Hai ông Trương với Tự lực văn đoàn

     “Trương Tửu, Trương Chính và Tự lực văn đoàn”, câu chuyện khá nhỏ và mờ nếu đặt trong bối cảnh sinh hoạt phê bình văn chương Việt Nam những năm 1930. Song đọc lại, vẫn thấy ít nhiều dư vị của một thời. Thời mà giới phê bình văn chương Việt Nam không ngại công khai bày tỏ quan điểm, thái độ của mình trước thiên hạ. Thời mà dũng khí trong phê bình không phải là thứ của hiếm.

Giáo sư Trương Tửu (1913 – 1999)

     Nói về thập niên 30 của thế kỷ XX, tức khoảng thời gian xác lập và định hình những giá trị rồi đây sẽ trở thành cổ điển của văn chương Việt Nam hiện đại, không thể không nói tới Tự lực văn đoàn. Bởi, trước hết, số phận lịch sử của nó: Sau năm 1945, vì những lý do ngoài văn chương, so với Thơ Mới, tác phẩm của Tự lực văn đoàn, mà cụ thể là tác phẩm của hai yếu nhân là Nhất Linh và Khái Hưng, đã phải chịu sự phủ bụi lâu hơn và sự ghẻ lạnh lớn hơn. Tiếp đến, cuối những năm 1980, khi được nhìn nhận trở lại, những nghiên cứu, phê bình về Tự lực văn đoàn xem ra cũng mỏng hơn và nhạt hơn so với Thơ Mới. Thế nhưng một thực tế khác hẳn đã diễn ra vào chính những năm 1930: giới phê bình hồi ấy có vẻ mặn mà hơn với Tự lực văn đoàn. Ít nhất, trong “cái viết” của hai cây bút phê bình vào loại xuất sắc nhất một thời là Trương Tửu (1913 – 1999) và Trương Chính (1916 – 2004), Thơ Mới hoàn toàn vắng mặt, nhưng tác phẩm của Nhất Linh và Khái Hưng thì lại được hai ông Trương (thật ra Trương Chính họ Bùi, nhưng bút danh học thuật của ông luôn là Trương Chính) chọn làm một trong những thực địa để các ông thao diễn bút lực phê bình. Và, một cuộc va chạm văn chương giữa hai ông Trương đã xảy ra ở đây.

     Nói cho chính xác thì sự va chạm này chỉ đến từ một phía, phía Trương Chính. Có thể hình dung câu chuyện như sau: Năm 1939, ở cái tuổi hai mươi ba đầy măng tơ, Trương Chính cho xuất bản tập sách phê bình có cái tên rất dễ gây cho người đọc cảm giác về một sự ngạo mạn của người viết: “Dưới mắt tôi”. Tập sách này là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất Trương Chính bộc lộ thái độ nhập cuộc với văn chương cùng thời. Ông viết về mười hai tác giả văn xuôi (Hoàng Ngọc Phách, Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Lan Khai, Nguyễn Khắc Mẫn, Lê Văn Trương, Từ Ngọc, Trương Tửu) với xác tín rõ ràng: “Nhiệm vụ nhà phê bình không những là phải biết lựa lọc để tìm nâng giấc những tài năng mới phát triển và đánh đổ những định kiến thiên lệch, những dư luận sai lầm, những lời bình phẩm nông nổi của một số người đối với những kiệt tác. Nhà phê bình còn phải trừ thải những cây bút không tương lai, sắp đặt lại thứ bậc đích đáng cho các nhà văn”. Quả thực, ở “Dưới mắt tôi”, Trương Chính đã “trừ thải” không thương xót một vài người, trong đó có cả những người rồi đây sẽ được coi là tác giả lớn của văn chương sau năm 1945 (như Nguyễn Công Hoan và Nguyên Hồng. Đây có lẽ chính là lý do khiến cho phải gần tám mươi năm sau lần xuất bản đầu tiên tập sách này mới được tái bản: nó ắt sẽ gây ra vô khối sự rắc rối cho các quyền uy “phê bình đại học” nếu được rờ đến một khi). Đồng thời, ông cũng hăm hở đến độ trong việc “đánh đổ những định kiến thiên lệch, những dư luận sai lầm, những lời bình phẩm nông nổi của một số người đối với những kiệt tác”. Những kiệt tác, với Trương Chính, là tác phẩm của Nhất Linh và Khái Hưng. Ông viết về “Đoạn tuyệt” của Nhất Linh: “Nó công bố sự bất hợp thời của một nền luân lý khắc khổ, eo hẹp, đã giết chết bao nhiêu hy vọng, đè bẹp bao nhiêu lực lượng đáng kể, giam hãm bao nhiêu chí khí bồng bột đương ao ước sống một đời đầy đủ, một đời mãnh liệt, cường tráng… “Đoạn tuyệt” không chỉ có một giá trị xã hội. Nó còn có một giá trị tâm lý không ai chối cãi được… Đọc xong trang cuối cùng quyển “Đoạn tuyệt”, nhà phê bình bằng lòng và sung sướng gặp được một cuốn văn hay. Trong đời văn chương của ông Nhất Linh chắc ta sẽ đếm được nhiều kiệt tác nữa”. Ông viết về “Lạnh lùng”, cũng của Nhất Linh: “Ông Nhất Linh lại  có tài ký nhận một cách đặc biệt những mẩu chuyện hàng ngày, không thể tránh khỏi mắt ông những cử chỉ tầm thường, nhiều khi ta phác ra để che lấp một ý định. Không thể lọt qua trí quan sát ông những tư tưởng ta giấu kín tận đáy lòng như những vật xấu xa. Người trong truyện vì thế mà linh động”. Về “Hồn bướm mơ tiên” của Khái Hưng, Trương Chính nhận định: “Không kèn không trống, ông Khái Hưng đã đổi mới văn chương, từ bản cách đến thể chất – hay nói khiêm tốn hơn – ông đã đem vào văn chương một nghệ thuật mới, sắc sảo và huyền diệu”. Và đây, nhận định của Trương Chính về “Gia đình”: “…là nhát búa cuối cùng vào bức tượng khổng lồ nhưng đã mục nát của thế hệ trước: chế độ đại gia đình. Và “Gia đình” cũng là một công trình văn chương đích đáng của ông Khái Hưng… Nghệ thuật của Khái Hưng mỗi ngày mỗi lão luyện trông thấy. “Gia đình” có thể xem như một tác phẩm không tì vết”.

     Khen ngợi Nhất Linh và Khái Hưng nồng nhiệt đến như thế, cho nên, thật tự nhiên và dễ hiểu cái việc Trương Chính công khai kình chống Trương Tửu, người đã liên tục tung ra những lời “kết án” Tự lực văn đoàn. Về tiểu thuyết “Nửa chừng xuân”, trên báo “Loa” số 76 (1/ 8/ 1935) Trương Tửu chê Khái Hưng: “vội vàng và cẩu thả”, “chưa hiểu kỹ những đứa con của trí tưởng ông”. Bởi thế mà mặc dù nhà văn luôn nhắc nhở độc giả rằng đời nhân vật cô Mai là một tràng dài những sự hy sinh, nhưng thực ra: “suốt đời Mai, nàng chẳng hy sinh cái gì, lần nào hết”. Trong trường hợp này, nếu nhận định của Trương Tửu là không còn gì để phải bàn cãi, thì quả thực Khái Hưng đã rơi vào tình cảnh của một phù thủy (nhà văn) non tay không trấn áp được âm binh (nhân vật) nổi loạn. Nhưng thật may mắn, đã có Trương Chính lên tiếng biện hộ: “Tất cả những hành vi của người con gái này chỉ do một ý định: gây hạnh phúc cho em nàng, dẫu cần phải phí bỏ đời nàng đi cũng vậy. Sự hy sinh ấy dưới ngòi bút của Khái Hưng không thành ra quái gở. Hy sinh của Mai là một lòng hy sinh lặng lẽ, không ồn ào, nhẹ nhàng và êm dịu”. Dẫu sao, va chạm Trương Chính/ Trương Tửu từ “Nửa chừng xuân” chỉ là một va chạm nhẹ. Gay gắt, phải là va chạm từ tiểu thuyết “Lạnh lùng” và tiểu thuyết “Đời mưa gió” (Nhất Linh và Khái Hưng viết chung tác phẩm này). Trên báo “Ích hữu” số 95 (15/ 12/ 1938), Trương Tửu nhận định rằng trong “Lạnh lùng”, với nhân vật cô Nhung, Nhất Linh đã: “chủ trương tự do phát triển của xác thịt”, “làm ngưng trệ sự tiến bộ tinh thần của phụ nữ”; và nhà phê bình đanh thép cảnh báo độc giả: “Tất cả những bậc phụ mẫu muốn con gái khỏi bị sự phóng đãng quyến rũ nên cấm tiệt không cho đọc quyển Lạnh Lùng”. Trương Chính đáp trả thẳng thừng rằng: “ông Trương Tửu đã ngụy biện và đã phê bình một cách độc đoán”, rằng nhân vật cô Nhung của Nhất Linh thật ra đứng cao hơn hẳn những lời luận tội ác ý: “Nhung không chứng tỏ một tâm hồn trụy lạc. Trái lại, Nhung đã giác ngộ. Nàng thấy “không thể vì một cái tiếng suông bắt một người đàn bà chịu đau khổ một cách khốn nạn” như thế được. Nàng chỉ muốn đặt nhân đạo lên trên luân thường”. Và khi Trương Tửu, trên “Ích hữu” số 97 (29/ 12/ 1938), bảo rằng các tác giả của “Đời mưa gió” đã mắc cái tội “thi vị hóa nghề làm đĩ” khi dựng lên nhân vật Tuyết, một cô gái sống cuộc đời giang hồ phóng đãng, thì Trương Chính cãi băng: “Đời mưa gió là một kiệt tác, dẫu nhiều người đã dựa vào luân lý, dựa vào đạo đức, tìm cớ kết án nó… Không, Nhất Linh và Khái Hưng không thi vị hóa nghề làm đĩ. Hai ông chỉ tả một gái đĩ thông minh và thi vị”. (Cái sự bênh chằm chặp ấy, quả thật, đáng là một chứng lý để người đời sau có thể căn cứ vào đó mà luận rằng ông, Trương Chính, chính là vị hộ pháp của Tự lực văn đoàn).

   

Phó Giáo sư Nhà giáo ưu tú Trương Chính (1916 – 2004)

     Cần phải nhắc lại: va chạm Trương Chính/ Trương Tửu trên thực địa văn chương Tự lực văn đoàn là va chạm chỉ đến từ một phía, phía Trương Chính. Vì sau khi “Dưới mắt tôi” xuất hiện, cả hai ông Trương đều không một lời nào nói qua nói lại về chuyện này nữa, mỗi người chuyên chú đi một con đường riêng của mình. Tuy thế, va chạm thoáng qua này vẫn có thể cho ta thấy lại ít nhiều tính chất phức tạp, chồng chéo của những tranh luận văn chương trong thập niên 30 của thế kỷ XX, mà hiện thể rõ nhất, là sự nhập nhằng giữa quan điểm ý thức hệ và quan điểm nghệ thuật trong các diễn ngôn phê bình. Trương Tửu vốn là người “mê” chủ nghĩa Marx, và trên thực tế ông chính là một trong những người đã góp công đưa lý luận văn nghệ Marxism vào Việt Nam. Bởi thế ông đề cao một thứ văn chương “khỏe”, “tranh đấu”, tức một thứ văn chương mang sức mạnh của một lợi khí trong công cuộc xóa bỏ chế độ phong kiến/ tư sản, đặng thiết lập trật tự xã hội mới, lấy giai cần lao làm chủ nhân ông. Cũng bởi thế, ở những bài đầu tiên viết về Tự lực văn đoàn, năm 1935, Trương Tửu rất ủng hộ tinh thần chống Khổng giáo, chống chế độ đại gia đình và xiển dương chủ nghĩa cá nhân trong “Đoạn tuyệt” của Nhất Linh, trong “Hồn bướm mơ tiên” và “Nửa chừng xuân” của Khái Hưng. Nhưng rồi ông nhận thấy đó cũng là điểm dừng của Tự lực văn đoàn: họ chống phong kiến nhưng không chống tư sản, vì họ chính là tư sản, do đó họ cũng cần phải bị “kết án”. Loạt bài gay gắt Trương Tửu viết năm 1938 – kết án “Lạnh lùng” và “Đời mưa gió” – đã cho thấy sự chuyển hướng trong thái độ đối với Tự lực văn đoàn của ông. (Cho nên không lạ khi sau này, trong tiểu luận “Luân lý tư sản và ảnh hưởng của nó trong văn chương Việt Nam hiện đại”, Trương Tửu sẽ viết: “Nhóm Tự lực là ý thức của luân lý tư sản trong địa hạt văn chương. Nó chống phong kiến để rồi ca tụng các thứ trụy lạc, phóng đãng. Nó thi vị hóa thú tính, thi vị hóa nghề đĩ. Nó phụng sự giai cấp tư sản ở cả tội lỗi. Mượn nghệ thuật văn chương, nó xuyên tạc các tương quan xã hội xác thực… Muốn đánh đổ thứ văn chương tư sản ấy, phải đánh trúng bộ tham mưu của nó là Tự lực văn đoàn”. Thậm chí, dường như tiểu luận này chính là “văn bản gốc”, khởi nguồn cho chuỗi diễn ngôn kết án Tự lực văn đoàn suốt mấy chục năm). Trương Chính chống Trương Tửu chính là chống ở thái độ này, ở quan điểm “nghệ thuật vị nhân sinh” mang tính giai cấp một cách khá cực đoan này. Trên thực tế, khi phê bình tập truyện ngắn “Tối tăm” của Nhất Linh, Trương Chính đã đặt ra một đòi hỏi rất “vị nhân sinh” đối với nghệ thuật và người nghệ sỹ: “Bổn phận của ta là phải soi sáng những óc cổ hủ, ngu dốt… nghệ thuật sẽ là một sự mỉa mai nếu mục đích của nó không phải là nâng cao trình độ sinh hoạt của nhân loại”. Ủng hộ, đề cao thứ văn chương tranh đấu xã hội, song Trương Chính không biến văn chương thành thuần túy tôi mọi cho cái ngoài văn chương, mà ông vẫn tính đếm đến đặc thù và kiểu thức “vị nhân sinh” riêng có của tác phẩm nghệ thuật ngôn từ. Văn chương tranh đấu xã hội không nhất thiết cứ phải tạo dựng cái cảnh huống một bên căm phẫn xông lên hừng hực đè nuốt một bên, mà có thể, nó chỉ cần giúp người ta sống cho ra sống, sống cho đẹp, sống cho thật Người, bằng những vẻ đẹp đa dạng của chữ nghĩa. Bởi thế ông bảo vệ Nhất Linh và Khái Hưng đồng thời với sự xét nét riết róng đến điều trước những non, vụng, thô trong “cái viết” của Thạch Lam (một nhân vật Tự lực văn đoàn), Nguyễn Công Hoan, Lan Khai, Vũ Trọng Phụng, Từ Ngọc v.v… Rõ nhất là khi Trương Chính phê bình tiểu thuyết “Một chiến sỹ” của chính Trương Tửu: “Đành rằng nghệ thuật phải phụng sự nhân sinh, nhưng nghệ thuật phải cho ra hồn nghệ thuật đã. Nếu nghệ thuật kém cỏi thì những tư tưởng rất hay của tác giả cũng không có một ảnh hưởng nào hết”. Có thể nói, với cú đánh trực diện này của nhà phê bình trẻ tuổi Trương Chính, quan điểm “nghệ thuật vị nghệ thuật” đã một lần nữa phản đòn, đã vùng lên để đòi lại quyền tự trị đích đáng cho nghệ thuât. Nhìn suốt cục diện lịch sử phê bình văn chương Việt Nam, vị tất nó đã thua?

     “Hai ông Trương, một Tự lực văn đoàn”, câu chuyện khá nhỏ và mờ nếu đặt trong bối cảnh sinh hoạt phê bình văn chương Việt Nam những năm 1930. Song đọc lại, vẫn thấy ít nhiều dư vị của một thời. Thời mà giói phê bình văn chương Việt Nam không ngại công khai bày tỏ quan điểm, thái độ của mình trước thiên hạ. Thời mà dũng khí trong phê bình không phải là thứ của hiếm.

Tác giả: Hoài Nam
Nguồn Văn nghệ số 23/2021

theo: http://nguoilambaohungyen.vn/news/trang-tho-van/hai-ong-truong-voi-tu-luc-van-doan-3030.html