Cuộc đời gập ghềnh của nhà thơ “Tây Tiến” Quang Dũng

Vanvn-  Nhà thơ Quang Dũng, tác giả của những bài thơ “Tây Tiến”, “Đôi mắt người Sơn Tây”… trong ký ức của cô con gái Bùi Phương Thảo là một người cha tài hoa, lãng tử nhưng lại không may mắn trong cuộc sống. Những trắc trở, gập ghềnh trong sự nghiệp văn chương và trong đời sống có lẽ cũng đến từ tính cách của một nghệ sĩ yêu núi rừng, bàn quan trước danh lợi, vật chất.

Quang Dũng có 5 người con, 3 trai, 2 gái. Vợ ông làm nghề đan len thu nhập không đáng kể. Cả gia đình trông vào đồng lương của nhà thơ trong vai trò biên tập viên Nhà xuất bản Văn học. Gia đình ông từng chuyển nhiều địa điểm như thuê nhà ở 91 phố Lý Thường Kiệt rồi đổi nhà xuống 296 phố Bà Triệu và sau cùng là về khu tập thể Nguyễn Công Trứ.

Gia đình nhà thơ Quang Dũng

Trong thời gian khó khăn do chiến tranh và bao cấp của đất nước, gia đình ông đã gồng mình lên để vượt qua. Với 7 miệng ăn mà thu nhập chỉ có đồng lương công chức “ba cọc ba đồng”, gia cảnh của nhà thơ chỉ những đứa con ông là người thấm thía hơn ai hết. Nhưng nhà thơ lại may mắn khi có những đứa con ngoan ngoãn, biết thương bố mẹ. Đến lúc cậu con trai lớn đi học Đại học Lâm nghiệp và cậu con trai thứ 2 đi làm, cả gia đình mới vơi đi gánh nặng để tập trung nhiều hơn cho 3 người con còn lại. Nhưng cô con gái lớn sau khi tốt nghiệp sư phạm đã không đủ tiêu chuẩn được vào biên chế vì căn bệnh tim.

Chị đã xin vào dạy học ở khu kinh tế mới ở Hà Nội trong Lâm Đồng và nhà thơ Quang Dũng đã theo chân con gái vào miền đất mới. Lúc này, ông đã xin nghỉ hưu sớm tại nhà xuất bản Văn học và tại đây, sức khỏe của ông có phần giảm sút với những biểu hiện của bệnh tai biến. Nhưng ngày đó, mọi người hầu như không biết và không để ý đến những triệu chứng này nên khi nhà thơ trở ra Hà Nội, ông đã bị đột qụy và nằm điều trị tại Bệnh viện E, tiêu chuẩn dành cho công chức bình thường (1984). Và năm 1988, nhà thơ đã vĩnh biệt cõi tạm với đám tang giản dị diễn ra tại nhà xuất bản Văn học (51 phố Trần Hưng Đạo) .

Chị Bùi Phương Thảo-con gái út của nhà thơ chia sẻ: Cha chị- nhà thơ Quang Dũng bên cạnh lĩnh vực thơ rất nổi tiếng, ông còn vẽ tranh khá đẹp. Những năm tháng gắn bó với đoàn binh Tây Tiến, gắn bó với bản làng, rừng núi hùng vĩ và “ăn cùng”, “ngủ cùng” bà con dân tộc khiến cho nhà thơ luôn đau đáu về mảnh đất này. Trong tranh, ông vẽ nhiều phong cảnh, đặc biệt là cảnh cây cối, rừng, núi. Ông yêu rừng như yêu chính bản thân mình. Lý do ông cho cậu con trai cả theo học Đại học Lâm nghiệp cũng là muốn sau này, cậu sẽ mang sức mình đóng góp và gây dựng rừng vàng cho đất nước. Quang Dũng vẽ không theo bản năng. Ông từng theo học một lớp mỹ thuật đào tạo từ xa do Pháp tổ chức.

Trong ký ức của mình, cô con gái út Bùi Phương Thảo vẫn nhớ mãi hộp màu nước vô cùng quý giá đối với cha vì phải chắt chiu, dành dụm bao ngày ông mới mua được, đã bị lũ sông Hồng năm 1984 dâng cao đột ngột, cuốn trôi ra khỏi căn hộ tập thể Nguyễn Công Trứ (căn hộ ở tầng 1). Hộp màu nước trôi mất đã mang theo bao yêu thích và hứng thú của nhà thơ Quang Dũng. Phải nói thêm rằng, do gia cảnh nghèo khó nên Quang Dũng vẽ tranh trên nhiều chất liệu như giấy báo, giấy học sinh. Nhà sưu tầm Trần Lâm (Lâm cà phê) đã tới nhà của nhà thơ Quang Dũng để sưu tầm tranh, ông được gia đình tặng 2 bức tranh làm kỷ niệm.

Quang Dũng vẽ nhiều. Tranh vẽ ra hay đem đi tặng. Chính vì thế, những bức tranh được tập hợp trong cuốn sách vừa ra mắt “Nhà thơ Quang Dũng – Người mang trong trắng đi tìm thanh cao” nói về một Quang Dũng họa sĩ, là những bức tranh được gia đình lưu giữ và một vài bức gia đình được bạn ông tặng lại. Quang Dũng thích phiêu bạt và lãng tử. Ông vẽ cũng chỉ là một cách thỏa mãn ham thích của mình về những chuyến đi và tình yêu với thiên nhiên. Có lẽ bản tính nghệ sĩ đã khiến cho ông sống có phần “phớt đời”, không quan tâm tới những danh lợi vật chất và sự nổi tiếng của mình.

Một bức tranh phong cảnh của nhà thơ Quang Dũng

Sau bài thơ Tây Tiến với những nhận xét về tư tưởng tiểu tư sản len lỏi trong tác phẩm, theo con gái út của nhà thơ, sự nghiệp văn chương của ông có chững lại. Cho dù sau này, hậu thế đã nhìn nhận đúng đắn về những vần thơ ấy nhưng cuộc đời ông đã không gặp suôn sẻ từ những quy chụp không đáng có. Ông xin về hưu sớm có lẽ một phần bản tính lãng tử muốn đi đây đó, muốn được tự do làm việc mình thích.

Dù sở hữu tình cách lãng tử nhưng chị Phương Thảo lại khẳng định, nhà thơ Quang Dũng là người chung tình, người vợ tần tảo của ông đã trở thành nguồn cảm hứng trong khá nhiều sáng tác của nhà thơ. Năm 2021 sẽ tròn 100 năm ngày sinh nhà thơ Quang Dũng, chắc sẽ có một vài hoạt động để tưởng nhớ và tri ân nhà thơ “Tây Tiến” với nhiều bài thơ đi cùng năm tháng. Chị Phương Thảo tiết lộ, sẽ có thêm một cuốn sách tuyển những bài viết về nhà thơ Quang Dũng để độc giả hiểu rõ hơn về con người và tâm hồn nghệ sĩ “Đôi mắt người Sơn Tây”.

THANH XUÂN – NGUYỄN HÒA/ANTD

Nguồn: https://vanvn.vn/cuoc-doi-gap-ghenh-cua-nha-tho-tay-tien-quang-dung/