông Hương, bước chân của ông đã đến đoạn sông Hồng chảy vào đất Việt Nam, con sông Đà hoang sơ, sông Bến Hải, những ngọn suối góp nước thành sông chảy dọc dãy Trường Sơn, rồi chín cửa sông dòng Cửu Long đổ ra biển lớn… “Tôi nhớ những con sóng vỗ bờ, vỗ mạn thuyền những đêm nằm thao thức. Đã xa rồi, đã lâu rồi không nghe lại tiếng sóng thân quen ấy, nhưng dường như những tiếng sóng ấy đã tạo cho tôi ý chí vươn lên trong cuộc sống”, nhà văn tâm sự.
Hoàng Phủ Ngọc Tường mắt ngóng ra khoảng xa xăm ngoài khung cửa sổ: “13 năm nay, nhờ có những dòng sông trong ký ức, nên dù phải ngồi một chỗ nhưng tâm hồn tôi lúc nào cũng hướng ra bên ngoài, vui cùng cuộc sống. Bảy cuốn bút ký viết trên giường bệnh của tôi có đóng góp lớn nhờ hoài niệm về những dòng sông. Mỗi khi mệt mỏi chực gục ngã, tôi lại thúc mình phải vươn lên như những đợt sóng vỗ mãi không mỏi”, giọng ông ngắt quãng bởi những cơn ho.
Trong bài ký “Ai đã đặt tên cho dòng sông”, ở đoạn cuối tác giả đặt câu hỏi bâng quơ: “Ai đã đặt tên cho dòng sông Hương? Có nhiều cách trả lời cho câu hỏi ấy, trong đó tôi thích nhất một huyền thoại kể rằng vì yêu quý con sông xinh đẹp của quê hương, con người ở hai bên bờ đã nấu nước trăm loài hoa đổ xuống lòng sông, để làn nước thơm tho mãi mãi…”. Niềm thương nhớ những dòng sông đã tạo nên một cây bút Hoàng Phủ Ngọc Tường, và có người nói: “Sông miệt mài chảy về biển lớn không ngơi nghỉ và Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng chính là một dòng sông, miệt mài sáng tác không ngơi nghỉ để đóng góp cho đời những áng văn thơ hay”.
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh ngày 09.9.1937 tại Huế, quê gốc ở làng Bích Khê, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, tốt nghiệp ban Việt Hán trường Đại học Sư phạm Sài Gòn, tốt nghiệp cử nhân triết học Đại học Văn khoa Huế. Từ năm 1966 Hoàng Phủ Ngọc Tường tham gia hoạt động cách mạng trên mặt trận văn nghệ. Ông từng là Tổng thư kí, chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên cũ, tổng biên tập Tạp chí Cửa Việt.
Một số giải thưởng và tặng thưởng văn học: Giải thưởng Nhà nước về văn hóa nghệ thuật năm 2007, Giải thưởng Văn học Hội nhà văn Việt Nam: “Rất nhiều ánh lửa” (1980 – 1981), tặng thưởng Văn học của Hội nhà văn Việt Nam: “Miền gái đẹp” (2001), Giải A Giải thưởng văn học nghệ thuật Cố đô (1998-2003)… Ngoài văn xuôi, Hoàng Phủ Ngọc Tường còn sáng tác thơ.