Từ lâu, và cho đến bây giờ tôi vẫn quen nghĩ: xứ Nghệ (gồm cả Nghệ An và Hà Tĩnh) cơ bản là đất thơ. Không kể những dòng họ thơ lớn như Tiên Điền, Trường Lưu trong đó có đại thi hào Nguyễn Du, thời hiện đại nếu phía Nam sông Lam là Xuân Diệu, Huy Cận… thì phía Bắc sông Lam là Hoàng Trung Thông, Trần Hữu Trung, Minh Huệ, Võ Văn Trực, Nguyễn Trọng Tạo… Phải đến dịp kỷ niệm 100 năm năm sinh Bùi Hiển (1919 – 2019) tôi mới ngộ ra rằng xứ Nghệ thời hiện đại từ lâu cũng đã có một tên tuổi rất đáng chú ý trong văn xuôi với những đặc sắc riêng, để vẫn có thể ghi một dấu ấn Nghệ không giống với nhiều vùng đất khác.
Thời tiền chiến trước 1945, Bùi Hiển đến với văn đàn bằng tập truyện ngắn đầu tay có tên Nằm vạ. Tập truyện trong bản in đầu tiên gồm 8 truyện, được in ở NXB Đời nay của Tự lực văn đoàn. Đối với văn học Việt Nam trước 1945, Đời nay là một nhà xuất bản có hạng, được in ở đấy rất đáng hãnh diện. Lọt qua được sự thẩm định của Tự lực văn đoàn, Bùi Hiển sớm tự khẳng định được giá trị văn chương của mình. Cùng lúc, Bùi Hiển sớm có mặt trong số 79 chân dung trong bộ sách Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan. Qua hai vòng thẩm định như vậy, Bùi Hiển đã có thể góp mặt vào giai đoạn thứ ba – trong sự phát triển của các trào lưu văn học Việt Nam thời 1930 – 1945. Đó là giai đoạn trào lưu hiện thực sau những đỉnh cao Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng… đang chuyển sang một giai đoạn mới với một đội ngũ gồm Nam Cao, Tô Hoài, Nguyễn Đình Lạp, Mạnh Phú Tư, Kim Lân, Bùi Hiển… hướng tới những mảnh đời thường, những phận đời thường thuộc tầng lớp dân nghèo nông thôn và thành thị. Trong cái thế giới xám nhờ nhờ của các tầng lớp dân nghèo dưới đáy, bỗng thấy nổi trội lên một anh Chí Phèo của làng Vũ Đại – một nông dân cùng quẫn nơi vùng chiêm trũng Hà Nam – Bắc Bộ trong văn Nam Cao, sau những chị Dậu, anh Pha của một thời văn học trước đó. Với Nằm vạ, Bùi Hiển góp thêm một gương mặt nông thôn và nông dân xứ Nghệ, nơi một làng chài ven biển Quỳnh Lưu – Bắc Trung Bộ, không phải trong những xung đột gay gắt với địa chủ, cường hào mà là trong những nét riêng của phong tục tập quán lưu cữu hàng nghìn năm không thay đổi.
Qua phong tục, và là phong tục xứ Nghệ, cùng với những đối thoại rặt giọng Nghệ, rất hiếm trong văn chương Việt, cho đến nay, dấu ấn địa phương một vùng quê bỗng hiện lên rõ nét; và đó là cái làm nên một “thương hiệu” riêng của Bùi Hiển, “thương hiệu” đến từ và có tên là Nằm vạ. Bởi lẽ sự kiện “nằm vạ” ở đây, không giống với bất cứ vùng quê nào trong cả nước, là một kiểu “nằm vạ” đến bảy ngày mà hàng xóm không có chút động tĩnh gì, và người nằm vạ cứ việc đẫy giấc, ăn khoai khô mà sống… khỏe, cùng với một cuộc giải hòa cũng không ồn ào, mà êm thấm; quan hệ vợ chồng trở lại bình thường như không có việc gì xảy ra. Hoặc chuyện “ma đậu” trong Ma đậu, một dịch bệnh nguy hiểm cho cả vùng, hóa ra lại là cơ duyên cho một cặp vợ chồng đang triệt để sống “ly thân” bỗng được hòa thuận và vui vẻ, rồi sẽ có với nhau một đứa con kháu khỉnh…
Với Nằm vạ, Bùi Hiển được Vũ Ngọc Phan xếp vào khu vực văn xuôi “phong tục” cùng Khái Hưng, Trần Tiêu, Mạnh Phú Tư… Và được Thạch Lam khen – “đó là bức tranh có giá trị về cảnh sinh hoạt làng xóm” với lối viết “giản dị và mạnh mẽ thoáng qua một chút duyên kín đáo và có nhiều nhận xét tinh vi”
Cùng một đội ngũ viết như Nam Cao, Tô Hoài, Mạnh Phú Tư, Nguyễn Đình Lạp, Kim Lân, Bùi Hiển góp phần cho thấy một chặng phát triển mới của văn học hiện thực đang đi vào những sinh hoạt bình thường – đời thường của con người, và là những con người bé nhỏ, không tên, nó là đặc trưng cho một thời kỳ văn học chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn 1941 – 1945 tiền cách mạng. Thời này người viết chịu một sự kiểm duyệt hà khắc; không còn có chút tự do tối thiểu nào như trước đó, nhờ vào phong trào Mặt trận Dân chủ mà có, nó là dịp cho văn học hiện thực có thể chạm được vào những đỉnh cao của tố cáo và căm giận như Tắt đèn, Bước đường cùng, Lầm than, Giông tố, Số đỏ…
Như vậy, Nằm vạ với Bùi Hiển đó là tập truyện đầu tay đặc sắc đưa nhanh tác giả vào làng văn, có giá trị như một “thương hiệu”, tựa như Chí Phèo của Nam Cao, Sống nhờ của Mạnh Phú Tư, Ngoại ô và Ngõ hẻm của Nguyễn Đình Lạp, Vợ nhặt của Kim Lân… Hoặc ngược về trước một ít như Gió đầu mùa của Thạch Lam, Quê mẹ của Thanh Tịnh, Phấn hương của Ngọc Giao… Sau hai lần tái bản, với những bổ sung thêm bớt, vào các năm 1957 và 1984, Nằm vạ trở thành một tên truyện với một dấu ấn riêng, phong vị riêng rất Bùi Hiển trong gia tài truyện ngắn Việt Nam thế kỷ 20.
Từ là nhà báo, nhà giáo, nhà văn Bùi Hiển tham gia cách mạng, cướp chính quyền ở thành phố Vinh; rồi liên tục đảm nhiệm nhiều cương vị công tác quan trọng trong các cơ quan, đoàn thể văn hóa, văn nghệ Nghệ An và Liên khu 4 (gồm 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh – vùng tự do, và Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – vùng Pháp tạm chiếm). Có khác với nhiều người viết thuộc thế hệ ông, Bùi Hiển không có gì bỡ ngỡ lắm trước một cuộc sống có quá nhiều thay đổi của đất nước và quê hương. Trong khi nhiều đồng nghiệp thuộc thế hệ trước và sau ông còn băn khoăn trong những cuộc “lột vỏ” như Nguyễn Tuân, còn loay hoay trong “nhận đường” như Nguyễn Đình Thi; hoặc còn nhiều khó khăn, chậm chạp trong chọn đề tài và cách viết như Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng, Tô Hoài… thì Bùi Hiển do có hoàn cảnh thâm nhập sớm thực tế chiến trường Bình Trị Thiên nên đã có thể viết thành công bút ký – phóng sự Đánh trận giặc lúa, nói lên những giành giật gian khổ với địch của quân dân Trị Thiên để bảo vệ sản xuất, bám địch giữ làng. Cùng với Đánh trận giặc lúa, được nhận Giải khuyến khích trong Giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam 1951-1952, là những truyện ngắn khác như Một câu chuyện trong chiến tranh, Người vợ, Gặp gỡ, Ánh mắt… có thể xem là những truyện ngắn hay thời chống Pháp ghi nhận kịp thời những gian khổ, hy sinh của dân tộc, những ấm áp của tình quân dân, tình đồng đội, tình người, dẫu những mất mát và tàn khốc của chiến tranh vẫn không thể làm nguội tắt niềm tin yêu, lạc quan và niềm vui sống…
Cùng với Trận Phố Ràng của Trần Đăng, Làng của Kim Lân, Đôi mắt của Nam Cao, Thư nhà của Hồ Phương… những truyện ngắn trên của Bùi Hiển đã góp phần đưa nền văn học sau 1945 vào một giai đoạn phát triển mới của đất nước, theo định hướng: “Kháng chiến hóa văn hóa và Văn hóa hóa kháng chiến”.
Chuyển sang thời kỳ chống Mỹ, Bùi Hiển vẫn liên tục không ngừng nghỉ, không mệt mỏi cho ra đời những tập truyện ngắn viết về chiến trường và hậu phương – chính trên địa bàn xứ Nghệ và Khu 4 quê ông, qua 3 tập truyện mà chỉ riêng tên gọi cũng đủ sức gợi dẫn. Đó là Trong gió cát (1965), Những tiếng hát hậu phương (1970), Hoa và thép (1975). Cùng với truyện ngắn là các bút ký, ký sự giàu chất chính luận như Đường lớn (1966)… Trong khi nhiều đồng nghiệp trước và sau ông sớm theo đuổi những tiểu thuyết dài, nhiều tập, nhiều nghìn trang như Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi… thì ông vẫn chỉ chuyên tâm cho truyện ngắn. Trong khi nhiều người thuộc thế hệ ông sớm trở về với những vùng đề tài quen thuộc trong quá khứ tiền cách mạng hoặc lịch sử, thì ông vẫn là người chăm chỉ sống với cuộc sống đương đại, mà không có một lúc nào là người “hoài cổ”. Cái đang diễn ra, cái hôm nay luôn luôn là sức hút, là áp lực, để cho Bùi Hiển, qua truyện ngắn và ký luôn luôn là người của thời sự, của hiện tại. Vượt tuổi 60, rồi 70 và vào 80, khi đất nước chuyển sang thời kỳ Đổi mới, Bùi Hiển vẫn luôn hiện diện như một con người của thời cuộc. Sau 4 tập truyện ngắn và ký xuất hiện trong thời chống Mỹ, ông có tiếp tập truyện Tâm tưởng, in năm 1985. Tiếp đó là tập truyện Ngơ ngẩn mùa xuân, in năm 1992…
Thế nhưng, dẫu có một hành trình viết liên tục như thế, tôi lại có cảm tưởng giới nghiên cứu, phê bình một thời sau Đổi mới có lúc “quên” ông, ít nói đến ông. Và điều đó có lý do. Bởi đó là thời, sau kết thúc chiến tranh năm 1975, vào nửa đầu thập niên 1980, cả đất nước bước vào một cuộc tìm kiếm mô hình phát triển xã hội sao cho hợp quy luật và hợp lòng dân. Từ những bức xúc đó đưa tới con đường tất yếu hướng đến công cuộc Đổi mới, với yêu cầu “cởi trói” và hai phương châm: “Lấy Dân làm gốc” và “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá sự thật, nói rõ sự thật”, làm nên thành công của Đại hội VI – cuối năm 1986 của Đảng. Và đó chính là cơ sở cho một chuyển động có thể nói là dữ dội trong đời sống văn học, với những tên sách gây chấn động một thời như Thời xa vắng của Lê Lựu, Mùa lá rụng trong vườn của Ma Văn Kháng, Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp… Còn Bùi Hiển, với Tâm tưởng thì quá… hiền lành! Và có vẻ như… xa thời cuộc, khác với các tên truyện trước đây trong hai cuộc kháng chiến của ông. Chỉ có một truyện trong tập mang tên Cái bóng cọc là có gây được một ít dư luận. Đó là chuyện tác giả kể về một ông già, có vẻ là cán bộ về hưu, ham luyện khí công, đứng và ngồi đều bất động như một “cái bóng cọc” hàng giờ, không để ý, không liên quan gì với một vòi nước bên cạnh xả nước ồ ồ. Một cái nhìn phê phán… nhẹ nhàng cách sống cá nhân, không quan tâm đến ai ngoài bản thân!
Cũng như vậy, Ngơ ngẩn mùa xuân, in năm 1992, với truyện ngắn được chọn làm tên chung cho tập truyện kể câu chuyện một nhân vật mãi đến tuổi ngoài 40 mới gây dựng nổi một mái ấm gia đình. Trong khi năm 1992, trước và sau đó là những năm văn đàn sôi nổi những tranh luận chung quanh ba tiểu thuyết được giải của Hội Nhà văn Việt Nam là Nỗi buồn chiến tranh (hoặc Thân phận tình yêu) của Bảo Ninh, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, Bến không chồng của Dương Hướng.
Hiện diện thường xuyên cùng đồng nghiệp gồm nhiều thế hệ và bạn đọc – đó là nét đặc trưng đời văn trong 90 năm tuổi đời của Bùi Hiển (1919 – 2009). Có nghĩa là gần như lúc nào Bùi Hiển cũng có mặt trong mọi chuyển động của văn học thế kỷ 20. Ngoài 15 tập truyện ngắn và ký xuất hiện từ 1941 đến 1992, là các văn bản dịch, qua tiếng Pháp, các tác phẩm của Fadeev, Anna Seghers, Yourcenar, Makine, Farrère… Bên cạnh đó, còn là văn học viết cho thiếu nhi, với: Con chuột mù, Phép lạ (trước 1945), Bên đồn địch, Quỳnh xóm cháy.
Cũng cần phải kể thêm một tập tiểu luận – hồi ký có tên: Hướng về đâu văn học?, ấn hành năm 1996. Ở tập sách này, nội dung đáng lưu ý là những hồi nhớ, kỷ niệm của ông trong đời viết, và chân dung một số bạn bè, đồng nghiệp như Đặng Thai Mai, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Chế Lan Viên, Tô Hoài, Chu Văn, Phan Tứ… Còn về lý luận, xem ra không phải là hướng quan tâm lớn của ông, dẫu có một bài viết 5 trang được chọn làm tên chung cho cả tập: Hướng về đâu văn học? Một bài viết ngắn, so với nhiều bài khác, ít có liên quan đến yêu cầu tổng kết và định hướng cho một nền văn học mới mang tên hiện đại, có lịch sử ngót hai phần ba thế kỷ, bây giờ đang đi vào thời hội nhập. Một tấm gương lao động bền bỉ, một cây bút giữ được sự hiện diện thường xuyên trong đời sống văn học qua tất cả các chặng đường thế kỷ 20 – đó là chân dung Bùi Hiển theo cách hình dung của tôi, một chân dung có tuổi thọ 90 và tuổi nghề ngót 70.
Một hiện diện bền bỉ và hiếm có, ít nhất là trong so sánh với những tên tuổi thuộc thế hệ ông, trừ một vài “đại thụ” như Nguyễn Tuân, Tô Hoài…
Giáo sư Phong Lê
Bài viết được trình bày tại Hội thảo kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Bùi Hiển tại Hà Nội ngày 22 tháng 11 năm 2019.