Trong giới nghiên cứu phê bình văn học, Giáo sư Trần Đăng Suyền là một trong những nhà khoa học văn chương đích thực. Ông là chuyên gia về văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến 1945.
Ông nhận Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ lĩnh vực Văn học, đợt 6 (năm 2021) với cụm công trình Chủ nghĩa hiện thực và cá tính sáng tạo nhà văn gồm ba công trình: Chủ nghĩa hiện thực Nam Cao; Nhà văn, hiện thực đời sống và cá tính sáng tạo; Chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX; Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2019 với tác phẩm Tư tưởng và phong cách nhà văn – Những vấn đề lý luận và thực tiễn đã cho thấy biên độ rộng lớn trong nghiên cứu phê bình, nhất là các vấn đề lý luận cơ bản, tầm quan trọng của thực tiễn sáng tạo của nhà văn, giá trị của chủ nghĩa hiện thực trong văn học, các tác giả lớn, tiêu biểu của chủ nghĩa hiện thực. Đây cũng là những đóng góp mang tính tổng kết hết sức quan trọng của Giáo sư Trần Đăng Suyền với văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến 1945.
Tôi đã có nhiều cuộc làm việc cũng như tham gia các Hội thảo khoa học cùng với Giáo sư Trần Đăng Suyền do Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức. Thường là ở đấy, chúng tôi đều được mời phát biểu và thường nói thẳng, đôi chỗ là gay gắt nhưng đều bằng cái tâm trong sáng và nền tảng kiến thức của mình. Mấy hôm trước, khi tham dự tọa đàm, ra mắt sách của Phó Giáo sư Trần Thị Trâm và nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Minh Bắc, Giáo sư Trần Đăng Suyền đã có phát biểu đề dẫn rất hay. Ông nói về những đóng góp của giới phê bình văn học nghệ thuật với những công việc đặc thù và thành tựu của nó. Những đóng góp lặng thầm, thống kê công phu, tỉ mỉ, khoa học; những phát hiện và tổng kết về thành quả lao động sáng tạo của các văn nghệ sĩ chính là trí tuệ và nhiệt huyết của người làm công tác phê bình. Ông rất hiểu, để có được cuốn sách Nhớ người cầm lá diêu bông viết về nhà thơ Hoàng Cầm sâu sắc và gợi mở như Nguyễn Thị Minh Bắc thật không dễ dàng. Xưa nay, ở Việt Nam ta, rất ít cuốn sách chuyên biệt về một tác giả như vậy.
Đối với Giáo sư Trần Đăng Suyền, việc nghiên cứu các tác phẩm văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến 1945 là công việc cả đời của ông. Trần Đăng Suyền vừa là một nhà văn vừa là một nhà giáo với bốn mươi năm đứng trên bục giảng say mê, liên tục đã cho ông vô vàn kinh nghiệm từ đời sống, từ các tác phẩm của nhà văn, và cả từ sinh viên nhiều thế hệ. Trần Đăng Suyền có nhiều chuyên luận đã trở thành mẫu mực để sinh viên tiếp nhận và trích dẫn trong các luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ về các tác phẩm của Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Nam Cao, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Ma Văn Kháng, Phạm Tiến Duật … đã cho thấy sự phong phú, công phu, nghiêm túc của một nhà khoa học văn chương.
Một hôm, tôi đã rất ngạc nhiên trong buổi bảo vệ luận văn thạc sĩ tại Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội của nghiên cứu sinh Lại Ngọc Anh Thư mà người hướng dẫn là Phó Giáo sư – Tiến sĩ Đặng Thu Thủy. Là tác giả của bộ tiểu thuyết lịch sử Vương triều tiền Lý mà bạn học viên lựa chọn, tôi đến dự và thấy được tính nghiêm túc, chặt chẽ, khoa học nhưng hết sức nhân văn của các vị giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ tham gia phản biện luận văn. Tôi càng thấy được sức đọc rất rộng của các thầy cô, nhất là Giáo sư Trần Đăng Suyền. Ông không những đọc các tác phẩm tiểu thuyết lịch sử của tôi mà còn đọc rộng ra nhiều tác giả trong nước và thế giới để so sánh, đối chiếu, tìm tòi những chi tiết hay, chỉ ra những thiếu khuyết của không chỉ luận văn mà là cả tác phẩm trong luận văn. Quả là bể học vô cùng, song những điều mà Giáo sư Trần Đăng Suyền chỉ ra ấy chính là bài học rất quý giá đối với tôi.
Giáo sư Trần Đăng Suyền là một người rất ham viết, luôn mong muốn được đóng góp những nghiên cứu của mình với tác phẩm của các nhà văn. Thật may mắn khi tôi biên soạn và xuất bản cuốn sách Nhà văn Lê Lựu, văn chương và số phận đã được Giáo sư Trần Đăng Suyền cung cấp một bài viết rất hay và rất đời về Lê Lựu. Ông khẳng định: “Nếu trước chúng ta là một nghệ sĩ đích thực, một nhà văn tiêu biểu của thời đại thì trong tác phẩm, ông ta phải đặt ra được những vấn đề không chỉ có tầm cỡ thời đại mà còn có ý nghĩa lâu dài đối với lịch sử văn học dân tộc. Lê Lựu là một trong những nhà văn như thế của thời đại chúng ta. Lê Lựu đã góp vào một tiếng nói riêng, một cách nhìn riêng đặc biệt”.
Trong bài viết dài gần 10.000 chữ ấy, Trần Đăng Suyền đã cho thấy không chỉ sức bút trầm hậu mà chính là tấm lòng trắc ẩn, trái tim nóng ấm của nhà nghiên cứu dành cho nhà văn. Ông viết nghiên cứu phê bình mà văn chương thấm đẫm. Từng câu, từng chữ luân chuyển trùng trùng mà hết sức phong quang, mạch lạc. Những trang viết của Giáo sư Trần Đăng Suyền đều luôn gắn bó mật thiết với các nhà văn, các tác phẩm văn chương. Từ những nhân vật cụ thể trong mỗi tác phẩm văn chương, như trong Thời xa vắng, Trần Đăng Suyền khẳng định con người cá nhân, thân phận con người đã trở thành cái đích hướng tới của ngòi bút nhà văn. Lịch sử trở thành bối cảnh để làm nổi bật tính cách, số phận của con người. Thấy được điều đó, quả là sự thấu hiểu đến tận cùng nhà văn và tác phẩm của nhà văn của Giáo sư Trần Đăng Suyền.
Giáo sư Trần Đăng Suyền là một nhà khoa học văn chương, công việc nghiên cứu của ông diễn ra hết sức tự nhiên, thanh thoát. Các chuyên luận của ông trước tiên là một công trình khoa học, song ở đó, các nguyên tắc khoa học chưa bao giờ trở thành khuôn sáo, khô cứng, giáo điều, mà chính là đã hòa quện ẩn tàng trong từng con chữ. Mỗi câu trong bài viết lý luận phê bình của Trần Đăng Suyền trước tiên và cùng hết đều là những câu văn cứng cựa, mẩy mang. Bởi vậy, đọc các bài viết của ông thường rất thú vị. Có khi ông phê phán, chỉ rõ những lỗ hổng về kiến thức, về ngôn ngữ trong tác phẩm của nhà văn sát sạt, nhưng ta đều thấy được sự chân thành vị nghệ thuật, vị nhân sinh và nhất là sự cung cấp kiến thức sâu rộng để từ đó chúng ta có những tác phẩm xuất sắc hơn trong đời sống văn học.
Giáo sư Trần Đăng Suyền trong công trình Chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX đã khẳng định những thành tựu của các nhà văn tiêu biểu một cách khoa học cũng là định vị, định danh công bằng, chuẩn mực về những đóng góp của các nhà văn thời kỳ này. Trong nền văn học dân tộc, văn xuôi quốc ngữ nửa đầu thế kỷ hai mươi có một vị trí đặc biệt quan trọng, nó chính là bước khởi đầu cũng chính là nền tảng để thế hệ các nhà văn có tác phẩm tiếp theo đó có những động lực để bước tiếp.
Nhà phê bình Tôn Phương Lan nhận xét về Giáo sư Trần Đăng Suyền rất tinh tế: “Lặng lẽ, khiêm nhường, anh vừa có ý thức thâm canh trên khu vườn vốn đã chi chít dấu chân nhưng cũng là nơi đưa lại cho anh những thành tựu – giai đoạn văn học 1930-1945, anh vừa hướng đến miền đất mới – văn học đương đại – nơi cũng có bao điều kỳ thú, mới lạ. Và bập vào cái hiện tại đầy biến động, sôi nổi, ngòi bút của anh khơi tìm từ văn phẩm những vẻ đẹp lấp lánh của lao động sáng tạo. Người đọc có thể bắt gặp ở đây kiến văn rộng, sự cẩn thận của một người làm nghiên cứu, sự tinh tế của một người đọc có cảm thụ, có kinh nghiệm khi nhập vào thế giới nghệ thuật của nhà văn và ý thức tìm đến cách tiếp cận tác phẩm văn chương dễ vào, dễ hiểu để mở rộng đối tượng sử dụng”.
Giáo sư Trần Đăng Suyền với trái tim và trí tuệ của mình từng bước, từng chặng đã có những đóng góp lớn trong nghiên cứu văn học. Thế hệ đồng thời với ông, thế hệ kế cận và các học trò của ông đều tìm thấy sự tin cậy, nguồn kiến thức từ các công trình của Giáo sư. Đối với giới sáng tác, nhất là các nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử trong đó có tôi đã tìm thấy ở ông một người đồng hành tin cậy, luôn chia sẻ và tin tưởng ngòi bút của mình trong bước đường văn chương thăm thẳm.
Giáo sư Trần Đăng Suyền chắc chắn ở chặng đường phía trước sẽ còn có những đóng góp thiết thực cho văn học và nghiên cứu văn học, một lĩnh vực đòi hỏi rất nhiều về tài năng và nhân cách.
PHÙNG VĂN KHAI
Nguồn Vanvn.vn