Bồi hồi trước hồ sơ đi B của nhà thơ Lê Anh Xuân

Trong nhiều bộ hồ sơ gốc của cán bộ đi B (miền Nam) được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước), có một bộ hồ sơ có mã số 1429 mang tên Ca Lê Hiến, với bí danh Lê Lan Xuân. Đây là hồ sơ của nhà thơ Lê Anh Xuân, tác giả bài thơ nổi tiếng “Dáng đứng Việt Nam”

Nhiều năm là cán bộ Đoàn

Giữa tháng bảy vừa qua, tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, tôi có dịp được đọc hồ sơ đi B của giảng viên Trường đại học Tổng hợp Hà Nội Ca Lê Hiến. Ca Lê Hiến sinh ngày 5.6.1940 tại xã Tân Thành Bình (Mỏ Cày, Bến Tre) trong một gia đình trí thức yêu nước.

Trong lý lịch sinh viên, ông khai trước Cách mạng Tháng Tám, khi bố mẹ thoát ly tham gia kháng chiến, Ca Lê Hiến lúc đó 5 tuổi về ở với bà nội tại xã Tân Thành Bình. Năm 1950, Ca Lê Hiến vào khu 9, ở tại Cơ quan Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ. Lúc này, ông Ca Văn Thỉnh, bố Ca Lê Hiến là Uỷ viên Uỷ ban này.

Tại đây, tuy còn nhỏ tuổi nhưng Ca Lê Hiến đã làm một số việc của Uỷ ban như dán bao thư, đi liên lạc… Cuối năm 1953, Ca Lê Hiến vừa học văn hoá, vừa học việc tại nhà in Trịnh Đình Trọng thuộc Sở Giáo dục Nam bộ. Sau hoà bình lập lại, tháng 11.1954, Ca Lê Hiến tập kết ra Bắc và học tại Trường học sinh miền Nam.

Trong quá trình học phổ thông, học kỳ nào Ca Lê Hiến cũng được nhà trường khen thưởng về thành tích học tập và công tác tập thể. Ca Lê Hiến được kết nạp Đoàn đầu năm học lớp 7 (tháng 10.1956), sau đó làm cán bộ Đoàn những năm học phổ thông tiếp theo.

Nhà thơ Lê Anh Xuân (trái) và nhà văn Anh Đức tại Ban Tuyên huấn, Trung ương Cục miền Nam.

Học hết phổ thông, Ca Lê Hiến vào học tại khoa Sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, niên khoá 1959-1960. Trong thời gian học tại đây, bên cạnh thành tích học tập, Ca Lê Hiến còn tích cực tham gia hoạt động Đoàn. Năm 1962, Ban Chấp hành Đoàn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã nhận xét về Ca Lê Hiến khi ông sắp tốt nghiệp: “Là chấp hành Chi Đoàn, đồng chí có quan hệ tốt với quần chúng, được đoàn viên và thanh niên yêu mến, tín nhiệm. Đồng chí tích cực và nghiêm chỉnh chấp hành mọi chủ trương, chính sách của đảng, nỗ lực phấn đấu để trở thành đảng viên”.

Luôn hướng về miền Nam

Đọc hồ sơ đi B của giảng viên Ca Lê Hiến, có thể thấy trong những năm học tập tại miền Bắc, ông luôn nhớ miền Nam. Điều này khiến tôi nhớ tới bài thơ “Nhớ mưa quê hương” được ông viết khi học năm đầu đại học, với những vần thơ da diết. Ca Lê Hiến đã đạt giải nhì với bài thơ này trong đợt thi thơ năm 1960 của Tạp chí Văn nghệ.

Ngày 22.7.2023, hồ sơ của giảng viên Ca Lê Hiến là một trong 15 hồ sơ của cán bộ đi B được trao trả cho cán bộ, thân nhân cán bộ đi B tại Hội nghị Biểu dương người có công với Cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2023. Các giấy tờ trong hồ sơ đi B của liệt sĩ Ca Lê Hiến được trao trả cho thân nhân của ông hầu hết dưới dạng bản sao; riêng chứng minh thư được trao trả bản gốc.

Tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Ca Lê Hiến được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy. Sau đó, ông được cử đi học nghiên cứu sinh ở nước ngoài nhưng ông đã từ chối. Trong lý lịch cán bộ viết ngày 5.5.1964, Ca Lê Hiến bày tỏ: “Nguyện vọng và cũng là quyết tâm của tôi là được về Nam Bộ tham gia kháng chiến cùng bà con quê hương trong ấy.

Hiện nay, chuyên môn của tôi là giảng dạy môn lịch sử thế giới cổ đại ở Trường Đại học Tổng hợp, nhưng về miền Nam tôi có thể dạy các môn khoa học xã hội, cả Văn, Sử… Ngoài chuyên môn ra, tôi có khả năng tham gia công tác báo chí hoặc sáng tác thơ. Ngoài công tác giáo dục, tôi rất muốn được tham gia công tác về văn học nghệ thuật ở miền Nam, tôi có thể đi bất cứ đâu khi Đảng cần đến”.

Trong lý lịch cán bộ, phần khai về gia đình, Ca Lê Hiến ghi rõ: “Tôi có vợ chưa cưới là Bùi Xuân Lan, hiện đang học năm thứ ba Học viện Kinh tài Thượng Hải (Trung Quốc). Bùi Xuân Lan con gia đình liệt sĩ quê ở Cần Thơ, có anh ruột là nhà văn Bùi Đức Ái (tức nhà văn Anh Đức, tác giả tiểu thuyết Hòn Đất- PV), hiện đang công tác trong Nam. Cả hai chúng tôi đều quyết tâm đi về Nam”.

Ngày 16.9.1964, Ca Lê Hiến nhận quyết định của Bộ Giáo dục điều động về Uỷ ban Thống nhất Trung ương để vào miền Nam. Khi đó, theo quy định chung đối với các cán bộ đi B, toàn bộ hồ sơ của ông phải để lại miền Bắc. Và để tránh bị đối phương phát hiện là cán bộ miền Bắc đưa vào mặt trận, Ca Lê Hiến lấy bí danh là Lê Lan Xuân, đặt theo tên vợ chưa cưới Xuân Lan.

Tại chiến trường, ông công tác ở Tiểu ban Giáo dục thuộc Ban Tuyên huấn, Trung ương Cục miền Nam. Năm 1965, ông chuyển sang công tác tại Hội Văn nghệ Giải phóng, sống và chiến đấu với tư cách người chiến sĩ – nghệ sĩ. Năm 1966, Ca Lê Hiến được kết nạp đảng.

Tại chiến trường miền Nam, Ca Lê Hiến lấy bút danh là Lê Anh Xuân, ngoài làm thơ, ông còn viết văn. Sau chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, xúc động trước hình ảnh người chiến sĩ giải phóng hy sinh tại sân bay Tân Sơn Nhất, Lê Anh Xuân đã viết bài thơ “Dáng đứng Việt Nam”. Tháng 5.1968, Lê Anh Xuân đã hy sinh tại Long An trong một trận càn của địch.

Nay, được đọc hồ sơ đi B của ông, thấy bồi hồi cảm xúc vì cách đây gần 60 năm, trước khi đi B nhà thơ đã để lại toàn bộ hồ sơ, hình ảnh, kỷ vật ở miền Bắc – để chẳng mang theo gì cho riêng mình trước lúc lên đường. Hình ảnh ấy của ông đã gợi trong tôi những nét tương đồng như hình tượng anh Giải phóng quân trong bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” với những vần thơ “tạc vào thế kỷ” mà nhà thơ Lê Anh Xuân đã viết nên…

KIẾN NGHĨA

Báo Tiền Phong