“Cao điểm cuối cùng” – Điện Biên Phủ 70 năm ngày ấy.
Điện Biên Phủ – ba tiếng ấy đã trở nên vô cùng thân thiết và trở thành niềm tự hào của mỗi người con đất Việt. Điện Biên Phủ mở ra một trang mới chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm của nhân dân ta và trở thành đề tài của nhiều nhà văn, nhà thơ không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Bảo tàng Văn học Việt Nam xin trân trọng giới thiệu cuốn tiểu thuyết “Cao điểm cuối cùng” của nhà văn Hữu Mai do nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 1965 được trưng bày tại bảo tàng.
Tác phẩm “Cao điểm cuối cùng” phản ánh cuộc chiến đấu oanh liệt của quân đội ta tiêu diệt Đồi A1, cứ điểm then chốt của quân đội Pháp, từ đó giành toàn thắng ở chiến trường Điện Biên Phủ vào ngày 7.5.1954. Chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những đỉnh cao chói lọi, một kỳ tích vẻ vang của quân và dân ta. Bảy mươi năm đã trôi qua nhưng ý nghĩa, tầm vóc của chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn không chút phai mờ; ngược lại, thời gian ấy càng giúp chúng ta những con người thế hệ hôm nay nhận thức sâu sắc và đầy đủ hơn về cuộc chiến đấu giành tự do của cả dân tộc.
Với tư cách là phóng viên chiến trường của Báo Quân Tiên Phong, đồng thời là phái viên của Phòng Chính trị Đại đoàn 308, một trong 4 đơn vị chủ lực, chiến đấu tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của quân đội Pháp, nhà văn Hữu Mai đã có mặt tại Điện Biên Phủ từ những ngày “Khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm com vắt”, có dịp luồn sâu xuống từng chiến hào, đi sát với các chiến sĩ qua từng đợt tấn công và được chứng kiến giờ phút lịch sử khi quân đội Việt Nam phất cao lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” trên nóc hầm De Castries. Ông đã dựng lại trong “Cao điểm cuối cùng” cuộc chiến đấu trên đồi A1, nơi được gọi là “chiếc chìa khoá sống của Điện Biên Phủ”.
“Cao điểm cuối cùng” của nhà văn Hữu Mai cho thấy rõ hình ảnh một thời lịch sử oanh liệt, hào hùng của chiến thắng Điện Biên lịch sử. Những trang sách đã làm sống lại khung cảnh hùng vĩ, khốc liệt và vô cùng anh dũng của Điện Biên Phủ mùa xuân năm 1954. Với những chiến hào bùn lầy đọng máu cho chúng ta hiểu rõ giá trị của từng tấc đất, những cánh rừng hoa ban nơi các chiến sĩ của quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng chia nhau miếng củ mài, bát canh rau tàu bay cũng như san sẻ với nhau những lo lắng trước khó khăn, những niềm vui khi chiến thắng.
Nhà văn Hữu Mai cho rằng “Cao điểm cuối cùng” tuy là tiểu thuyết nhưng thực ra là câu chuyện “người thật việc thật” được sắp xếp lại thành tác phẩm văn học.
Nhà văn Hữu Mai tên khai sinh là Trần Hữu Mai, sinh tháng 07 năm 1926 tại phố Hàng Cấp, thành phố Nam Định. Năm 1946, kháng chiến toàn quốc, ông tham gia tự vệ thành, chiến đấu ở Hà Nội. Năm 1947 vào bộ đội, ông phụ trách báo Quân tiên phong của Đại đoàn 308, ông tham gia nhiều chiến dịch trong đó có chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm 1956, ông tham gia thành lập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Tổng cục Chính trị. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông là biên tập, phóng viên, sáng tác về đề tài chiến tranh. Năm 1978, ông là trưởng phòng Văn nghệ Quân đội, Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị. Năm 1983, ông chuyển sang Hội Nhà văn với quân hàm Đại tá, là Ủy viên thường trực Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khoá III, khoá IV, thành viên của Hiệp hội Quốc tế Nhà văn viết truyện trinh thám (Association Internationale des Ecrivains Policier), thành lập tại Mêhicô năm 1989).
Nhà văn Hữu Mai đã in khoảng 60 đầu sách. Những tác phẩm chính của ông: tiểu thuyết: Cao điểm cuối cùng (1960); Vùng trời (3 tập, 1975, 1976, 1980); Đất nước (1984); Ông cố vấn (3 tập, 1985, 1987, 1990); Đêm yên tĩnh (2002); Người lữ hành lặng lẽ (2003); Không phải huyền thoại (2007). Ông là người thể hiện những tập hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Từ nhân dân mà ra; Những năm tháng không thể nào quên; Chiến đấu trong vòng vây; Đường tới Điện Biên Phủ; Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử.
Năm 2000, tiểu thuyết “Cao điểm cuối cùng” cùng với các tác phẩm “Vùng trời”, “Ông cố vấn” của nhà văn Hữu Mai được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt I.
Năm 2017, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học và Nghệ thuật đợt V cho các hai tiểu thuyết “Đêm yên tĩnh” và “Người lữ hành lặng lẽ”.