Hiệu sách cũ Sài Gòn

     “MAY MÀ CÓ EM, ĐỜI CÒN DỄ THƯƠNG!”

     Giáo sư toán học Ngô Bảo Châu, trong một bài viết của anh mà tôi mạn phép đưa lên diễn đàn Cộng hòa sách, có nói rằng một trong những lý do khiến anh chọn Chicago làm nơi dạy học bởi vì nơi đó có nhiều hiệu sách cũ. Còn tôi, cũng phải thú nhận rằng chỉ có hai lý do khiến tôi mỗi lần vào Sài Gòn, thấy “may mà có em, đời còn dễ thương!”

    “Em” thứ nhất, là bạn bè tôi ở Sài Gòn. Những người bạn chân thành, hào sảng, luôn nhiệt tình đón tiếp tôi như người thân ở nơi xa về nhà.

    Người “em” thứ hai, không nghi ngờ gì nữa, là những hiệu sách cũ Sài Gòn.

     Mấy ngày này, lang thang Sài Gòn, tôi miên man nhớ lần đầu tiên một mình theo tàu lửa vào Sài Gòn vào cuối những năm 70 thế kỷ trước. Một trong những động lực thôi thúc tôi thực hiện chuyến độc hành ấy chính là lời đồn đại của những người có dịp ghé qua Sài Gòn những năm đầu sau thống nhất. Không chỉ tủ lạnh, xe máy, những thứ mà ở miền Bắc hồi ấy rất thiếu, một trong những nguồn cơn hấp dẫn tôi nhất chính là câu chuyện về một chợ sách cũ của Sài Gòn. Hấp dẫn ghê gớm!

     Bởi vậy nên vào Sài Gòn hôm trước, hôm sau, theo lời chỉ dẫn của người anh họ, tôi nhao ra ngay chợ Bến Thành. Từ cổng chợ đi chếch sang phía bên kia bùng binh, qua đường Calmet một đoạn ngắn tới phố nhỏ nằm ngang, tôi bất chợt thấy mình lạc vào một thiên đường sách cũ. Chợ sách Đặng Thị Nhu.

Một góc chợ sách cũ Đặng Thị Nhu vẫn còn đông đúc sau năm 1975

     Những ai đã chót vướng phải cái thói mê sách hẳn là hiểu được cái cảm giác hạnh phúc khi đứng trước một kho tàng sách cũ ẩn chứa bao điều bí mật. Mà đây lại là cả một chợ sách cũ, một biển mênh mông những điều bí ẩn, Ôi chao là sách cũ. Trên suốt dọc con phố hẹp, những quầy sách chia thành từng ô san sát nhau. Trong mỗi ô, người chủ hàng ngồi lọt giữa những chồng sách cao lút đầu người. Sách còn treo lủng lẳng trên các lối đi.

     Đấy mới chỉ là cái bề nổi của chợ sách. Bởi nếu bạn có bất cứ một yêu cầu gì (tất nhiên là trừ những cuốn sách in ở miền Bắc còn khá hiếm), người chủ hàng chạy đi đâu đó và dăm phút sau đã quay lại với cuốn sách mà bạn cần! Bạn sẽ dễ dàng có được cái cảm giác sung sướng rờn rợn ở sống lưng khi tìm được một cuốn sách quý hiếm, một điều không khó khăn lắm ở cái chợ sách cũ Đặng Thị Nhu này.

     Nhưng khốn khổ cho cái thằng tôi, một thân một mình vào đất Sài Gòn hoa lệ, nào có rủng rỉnh tiền bạc trong túi. Bởi vậy tôi chỉ có thể mê mải đi từ đầu tới cuối chợ sách cũ, thèm thuồng ngắm nhìn những gáy sách cũ sờn theo thời gian, rồi cuối cùng cắn răng bỏ những đồng bạc eo hẹp ra để mua cuốn…Kinh Thánh, một ấn phẩm còn khá hiếm ở miền Bắc lúc bấy giờ.

     Cái ấn tượng về chợ sách cũ Sài Gòn ấy, tôi sẽ chẳng bao giờ quên được.

Một góc chợ sách cũ Đặng Thị Nhu vẫn còn đông đúc sau năm 1975

     Những năm sau này, khi vào Sài Gòn, tôi cảm thấy hụt hẫng khi chợ sách Đặng Thị Nhu đã biến mất, trả lại cho thành phố một con đường vắng hoe, buồn bã. Dãy phố tương đối nhiều quán bán sách cũ ở Sài Gòn chỉ còn ở Trần Nhân Tôn. Nghe nói một phần những người bán sách cũ ở chợ Đặng Thị Nhu hồi xưa dạt về đây.

     Rồi những đường phố ngày xưa có nhiều tiệm sách cũ như Trần Huy Liệu, Nguyễn Thái Sơn, hay một vài hiệu ở Nguyễn Thị Minh Khai, chỉ còn rơi rớt chút hơi hướng sách cũ. Sách mới chen với sách cũ, nhiều hơn sách cũ. Muốn tìm được một vài cuốn sách ưng ý ở mấy dãy phố này, sẽ phải mất rất nhiều công sức. Sách cũ ở những hiệu tại đây chủ yếu là nguồn trôi nổi, chủ hàng mua từ người bán dạo, những người túng tiền mang sách đi bán…

     Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ?

     Nhưng, rất may là vẫn còn những mảnh thiên đường đã vỡ, nằm rải rác đây đó trong các tủ sách xưa ở trong các gia đình, rồi bằng một cách huyền bí nào đó, qua tay những ông chủ để đến tay những người chơi sách.

     Trong những năm tháng lang thang Sài Gòn, tôi có cơ duyên quen với nhiều người bán sách cũ. Anh G. Điện Biên Phủ, nay về nhà ở Gò Vấp. Anh Đ. có tiệm ở Võ Văn Tần, sau rút về cố thủ ở Yersin rồi nay nghe nói lại dạt sang Quận 9. Anh K. Trần Hưng Đạo, nay cũng đã rút vào trong hẻm Trần Đình Xu. Anh N. cư xá Bắc Hải. Rồi anh C. trước có hiệu ở Trần Hưng Đạo, sau lui sang Võ Văn Tần, nay nghe nói cũng lui về ở ẩn tại nhà!

     Những người đó, chỉ cần nhắc đến tên là trong giới chơi sách ai cũng tỏ tường, kể vanh vách về những “chiến tích” lẫy lừng thuở xưa, đã từng “phá” tủ của một bài nhà chơi sách tiếng tăm lừng lẫy nào đấy cho anh em thỏa chí “start-up”! Nhiều người trong số họ đã “rửa tay gác kiếm”, nhưng thay thế họ lại là một lớp người mới, trẻ trung hơn, mạnh bạo hơn, nắm vững công nghệ hơn, để tiếp tục cái nguồn mạch sách cũ khiến Sài Gòn còn vẫn còn dễ ghét (tức là thương gấp ba lần dễ thương!)

     Sài Gòn có nhiều hiệu sách cũ nên đương nhiên cũng có nhiều “cao thủ” chơi sách nức tiếng võ lâm, những người thuộc diện nhìn thấy sách quý thì “rụng rời chân tay”. Họ là những kho từ điển sống mà dân chơi mới chập chững bước vào cái thế giới ma mị của sách cũ muốn tham khảo hoặc lùng tìm những cuốn sách quý không thể không “thỉnh thị”, online hay offline!

Một hiệu sách cũ ở Sài Gòn.

     Sài Gòn tóc nâu môi trầm; Sài Gòn với những building cao choáng váng và nhịp điệu sục sôi, người ta chạy nhanh quá nên không kịp nhận ra mình vừa lướt qua những gì. Nhưng với tôi, có một Sài Gòn khác, chậm rãi nơi những cuốn sách cũ. “Paris hấp dẫn không chỉ vì có tháp Eiffel, Nhà thờ Đức Bà, mà còn bởi những hiệu sách cũ dọc sông Seine”, câu nói ấy cũng đúng với Sài Gòn, nơi sách cũ như một người tình si vẫn mời gọi tôi trở về.

Yên Ba