Cha tôi – Nhà văn Hữu Mai

Bình Ca

          Trong kháng chiến, khi quân Pháp tấn công lên Tuyên Quang, có con đò dọc chở một gia đình tản cư xuôi dòng sông Lô về Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. Lúc ngang qua bến Bình Ca, trên bờ có tiếng gọi đò. Ông cụ nằm trong khoang nói vọng ra: “Nếu là bộ đội thì cho đi nhờ.”

          Anh bộ đội xin quá giang, sau này trở thành một nhà văn quân đội nổi tiếng, và cô thôn nữ xinh đẹp quê Ninh Bình trên chuyến đò trong đêm trăng sáng trên dòng Lô Giang ấy đã nên duyên chồng vợ. Ông cụ đồng ý cho anh bộ đội đi nhờ đêm đó là ông ngoại tôi. Con trai đầu lòng của họ được cả gia đình quen gọi là bé Bình Ca.        

          Cha tôi làm thơ khá sớm và viết khá nhiều. Từ hồi tiểu học, trong các giờ tiếng Pháp ông đã có thể dịch những câu thơ Victor Hugo, Lamartine sang tiếng Việt và thường được thầy đọc cho cả lớp nghe. Có thể ông đã trở thành một thi sỹ, nếu cuộc kháng chiến chống Pháp không bùng nổ. Năm 1946, cha tôi nhập ngũ. Ông viết báo, phụ trách tờ Quân Tiên Phong của Đại đoàn 308. Ông tham dự tất cả các chiến dịch lớn của Đại đoàn trên các chiến trường quan trọng nhất và đã viết không ngừng để phục vụ yêu cầu của cuộc chiến đấu.

          Sau kháng chiến chống Pháp, cha tôi về công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội thuộc Tổng cục Chính trị, bắt đầu tập trung vào hoạt động sáng tác. Năm 1957, ông tham gia Hội Nhà văn Việt Nam, là hội viên sáng lập và chính thức trở thành người viết chuyên nghiệp. Từ lúc này, ông chuyển hẳn sang viết văn xuôi vì nhận thấy thơ tuy là một ân huệ trời cho nhưng “càng tìm càng mất” và không thể chuyển tải hết những tư liệu ông đã thu thập được trong cuộc sống chiến đấu.

Nhà LLPB Nhị Ca; Nhà văn Hữu Mai, nhà thơ Ngô Văn Phú tại Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội số 04 lý Nam Đế năm 1963

          Trong bốn người con, có lẽ chưa bao giờ cha tôi hình dung sẽ có ngày cậu cả theo “nghiệp nhà”. Sống trong thời bao cấp, tôi được chứng kiến tất cả sự nghèo khó và rủi ro của nghiệp văn chương, nên đã tâm niệm dứt khoát không làm “nhà văn”, nghề đứng đầu tiên trong bốn “nhà nghèo”. Tôi từ chối lời gợi ý thi vào Đại học Tổng hợp văn của cha, lý sự là phải học kinh tế để xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như lời dạy của Bác Hồ. Mọi hy vọng của cha tôi về việc truyền lại những gì thu lượm được từ nghề viết, ông dồn cả cho người con trai thứ Hữu Việt. Chú em tôi từ nhỏ đã tỏ ra có năng khiếu làm thơ, viết báo, dịch sách và sớm trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Tôi cũng mừng vì nhà đã có người nối nghiệp cha.

          Để viết một cuốn sách khiến thiên hạ bỏ tiền mua đọc, điều đầu tiên cần có là năng khiếu trời cho. Tiểu thuyết đầu tay Những ngày bão táp (1956) đã giúp anh bộ đội Hữu Mai xuất hiện trên văn đàn với tư cách một cây bút trẻ triển vọng. Nhưng để trở thành một tác giả thành danh và được người đọc yêu mến, ngoài việc lao động nghiêm túc, bền bỉ còn phụ thuộc vào số mệnh.

          Cách mạng và kháng chiến đã đưa cha tôi đến với văn chương. Những sự kiện lịch sử quan trọng ông đã trải qua và những con người ông trực tiếp gặp gỡ trong hai cuộc trường kỳ kháng chiến đã thôi thúc ông cầm bút viết, như một nhân chứng của thời đại mình. Ông luôn nói một cách khiêm nhường mình không có thời gian làm chuyện văn chương. Ông chỉ muốn ghi lại, thật nhiều và trung thực một giai đoạn ông cho là đẹp nhất trong lịch sử của dân tộc, mà ông trực tiếp tham gia bằng cả ngòi bút và cây súng.

          Nhưng, như một định mệnh được dự báo từ cuốn sách đầu tay, tiểu thuyết Những ngày bão táp, in năm 1956, viết về những sai lầm trong cải cách ruộng đất, sự nghiệp và các tác phẩm của cha tôi gặp khá nhiều sóng gió. Quyển sách này tuy chưa bị xếp vào loại “có vấn đề”, nhưng suốt 60 năm sau không được tái bản.

          Sau Những ngày bão táp, cha tôi viết truyện ngắn Mất hết, nói về một cán bộ quân đội từ chiến khu đã dính phải viên đạn bọc đường khi về thành phố… Truyện ngắn ấy đã gây cho ông không ít điều phiền toái vì đụng đến hình tượng chuẩn mực của anh Bộ đội Cụ Hồ. Thậm chí cho tới nay, vẫn còn có người hỏi vì sao ngày đó Hữu Mai không… mất hết.

          Đến Vùng trời, ông bị đặt vấn đề: Liệu viết như thế có tiết lộ “bí mật quân sự” của không quân Việt Nam? Ông cố vấn thì nghiêm trọng hơn. Một vị lãnh đạo Tổng cục Chính trị gọi ông lên, đập bàn: “Ai cho phép anh viết về gia đình Diệm – Nhu như thế này?” (Theo vị lãnh đạo ấy, gia đình họ Ngô phải được mô tả như những tên bán nước, còn đệ nhất phu nhân Trần Lệ Xuân là một người đàn bà ngang ngược, lẳng lơ.) Ông không giải thích, chỉ nói nhẹ nhàng: “Xin anh xem những lá thư này.” Đọc hai lá thư từ những vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước khen ngợi hết lời tác phẩm bán chạy nhất lúc đó, vị lãnh đạo Tổng cục lặng im không nói thêm câu nào. Việc cha tôi cẩn thận đã không thừa.

          Tới Người lữ hành lặng lẽ (2005), tác phẩm được ghi danh khi nhà nước truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho nhà văn Hữu Mai, chương gần cuối ông viết về một vấn đề còn ý kiến khác nhau trong Đảng. Trước khi sách in, có những người tới gặp và trao đổi với ông:“Chương này, nếu bác giữ nguyên chúng cháu cũng không có ý kiến gì. Nhưng theo chúng cháu, viết chuyện này bây giờ chưa có lợi cho cái chung. Tùy bác quyết định.”

          Nói về nhà văn Hữu Mai, không thể không đề cập tới những cuốn hồi ký của đại tướng Võ Nguyên Giáp do ông thể hiện. Có lần ông buột miệng nói, đây là một nửa sự nghiệp văn chương của ông.

          Suốt cuộc đời, cha tôi nung nấu viết một bộ sử thi về hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ mà ông có may mắn là một nhân chứng lịch sử. Cha tôi đã bỏ ra nhiều năm chuẩn bị cho tác phẩm để đời này. Ông đã tâm niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp là hai nhân vật trung tâm trong bộ sử thi tương lai của mình. Ông dành khá nhiều thời gian để đọc, nghe và tìm hiểu về Đại tướng, đã dựng chân dung Đại tướng trong Cao điểm cuối cùng, nhưng chưa có cơ hội làm việc trực tiếp với vị Tổng Tư lệnh – Người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.

          Năm 1964, nhân dịp kỷ niệm 10 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và 20 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Tổng cục Chính trị chủ trương xuất bản một tập hồi ký của các tướng lĩnh đã trực tiếp tham gia chiến dịch. Tập hồi ký sẽ không đầy đủ nếu thiếu bài viết của vị Tổng Tư lệnh, đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hữu Mai, một nhà văn quân đội được biết đến với tiểu thuyết nổi tiếng Cao điểm cuối cùng (1960) về Điện Biên Phủ, đã được chọn giúp Đại tướng thể hiện bài viết.

          Đối với cha tôi, đây là một dịp may. Nhưng ông cũng hình dung đó là một nhiệm vụ khó, và chỉ có một tháng để hoàn thành. Hơn nữa, không phải lúc nào cũng có thể gặp Đại tướng để trao đổi những điều cần viết. Trong cuộc gặp đầu tiên, đại tướng nói:

          – Viết độ 15 chương.

          – Thưa anh, cũng phải 15 chương. Nhưng thời gian chỉ còn một tháng.

          – Anh hiểu lầm rồi, tôi người miền Trung, nói “chương” là “trang”.

          Buổi làm việc tiếp theo, cha tôi đề nghị: Vì thời gian gấp, cha tôi cũng đã có một số tư liệu, nên xin phép chủ động viết theo những gì đại tướng đã thống nhất trong đề cương, sau đó sẽ sửa chữa lại theo ý của Đại tướng. Đại tướng vui vẻ đồng ý.

          Ngày cuối cùng của cái hẹn một tháng, nhà xuất bản nhận được bản thảo có tên Một vài hồi ức về Điện Biên Phủ của Đại tướng, do Hữu Mai ghi, khoảng gần 100 trang. Đây cũng là tên của cuốn sách, trong đó có hồi ký của thiếu tướng Phạm Ngọc Mậu, thiếu tướng Vương Thừa Vũ, thiếu tướng Trần Độ, đại tá Nguyễn Văn Nam, thượng tá Vũ Lăng và giáo sư Tôn Thất Tùng, dày trên 200 trang.

          Khi sách được in, Đại tướng đã đề tặng cha tôi với dòng chữ: “Chúc Hữu Mai viết văn hay, tiến mãi về phía trước trên con đường văn nghệ của dân tộc, và để ghi nhớ những ngày đầu của mối ‘duyên nợ văn chương’ đầy hứa hẹn.” Không ngờ những lời này đã vận vào mối duyên – nợ của cha tôi với Đại tướng trong suốt nửa thế kỷ, cho đến ngày ông qua đời.

          Tiếp nối thành công của “Một vài hồi ức về Điện Biên Phủ”, Đại tướng đề nghị nhà văn Hữu Mai viết tiếp cuốn hồi ức Từ nhân dân mà ra, mở đầu cho bộ hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, kéo dài gần 40 năm.

          Năm 1974, cha tôi hoàn thành cuốn hồi ức thứ hai của Đại tướng, Những năm tháng không thể nào quên. Tác phẩm này được tái bản nhiều lần, dịch ra nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp, Trung, Hungary, Triều Tiên…

          Cha tôi kể: “Sau hai tập hồi ức đầu tiên, anh Văn (tên thân mật ông vẫn dùng gọi Đại tướng) đã đồng ý không sử dụng công thức người kể – người ghi như những hồi ức cặp đôi khác. Cách này chỉ thích hợp với việc kể và ghi lại những kỷ niệm nho nhỏ, chứ không thích hợp với những công trình mang tính tổng kết, được trình bày dưới dạng hồi ức. Những người làm công việc này phải có sự nghiên cứu công phu, nghiêm túc toàn bộ tiến trình chiến tranh ở cả hai phía ta và địch, phải dựa trên những văn bản, những nhân chứng sống, phải tự mình phát hiện những vấn đề mới để có những đóng góp thực sự với lịch sử.” Vì vậy, những cuốn hồi ức về sau, thay bằng Hữu Mai ghi, được sửa thành Hữu Mai thể hiện. ”

          Trong số những quyển sách cha tôi viết cho Đại tướng, Chiến đấu trong vòng vây trắc trở nhất. Nó được viết xong sau Đại hội Đảng lần thứ tư, năm 1977, và không được xuất bản. Tôi nhớ năm đó Hà Nội có một trận mưa to khủng khiếp. Khu tập thể quân đội Nam Đồng nước ngập mênh mang. Trong nhà dép guốc nổi lềnh bềnh. Anh em chúng tôi lấy mấy thanh gỗ gác lên xà nhà, và đưa những gì quý giá nhất lên đó. Tập bản thảo Chiến đấu trong vòng vây nằm yên ở đó gần hai mươi năm.

          Năm 1983, cha tôi chuyển ngành, sang Hội Nhà văn Việt Nam. Công việc cuốn ông đi, ông cũng không nghĩ có một ngày sẽ tiếp tục giúp Đại tướng viết những cuốn hồi ký còn lại. Cả gia đình tôi cũng quên bẵng tập bản thảo ở trên gác xép cho tới một ngày, Đại tướng nói với cha tôi “bây giờ có thể in được rồi”.

          Điều đáng buồn là tập bản thảo đã bị mối xông hết, chỉ còn những mảnh vụn tơi tả. Thế là cha tôi phải viết lại từ đầu.

          Năm 1995, Quyển hồi ức hồi ức thứ ba của Đại tướng do Hữu Mai thể hiện, Chiến đấu trong vòng vây, đến tay bạn đọc. Cuốn thứ tư Đường tới Điện Biên Phủ, và cuốn thứ năm Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử được cha tôi viết khá nhanh, liên tiếp trong hai năm 1999-2000. Cha tôi nghĩ đã hoàn thành mối duyên nợ văn chương với Đại tướng.     

          Dù tâm nguyện lớn nhất của cha tôi là viết một bộ sử thi về hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhưng ông hiểu viết về chiến tranh là một việc khó, vì sẽ đụng tới những vấn đề lớn trong lịch sử, trong đó nhiều vấn đề có những quan điểm, nhận định khác nhau, nhều tư liệu còn chưa được giải mật.

          Không dưới một lần tôi hỏi cha, tại sao những gì ông viết về cuộc đời Đại tướng đều là những sự kiện từ năm 1954 trở về trước, trong khi cuộc đời binh nghiệp của Đại tướng kéo dài tới khi thống nhất đất nước. Cha tôi trả lời: “Có những vấn đề để viết ra cần độ trễ của thời gian.”

          Sở dĩ cha tôi dành một nủa sự nghiệp của mình để giúp Đại tướng viết bộ hồi ký về giai đoạn kháng chiến chông Pháp, vì cha tôi hiểu một điều: Đại tướng là người có thẩm quyền nhất để nói về cuộc kháng chiến này trong vai trò Tổng Tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam. Giúp Đại tướng thể hiện bộ hồi ức, cha tôi đã gián tiếp được thể hiện một phần tâm nguyện của bản thân. Suy nghĩ đó khiến cha tôi bình thản làm công việc mình lựa chọn, dù có không ít lời góp ý:“Sao anh cứ thể hiện, thể hiện mãi thế… Anh phải viết cuốn sách của riêng mình chứ!” hoặc“Dành nửa sự nghiệp thể hiện hồi ức giúp người khác, anh có nghĩ mình đã bỏ lỡ những tác phẩm của riêng mình…?”

          Một trong những lý do cha tôi không hoàn thành được trọn vẹn những dự định của mình, là bởi ông dành quá nhiều thời gian cho việc thể hiện bộ hồi ký của Đại tướng. Bộ tiểu thuyết Đất nước, một trong những cuốn sách viết về cuộc đời của cha tôi chưa kịp viết tập II. Sau khi cha tôi mất (tháng 6 năm 2007), trong di cảo ông để lại còn một cuốn tiểu thuyết lịch sử về chiến dịch Điện Biên Phủ, với tên gọi Không phải huyền thoại. Mẹ và em trai tôi đã làm tiếp những phần việc cuối cùng để cuốn sách đến với bạn đọc. 

           Còn một cuốn sách nữa cha tôi không có thời gian để hoàn thành. Tất cả mới chỉ dừng lại ở ý tưởng, tư liệu và một số trang bản thảo.

          Cha tâm sự với tôi, ông dự định viết một cuốn tiểu thuyết lịch sử về Đại tướng, không phải với tư cách một vị Tổng Tư lệnh quân đội như trong các cuốn hồi ức ông đã thể hiện, mà như một con người trong cõi nhân gian. Tôi nghĩ sau mấy chục năm gắn bó với Đại tướng, hơn ai hết, cha tôi là người có đủ tư liệu và thẩm quyền để viết về quyển sách này.

          Thế nhưng ông cứ lần lữa mãi.

          Khi nhận thấy sức khỏe cha không còn như xưa, tôi nhắc ông hãy bắt tay viết cuốn sách mà ông ấp ủ, khi cả ông và Đại tướng còn khỏe và minh mẫn. Cha tôi im lặng. Rất lâu sau ông mới trả lời: “Viết lúc này chưa có lợi.”

          Sau cơn bạo bệnh, cha tôi yếu đi nhiều. Tôi rất muốn nói với ông, nếu ông không viết, cuốn sách ông dự định có thể sẽ không bao giờ được viết ra. Nhưng tôi không đủ can đảm.

          Giờ đây cha tôi và Đại tướng đã mãi mãi ở chốn vĩnh hằng. Mối duyên nợ văn chương giữa Nhà văn và Đại tướng trong cõi nhân gian đã khép lại, dù chưa viết trọn những trang cuối cùng.        

          Ngày 20 tháng 5, năm 2017, mười năm sau ngày mất, cố nhà văn Trần Hữu Mai được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật. Em gái tôi, Trần Thu Nga đã viết một bài thơ về ông:

 

Nhớ Cha

Mười ngày nữa thôi, tháng năm, ngày ba, 
Tròn mười năm, Cha đi xa mãi mãi
Hôm nay cả nhà mình đi nhận giải,
Giải thưởng của Cha, giải thưởng Bác Hồ!

Người khuất rồi, tằm vẫn cứ cho tơ, 
Cầm bút, suốt đời miệt mài khó nhọc
Cả cuộc đời Cha, dành cho văn học
Từ sớm, đến khuya, Cha viết quên mình!

Cha chẳng bao giờ nghĩ đến hư danh, 
Cha bận lắm, ốm cũng không dám nghỉ, 
Dứt cơn sốt, Cha lại ngồi lặng lẽ,
Viết thật nhiều, chỉ sợ thiếu thời gian!

Vinh dự này, dù chậm mất mười năm
Vui Một thôi, Mười nhớ Cha da diết
Niềm vui hôm nay, Cha đâu còn biết,
Cả nhà sum vầy, mà lại vắng Cha!…

Cha là người quan trọng nhất trong nhà,
Chúng con nhìn Cha làm gương để học,
Giữa bộn bề, bon chen trong cuộc sống 
Chúng con luôn giữ phẩm giá cho mình!

Một đời Cha, chỉ biết đến hy sinh
Đến cống hiến hết sức mình có thể
Đến khi khuất rồi, vẫn còn lặng lẽ
Từng nét chắt chiu, dành để đời sau…

                      HẾT