Khuất Quang Thụy: Người mang gió lốc trong lòng

Những năm 1990, ở vùng Sơn Tây (Hà Nội) hầu như ai cũng biết tên tuổi nhà văn Khuất Quang Thuỵ. Có lẽ bởi đây là vùng đất có nhiều doanh trại bộ đội đóng quân, mà Khuất Quang Thuỵ lại là người của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, thường xuyên có tác phẩm đăng trên đó. Thêm nữa, năm 1991, tác phẩm Người đẹp xứ Đoài của ông khiến nhiều người tìm đọc, đặc biệt là các cô giáo dạy văn.

Nhà văn Khuất Quang Thụy
Chân dung nhà văn Khuất Quang Thụy

Ngày đó, tôi học cùng trường với Vân Huyền – con gái nhà văn Khuất Quang Thuỵ (hiện là đạo diễn Khuất Vân Huyền) nhưng chưa một lần được gặp ông trực tiếp. Danh tiếng nhà văn lớn đến mức chúng tôi – những học sinh chuyên Văn, còn ngưỡng mộ “lây” cả con gái ông và tìm cách làm quen bằng được với mục đích đến ngôi nhà của ông, xem nhà văn ngồi ở căn phòng nào, bên chiếc bàn nào để viết nên những tác phẩm đồ sộ như thế. Nhưng tuyệt đối không lần nào được diện kiến ông. Tôi nhiều lần ngước nhìn bức ảnh chân dung đen trắng khổ 30x40cm treo trên tường đến mức gương mặt ông trở nên thân thuộc… Đám trẻ đùa nghịch trong khu vườn rậm rạp cây cối, leo trèo hái những quả cóc non đầu mùa chia nhau ăn. Những buổi chiều trôi qua rộn rã và mơ mộng trong ngôi nhà đó.

Tôi tập tành viết văn từ thuở ấy. Trong lòng luôn có một mong ước được một nhà văn lớp trước hướng đạo, dìu dắt, nhưng lại e dè sợ sệt trước sự “đổ bóng” của họ. Có lẽ vì thế mà càng về sau này, tôi càng ngần ngại không dám chủ động tiếp cận các nhà văn tên tuổi. Với Khuất Quang Thuỵ lại càng không. Cho đến khi ông được bầu làm Uỷ viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khoá 8 và được phân công phụ trách Trang thông tin điện tử Hội Nhà văn (tên miền lúc đó là vanvn.net), tôi mới có cơ duyên làm việc trực tiếp dưới quyền ông.

Một ngày đầu tháng Tư năm 2011, nhà văn Khuất Quang Thuỵ gọi điện cho tôi, giọng ông hơi dè dặt: “Em có thể sang giúp anh một thời gian để xây dựng trang web của Hội Nhà văn không? Anh chỉ mong em giúp một năm, sau đó em ở lại hay trở về chỗ cũ thì anh không dám giữ.” Tôi không chút đắn đo, quyết định chuyển từ một nơi không dính dáng gì đến văn chương nghệ thuật sang làm việc trong chính “đền đài” của làng văn trước sự ngạc nhiên của rất nhiều đồng nghiệp. Những ngày đầu tiên về nhận việc, mọi thứ ngổn ngang khiến tôi không khỏi hoang mang: nhân sự không có chuyên môn, cơ sở vật chất sơ sài, kỹ thuật không đồng bộ… Nhà văn Khuất Quang Thuỵ đã lặng lẽ và kiên trì thực hiện từng bước để xây dựng lại một trang web của Hội Nhà văn sinh động, bề thế không thua kém một tờ báo điện tử, trở thành nguồn cung cấp thông tin đầu tiên về các hoạt động liên quan đến văn học trong và ngoài Hội Nhà văn. Và cũng là nơi đăng tài các tác phẩm, bài viết của nhiều nhà văn trong và ngoài nước. Nhìn cách làm việc âm thầm mà quyết liệt của ông, những nhân viên cấp dưới cũng không dám chểnh mảng, có những ngày làm việc tới mười mấy tiếng đồng hồ, về nhà nằm ngủ mà nhắm mắt lại vẫn thấy màn hình máy tính  hiện ra lù lù trước mặt. Ông không có những lời đao to búa lớn, trong các cuộc họp giao ban thường chỉ đưa ra các chủ trương, phương hướng, yêu cầu về nội dung bằng cách nói giản dị, gần gũi nhất để chúng tôi thực hiện. Chính điều đó là một thử thách với tôi, phải làm thế nào để hiện thực hoá được những ý tưởng chỉ khái quát trong một vài câu của lãnh đạo mà không sai hướng. Người không quen với cách điều hành công việc của Khuất Quang Thuỵ luôn tưởng ông dễ dãi, xuề xoà nên chỉ làm qua quýt cho xong việc. Thực tế, ông là người kỹ lưỡng đến từng con chữ, tinh tường đến từng câu văn và có những nguyên tắc nghiêm ngặt trong nghề văn không thể phá vỡ. Ông thường hậu kiểm các bài viết hoặc bài do tôi biên tập, dù có lỗi nhỏ hay lỗi lớn, ông chỉ nhắc nhở bằng giọng điệu nhẹ nhàng, hài hước rất riêng, chẳng hạn: “Chùm thơ này bỏ bài nào chả được, sao lại phải đăng đến 7 – 8 bài để kéo dài sự nhạt?”

Hiếm có nhà văn nào tự đặt ra kỷ luật lao động nghiêm túc như Khuất Quang Thuỵ. Dù bận rộn đến mấy, ông vẫn luôn dành khoảng thời gian cho sáng tác. Tiểu thuyết nào của ông cũng đồ sộ, từ cuốn đầu tiên xuất bản năm 1979 – Trong cơn gió lốc đến những tiểu thuyết được viết sau nhiều năm chiến tranh đi qua: Những bức tường lửa (2004), Đối chiến (2012) vẫn luôn dồi dào bút lực và nóng bỏng cảm xúc của người lính trực tiếp cầm súng chiến đấu và góp phần làm nên ngày toàn thắng 30 tháng 4 năm 1975. Truyện ngắn là một điểm nhấn đặc biệt trong sự nghiệp văn chương Khuất Quang Thuỵ, bạn đọc nhiều năm còn nhắc đến hai tập: Những người ở bến Phù Vân (1985) và Những trái tim không tàn tật (1986). Các truyện ngắn trong hai tập sách này đều phản ánh sâu sắc cuộc sống của người lính trong và sau chiến tranh, mang đậm tính nhân văn và giá trị lịch sử. Trước khi nổi tiếng với những tác phẩm văn xuôi, Khuất Quang Thuỵ được biết đến như một nhà thơ của chiến trường. Những người bạn lính cùng thời với ông vẫn nhớ các câu thơ viết về mẹ: “Con ngồi trên võng làm thơ/ Nhìn guốc võng mòn nhớ lời ru của mẹ/ Những lời ru về đường kim mũi chỉ/ Dây bí dây bầu/ Mẹ cấy dưới đồng sâu/ Cha cày trên ruộng cạn/ Nay tóc mẹ đã ngả theo màu mây núi Tản/ Con đã đi cuối đất cùng trời/ Mà câu dân ca còn mới vậy. Mẹ ơi!” (Viết ở nhà mình). Cuốn Trong cơn gió lốc được tái bản nhiều lần sau năm 1979 và lần gần nhất đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước.

Trước khi về Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Khuất Quang Thuỵ là Phó Tổng biên tập của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Tiếng tăm trước đó của ông khiến cho cấp dưới như tôi cũng được hưởng “phép lợi thế”, khi đi đến bất cứ đơn vị bộ đội nào, chỉ cần giới thiệu là “lính của ông Khuất Quang Thuỵ” lập tức sẽ được tạo những điều kiện tốt nhất để tác nghiệp, kể cả đó là những vùng rừng núi hay nơi biển đảo xa xôi. Có lần tôi đi phỏng vấn một Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học, khi biết tôi là “lính ông Thuỵ”, Viện trưởng nhất định tặng một cây mít giống mới để ông trồng ở vườn trên quê. Không thể từ chối được, tôi đành chở cây mít dài cả mét chạy dọc các con phố Hà Nội về cơ quan. Cuối tuần cây mít mới được nhà văn mang về quê.

Nhưng cũng vì “tiếng tăm” của ông trong những chuyện đời tư, tôi gặp không ít tình huống dở khóc dở cười. Bên trong cái vẻ thô mộc, hơi quê mùa, nhà văn Khuất Quang Thuỵ là người rất đa tình, đa cảm. Mọi thứ thuộc về cảm xúc đến thật tự nhiên như chính sự hồn nhiên của con người ông, không lẩn tránh, không giả tạo. Lần đầu tiên gặp một người bạn của tôi, ông nói nhỏ một câu: “Xứ Đoài mà có người đẹp như em ư?” Chỉ thế thôi mà tôi lo sợ cho sự chao đảo từ phía bạn mình, bởi vì câu ấy được nói ra một cách quá chân thành. Có lẽ những hệ luỵ đến với ông trong cuộc sống đời thường xuất phát từ sự chân thành đó. Con người ông không có sự phòng bị nào trước sự an nguy mà tình cảm ập đến, ông không biết và không nỡ trốn tránh sự nồng nàn dành cho mình.  Những câu thơ trong bài Để ngỏ như lời bày tỏ: “Tôi để ngỏ đời tôi/ Mặc mưa sa bão táp/ Tôi để ngỏ thơ tôi/ Cho người đời đến đọc/ Tôi để ngỏ đời tôi/ Chờ em vào cấu xé/ Chán rồi thì em đi/ Nhớ, em về lại nhé”.

Vì những thay đổi khách quan sau kỳ Đại hội Hội Nhà văn lần thứ 9, nhà văn Khuất Quang Thuỵ chuyển hẳn sang làm Tổng biên tập tuần báo Văn Nghệ, không còn phụ trách trang vanvn.net nữa, tôi chọn đi theo hướng rẽ khác để phù hợp hơn với cuộc sống cá nhân. Dù không còn làm việc chung một cơ quan, nhưng lúc nào ông cùng dành sự quan tâm, lo lắng cho tôi. Ông luôn lo lắng tôi không được vững vàng trước những nghiệt ngã của đời sống khi chọn một công việc trái ngược với môi trường văn chương quen thuộc. Không nói ra, nhưng ông âm thầm theo sát từng bước tiến của tôi trong lĩnh vực mới, để bớt đi sự thấp thỏm mỗi ngày. Công việc mới khá áp lực và bận rộn, nên mỗi khi mệt mỏi hay đạt được thành quả nào đó, tôi lại sang ngồi ở phòng làm việc của ông tại báo Văn Nghệ “bắt” ông nghe hết những điều mình đang phải vượt qua. Những lúc như thế, tôi luôn nhận được cảm giác được chia sẻ và che chở để mình tự tin đi tiếp về phía trước. Năm 2021, chuyển sang công việc trong ngành xuất bản, ngày đi làm đầu tiên, tôi chạy sang chào ông. Tôi nhận thấy ánh mắt của ông rất vui, ông nói với tôi bằng một sự an tâm: “Em đã quay lại rồi. Em hợp với chữ nghĩa, làm văn chương sẽ tốt hơn.” Tôi trở lại ngôi nhà văn chương lớn, một phần cũng mang theo mong muốn sẽ làm được điều gì đó giúp sức cho ông trong công việc. Nhưng mọi việc lại dần ngả theo một hướng khác…

Những năm tháng cuối, nhà văn Khuất Quang Thuỵ gặp phải nhiều chuyện buồn và rắc rối không đáng có. Tôi cảm nhận được nỗi buồn đau của ông. Và cũng chứng kiến bản lĩnh người lính trong ông trước những giông gió cuộc đời. Cùng một lúc đối diện với sự phản trắc, cơn bạo bệnh, nỗi thất vọng… khiến trái tim ông quá sức chịu đựng. Một buổi trưa cuối mùa xuân đến thăm ông, tôi nắm lấy tay bàn tay trắng xanh và gầy đi rất nhiều, nhưng vẫn ấm áp và thân thuộc. Tôi đưa từng cuốn sách cho ông. Dường như những cuốn sách đã trở nên quá nặng, dù không cuốn nào dày bằng tiểu thuyết của ông. Tôi không dám khóc. Tôi cố cười để nghe ông dặn dò những chuyện chỉ có thể dặn riêng mình nếu ông không còn ở lại được lâu nữa. Văn bản cuối cùng có chữ ký của ông là bản hợp đồng in hai cuốn tiểu thuyết trong một dự án sách lớn, tôi đã khóc khi nhận được. Chữ ký và tên ông viết xiêu vẹo vì cả ngày hôm trước tay ông phải cắm kim tiêm truyền dịch. Buổi trưa đó cũng là lần cuối cùng tôi được ngồi cạnh ông…

Mấy ngày sau khi ông trở về đồng đất quê hương, nhà thơ Lê Anh Hoài đã viết bài thơ Tưởng niệm Khuất Quang Thụy: đa đoan như số phận/ tự chạy chữa phận mình/ bằng tình yêu/ cuộc đời cho tình yêu người/ người trả lại nỗi buồn phân mảnh/ nông thôn/ thời chiến/ bị vùi vào chiến tranh/ viết chiến tranh/ không bao giờ viết hết/ nợ chiến tranh/ chiến tranh ám vào đến chết/ chiến tranh nợ người/ sống đời hòa bình/ hòa bình không tha/ hòa bình nợ người/ nhân hậu hiền hòa/ bão tố trong lòng/ nụ cười như có lỗi/ tha thứ hết rồi.

Phải có với nhau ân nghĩa sâu nặng lắm, những người bạn văn mới có thể viết về nhau như thế. Riêng với tôi, nhà văn Khuất Quang Thuỵ đi xa là đã mang theo một điểm tựa lớn mà trước nay tôi không ngoảnh lại, nhưng luôn biết rằng, đó là điểm tựa của tin yêu.

Tháng 6. 2025

Phạm Thị Phong Lan