Đoàn Văn Cừ – Thơ cùng người như hoa mộc vườn xuân

“Trong các nhà thơ đồng quê, không ai có ngòi bút dồi dào mà rực rỡ như Đoàn Văn Cừ”. Đó là lời nhận xét cũng là lời ngợi khen của nhà văn Hoài Thanh khi chọn Đoàn Văn Cừ là một trong 46 nhà thơ tiêu biểu của nước ta nửa đầu thế kỷ XX, được tập hợp trong cuốn sách “Thi nhân Việt Nam” xuất bản lần đầu tiên vào năm 1941.

Chân dung nhà văn Đoàn Văn Cừ.

Nhà thơ Đoàn Văn Cừ sinh ngày 25-11-1913(*) trong một gia đình trung lưu ở làng Đô Quan (xã Nam Lợi, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Hồi nhỏ ông được tiếp thu văn học Hán – Nôm và văn chương Pháp ngữ. Lớn lên trở thành anh giáo làng, rồi tham gia phong trào công nhân ở nhà máy sợi Nam Định. Sau Cách mạng Tháng Tám Đoàn Văn Cừ tham gia nhiều công tác kháng chiến như đại biểu HĐND tỉnh Nam Định nhiệm kỳ 1946-1948, sau đó ông đi bộ đội làm tuyên truyền phiên dịch. Khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng Đoàn Văn Cừ về công tác một số năm tại Nhà xuất bản Phổ thông (Bộ Văn hóa). Khi về ở hẳn quê, ông được địa phương tín nhiệm giới thiệu làm thành viên Mặt trận Tổ quốc huyện Nam Ninh (tỉnh Nam Hà cũ) suốt gần 20 năm.

***

Nhắc tới Đoàn Văn Cừ là nói tới sự nghiệp lao động sáng tạo thơ của ông trong suốt hơn 60 năm cầm bút với hàng chục tập thơ, thơ dịch và câu đối. Cả cuộc đời Đoàn Văn Cừ luôn tâm đắc một điều là phụng thờ Tổ quốc, phụng thờ thơ:

Trang thơ góp một đường cày

Nước non gieo hạt mong ngày nở hoa.

Nhắc tới thơ Đoàn Văn Cừ mọi người nhớ nhất là bài thơ “Chợ Tết”. Đây là bài thơ đầu tiên của ông xuất hiện trên Báo Ngày Nay của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, vào dịp Tết Kỷ Mão 1939.

Ngày ấy một người viết trẻ chưa có tên tuổi, ở một vùng quê xa lắc xa lơ nào đó, có một bài thơ dài in vào dịp tết, được coi như một hiện tượng, gây xôn xao trong giới cầm bút.

“Chợ Tết” là một bài thơ tả cảnh chợ tết ở một vùng quê thật sinh động, nhộn nhịp, lung linh và giàu màu sắc: “Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon/Vài cụ già chống gậy bước lom khom/Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ”… Ta như thấy Đoàn Văn Cừ lẫn trong đoàn người đi chợ, không mua bán gì, chỉ đi từ góc chợ này đến góc chợ khác mà quan sát, mà cảm nhận “Những mẹt cam đỏ chót tự son pha/ Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết/ Con gà sống mào thâm như cục tiết/ Một người mua cầm cẳng dốc lên xem”. Nhưng chợ tết phải có nét riêng của nó: “Một thầy phán gò lưng trên cánh phản/ Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân/ Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm/ Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ”. Cũng vẫn những làng quê nghèo khó ấy, cũng những người dân quê chân chất hiền lành ấy… Dưới mắt nhìn tươi mới của Đoàn Văn Cừ, nó lung linh bảy sắc cầu vồng, vợi đi bao cảnh nghèo túng lầm than vốn có từ xưa. Đoàn Văn Cừ như một họa sĩ, một nhiếp ảnh gia, đã đưa nông thôn đồng bằng Bắc Bộ vào thơ một cách khéo léo tài tình, nó khác hẳn với những cùng cực gian nan, bất ổn qua các tác phẩm của các nhà văn Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan viết về làng quê thời đó.

Đoàn Văn Cừ không chỉ có thơ tả thực về làng cảnh nông thôn Việt Nam với những sắc màu rực rỡ xanh đỏ tím vàng… mà hồn thơ ông khá bay bổng, đọc những bài thơ tình ông viết ta thấy tâm hồn nghệ sĩ trong ông không bao giờ ngủ yên, nếu có dịp là nó tuôn trào ra trên đầu ngọn bút. Đoàn Văn Cừ kể lại vào khoảng năm 1971 ông được mời đi giao lưu thơ ở một trường học (thuộc huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định). Tại đây ông có đọc bài thơ “Lá thắm” viết tặng bạn gái từ mấy chục năm trước: “Em cứ lại bao giờ tôi cũng có /Thảm cỏ nhung êm ái để em ngồi/ Mặt gương hồ trong suốt để em soi/ Lược trăng bạc yêu kiều trên mái tóc” rồi kết lại bài thơ bằng hai câu rất gợi: “Cảnh dân dã quê mình như thế đó/ Khi yêu rồi đâu cũng đẹp như tranh”. Cảm kích trước cái đẹp, cái tình của bài thơ và người làm thơ, thời gian sau ông nhận được một phong thư của cô giáo đến nghe ông đọc thơ hôm nào, gửi mừng thọ ông bằng hai câu thơ rất hóm:

Thi nhân đã tám mươi xuân

Đọc thơ “Lá thắm” tưởng nhầm đương trai

Đến khi vào độ tuổi gần 80, Đoàn Văn Cừ lại xuất thần viết lên những vần thơ đa tình, mộng mị, thổn thức nỗi lòng mình:

Lòng ơi sao lạ thế lòng

Bỗng dưng đi nhớ người không nhớ mình

Tuổi xuân quên hết dáng hình

Trăm thương ngàn nhớ cũng đành phụ nhau.

(Bài Tiếng lòng)

Với cả đời lao động sáng tạo thơ Đoàn Văn Cừ đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt 1 năm 2001.

***

Người ta thường nói: Phía sau sự thành công của người đàn ông, bao giờ cũng có bóng dáng của người phụ nữ. Với Đoàn Văn Cừ cũng không là một ngoại lệ: đó là Nguyễn Thị Miều – người vợ tào khang của nhà thơ, cùng ông đi hết cuộc đời.

Nhớ lại một lần về thăm “Thảo lư – sông Ngọc” của cố nhà thơ Đoàn Văn Cừ, chúng tôi gặp cụ Miều trong chính ngôi nhà các cụ đã sinh sống bên nhau mấy chục năm qua. Gặp chúng tôi cụ vui lắm “Đã lâu mới có bạn văn chương của ông tôi tới thăm”. Cụ mời chúng tôi ngồi xuống chiếc chõng tre đặt ngoài sân, cạnh vườn hồng xiêm, bên khóm hoa hồng, hoa mộc… do chính nhà thơ trồng trước đây, giờ vẫn rủ bóng mát, tỏa hương thơm lặng lẽ. Cụ bảo “Các con, các cháu cũng muốn đón tôi lên ở với chúng cho có bà có cháu, nhưng ngày ngày lấy ai thay chén nước sạch, dâng bông hoa tươi lên bàn thờ ông tôi được, thế là con cháu cũng chiều theo ý mẹ, ý bà”.

Chuyện vui thăm hỏi lại tập trung vào thời trai trẻ của Đoàn Văn Cừ. Cụ Miều kể: “Chúng tôi yêu nhau từ khi mới 15-16 tuổi cơ. Khi biết chúng tôi phải lòng nhau, thì gia đình hai bên cấm cản vì không môn đăng hộ đối. Ngày đó cha mẹ đặt đâu con cái ngồi đó, đố ai dám trái ý các cụ. Thế là anh đi lấy vợ, tôi đi lấy chồng, yên bề gia thất, mối tình ấy đành chôn chặt trong lòng. Mấy năm sau, sau khi sinh đứa con gái đầu lòng, không may vợ ông mất và người chồng của tôi cũng bị bạo bệnh mà qua đời. Trời xui đất khiến thế nào, sau khi mãn tang, chúng tôi rổ rá cạp lại với nhau. Ông đi bộ đội rồi công tác xa nhà ngần ấy năm, hai bàn tay tôi chăm nuôi, dạy dỗ 5 đứa con cả con chung lẫn con riêng, rồi học hành, công ăn việc làm, dựng vợ gả chồng khắp lượt… Những tưởng cuối đời vợ chồng già được sống bên nhau, nào ngờ ông bỏ lại tôi, theo cánh hạc bay đi mãi mãi…”.

Để xua tan không khí trầm lắng ấy, tôi hỏi cụ Miều: “Cả đời thơ của mình, cụ ông có lần nào tặng riêng thơ cho cụ bà không?”. “Có đấy, mà những 3 lần cơ”. Lần đầu là khi mới yêu nhau, ông tặng tôi bài thơ có tên: “Gái quê” – sau này đưa vào tuyển tập ông đổi thành “Hương đồng gió nội” – tặng M. Nhiều năm sống bên nhau ông có bài thơ “Tặng vợ thân thương”. Đến cuối đời, ông còn tặng tôi đôi câu đối: “Tóc bạc lòng son, nuôi con trọn tình mẫu tử/Gan vàng dạ sắt, thờ chồng chọn nghĩa phu thê”. Tôi tò mò hỏi nhỏ cụ Miều: “Hồi trẻ, nhà thơ có tặng thơ cho ai nữa không?”. “Ai mến thơ ông thì ông tặng, còn nọ kia kia nọ thì không”. Rồi cụ bảo thơ ông viết: “Nguyện sống bên em đến bạc đầu, thế mà khi đã ngoài 90 xuân tóc ông vẫn còn xanh lắm”.

***

Nhà thơ đồng quê Đoàn Văn Cừ của chúng ta là như thế đó, cứ bình lặng sống, bình lặng viết để dâng hiến cho thơ, cho đời. Thơ ông chính là cuộc đời ông, như những bông hoa mộc ngoài vườn kia, cứ lặng lẽ tỏa hương, có đến gần mới cảm hết được.

Thơ ông vẫn hiển hiện đâu đây trong mỗi chúng ta, trong phiên chợ tết và trên mỗi chặng đường xuân./.

ĐỖ PHÚ NHUẬN

Báo Nam Định ngày 29.12.2022