Pờ Sảo Mìn là một gương mặt thơ miền núi khá độc đáo, đặc sắc, mới lạ. Chính cái riêng khó lẫn đó góp phần đáng kể vào việc làm phong phú nền thơ dân tộc thiểu số nói riêng và thơ ca Việt Nam hiện đại nói chung.
Chàng trai Pa Dí với “Cây hai ngàn lá”
Pờ Sảo Mìn người dân tộc Pa Dí, sinh ngày 01.10.1944 dưới chân núi Dì Thàng, thôn Na Khui, xã Mường Khương, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai – nơi thượng nguồn sông Chảy. Ông tự đặt cho mình nhiều bút danh, như: Bạch Minh, Thiếu Minh, Pao Li, nhưng chính tên khai sinh Pờ Sảo Mìn mới neo trong tâm trí bạn đọc và làm nên tên tuổi nhà thơ “Cây hai ngàn lá”.
Là người con Pa Dí đầu tiên có tấm bằng cử nhân, Pờ Sảo Mìn đã tự bạch chân thành “Mường Khương chính là mảnh đất cho tôi nguồn thơ, tiếp nguồn năng lượng sáng tạo, cho dân tộc Pa Dí của tôi”. Những chuyến xê dịch xuôi ngược trong và ngoài nước đã cho ông tầm nhìn để có thêm chất liệu sống, nhưng với ông chỉ “cấy trồng” trên đất mẹ mới cho ông những “mùa gặt” bội thu. Ông gọi Mường Khương với cái tên trìu mến “Mai ta về Mường Khương đất mẹ”. Hiện ông có 8 tập thơ in riêng: Cây hai ngàn lá (1992), Bài ca hoang dã (1993), Mắt lửa (tập thơ chọn 1997), Cung đàn biên giới (2002), Con trai người Pa Dí (2002), Mắt rừng xanh (2005), Đô cánh chim rừng (2014), Tiếng chim cao nguyên (2015); và ba tập thơ in chung với Lò Ngân Sủn: Hoa trên núi đá (1974), Rừng sáng (1997), Núi mọc trong mặt gương (1978). Chưa kể thơ Pờ Sảo Mìn có mặt trong nhiều tập thơ, tuyển thơ.
Thơ Pờ Sảo Mìn độc đáo, mang vẻ đẹp tâm hồn người Pa Dí hồn nhiên, chất phác, sáng trong và chính điều đó đã mang đến cho ông những “mùa gặt” bội thu giải thưởng văn chương của các Hội chuyên ngành từ địa phương đến Trung ương. Đó là hai giải thưởng Tuần báo Văn nghệ; hai giải thưởng của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam; ba lần đạt giải thưởng Phan-xi-păng. Nhưng có một giải thưởng lớn hơn chính là sự ghi nhận và tình cảm yêu mến, quý trọng của công chúng với nhà thơ đầu tiên của dân tộc Pa Dí ở đỉnh cao Mường Khương.
Từng bước khẳng định bản thân trên con đường văn chương, Pờ Sảo Mìn luôn biết ơn những nhà văn dân tộc thiểu số như Mã A Lềnh, Lò Ngân Sủn, Y Phương… đã đồng hành, đã chia ngọt sẻ bùi, đã nâng khúc buồn đau bằng lời động viên kịp thời nhất. Ông coi nhà văn Ma Văn Kháng là “thần tượng” mà mình có may mắn được gặp gỡ, được thầy thụ giáo khi thầy dạy học ở Lào Cai. Không ai khác chính tác giả “Đồng bạc trắng hoa xòe” đã phát hiện ra “một mỏ vàng” ở Mường Khương.
Bản sắc văn hóa quê hương miền núi
Thơ Pờ Sảo Mìn sở dĩ độc đáo, giảu bản sắc văn hóa của dân tộc “chỉ có hai ngàn người- Như cái cây hai ngàn chiếc lá- Cây hai ngàn lá” chính là ông đã khai thác sâu, lấy văn hóa dân tộc làm nơi vịn bám, nâng đỡ. Cả đời ông bám rễ với quê hương, làm thơ về quê hương, viết về người miền núi và thổi vào đó tình yêu, khát vọng vươn lên của người làm chủ. Cảm hứng về quê hương, nguồn cội vì thế luôn là thường trực trong thơ chàng trai Pa Dí. Tình yêu ấy gắn với những địa danh quen thuộc.
Nương vào văn hóa dân tộc, trong khá nhiều sáng tác, Pờ Sảo Mìn thường mượn lời đề từ lấy dẫn dắt, nâng đỡ tác phẩm của mình. Khi đó, chất liệu dân ca không đơn thuần chỉ là lời mà là sức mạnh tinh thần, nâng đỡ bài thơ. Cảm xúc với dân tộc đã làm nên sự độc đáo, hấp bởi tâm hồn Pa Dí khoáng đạt, lấp lánh; bởi sự chắt lọc tinh tế bản sắc văn hóa dân tộc; bởi sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại… Bài thơ làm nên tên tuổi Pờ Sảo Mìn và ngược lại nhắc đến ông người ta thường ấn tượng với bài thơ “Cây hai ngàn lá”. Điều đó được minh chứng sự có mặt của bài thơ trong rất nhiều tuyển tập thơ Việt Nam hiện đại; có mặt trong hàng hoạt bài báo, hay nghiên cứu về Pờ Sảo Mìn, tên bài thơ Cây hai ngàn lá được nhắc trong các tít bài, như: “Pờ Sảo Mìn – nhà thơ “Hai ngàn lá” (Lò Ngân Sủn); “Pờ Sảo Mìn và dân tộc Pa Dí Hai ngàn lá” (Y Phương), “Cây hai ngàn lá nhà thơ của tình yêu” (Hoàng Văn An)…
Pờ Sảo Mìn có được niềm tự hào riêng khi nhờ có duyên thơ mà nhiều người biết đến dân tộc “cây hai ngàn lá” của “con trai người Pa Dí”. Trong mỗi bài thơ, ông đã khéo léo giới thiệu vùng đất, con người giàu bản sắc văn hóa. Chỉ bằng hai câu thơ “Con gái cũng vén tay khoe tài- Tước vỏ cây thêu áo đẹp ngày mai”, nhà thơ ngầm giới thiệu sự đảm đang, khéo léo của con gái Pa Dí tự dệt vải và may trang phục truyền thống cho mình. Màu chủ đạo là xanh chàm, điểm màu xanh lá mạ và màu đen. Pờ Sảo Mìn hào phóng mời bạn bè hãy đến thăm “ngôi nhà trên đỉnh núi”, vàng mùa “chảy từ ruộng bậc thang” để leo “Thang trời” – điều không dễ có ở vùng đất khác.
Thơ ông chứa chan niềm tự hào, khẳng định chiều sâu văn hóa của một dân tộc, đồng thời là thái độ tự tôn về một dân tộc có thể ít người nhưng không thua kém bất cứ dân tộc nào dẫu có số dân đông hơn. Thơ Pờ Sảo Mìn ăm ắp tình yêu với quê hương. Vẻ đẹp quê hương còn được thể hiện ở sự đổi thay từng ngày từng giờ nhờ ánh sáng của Đảng, Chính phủ và tình đoàn kết gắn bó của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Vẻ đẹp của tâm hồn và tính cách người miền núi
Lao động sáng tạo là chuyện của một đời. Dẫu ở chốn thâm sơn cùng cốc, nhưng lúc nào ông cũng bận rộn với chữ nghĩa. Bản chất người miền núi phóng khoáng, rộng mở, sống an nhiên cùng núi non miền núi, trở về quê, nhà thơ bộc bạch niềm mong của mình “Tôi không khát vọng quyền lực, tiền bạc mà chỉ có một khát vọng nho nhỏ là bình yên cho đất nước, gia đình, bạn bè… để đi tới đâu cũng có bạn bè, uống rượu, đọc thơ và hát”.
Tự nhận mình là người được hưởng lộc quê hương, thơ Pờ Sảo Mìn đều dễ nhận thấy vẻ đẹp chân chất của người miền núi. Thơ ông dựng lên chân dung những con người hiền thục, sống cuộc sống dân dã, an lành. Người dân quê ông chân chất như hạt lúa củ khoai, một đời lặm lụi với đất đai quê hương, nhưng ý thức công dân rất cao khi Tổ quốc cần “Ra chiến trường như đi đám cưới- Ba ngày ăn rượu mừng- Say nghiêng rừng nghiêng núi- Bảy ngày ăn rượu vui- Say nghiêng đất nghiêng trời”.
Thơ ông dạt dào niềm thương mến biết ơn người vợ hiền thục. Biết ơn vợ, nhớ vợ, thương vợ thật ra không mới, nhưng có lẽ chưa ai cất tiếng gọi vợ bằng mẹ như nhà thơ Pờ Sảo Mìn: “Tôi gọi em đích thực “Mẹ ơi”– Mẹ của các con- Và mẹ của chính tôi- Không có vợ không câu thơ sinh nở- Không có vợ không bài ca để hát”. Bao nhiêu năm ấy, dù thật khó khăn gian khổ, nhưng cô giáo Nùng vẫn một lòng như đất đai, gánh bao nhiêu oằn nặng, nuôi con ăn học thành tài. Gia đình Pờ Sảo Mìn là gia đình duy nhất ở Mường Khương có bốn bằng cử nhân.
Nhà thơ tự hào là người dân tộc Pa Dí, một trong những dân tộc thuộc ngữ hệ Tày-Thái trên rẻo cao Mường Khương hùng vĩ với dân số khoảng 2.000 người. Bạn bè nể phục ông ở nghị lực hiếm thấy. Một con người sinh ra như là để đo sức chịu đựng, thử sự bền gan, dò những thách thức của số phận. Đôi lúc ngẫm ngợi những miền đất đã qua từ Đông sang Tây, từ miền núi về xuôi, từ miền đá về biển… cho ông những trải nghiệm quý giá và nhất là sự thức nhận bản thân. Trên đường đời nhớ nhớ quên quên ấy, ông chỉ nhớ và chỉ còn nhớ hai chữ “Làm CON NGƯỜI viết HOA” (Quên nhớ).
Trong đường đời không ít gian nan, thử thách, Pờ Sảo Mìn luôn có giải pháp tích cực, vừa biết chấp nhận, vừa phải rút ra bài học sống và nhất là luôn phải sống thực với mình. Nhà thơ Hữu Thỉnh gọi Pờ Sảo Mìn là vẻ đẹp của sự bổ sung. Pờ Sảo Mìn tự hào là công dân Pa Dí đầu tiên được trời cho “ăn lộc”, được trở thành thơ, được bám chắc vào văn hóa dân tộc để viết về dân tộc mình và các dân tộc anh em.
Phong cách nghệ thuật độc đáo giàu bản sắc văn hóa
Thừa hưởng mạch nguồn văn hóa dân gian vốn là thế mạnh của hầu hết các nhà thơ dân tộc thiểu số. Mỗi người biết linh hoạt vận dụng theo những lối đi riêng. Đó chính là thế mạnh làm bên bản sắc văn hóa dân tộc. Pờ Sảo Mìn cũng vậy. Sự độc đáo của Pờ Sảo Mìn là tư duy mạch lạc, diễn đạt gọn rõ, dễ hiểu không quá tân kỳ về hình thức biểu hiện, ngôn ngữ thơ giàu tính tạo hình, hình ảnh thơ đẹp dễ neo vào lòng bạn đọc.
Thơ ông thường sử dụng thủ pháp ví von, so sánh, nhân hóa, ẩn dụ… Điều dễ thấy các biện pháp tu từ ấy thường gắn với thiên nhiên. Sử dụng biện pháp nhân hóa, Pờ Sảo Mìn góp nên bức tranh bằng âm thanh sống động: “Bỗng gà rừng cất cao giọng hót-Muôn loài chim thức dậy xôn xao” (Con trai người Pa Dí); “Tiếng ong bay như tiếng cưa xẻ gỗ” (Tập thơ Cung đàn biên giới); “Tiếng hoẵng gọi nghe như tiếng còi tàu xa” (Tập thơ Cây hai ngàn lá); “Tôi con suối thì đi-Em đất đai ở lại” (Vợ ơi)…
Kết hợp giữa dân tộc và hiện đại, trong nhiều bài thơ của Pờ Sảo Mìn thể hiện rõ chất triết lý nhân sinh. Những triết lý của ông không khô khan mà thấm đượm vào từng câu chữ, hình ảnh. Đó là thành công và cũng là thế mạnh khi ông biết phát huy.
Cùng với các nhà thơ dân tộc miền núi sinh ra sau cách mạng tháng Tám, như: Y Phương, Lò Ngân Sủn, Vương Anh, Triệu Kim Văn… Pờ Sảo Mìn là một gương mặt thơ miền núi khá độc đáo, đặc sắc, mới lạ… Chính cái riêng khó lẫn đó góp phần đáng kể đối với việc làm phong phú nền thơ dân tộc thiểu số nói riêng và thơ ca Việt Nam hiện đại nói chung. Thành tựu văn chương đã đưa Pờ Sảo Mìn đứng trong hàng ngũ các nhà văn, nhà thơ dân tộc thiểu số hàng đầu ở nước ta hiện nay. Ông đã đưa vào thơ lối tư duy mạch lạc cùng lời ăn tiếng nói của dân tộc. Sự đóng góp của ông cho văn chương đã làm nên nét riêng, một tiếng thơ riêng, một giọng điệu riêng hoang dã và trí tuệ. Chính điều đó làm nên phong cách Pờ Sảo Mìn – một phong cách “Cả đời hát khúc ca trên miền đá”. Cả cuộc đời hát bài ca của dân tộc “Gió reo hát qua hai ngàn chiếc lá”.
LÊ THỊ BÍCH HỒNG
Theo nguồn:https://vanvn.vn/ban-sac-van-hoa-mien-nui-qua-tho-po-sao-min/