Sáng ngày 3/7/2025, Bảo tàng Văn học Việt Nam đón Tiến sĩ Diêu Lan Phương – chủ nhiệm CLB Ngôn ngữ và EQ cùng các em học sinh lớp 9 tới tham gia một buổi học trải nghiệm đặc biệt, nơi kết hợp giữ tri thức sách vở và cảm hứng nghệ thuật sống động.

Hướng đến mục tiêu mở rộng hiểu biết ngoài khuôn khổ sách giáo khoa, chương trình trải nghiệm tại Bảo tàng Văn học Việt Nam đã mang đến cho các em học sinh chuỗi hoạt động phong phú như: tham quan hệ thống trưng bày, xem phim tư liệu quý về nhà văn – nhà thơ, lắng nghe những chuyện văn học đầy cảm xúc và đặc biệt là tự tay thực hiện trải nghiệm sáng tạo với tranh dân gian Đông Hồ. Mỗi hoạt động là một nhịp cầu kết nối giữa văn học và cuộc sống, khơi gợi tình yêu Văn học một cách tự nhiên và sâu sắc.

Cô Nguyễn Thị Luân – giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn (Đống Đa, Hà Nội) đồng thời cũng là phụ huynh của một học sinh trong CLB chia sẻ đầy tâm huyết: “Đến với Bảo tàng hôm nay, tôi vừa là giáo viên, vừa là phụ huynh. Ở vai trò giáo viên, tôi thực sự ấn tượng với phần trưng bày tại bảo tàng: vừa phong phú, thiết thực, lại rất gần gũi với chương trình học. Khi đến bảo tàng các em được tận mắt thấy những hình ảnh, hiện vật, những cuốn sách nguyên bản của các nhà văn, nhà thơ mà trước giờ chỉ được biết đến qua sách vở, tôi tin rằng tình yêu văn học sẽ được vun đắp mạnh mẽ hơn. Sau buổi trải nghiệm hôm nay, tôi chắc chắn sẽ lên kế hoạch đưa học sinh lớp mình tới tham quan bảo tàng.

Còn với tư cách phụ huynh, tôi thấy các hoạt động hôm nay rất hấp dẫn. Các con không chỉ học mà còn được trải nghiệm thực tế, được nghe kể chuyện, được xem phim, được làm tranh – những điều đó giúp các con cảm nhận rằng môn Văn không khô khan hay nặng nề, mà rất gần gũi, nhẹ nhàng và thú vị.”
Không giấu được hào hứng, em Bảo Trang một học sinh tham gia chương trình chia sẻ: “Con thực sự bất ngờ khi đến bảo tàng vì cách bày trí cổ điển, tạo cảm giác rất gần với không gian xưa trong văn học. Câu chuyện về cụ Nguyễn Trãi khiến con thay đổi hoàn toàn hình dung trước đây – cụ không hề khô cứng như con tưởng mà rất sinh động qua những hiện vật và tượng mô phỏng. Đặc biệt, con ấn tượng với vẻ đẹp của bà Nguyễn Thị Lộ. Con cũng rất thích bộ phim tư liệu về nhà thơ Huy Cận, trong phim có nhiều chi tiết quý giá mà con chưa từng được học ở trường hay đọc trên mạng. Đây sẽ là những tư liệu tuyệt vời để con đưa vào bài viết sau này. Cuối cùng là trải nghiệm làm tranh Đông Hồ, lúc đầu con khá lo lắng nhưng nhờ được cán bộ bảo tàng hướng dẫn tận tình, con đã hoàn thành bức tranh đầu tay và rất ưng ý với kết quả.”

Còn với em Phạm Gia Hân, một học sinh khác của CLB, chuyến đi này giống như một hành trình ngược dòng thời gian: “Buổi trải nghiệm hôm nay giúp con như được quay về quá khứ để khám phá dòng chảy của văn học dân tộc. Con không chỉ học thêm kiến thức văn học mà còn hiểu hơn về lịch sử Việt Nam. Đến đây, con mới cảm nhận sâu sắc rằng đất nước mình có một kho tàng văn hóa, văn học thật sự đồ sộ và đáng tự hào.”
Buổi học trải nghiệm không chỉ để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng học sinh và phụ huynh, mà còn góp phần khẳng định vai trò của Bảo tàng Văn học Việt Nam như một “trường học mở”, nơi nuôi dưỡng tình yêu văn chương bằng chính những lát cắt chân thực từ lịch sử và đời sống. Trong thời gian tới, bảo tàng mong muốn tiếp tục trở thành điểm đến thân thiện của các nhà trường, thầy cô, phụ huynh và học sinh trên hành trình khám phá và gieo mầm văn hóa.
BTVHVN