GS-NGND Hà Minh Đức – Người thầy tài năng, đức độ của nhiều lớp thầy

Giáo sư Hà Minh Đức và tôi sinh hoạt cùng Chi bộ Đảng. Tôi là Bí thư đã dự lễ mừng ông 30 tuổi Đảng lúc ông 80 tuổi. Ở tuổi gần 90 ông chờ mừng 40 tuổi Đảng vào năm 2025. Tôi thường xưng hô với ông là thầy. Ông nói tôi có được dạy anh đâu mà anh gọi tôi là thầy. Tôi trả lời: Trong chi bộ phần lớn các anh chị đều là học trò thầy. Em vui mừng được xưng hô như thế.

Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, Nhà văn lão thành Hà Minh Đức ôn lại truyền thống 75 năm Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

1. Số lượng đi đôi với chất lượng

Khi tôi viết những dòng này thì Giáo sư đã có tới 98 đầu sách. Mấy tháng trước anh Ma Văn Kháng “giật tít” Cuốn thứ 95 của nhà văn Hà Minh Đức (Văn nghệ công an, số 799 ngày 21.3.2024). Nhà văn Tô Hoài (1920-2014) đã cán mức 100 đầu sách, kể cả khi ông đã đi xa. Còn Giáo sư vẫn khỏe, vẫn làm việc dù một bên mắt thị lực chỉ còn 1/10. Sức đọc có hạn chế nhưng sức nghĩ, trí nhớ còn tốt. 100 cuốn là trong tầm tay. Thậm chí hơn. Bởi cuốn thứ 99 Tình yêu, gia đình và duyên phận (sách khảo cứu) sắp ra mắt bạn đọc rồi.

Nhiều sách nghiên cứu của Giáo sư được dư luận đánh giá cao như: C.Mác, Ph. Ănghen, VI Lênin và một số vấn đề lí luận văn nghệ (NXB Sự thật, 1982, 1995, 2000); Cơ sở lí luận báo chí – đặc trưng và phong cách (NXB Đại học, 2000); Văn chương tài năng và phong cách (NXB Khoa học Xã hội, 2001; Văn chương và thời cuộc (tiểu luận văn học), (NXB Khoa học xã hội, 2009)…

Hòa bình lập lại (1954), một số sinh viên các tỉnh được về học khóa đầu Đại học Sư phạm Văn khoa. Tầu hỏa chưa khôi phục được, xe khách cũng chưa có. Chàng trai trẻ từ Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) cứ thế lẽo đẽo đi bộ ra Hà Nội nhập học. Thời ấy chưa phân ra hai khoa tổng hợp và sư phạm nên cứ học chung. Lứa đầu tiên có những sinh viên sau này đều là những tên tuổi đáng kính trong giới học thuật như Nguyễn Đình Chú, Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ…

Các thầy dạy đều là những tên tuổi uyên thâm lừng lẫy: Nguyễn Khánh Toàn, Đặng Thai Mai, Hoàng Xuân Nhị, Hà Huy Giáp, Trần Đức Thảo, Trần Văn Giàu, Trương Tửu, Nguyễn Mạnh Tường… Sau thế hệ các thầy, một số giáo viên cấp 3 có tên tuổi cũng được mời về dạy như: Hoàng Như Mai, Phan Ngọc, Đinh Gia Khánh, Lê Đình Kỵ… Tất cả đều học ở giảng đường 19 Lê Thánh Tông.

Hết khóa học, thi tốt nghiệp xong, nhiều người được giữ ở lại làm cán bộ giảng dạy. Lần đầu lên lớp (năm 1959), lo lắm, sợ nữa. Giáo sư Đặng Thai Mai đến dự lớp và động viên. Dạy xong thầy lại bảo: “Thế là tạm ổn!”. Suốt từ đó, 49 năm sau, công việc chính vẫn là giảng dạy. Dạy sinh viên, nghiên cứu sinh, cả văn học và báo chí. Đã hướng dẫn hơn 20 luận án tiến sĩ. Nhớ lần Giáo sư hướng dẫn thành công một tiến sĩ người Nhật Bản, nhà văn hóa Hasebe Heikichi. Từng kiêm nhiệm Viện trưởng Viện Văn học, Tổng biên tập tạp chí Văn học, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, Ủy viên Hội đồng Giáo dục Quốc gia.

Công việc chính là dạy học, nhưng để dạy được phải đọc. Do đó phải tự học, tự nâng mình lên, tự nghiên cứu. Một công đôi việc, sách là kết quả nghiên cứu, cũng phục vụ trực tiếp cho giảng dạy. Giáo sư đã có tổng cộng 17 đầu sách được giải thưởng. Vậy là vừa có công trình, vừa có công trạng. Chả thế về dạy học, ông được tôn vinh là Nhà giáo Ưu tú, Nhà giáo Nhân dân. Về học hàm được phong Giáo sư. Một quá trình lao động cần mẫn, miệt mài suốt gần nửa thế kỷ xứng đáng được Nhà nước tặng hai tấm Huân chương Lao động hạng ba và hạng nhất. Một người vừa có nhiều công trình, vừa có công trạng như thế xứng đáng được Nhà nước thưởng hai Giải thưởng Nhà nước về cả hai lĩnh vực Khoa học Công nghệ và Văn học Nghệ thuật và cao nhất là Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học Công nghệ.

Ngoài ra có hai giải thưởng của Ban Tuyên giáo Trung ương, hai giải thưởng của Bộ Thông tin và Giáo dục, hai giải của Hội Nhà văn Việt Nam.

                                          Một số tập sách của GS Hà Minh Đức

Giáo sư có 8 công trình nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh về cả sự nghiệp tư tưởng, văn hóa nghệ thuật, sự nghiệp văn và sự nghiệp thơ và đối thoại. Về Nhật ký trong tù, chúng tôi đặc biệt ấn tượng cuốn Nhật ký trong tù – Thiên cẩm nang của cách mạng, cuốn sách giáo khoa của đời sống xã hội (Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2024, khổ 14,5×20,5cm, bìa cứng 160 tr).

Cuốn sách có 10 chương, nhưng lướt qua mục lục ngay đầu sách, tôi “bập” ngay vào chương 2, dù chương nào cũng cần đọc. Nhưng phải đọc nó trước vì vấn đề chương này đặt ra “Phê phán cuốn sách của Lê Hữu Mục, Nhật ký trong tù không phải của Hồ Chí Minh”.

Để phê phán được ông ta, bắt buộc phải nhìn tận mắt, sờ tận tay xem bản thảo gốc. Nhưng điều đó là… không dễ thực hiện được. Đơn giản vì bản thảo này được bảo quản theo một chế độ đặc biệt. Giáo sư đã tìm mọi cách tiếp cận nhưng bất lực. Giám đốc Bảo tàng bảo, phải chờ cơ hội… Dù cơ hội ấy chỉ có một lần. Đấy là khi chuyển báu vật quốc gia ấy đang được bảo quản đặc biệt nghiêm cẩn ở Bảo tàng Cách mạng sang bảo quản đặc biệt nghiêm cẩn ở Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Khi nghe điện thoại trực tiếp từ giám đốc gọi đến, ông vẫn không tin là số mình may mắn đến thế.

Và cũng chỉ được xem trong nửa giờ thôi! Nhờ nửa giờ quý hơn vàng ấy mà ông đã làm được một việc mà không ai có điều kiện làm được là chỉ ra cái vô lý và bịa đặt của tác giả Lê Hữu Mục.

Ông ta cho rằng Bác bị cầm tù với một ông già người Hoa – họ Vương – một tướng cướp lục lâm. Tướng cướp này thường bắt cóc người giàu, buộc gia đình chuộc tiền. Nếu không nghe sẽ nhận được một ngón tay hoặc một cái tai của nạn nhân. Tướng cướp này cũng võ vẽ thơ phú, thích trò chuyện với Bác, nên tập thơ này là sáng tác của chung hai người.

Thứ nhất, phòng giam chỉ có hai người thì việc trò chuyện xã giao bình thường giữa người và người là tự nhiên. Nhưng công việc, cuộc sống, mục đích sống của hai người khác nhau một trời một vực. Dù người này có cho mình là hổ sập bẫy, còn Bác là Rồng sa cơ thì RỒNG và HỔ cũng không có gì để đàm đạo, tâm giao ngang hàng, bình đẳng như hai người cùng chí hướng được. Đã thế thì làm sao có thể cùng làm thơ. Đã là bạn thơ thì tất phải có xướng họa, tung hứng, liên ngâm chứ? Tuyệt đối không!

Thứ hai, hổ là tù hình sự nên chỉ bị nhốt trong một nhà tù thôi. Còn Rồng là “tù chính trị” nên bị giải đi 18 nhà tù trong 388 ngày. Thế nên Bác mới viết nhật ký bằng thơ. Bắt đầu nhập lao Tĩnh Tây ngày 29.8.1942. Ngày được trả tự do là 10.9.1943. Nhật ký bằng thơ không phải là ngày nào cũng viết. Tùy sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần. “Mỗi nhà tù một cảnh ngộ khác biệt, được ghi chép bằng thơ, có địa chỉ, xứ sở, hoàn cảnh và con người” (Hà Minh Đức). Làm sao hổ làm được như thế?

Thứ ba, về số lượng bài. Lê Hữu Mục viết Nhật ký trong tù có 100 bài. Nhưng bản thảo Giáo sư Hà Minh Đức thực mục sở thị có tới 133 bài. Chưa nói, ông ta bảo bìa cuốn bản thảo màu xanh, nhưng sự thật là mầu vàng nhạt.

Bài Phê phán… chỉ có 6 trang, trong đó có dẫn ra 6 bài thơ của Người để minh họa tính chất nhật ký của Nhật ký trong tù nhằm bác lại sự vu cáo của đối tượng. Song, thực sự là tác giả có công lớn trong việc lật tẩy Lê Hữu Mục.

Không biết đã có ai thống kê xem bao nhiêu tác giả đã nghiên cứu về con người, sự nghiệp chính trị, tư tưởng, phong cách, lối sống, lề lối làm việc, thơ (thơ chữ Hán, thơ chữ Việt), văn, kịch, ngôn ngữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh? Cũng có nhiều nhà nghiên cứu đã dẫn ra những lời đối thoại của Người. Nhưng có lẽ GS Hà Minh Đức là người đầu tiên sưu tầm, những câu đối đáp trực tiếp, gián tiếp của Bác với cả thế giới này. Cho nên với tôi, đây là công trình chuyên luận độc đáo, đặc sắc nhất của ông trong: Đối thoại Hồ Chí Minh – với nhân dân, ngoại giao và báo chí (NXB Công an nhân dân, 2020, khổ 14,5×20,5cm, 255 tr). Đài Truyền hình Việt Nam đã trân trọng giới thiệu vào giờ vàng thời sự lúc 19h khi sách vừa ra mắt.

Có ý tưởng khác lạ đã đành. Phải dày công tra cứu 16 đầu sách lớn, trước tiên là bộ sách đồ sộ Hồ Chí Minh toàn tập, (NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật – 2011). Sau mỗi lời thoại, tác giả mạnh dạn đưa ra những lời bình luận cá nhân làm bạn đọc thấy rõ tầm hiểu biết cao xa, rộng, sâu sắc của một bộ óc thông tuệ, sắc sảo, xuất chúng của Người mà một nhà bình luận nước ngoài đã nhận xét: “Hồ Chí Minh tỏa ra nền văn hóa của tương lai”.

Dù cả thế giới, nhất là người Việt Nam đều biết đến đối thoại của Nguyễn Ái Quốc trong Đại hội lần thứ 8 Đảng Xã hội (Pháp) cách đây đã hơn một thế kỷ, ngày 26.12.1920 ở thành phố Tours, khi với tư cách đại biểu xứ Đông Dương phát biểu. Song, người viết bài này cũng vẫn trích dẫn ra để bạn đọc thêm một lần nữa, sung sướng, tự hào về Bác Hồ kính yêu của, không phải chỉ người Việt Nam mà cả nhân loại.

“Ngay khi bắt đầu nói, tôi đã yêu cầu mọi người tuyệt đối im lặng (nhiều tiếng cười). Đảng phải tuyên truyền chủ nghĩa xã hội trong tất cả các nước thuộc địa… Chúng tôi sẽ rất vui mừng nếu Đảng phái một đồng chí của Đảng đến nghiên cứu tại chỗ những vấn đề ở Đông Dương và đề xuất những hoạt động phải tiến hành.”

(một đại biểu): Với đồng chí Ăng ve Pa sa?

Nguyễn Ái Quốc: im đi, phải nghị viện! (vỗ tay).

Chủ tịch: Bây giờ tất cả các đại biểu phải im, kể cả các đại biểu không thuộc phái nghị viện!

Nguyễn Ái Quốc: Nhân danh toàn thể loài người, nhân danh tất cả các đảng viên xã hội, cả phái hữu lẫn phái tả, chúng tôi kêu gọi các đồng chí hãy cứu lấy chúng tôi (vỗ tay).

Chủ tịch: Qua những loạt vỗ tay tán thành, đại biểu Đông Dương có thể thấy rằng, toàn thể Đảng xã hội đều đứng về phía đồng chí, đã phản đối những tội ác của giai cấp tư sản…”

Sau đó 3 ngày, (29.12.1920) Đảng Xã hội tiến hành biểu quyết xem Đảng Xã hội ở lại Quốc tế II hay gia nhập Quốc tế III. Với đa số tuyệt đối, đại biểu tán thành gia nhập Quốc tế III. Ngày 30.12.1920, Nguyễn Ái Quốc cùng những đồng chí của mình trong Đảng Xã hội tuyên bố thành lập Phân bộ Pháp của Quốc tế Cộng sản – nghĩa là Bác Hồ chính là một trong những đảng viên sáng lập ra Đảng cộng sản Pháp. Mười năm sau (3.2.1930), Người mới chủ trì hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sự kiện ấy cả thế giới biết, nhưng đối thoại sau đây thì không nhiều người biết nếu không đọc cuốn Đối thoại Hồ Chí Minh – với nhân dân, ngoại giao và báo chí.

Ngày 10.9.1943, Bác được trả tự do. Hầu Chí Minh – Chủ nhiệm Cục Chính trị đệ tứ chiến khu, đã góp phần đưa Bác Hồ Chí Minh ra khỏi nhà tù của Tưởng Giới Thạch, mở một tiệc nhỏ mừng Bác. Lúc đó Nguyễn Hải Thần – người sáng lập ra Cách mạng đồng minh hội, cũng được mời dự. Ông ta muốn khoe vốn Hán học của mình nên ra vế đối: Hầu Chí Minh  Hồ Chí Minh, lưỡng vị đồng chí, chí giai minh (Hầu Chí Minh, Hồ Chí Minh, hai vị đồng chí, chí đều sáng).

Bác ứng khẩu: Nhĩ cách mệnh, ngã cách mệnh, đại gia cách mệnh, mệnh tất cách! (Anh cách mạng, tôi cách mạng, mọi người cách mạng, mạng phải cách).

Hầu chủ nhiệm ca ngợi Bác: Vế đối rất chỉnh, trên cả tuyệt vời! Nguyễn Hải Thần cung kính bái phục tài trí mẫn tiệp của Người. Chắc còn vì những lẽ khác nên sau này, khi thành lập Chính phủ Lâm thời, Bác có mời Nguyễn Hải Thần (1869-1959) làm cố vấn. Rồi làm Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gần một năm (27/9/1945-1/7/1946). Nhưng thật sự cũng chưa làm được gì thì kháng chiến toàn quốc nổ ra. Ông ta không thể theo kháng chiến nên… tự miễn nhiệm mình.

2. Ấn tượng những chuyến đi

Giảng dạy là nhiệm vụ chính yếu, thường xuyên. Một người như Giáo sư tất nhiên phải được mời đi công tác nước ngoài. Với người Việt Nam bình thường, mỗi chuyến đi là dịp được tham quan, du lịch, hưởng thụ. Với người có học thì những cái đó là phụ. Cái chính là dịp được học hỏi, mở rộng tầm hiểu biết. Có những chuyến đi được giao nhiệm vụ hẳn hoi. Là đối thoại, tranh luận học thuật. GS Hà Minh Đức có 3 chuyến đi Mỹ, 2 chuyến đi Pháp, 2 chuyến đi Nga, đi Trung Quốc và Lào và đi nhiều nước khác. Chuyến đi nào cũng được thể hiện trong những cuốn du ký.

Phải kể đến là chuyến đi năm 1982 ở Đại học Harvard (Mỹ) với cuộc hội thảo quốc tế về đề tài Văn học Việt Nam qua hai cuộc đại chiến thứ nhất và thứ hai. Nước Mỹ đang cấm vận nhưng Đại học Harvard vẫn tổ chức được cuộc hội thảo quốc tế về Việt Nam. Các đại biểu đều bộc lộ thiện cảm với Việt Nam.

Năm 1995 Đại học Davis thuộc bang California (Mỹ) tổ chức hội thảo quốc tế về di sản chiến tranh Việt Nam với chủ đề: Di sản chiến tranh sau 20 năm chiến tranh. Nói về tổn thất trong chiến tranh ông Kriken kiến trúc sư người Mỹ cho rằng người Việt Nam ít tưởng nhớ, tưởng niệm quá khứ vì trên đường phố rất ít tượng đài.

Giáo sư Hà Minh Đức phản bác: “Ông Kriken đã nhầm, là một dân tộc chịu nhiều hy sinh tổn thất để bảo vệ độc lập nên rất biết ơn những người đã khuất bảo vệ đất nước. Tượng đài của chúng tôi không chỉ ở thành phố mà ở ngay trận địa chiến thắng kẻ thù, ngoài ra còn nhiều hình thức tưởng niệm, lập đền thờ các nhân vật anh hùng như Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo. Có nhiều vở chèo, kịch ca ngợi công ơn của cha ông, các bài hát”. Ông Kriken im lặng không trả lời.

Chuyến đi Liên Xô năm 1988, khi Liên Xô và hệ thống các nước xã hội Chủ nghĩa Đông Âu đang bộc lộ những bất cập trong quản trị xã hội, đến bên bờ sụp đổ. Cuộc hội thảo do Hội Nhà văn Liên Xô và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Ông là trưởng đoàn Việt Nam. Các nhà văn Liên Xô phê phán kịch liệt đường lối văn nghệ Mác – Lê nin, cho đó là cản trở cho sự phát triển văn hóa nghệ thuật. Ông và các nhà văn Việt Nam Ma Văn Kháng, Minh Huệ phản biện, bằng dẫn ra ở Việt Nam, không công thức, rập khuôn nên văn học nghệ thuật vẫn phát triển.

Dù là tham gia với tư cách Viện trưởng Viện Văn học, hay thành viên của Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học nghệ thuật Trung ương trong những cuộc họp, trao đổi về học thuật ông vẫn giữ được bản lĩnh của một nhà nghiên cứu đứng vững trên lập trường của chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

            Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn (Tác giả bài viết)

Trong các cuộc hội thảo khó khăn nhất là tranh luận tiếng nước ngoài. Hồi sang thăm Pháp, ở trường Báo chí Lille và trường Đại học Paris 7 ông cũng thỉnh thoảng dùng tiếng Pháp từ ngữ còn hạn chế nhưng giọng điệu tốt.

Trong cuộc tranh luận lần này với nhà văn Ý về đề tài: Giới hạn của văn học. “Nhà văn Ý và tôi đều sử dụng tiếng Pháp qua tranh luận. Trên sân khấu tại nhà văn hóa Pháp L’espace tại phố Tràng Tiền diễn ra cuộc tranh luận một bên là nhà văn Ý một bên là tôi”. Phía dưới hội trường chừng hai trăm người nghe chủ yếu là người Âu.

Về văn học Ý ở Việt Nam, giáo sư Nguyễn Văn Hoàn đã dịch tác phẩm nổi tiếng Thần khúc địa ngục của Dante truy kích đến “cụ tỉ cù ti” tội lỗi của loài người. Khởi đầu nhà văn Ý nói tiếng Pháp chừng bốn mươi phút. Đến lượt giáo sư nói theo một bản chuẩn bị chừng 15 phút và sau đó là trao đổi, tranh luận. Giáo sư nói tiếp và đặt cho nhà văn Ý các câu hỏi văn học Ý có một thời hoàng kim ở giai đoạn Phục hưng, ngày nay có những thành tựu gì mới? Hai là so sánh với văn học Pháp, Anh… ở châu Âu văn học Ý có đặc điểm riêng gì? Không quen phân tích, bình luận nên nhà văn Ý tỏ ra lúng túng nói lan man và kết thúc.

3. Giáo sư Hà Minh Đức – đời thường

Giáo sư Hà Minh Đức và tôi sinh hoạt cùng Chi bộ Đảng. Tôi là Bí thư đã dự lễ mừng ông 30 tuổi Đảng lúc ông 80 tuổi. Ở tuổi gần 90 ông chờ mừng 40 tuổi Đảng vào năm 2025. Tôi thường xưng hô với ông là thầy. Ông nói tôi có được dạy anh đâu mà anh gọi tôi là thầy. Tôi trả lời: Trong chi bộ phần lớn các anh chị đều là học trò thầy. Em vui mừng được xưng hô như thế.

Mùng một Tết. Thốt nhiên Giáo sư gọi điện chúc Tết tôi. Bất ngờ, ngạc nhiên, kêu lên:

– Em xin lỗi! Ai lại có chuyện ngược đời thế này. Thầy gọi điện chúc Tết trò ạ?

– Thì có làm sao, tôi chúc tết Bí thư là đúng chứ!

Tôi chúc sức khỏe thầy “Bách niên giai lão!”. Vì thầy dùng điện thoại thông minh nhưng mắt kém, thao tác hạn chế nên không dùng Zalo chỉ dùng di động nên tôi không nhìn thấy nụ cười, nhưng chắc chắn có cười vì thầy bảo: “Người ta chỉ chúc cô dâu chú rể trong lễ cưới “bách niên giai lão” thôi đấy nhé!”. Lời dạy, nhưng lại là câu dặn dò chứ không phải lên lớp, làm tôi nhớ đời.

Thầy Đặng Thai Mai dặn tôi: đã đặt bút viết cái gì thì câu đầu tiên phải ghi là thời gian năm tháng, câu cuối cùng phải ghi địa điểm xuất xứ.

Ngẫu nhiên, tôi cũng không dùng cà, phê thuốc lá, chè, rượu, bia như thầy. Hỏi tại sao, thầy bảo: “Quê tôi, nhà tôi trồng thuốc lá mà! Hút thử cũng thấy hay hay, thơm thơm nhưng nếu nghiện vào là lôi thôi to. Rượu, bia cũng uống được một chút. Tôi bệnh tim, uống vang đỏ còn tốt kia. Nhưng không nghiện, nghiện thành thói quen thì tất khó bỏ. Người ta sửa chữa khuyết điểm có khi dễ hơn bỏ một nhược điểm, một điểm yếu, một thói quen!”.

Giáo sư cũng không sa đà vào những cuộc trao đổi thời sự với bạn bè vì thiếu thông tin đã đành. Ông chỉ tin vào những thông tin chính thống, chính thức. Quỹ thời gian của mình có hạn, nên dùng vào việc gì mình cho là cần thiết, hữu ích. Nhất là bây giờ, nhiều cái thay đổi đến chóng mặt. Rất khó minh định đúng sai.

Tầm hiểu biết của ông thì nể phục rồi. Tôi còn cực kỳ nể phục khả năng diễn đạt của thầy. Nói vo, không cần nhìn bản viết. Không được trực tiếp nghe lên lớp, nhưng những lần nghe thầy thuyết trình trong những cuộc hội thảo ở Hội Nhà văn Việt Nam thì phải khẳng định kiến văn của thầy hệ thống, sâu sắc, chắc chắn. Vốn từ vựng phong phú, sử dụng linh hoạt, chính xác không có tình trạng vừa nói vừa nghĩ, vừa chọn từ phù hợp. Dàn ý đã có trong đầu, cứ thế chủ động tuôn ra, không nhanh, không chậm, từ tốn, điềm đạm, hấp dẫn.

Ngày kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại Nhà Hát lớn Hà Nội. Ông nói vắn tắt về lịch sử phát triển của Liên hiệp lại điểm xuyết chân dung của mấy nhà văn tiêu biểu trong hơn 20 phút liền. Cả nhà hát im phăng phắc nghe như nuốt từng lời. Có mấy lần tiếng vỗ tay rào lên ngắt quãng, trong đó có lần ông đọc xong bốn câu đầu bài Tống biệt hành của nhà thơ liệt sĩ Thâm Tâm:

Đưa người ta không đưa qua sông,

Sao có tiếng sóng ở trong lòng?

Bóng chiều không thắm, không vàng vọt,

Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – từng là sinh viên của ông lên phát biểu, cảm ơn có câu: “Thầy tôi nói không thừa, không thiếu một từ nào. Không sai một dấu chấm dấu phẩy nào!”.

Cả nhà hát lại dào tiếng vỗ tay, hoan nghênh cả ý kiến của Tổng Bí thư và hoan nghênh cả Giáo sư.

NGUYỄN BẮC SƠN/ VHNT

Theo nguồn: https://vanvn.vn/gs-ngnd-ha-minh-duc-nguoi-thay-tai-nang-duc-do-cua-nhieu-lop-thay/