Nhà văn Nguyễn Xuân Đức ra đi để lại cho chúng ta một gia tài đồ sộ về văn học nghệ thuật.
Ra đi trong sự tiếc thương vô hạn của người dân Quảng Trị nói riêng và những người yêu văn thơ trên toàn quốc nói chung ngày 20/6/2020, tác giả tiểu thuyết lớn “Người không mang họ” để lại cho nền văn học nghệ thuật nước nhà nhiều áng văn có giá trị nghệ thuật lớn, đoạt nhiều giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam, giải thưởng Hội nghệ sỹ sân khấu…
Ông còn là một người chiến sỹ, người đồng đội anh dũng ghi công trong nhiều cuộc chiến trận chống giặc cứu nước.
Chiến sỹ dũng cảm Xuân Đức trong lòng đồng chí đồng đội
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Quảng Trị thời chiến tranh khốc liệt đầy bom đạn, nhà văn Xuân Đức không chỉ cùng đất nước chống giặc trên mặt trận văn chương mà còn mang trong mình kỹ năng tác chiến với địch trên toàn chiến tuyến.
Những năm 1978, ông cùng nhiều văn nghệ sỹ tham gia vào chiến trận với Campuchia với tinh thần cùng dân quyết đấu mãnh liệt.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ những kỉ niệm trên chiến trường: “Tháng 10 năm 1978, khi chúng tôi sà vào ổ phục kích của địch, địch bắn rất rát.
Hồi đó, chỉ có Xuân Đức là người đã qua chiến trận, tôi chỉ mới là lính vào 2 năm thôi, anh em đa phần là lính hậu cần nên chưa có kinh nghiệm chiến đấu.
Nhưng Xuân Đức rất giỏi, chỉ có nghe tiếng đạn nổ đã đoán ra được đây là lính không thiện chiến, cho nên anh bò đến từng vị trí một và nói với cả quân rằng hãy chờ mệnh lệnh của anh, hô mệnh lệnh xúc kích giúp cả anh em nằm bò ăn toàn trên xe ra khỏi vùng nguy hiểm.
Có thể nói là chúng tôi thoát được cái chết trong tít tắc nhờ sự chỉ huy của Xuân Đức thời điểm đó”.
“Người nghệ sỹ cũng là người chiến sỹ”. Chính những sự khắc nghiệt mà Quảng Trị mang đến đã tạo nên một người chiến sỹ vạm vỡ, kiên cường cùng quân ta vượt qua nhiều chông gai thử thách trên sa trường.
Mang trong mình bản chất người lính, hình ảnh nhà văn Xuân Đức trong mắt đồng nghiệp đã không còn đơn thuần là người vẽ lên những bầu trời văn chương, mà ở đó còn là một khát khao yêu say đắm sự tự do.
Có lẽ vùng đất cằn cỗi, khó khăn Vĩnh Linh, Quảng Trị đã mang đến cho người chiến sỹ, nghệ sỹ này một động lực lớn lao ở lại phát triển và gắn bó với quê hương.
Toả sáng từ những câu chữ chân thực đời thường
Nhà văn Nguyễn Xuân Đức cùng hình bóng tướng cướp Trương Sỏi lang thang giữa dòng đời trong tác phẩm “Người không mang họ” hay hình ảnh Đọt với những hàm oan thời chiến trong tiểu thuyết “Bến đò xưa lặng lẽ” chắc hẳn không còn xa lạ trong bất cứ ai yêu văn học nghệ thuật Việt Nam.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ trong sự xúc động: “Hiếm có tác phẩm nào được trao giải của Hội nhà văn ngay khi vừa mới đi được một nửa chặng đường câu chuyện như vậy, đó là tác phẩm Cửa gió của anh Xuân Đức năm 1982.
Sau đó là đến loạt bài như: Những mảnh làng; Kịch bản Cuộc chơi; Chuyến tàu tốc hành trong đêm”.
Dù được mời chào từ nhiều đơn vị lớn của Hội nhà văn trên cả nước, nhưng nhà văn Xuân Đức vẫn bám trụ trên mảnh đất Quảng Trị – nơi mà ông cho rằng chỉ duy có truyền thống chống giặc anh hùng và kiên cường luôn là mãi mãi.
Cũng có thể chính vì lẽ đó mà ngôn từ trong tác phẩm văn chương của ông luôn mang đậm nét đời thường, cảm xúc ông mang đến cho người đọc, người xem là cảm giác được trải nghiệm, được chìm đắm và đồng cảm với từng cung bậc mà nhân vật của ông đi qua.
Như một tài năng bẩm sinh cộng với sự đam mê, nhiệt tình sáng tạo mà cuối đời nhà văn Xuân Đức vẫn còn ấp ủ 2 vở diễn cho Đoàn nghệ thuật Tổng Cục Chính Trị Quân Đội Nhân Dân Việt Nam, ca kịch Huế đang dàn dựng kịch bản chưa hoàn thành.
“Một tài năng lớn như nhà văn Xuân Đức để lại cho chúng ta một gia tài đồ sộ về văn học nghệ thuật. Sự ra đi của anh để lại nỗi buồn lớn của văn nghệ sỹ Quảng Trị nói chung.
Còn lâu lắm, ở Quảng Trị mới xuất hiện một tài năng lớn như thế, chúng tôi hết sức trân trọng tài năng và lòng đam mê nghệ thuật của anh” – Ông Nguyễn Văn Dùng – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị chia sẻ.