Để chuẩn bị cho triển lãm “50 năm văn học nghệ thuật sau ngày thống nhất đất nước”, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch – Tạ Quang Đông đã đến thăm và làm việc tại Bảo tàng VHVN. Cùng đi có ông Trần Hướng Dương – Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn. Tiếp đón và làm việc với đoàn có nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ – Giám đốc Bảo tàng VHVN cùng cán bộ bảo tàng.

Tại buổi làm việc, ông Tạ Quang Đông đã được nghe giới thiệu khái quát về quá trình hình thành và phát triển của Bảo tàng Văn học Việt Nam nơi lưu giữ những giá trị di sản văn học dân tộc từ cổ đại đến hiện đại. Ông bất ngờ trước vẻ đẹp kiến trúc và quy mô không gian trưng bày của bảo tàng. Nhiều nội dung trưng bày hấp dẫn, câu chuyện nhà văn và hiện vật quý đã khiến ông vô cùng xúc động. Ông bày tỏ sự khâm phục, biết ơn trước những cống hiến to lớn của biết bao thế hệ nhà văn góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước.
Từ những tư liệu, hiện vật được trưng bày, ông đã chọn 12 tài liệu, hiện vật quý của các nhà văn, nhà thơ tiêu biểu như: Cuốn “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh (bản tiếng Trung); cuốn “Cung oán ngâm khúc, Kim Vân Kiều truyện” bản tiếng Đức 1967; giá viết và tác phẩm “Bài ca giữ nước” của nhà thơ Tào Mạt; bản thảo viết tay vở “Hai giọt máu” của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ; bản thảo viết tay bài thơ “Hoa cúc xanh” của nhà thơ Xuân Quỳnh; bản thảo viết tay “Dòng sông thơ ấu” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng… đưa đến trưng bày triển lãm “50 năm văn học nghệ thuật sau ngày thống nhất đất nước”.

Thay mặt tập thể cán bộ, nhân viên Bảo tàng VHVN, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ gửi lời cảm ơn tới ông Tạ Quang Đông đã đến thăm và làm việc, chia sẻ về định hướng của Bảo tàng VHVN trong thời gian sắp tới, trong đó nhấn mạnh về việc bảo quản hiện vật, vai trò của công nghệ, truyền thông trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, văn học của dân tộc.
Kết thúc buổi làm việc, ông mong muốn Bảo tàng Văn học Việt Nam có những dự án phát triển số hoá, hút chân không các tủ bày hiện vật quý để lưu giữ vĩnh cửu. Ông Tạ Quang Đông cũng khẳng định vai trò là cầu nối giữa quá khứ – hiện tại, nhà văn và công chúng, góp phần to lớn vào việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của dân tộc của Bảo tàng VHVN.
BTVHVN