Cha tôi viết ‘Sống mãi với Thủ đô’

Trong các tác phẩm về Hà Nội kháng chiến, ‘Sống mãi với Thủ đô’ của Nguyễn Huy Tưởng đã đi vào lòng nhiều thế hệ bạn đọc bởi giá trị văn chương và tâm huyết của người viết ẩn sau mỗi trang văn. Nhân kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô, xin trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Nguyễn Huy Thắng, con trai nhà văn, về quá trình sáng tác cuốn tiểu thuyết để đời này của ông. (Lời Tòa soạn).
Bìa cuốn “Sống mãi với Thủ đô” được nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô

Ý định viết Sống mãi với Thủ đô đến với cha tôi vào một ngày cuối tháng 2.1957. Ngày hôm ấy ông ghi trong nhật ký: “Tiểu thuyết: Cái dự định viết về 1956 hay Kháng chiến? Hay về Cải cách ruộng đất? Vẩn vơ. Chợt nghĩ lại đề tài Trung đoàn Thủ đô. Sống ở ngay Hà Nội. Nhân vật ở đây. Khung cảnh ở đây. Còn đi đâu nữa? Tài liệu có ít nhiều rồi. Mừng, và thấy có hướng đi”.

Suốt một đời cầm bút, cha tôi đã viết được một số tác phẩm về đề tài Hà Nội. Ngay từ vở kịch đầu tay Vũ Như Tô, cha tôi đã lấy Long thành thế kỷ thứ XVI làm nền cho công việc xây đài dựng điện của nhà kiến trúc tài ba. Qua Đêm hội Long Trì, An Tư rồi Những người ở lại, các cốt truyện, kịch của ông cứ bám lấy đất Thăng Long xưa và Hà Nội nay mà diễn biến. Nhưng ở tất cả các tác phẩm đó, “chất” Hà Nội mới chỉ ánh lên đằng sau những nỗi niềm ông gửi gắm qua những đam mê, dục vọng, bi kịch của các nhân vật chính, phụ. Phải đến Sống mãi với Thủ đô, cha tôi mới thực sự viết về Hà Nội như một thực thể trung tâm, xuyên suốt. Với tất cả tâm huyết và sự xác quyết: đi đến tận cùng sự sáng tạo của mình.
Xin hãy kiên nhẫn dõi theo cuộc vật lộn với tác phẩm này của ông:
24.2 – 17.6.1957: Manh nha ý đồ và chuẩn bị tài liệu.
Giữa tháng 7: Khởi thảo tác phẩm.
30.11.1957: Xong phần một tiểu thuyết.
Cuối tháng 2 – 18.3.1958: Tập trung sửa lại bản thảo.
Tháng 4.1958: Hoàn thành tác phẩm có dạng như hiện nay.
Và từ đó đến khi cha tôi mất (25.7.1960), ông còn trở đi trở lại ý đồ viết lại hoàn toàn hơn 500 trang tiểu thuyết đã sẵn sàng để đưa in.
Cảnh trong phim “Sống mãi với Thủ đô” của đạo diễn Lê Đức Tiến và Nguyễn Thế Vĩnh, sản xuất năm 1996, dựa theo tiểu thuyết “Sống mãi với Thủ đô” và “Lũy hoa” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Ảnh cắt từ phim
Cho một Hà Nội hồi sinh
Linh cảm về sự dở dang của tiểu thuyết Sống mãi với Thủ đô đến với cha tôi từ tháng 4.1958: “Buồn là không được làm xong tiểu thuyết. Một tháng đi học. Sáu tháng đi lao động, rồi lại ba tháng học. Bao giờ cho xong tác phẩm của ta?”.
Cha tôi viết những dòng nhật ký này trước khi đi học lớp chỉnh huấn dành cho văn nghệ sĩ để rồi sau đó đi thực tế bốn tháng ở Điện Biên. Sự kiện này như một nốt lặng làm đứt đoạn mạch tiểu thuyết của ông. Trong và sau chuyến đi thực tế, cha tôi viết liên tiếp các bài ký và sau đó là tiểu thuyết Bốn năm sau về Điện Biên và công cuộc xây dựng lại Điện Biên. Rồi, để đáp ứng nhu cầu về sách cho thiếu nhi, ông viết các truyện lịch sử Kể chuyện Quang Trung và Lá cờ thêu sáu chữ vàng cho nhà xuất bản Kim Đồng. Đồng thời, vẫn canh cánh về đề tài Thủ đô, ông viết kịch bản phim Lũy hoa theo yêu cầu của bên điện ảnh. Một lịch trình đặc kín những cuốn sách chen ngang, còn Sống mãi với Thủ đô thì vẫn không “nhích” được một bước (chữ dùng của cha tôi).
Đúng là đã có những đợt học tập và chuyến đi thực tế kéo dài lạm vào thời gian sáng tác. Đúng là đã có những cuốn sách cần được viết ngay phục vụ yêu cầu. Nhưng theo hiểu biết của tôi, đấy không phải là lý do chính khiến cho Sống mãi với Thủ đô còn phải chờ thêm. Cái chính, theo như tôi hiểu, là một quan niệm mới đã đến với cuốn tiểu thuyết của đời ông. Bởi chưng, trong khi nghiền ngẫm viết về Hà Nội, cha tôi đã động chạm đến những vấn đề có ý nghĩa nhân văn. Những nỗi thống khổ mà dân tộc Việt Nam đang phải trải qua như càng đè nặng lên tâm trạng ưu tư của cha tôi những ngày này: sai lầm trong Cải cách ruộng đất, vỡ đê Mai Lâm, sự sa sút về nhân cách của không ít cán bộ, thiên nhiên khắc nghiệt – những ngày ông viết về cái lạnh tê buốt của Hà Nội vào cái ngày nổ súng đánh Pháp là những ngày nóng tới 42 độ, gió tây…
Tất cả những cái ấy đã phả nỗi bức bối vào cha tôi, và ông đã mẫn cảm nắm bắt được: “Nghĩ thương thân, và thương cho đồng bào ta. Khổ đến bao giờ nữa… Cái accent [giọng điệu] trầm thống này phải bàng bạc trong tiểu thuyết về Hà Nội của ta” (nhật ký, 28.5.1957). Nhưng cũng chính trong những lúc xót xa như thế, cha tôi đã có dịp nhìn nhận lại một cách thật công bằng những gì mà cách mạng đã đem lại cho dân tộc. Cuộc sống mới với những con người mới, dù chưa hẳn như ý, nhưng rất đáng được trân trọng, nâng niu.
Và ông quyết định: “Chủ đề của cuốn tiểu thuyết về Thủ đô: Cái sống và cái chết. Cái chết là cái xã hội đang tàn. Cái mới là con người mới. Cái mầm mới nảy trên những cái cũ. Cái cũ nảy thành mầm mới. Cái cũ cũng có những cái đẹp, nhưng nó cũ rồi. Làm sao, cả cuốn tiểu thuyết là nêu được cái thắng của sự sống. Cái tưởng là sống thì chết đi. Cái tưởng là chết thì sống lại. Và cả cái Hà Nội cũ đang chết, được hồi sinh trong chiến đấu, trong Cách mạng!” (nhật ký, 12.4.1959).
Suy nghĩ, suy nghĩ, và suy nghĩ
Ngày lại ngày, cha tôi tiếp tục làm việc cho tác phẩm của mình. Trái với sự tự đánh giá khắt khe của ông, cuốn tiểu thuyết vẫn nhích dần từng bước về phía trước. Cuộc tìm kiếm của cha tôi đã lóe sáng. Tiếp theo sẽ là việc huy động những hiểu biết, vốn sống để định ra nhân vật, để cấu tứ tác phẩm. Đó là điều mà các nhà chuyên môn gọi là kỹ thuật, là hình thức thể hiện.
Và thế là lại những băn khoăn, trăn trở. Tóc ông bạc nhanh khiến đồng nghiệp ngạc nhiên. Nhưng cũng chẳng vì thế mà cha tôi hối thúc mình. Ông chỉ biết có một việc: Suy nghĩ, suy nghĩ, và suy nghĩ: “Nghĩ về cuốn Thủ đô: thấy mênh mang. Vốn sống còn ít. Sự hiểu biết về Hà Nội nông xờ” (nhật ký, 31.1.1960); “Ngao ngán và không yên tâm. Viết quyển Thủ đô mà rất ít sự sống, rất ít hiểu biết về Hà Nội cổ và kim” (nhật ký, 7.2.1960)… Nhưng đằng sau những dòng có phần thất vọng kia, là cả một quyết tâm mạnh mẽ, tự tin:
“Tiểu thuyết về Thủ đô: Dành hẳn tháng 2 để lấy thêm tài liệu, chú trọng công nhân, thủ công.
“Tháng 3, bắt đầu xem lại bản thảo cũ, suy nghĩ thêm về chủ đề và bố cục. Không tãi ra, mà tập trung cho thật súc tích. Không vụ tài liệu mà chú trọng đến con người.
“Mà cũng chẳng phải vì cái năm 60 mà tự hạn chế. Bao giờ xong thì xong, không hối hả như mọi tác phẩm khác” (nhật ký, vẫn ngày 7.2.1960).
Lao động nghệ thuật bền bỉ ở cha tôi dường như đã cho ra kết quả. Cảm giác chín muồi cho tác phẩm của mình đã đến với ông vào một ngày cuối tháng 5.1960. Ngày hôm ấy ông tự hỏi mình như đứng trước một quyết định lớn lao: “Viết truyện Thủ đô kháng chiến hay xếp thì giờ viết một cái gì vừa mức thời gian từ đây đến cuối năm?”. Nhưng cũng ngày hôm ấy ông ghi trong nhật ký: “Thèm sức khỏe. Thèm niềm vui. Thèm một cuộc sống có nhựa. Ta sao lạnh trong thể xác, lạnh trong tâm hồn?”.
Phải chăng, đó là cái cảm giác lạnh vẫn thường đến với những người sắp rời bỏ cõi đời?
*
* *
Tôi không khỏi ngậm ngùi mỗi khi nghĩ đến cha tôi ra đi mà không được thấy Sống mãi với Thủ đô của ông ra đời. Đúng là cha tôi còn chưa bằng lòng với cuốn tiểu thuyết mà ông kỳ vọng. Nhưng liệu có nhà văn nào lại không mong muốn đứa con tinh thần của mình được sinh thành, hiện hữu dưới trời!
Hơn ba năm trời cha tôi đã làm việc cho cuốn sách mà ông tâm huyết. Hơn ba năm trời cha tôi theo đuổi tác phẩm cuối đời với tất cả quyết tâm, hy vọng. Để rồi một ngày hè nọ, ông ra đi mà không biết rằng, rồi đây tên tuổi mình sẽ gắn liền với nó. Nằm trên giường bệnh, tính sổ với mình, cha tôi chỉ dám nghĩ mình có vở kịch Vũ Như Tô. Hơn ba mươi năm sau, liệu có bạn đọc nào nghĩ đến một nhà văn Nguyễn Huy Tưởng mà lại thiếu Sống mãi với Thủ đô. Nghĩ thế khác nào hình dung ra một người xách lệch một bên tay. Dẫu cho bên tay kia có nặng trĩu một hành trang nghệ thuật Vũ Như Tô!
Có lẽ suốt đời tôi sẽ còn ngậm ngùi mỗi khi nghĩ vậy. Nhưng dẫu sao cũng có cái để tự an ủi. Định mệnh đã xui khiến cha tôi viết cuốn tiểu thuyết về Thủ đô. Định mệnh đã không để cho ông chứng kiến tác phẩm của mình ra đời. Nhưng ngay như thế cha tôi vẫn là người thật hạnh phúc. Chẳng phải ông đã nhắn nhủ mình ngày nào khi viết Sống mãi với Thủ đô đó ư: “Cái vui sướng nhất là được viết, tuy nó vất vả một cách kiệt lực” (nhật ký Tết Mậu Tuất – 1958).
NGUYỄN HUY THẮNG