Chủ tịch nước thăm nhà văn Tô Hoài nằm viện

 

Nhà văn Tô Hoài là nhà văn mà bao thế hệ học trò ở Việt Nam không thể không biết đến. Tác phẩm “Dế mèn phiêu lưu ký” của ông, một tác phẩm dành cho thiếu nhi đã được đưa vào chương trình sách giáo khoa từ nhiều năm bởi tác phẩm mang nhiều ý nghĩa, bài học đáng giá và thông điệp lớn về sự đoàn kết, khao khát cho sự hoà bình và nghị lực phi thường trước mọi khó khăn. Rồi đến tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” lại được gặp lại một nhà văn Tô Hoài khắc hoạ cuộc sống khắc nghiệt của người dân vùng núi dưới ách thống trị tàn ác của chế độ phong kiến nhưng hơn hết tác phẩm ấy như một bản tuyên ngôn chống lại ách đô hộ, ca ngợi ý chí sống mãnh liệt và khát vọng tự do của con người. Đặc biệt không chỉ các bạn nhỏ, người dân Việt Nam mới biết đến nhà văn Tô Hoài, “Dế mèn phiêu lưu ký” đã vượt qua lãnh thổ Việt Nam để đến với hơn 40 quốc gia gặp gỡ các bạn nhỏ ở đó. Và ai ai ở Việt Nam cũng đều biết đến nhà văn Tô Hoài là “cha đẻ” của “Dế mèn phiêu lưu ký” nổi tiếng đó, thế nhưng không ai biết rằng đó chỉ là bút danh của nhà văn còn tên khai sinh của ông lại hoàn toàn xa lạ. Câu chuyện vui đã xảy ra khi ông nằm viện những tháng ngày cuối đời.

Góc trưng bày về nhà văn Tô Hoài tại Bảo tàng Văn học Việt Nam

Những tháng cuối đời, nhà văn Tô Hoài bị ốm nặng phải vào nằm tại phòng điều trị đặc biệt của Bệnh viện Hữu nghị. Lúc vào viện, nhà văn không nói được, suốt ngày phải nằm truyền dịch và thở oxy. Các bác sĩ điều trị chỉ biết tên bệnh nhân nằm ở giường số 1 là Nguyễn Sen (tên khai sinh của nhà văn Tô Hoài).

Một buổi sáng chủ nhật, bệnh viện được thông báo là có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm nhà văn Tô Hoài. Tìm trong đống hồ sơ bệnh nhân không biết Tô Hoài nằm ở phòng nào, khoa nào mà giờ Chủ tịch nước đến thăm lại quá gần nên cán bộ, nhân viên của viện không kịp chuẩn bị đón tiếp.

Đúng 8h15, Chủ tịch nước đến cổng viện, nhà thơ Hữu Thỉnh (lúc này ông đang giữ chức Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) đã đến thăm trước đó nên vẫn nhớ số phòng, nhanh chóng đưa Chủ tịch Trương Tấn Sang đến đúng giường nhà văn Tô Hoài đang nằm. Thấy lãnh đạo cao cấp nhất của Nhà nước đến tận giường bệnh, sờ trán, cầm tay, lại đội mũ len cho bệnh nhân Nguyễn Sen, các bác sĩ rất ngạc nhiên và tò mò hỏi nhau đó là ai mà được quan tâm đặc biệt như vậy. Nhận thấy những ánh mắt ngạc nhiên đó, nhà thơ Hữu Thỉnh liền giới thiệu: “Đây là nhà văn Tô Hoài, hôm nay Chủ tịch nước đã dành thời gian đến thăm và động viên ông”. Lúc này, từ Phó giám đốc bệnh viện đến các y tá mới ồ lên đầy ngưỡng mộ, hóa ra cả tháng nay mình trực tiếp điều trị cho tác giả “Dế Mèn phiêu lưu ký” mà không hề biết.

Nhà văn Tô Hoài tên thật Nguyễn Sen. Ông sinh năm 1920, tại thôn Cát Động, thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Thành phố Hà Nội). Tuy nhiên, ông lớn lên ở quê ngoại, làng Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội, nơi hai địa danh ông lấy làm bút danh của mình: sông Tô Lịch và phủ Hoài Đức.

Xuất thân từ một gia đình làm thợ thủ công, bước vào tuổi thanh niên, ông đã phải làm nhiều công việc để kiếm sống. Nhà văn Tô Hoài tham gia hoạt động cách mạng rất sớm từ những năm 1938, ông tham gia Hội Ái hữu thợ dệt rồi ông gia nhập Hội Văn hóa cứu quốc. Từ năm 1945 đến năm 1952, ông làm phóng viên báo Cứu Quốc (Tổng bộ Việt Minh), rồi Chủ nhiệm báo Cứu quốc. Sau năm 1954, ông công tác tại Hội Văn nghệ Việt Nam. Từ năm 1957 đến năm 1958, ông là Tổng thư ký Hội nhà văn Việt Nam rồi giữ chức Phó tổng thư ký, Bí thư Đảng Đoàn Hội nhà văn Việt Nam. Từ năm 1986 đến năm 1996, ông là Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội. Chủ tịch danh dự Hội Văn học & Nghệ thuật Hà Nội.

Trong sự nghiệp văn chương nhà văn Tô Hoài đã được trao nhiều giải thưởng lớn trong đó ông vinh dự nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học & Nghệ thuật đợt I vào năm 1996.

Nhà văn Tô Hoài mất năm 2014 đến nay đã được 10 năm, thế nhưng những tác phẩm của ông sẽ vẫn luôn đồng hành cùng các bạn đọc thiếu nhi trong nước và quốc tế mãi mãi.

BTVHVN