Nhà văn Hồ Phương tên thật Nguyễn Thế Xương sinh năm 1930. Quê quán thị xã Hà Đông. Là thiếu tướng, Phó Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ quân đội, Tổng biên tập tạp chí Diễn đàn văn nghệ. Có trên 50 tác phẩm truyện ngắn và tiểu thuyết. Giải thưởng báo Văn Nghệ 1959 – 1960, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật 2012, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2001, và nhiều giải thưởng văn học khác. Hội viên hội nhà văn Việt Nam năm 1957.
Cỏ vẫn xanh non
Trần Vũ Long
Do công việc làm báo nên tôi đã nhiều lần đến nhà ông tại khu tập thể Nam Đồng. Lần đầu tiên vào khoảng 10 năm trước, và lần mới đây nhất là một buổi chiều cuối tháng 7, khi mà cái nắng của những ngày hè đang chuyển sang mùa mưa không còn gay gắt nhưng vẫn oi bức đến ngột ngạt. Lúc tôi đến, ngôi nhà ông đang mất điện, cái cổng sắt và cánh cửa phòng khách được mở toang cho thoáng, ông đang ngồi bên bàn nước nghe đứa cháu gái chơi đàn dương cầm. Mười năm trước và bây giờ, ngôi nhà ba hay bốn tầng gì đó, tôi cũng không nhớ rõ, dường như không có gì thay đổi. Vẫn cái sân nhỏ lát gạch đỏ sạch sẽ, có dăm chậu cây cảnh ngay ngắn gọn ghẽ, một chiếc chuồng nuôi con chó bécgiê ở góc sân, gian phòng khách vẫn là bộ bàn ghế đặt chính giữa, chiếc đàn dương cầm nằm góc ngoài. So với mười năm về trước, ông dường như cũng không già đi là mấy, vẫn dáng vẻ điềm đạm, nhẹ nhàng, ông niềm nở đón tôi. Dường như ngôi nhà này và cả chủ nhân của nó đều toát lên một vẻ bình thản và lặng lẽ, như hoàn toàn lãng quên mọi sự sự ồn ào huyên náo, bon chen bên ngoài. Kể từ lúc nghỉ hưu đến bây giờ ông vẫn miệt mài sáng tác, thậm chí còn viết khỏe và gặt hái được nhiều giải thưởng văn học hơn khi còn đang công tác. Nhẩm tính cho đến nay ông đã cho xuất bản trên 50 đầu sách truyện ngắn và tiểu thuyết. Quả là một sức làm việc phi thường. Nhắc đến ông người ta hay nhắc đến tác phẩm Cỏ non, truyện ngắn đã nhận được giải thưởng báo Văn Nghệ 1959-1960. Ông chính là nhà văn, thiếu tướng Hồ Phương.
Hồ Phương xuất thân trong một gia đình có truyền thống nho học. Bố là một viên chức trong ngành tòa án làm việc tại Thái Bình, nên từ nhỏ ông theo bố sống và học ở Thái Bình. Sau khi cả gia đình chuyển về Hà Nội, ông thi đỗ và học trung học ở trường Bưởi. Trước kháng chiến toàn quốc, cậu học trò Hồ Phương là một trong những người học văn xuất sắc của Trường Bưởi. Khi đó báo Tiên Phong mở cuộc thi truyện ngắn dành cho thiếu niên, Hồ Phương đã giành giải nhì với tác phẩm Tiếng kèn buổi sớm. Phần thưởng dành cho tác phẩm Tiếng kèn buổi sớm là tên của cậu học trò Hồ Phương (khi đó ông vẫn lấy tên là Nguyễn Thế Xương) được đứng cạnh tên của nhà văn Khái Hưng in trên báo Tiên Phong. Đối với một cậu học trò thì đây quả là một vinh dự to lớn và càng thôi thúc cậu viết văn. Kể từ sau giải thưởng của báo Tiên Phong, Hồ Phương trở thành người nổi tiếng trong giới thanh thiếu niên Hà Nội lúc bấy giờ. Chính vì vậy, Hồ Phương đã được nhà văn Tô Hoài mời làm cộng tác viên cho trang văn nghệ của báo Cứu quốc, với những bút danh như: Xi Xô, Phóng viên số 13. Về sau Trung ương Đoàn thành lập tờ Trẻ thứ 8, tiền thân của báo Thiếu niên Tiền phong, do nhạc sĩ Phong Nhã phụ trách, Hồ Phương cũng được mời làm trợ lý, vừa viết bài, đặt bài, vẽ minh họa, thuê khắc, đi nhà in.
Trong những năm kháng chiến chống Pháp, Hồ Phương vừa chiến đấu vừa viết văn. Năm 1949, ông cùng nhà văn Hữu Mai và một số anh em nữa được giao làm tờ Quân Tiên Phong của Đại đoàn 308. Đây là giai đoạn ông thực sự bắt đầu ý thức được công việc viết văn của mình, và những truyện ngắn đầu tiên được ký tên Hồ Phương ra đời như: Thư nhà, Những người mẹ nuôi, Những người chị cả…Trong thời gian này nhà văn Hồ Phương đã tham gia nhiều chiến dich ở chiến trường phía Bắc, trong đó có chiến dịch Điện Biên Phủ, khi đó ông là chính trị viên Tiểu đoàn Phòng không của Đại đoàn 308, là đơn vị phòng không đầu tiên của quân đội ta. Sau kháng chiến chống Pháp ông về công tác ở Tổng cục Chính trị, tham gia thành lập tạp chí Văn nghệ Quân đội, làm biên tập viên, phóng viên rồi làm Phó Tổng biên tập.
Nhà văn Hồ Phương có một sức viết khá dồi dào, với những trang văn trong trẻo, lung linh, và ấm áp. Có thể ví ông giống như người thợ kim hoàn cần mẫn để làm ra nhiều món đồ trang sức đẹp. Nếu như những năm trước đây Hồ Phương đã rất thành công trong lĩnh vực truyện ngắn thì những năm tháng nghỉ hưu ông lại đầu tư nhiều hơn cho tiểu thuyết và cũng để lại dấu ấn trong làng văn, như: tiểu thuyết Cánh đồng phía tây từng nhận giải thưởng của Bộ Quốc phòng, tiểu thuyết Cha và Con, Tiểu thuyết Ngàn Dâu đã được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt, đặc biệt Cha và Con là cuốn sách bán chạy nhất trong năm 2005. Ông không viết theo kiểu luận đề, tác phẩm của ông luôn gắn liền với cuộc sống, với những thân phận con người, với những hiện thực đời sống. Kể từ khi bước vào nghề văn cho đến nay, ông vẫn luôn giữ một dòng sáng tác, không hề chao đảo trong lập trường viết. Dòng sáng tác của ông là dòng khẳng định ngợi ca đất nước, con người. Tuy đã ở cái tuổi ngoài 80 nhưng ông luôn rung động hào hứng mỗi khi cầm bút. Dẫu biết rằng cuộc sống còn biết bao điều ngang trái và bất công, xã hội còn nhiều tệ nạn cần phải viết, cần phải lên án, tuy nhiên ông vẫn luôn tin tưởng vào những điều tốt đẹp ở phía trước, vẫn luôn tin yêu vào những nét đẹp trong mỗi con người, trong cuộc sống. Chính niềm tin đó đã giúp ông trường hơi để viết. Hầu như mỗi năm ông đều ra một cuốn sách, có năm in hai cuốn. Hiện thực cuộc sống lúc nào cũng đầy ăm ắp trong con người ông và thôi thúc ông cầm bút. Cuộc đời ông không có một thú vui, đam mê nào ngoài việc viết và viết. Nghề viết là một nghề cực nhọc nhưng cũng là niềm hạnh phúc đối với ông. Ông bảo nếu không được viết ông sẽ bị ốm. Có lẽ bạn bè viết văn cùng trang lứa với ông không còn mấy người có sức viết như ông. Phần lớn là do sức khỏe không còn, có người do điều kiện cuộc sống nhưng cũng có người không còn đủ niềm tin để viết hay nói cách khác là không muốn viết. Dẫu sao thì khi chúng ta tồn tại trên cõi đời này vẫn nên thắp cho mình một niềm tin, có thể niềm tin trong mỗi người có một sắc thái khác nhau nhưng vẫn có một mẫu số chung đó là mong muốn một tương lai tươi sáng hơn. Văn chính là đời. Chúng ta viết cho những đau thương của ngày hôm nay cũng là một cách đặt niềm tin vào một ngày mai sẽ khác. Chúng ta tin cuộc đời này rồi sẽ không còn chỗ đứng và leo cao cho sự xảo trá, cho những thói vênh vang đạo đức giả. Chúng ta tin ngày mai bước chân ra phố sẽ nhận được những ánh mắt và nụ cười thân thiện chứ không phải sự lạnh lùng và vô cảm đến đớn hèn mà con người đang ngầm dạy bảo nhau. Chúng ta tin chuyện miếng cơm manh áo sẽ không là nỗi ám ảnh thường trực trong mỗi người dân cần lao. Chúng ta tin lòng tốt và những giá trị chân thực sẽ tìm lại được mảnh đất tươi tốt của mình để sinh trưởng và đơm hoa kết trái. Chúng ta tin… và chúng ta cần phải đặt niềm tin nhiều lắm. Vì niềm tin đó giúp ta đấu tranh, giúp ta cống hiến và giúp ta tồn tại.
Truyện ngắn ” Cỏ non” của nhà văn Hồ Phương
Nhà văn Hồ Phương đã sáng tạo ra một Cỏ non và Cỏ non đã làm nên tên tuổi Hồ Phương. Lúc nhỏ, chúng tôi đã được học tác phẩm này trong sách giáo khoa một cách say sưa bởi có một anh Nhẫn chăn bò có thể trò chuyện thủ thỉ với những con bò như những người bạn, bởi đồng cỏ xanh mướt mát rộng mênh mông gợi trí tò mò, tưởng tượng của trẻ con. Thời chúng tôi học, được dạy rằng nhà văn Hồ Phương đã lấy hình mẫu anh Hồ Giáo làm nhân vật trong truyện của mình, nhưng thực ra không phải vậy. Và sau này, khi đã khôn ra tôi mới nhận ra rằng những sự “nhầm lẫn” kiểu như vậy mà chúng tôi đã được học không phải là ít. Thực ra, truyện ngắn Cỏ non của nhà văn Hồ Phương được ra đời trước khi xuất hiện anh hùng lao động Hồ Giáo những 5 năm. Anh Nhẫn trong truyện hoàn toàn là một nhân vật điển hình hóa của những con người lao động, của những anh bộ đội giải ngũ, sau khi đã cống hiến xương máu ngoài mặt trận, trở về với đời thường. Trong cái sự nhầm lẫn đó chúng ta lại nhìn ra một khía cạnh khác, phải chăng văn học có khả năng mang tính dự báo về những vấn đề của xã hội. Nhưng có lẽ bởi văn chính là đời và văn chính là người, mà cuộc đời và con người thì cứ tồn tại, vận động như vốn lẽ mà nó phải có, cái gì đến rồi sẽ đến, một cách chân thực và giản dị, chỉ có điều nhanh hay chậm mà thôi. Truỵện ngắn Cỏ non ra đời trong một chuyến đi thực tế của nhà văn Hồ Phương để viết về bộ đội huấn luyện. Nhưng hiện thực cuộc sống của những con người lao động và cụ thể là những người lính từng chiến đấu ngoài mặt trận đã làm ông xúc động và thôi thúc ông viết về họ. Họ đã lao động một cách hăng say, hồn nhiên và yêu đời. Trong khi đó, ở thành thị đang nảy sinh nhiều chuyện bức xúc, trong đó có cả việc giải quyết việc làm cho những người lính vừa từ chiến trường trở về. Mặt khác, trong giới sáng tác đang có những xung đột, tranh cãi về hình tượng nhân vật chủ đạo trong văn học. Truyện ngắn Cỏ non của nhà văn Hồ Phương ra đời phần nào trả lời câu hỏi mà xã hội cũng như những người cầm bút đang đặt ra. Nhân vật trong Cỏ non sống một cuộc đời bình dị, họ không đặt vấn đề được và mất, không đòi hỏi sự bù đắp của xã hội cho những năm tháng chiến đấu không tiếc xương máu ngoài mặt trận. Bởi họ đã từng đốt cháy trong mình một tình yêu, một niềm tin để xông pha chiến trận và họ đã cống hiến hết mình vì điều đó, đâu phải vì công trạng, đâu phải vì danh lợi. Họ đã trở về và được sống là chính mình, thanh thản với thiên nhiên với cuộc đời bình dị. Cuộc sống đôi khi không quá phức tạp, không cầu kì như những gì con người đã tự tạo ra cho mình. Cỏ non ra đời như là một tiếng nói đóng góp cho tình hình văn học lúc bấy giờ, một tiếng nói trong sáng giản dị, ấm áp, mang lại niềm tin, niềm yêu đời. Vậy là sau nhiều tháng đi thực tế nhà văn Hồ Phương đã không viết được chữ nào về bộ đội huấn luyện mà thay vào đó ông đã cho ra đời một tác phẩm hay về những người lao động tại một nông trường chăn nuôi ở Ba Vì, gần với đơn vị bộ đội mà ông định viết về họ. Thế mới biết văn học là nhân học. Nó không phải là mệnh lệnh, là súng học, đạn học, là bên phải bên trái quay, nó không phải là thứ được tạo ra bởi một cái công tắc được bật lên ở đâu đó.
Nói đến cuộc đời sáng tác của nhà văn Hồ Phương cũng không thể không nhắc đến mảng đề tài viết về Hà Nội. Bởi ông đã vô cùng gắn bó và yêu mảnh đất này. Ông yêu từng con đường, từng góc phố, yêu những nét văn hóa lịch sử của mảnh đất văn hiến. Ông lắng nghe từng tiếng guốc, từng tiếng rao đêm, yêu những buổi sáng mùa thu, yêu những người dân phu, trí thức, những em bé Hà Nội. Với ông Hà Nội giống như một thiếu nữ duyên dáng và quyến rũ. Hà Nội của ông đã có nhiều thay đổi. Trong cái sự thay đổi đó có cả niềm vui và nỗi buồn khiến ông trăn trở, khiến ông nhức buốt, tiếc nuối. Chính vì lẽ đó mà nhiều người đã gọi ông là nhà văn của Hà Nội.
Trong nhiều năm qua, đời sống văn học có nhiều biến động, nhiều tranh cãi về khuynh hướng sáng tác, về chủ thể nhân vật, về hình thức biểu đạt, về đổi mới và cách tân, về chủ nghĩa này và chủ nghĩa kia, về khái niệm này và quan điểm nọ, và còn bao nhiêu sự tranh cãi nữa mà tôi không nhớ hết. Bao nhiêu thứ tranh luận đó, bao nhiêu thứ cãi vã đó cũng chỉ đến một cái đích cuối cùng là hay hoặc dở mà thôi. Cái điều cơ bản này đôi khi lại bị lãng quên. Mọi sự biến động trong đời sống văn học đang diễn ra hàng ngày, nhà văn Hồ Phương vẫn biết để không bị lạc hậu về tin tức, nhưng ông không thực sự quan tâm đến những điều đó. Hàng ngày ông vẫn lặng lẽ ngồi gõ lạch cạch bên bàn máy vi tính. Ông viết bằng cái nhìn và cảm nhận của ông về cuộc đời này với giọng văn đã làm nên một Hồ Phương từ bấy lâu nay. Và cứ thế các tác phẩm của của ông vẫn đều đặn ra đời, được bạn đọc đón nhận. Sự lao động sáng tạo miệt mài của ông đã được ghi nhận bằng rất nhiều những giải thưởng văn học, trong đó phải kể đến Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, năm 2001. Ông giống như một dòng sông cứ lặng lẽ trôi mải miết bên cạnh đời sống văn học đang có nhiều chuyển biến, và dòng sông đó vẫn luôn mang lại nguồn nước trong mát cho những bãi bờ phù sa.
Nhà văn Hồ Phương tâm sự “văn chương phải có hồn chữ, phải thật sự say mê, yêu cháy bỏng”. Và đến bây giờ sự say mê, yêu cháy bỏng đó vẫn thôi thúc trong vị tướng già viết văn Hồ Phương.